Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 5 trang 21 sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 1 phần soạn bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (tiếp theo) chi tiết và đầy đủ nhất.
Đề bài:
Viết thư là một hoạt động giao tiếp. Khi viết thư, dù ý thức rõ hay không, người viết vẫn cần để ý đến các nhân tố giao tiếp sau đây:
Bạn đang xem: Bài 5 trang 21 SGK Ngữ văn 10 tập 1
a) Thư viết cho ai, người viết có quan hệ thế nào với người nhận?
b) Hoàn cảnh cụ thể của người viết và người nhận thư khi đó như thế nào?
c) Thư viết về vấn đề gì?
d) Thư viết để làm gì?
e) Nên viết như thế nào?
Anh (chị) hãy phân tích những điều nói trên qau bức thư Bác Hồ gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9 năm 1945 dưới đây:
Các em học sinh,
Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cảnh nhộn nhịptưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu nhận được một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hi sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao?
Trong năm học tới đây, các en hãy cố gắng, siêng năng học tập, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên ta đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh qung để sánh vai cới các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.
Chào các em thân yêu.
HỒ CHÍ MINH (Theo văn bản trong Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006) |
Trả lời bài 5 trang 21 SGK văn 10 tập 1
Cách trình bày 1
a) Thư viết cho các em học sinh cả nước. Người viết lúc ấy là vị lãnh tụ của dân tộc, là người chăm lo cho quyền lợi, hạnh phúc của các em học sinh cũng như người dân cả nước.
b) Người viết viết thư vào ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9 năm 1945.
c) Thư viết về cảm nghĩ, mong muốn của Bác Hồ trước ngày khai giảng năm học đầu tiên của các em nhỏ sau khi giành được độc lập dân tộc.
d) Thư viết nhằm khuyến khích tinh thần hiếu học, thể hiện niềm tin của Bác Hồ đối với thế hệ tương lai của đất nước.
e) Bức thư của Bác được viết với giọng điệu tâm tình, gần gũi nhưng không kém phần trang trọng, khiến người đọc, người nghe cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy gần gũi, xúc động.
Cách trình bày 2
Các nhân tố giao tiếp qua bức thư của Hồ Chí Minh:
a. Nhân vật giao tiếp:
Ai viết thư? → Bác Hồ, với tư cách là Chủ tịch nước.
Thư viết cho ai → Học sinh trên toàn đất nước Việt Nam – những chủ nhân tương lai của nước Việt Nam độc lập.
b. Hoàn cảnh giao tiếp:
Năm 1945, khi đất nước vừa mới giành được độc lập, Bác Hồ viết bức thư gửi đến các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
c. Vấn đề (nội dung) giao tiếp:
+ Bác Hồ bày tỏ niềm vui khi thế hệ học sinh đã có cơ hội được hưởng nền độc lập và được “nhận nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”.
+ Bác nhắc nhở các cháu học sinh về nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi em đối với việc bảo vệ và xây dựng đất nước.
+ Lời chúc mừng của Bác Hồ gửi tới toàn thể học sinh.
d. Mục đích giao tiếp:
+ Chúc mừng học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên của đất nước Việt Nam độc lập
+ Nhắc nhở học sinh về nhiệm vụ và trách nhiệm đối với đất nước, niềm mong mỏi của Bác đối với thế hệ tương lai.
e. Cách viết thư: lời lẽ chân tình, gần gũi, nhưng cũng cứng rắn, nghiêm túc xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của học sinh.
Cách trình bày 3
Phân tích các nhân tố giao tiếp của bức thư Bác Hồ gửi HS cả nước nhân ngày khai trường năm 1945.
a. Bác Hồ với tư cách là chủ tịch nước viết thư gửi học sinh toàn quốc. Người nhận là học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa
b. Hoàn cảnh cụ thể: Nước ta vừa giành được độc lập và chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ dân chủ, rất cần có nhân tài, do đó, sự cố gắng học tập, nỗ lực phấn đấu của những công dân tương lai có ý thức quan trọng cấp bách.
– Người viết (Bác Hồ) là người từng trải, kinh nghiệm có được từ nhiều nước văn minh thế giới, mong muốn cho đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.
– HS: Lần đầu tiên được học trong nhà trường của nước nhà độc lập.
c. Nội dung bức thư phân tích ý nghĩa của ngày khai trường đầu tiên và động viên HS tích cực học tập, phấn đấu vì tương lai tươi sáng của đất nước.
+ Bộc lộ niềm vui vì học sinh thế hệ tương lai được hưởng cuộc sống độc lập
+ Nhiệm vụ và trách nhiệm của học sinh đối với đất nước
+ Sau cùng là lời chúc của Bác đối với học sinh.
d. Mục đích của bức thư: Chúc mừng học sinh nhân ngày tựu trường của đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cổ vũ tinh thần học tập của các HS, từ đó xác định nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang của học sinh.
e. Cách viết: Vừa là bức thư, vừa là lòi kêu gọi, phân tích ý nghĩa của nhà trường trong thời đại mới, đồng thời nêu lên mục đích cao cả của sự nghiệp cách mạng, từ đó gợi mở HS suy nghĩ trách nhiệm thiêng liêng của mình. Lời văn giản dị, gần gũi với HS.
Cách trình bày 4
a. Nhân vật giao tiếp
Bác Hồ, với tư cách là Chủ tịch nước, đã viết thư gửi cho học sinh toàn quốc – những chủ nhân tương lai của nước Việt Nam độc lập.
b. Hoàn cảnh giao tiếp
Đất nước vừa mới trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ và giành được độc lập. Đây là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
c. Nội dung giao tiếp
– Đầu thư Bác đã nhắc đến niềm vui của học sinh vì được hưởng nền độc lập, tự do và được “nhận nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”.
– Nhắc nhở về nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi học sinh đối với đất nước.
– Cuối thư là lời chúc tốt đẹp của Bác Hồ gửi tới học sinh cả nước.
d. Mục đích giao tiếp
Bác viết để chúc mừng học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên của đất nước Việt Nam độc lập, đồng thời nhắc nhở học sinh về nhiệm vụ và trách nhiệm đối với đất nước.
e. Ngôn ngữ giao tiếp
Thư viết với lời lẽ chân tình, gần gũi, thể hiện tình cảm yêu mến và tin tưởng của Bác Hồ với các em học sinh. Đồng thời nghiêm túc xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của học sinh đối với đất nước trong tương lai.
Trên đây là gợi ý trả lời câu hỏi bài 5 trang 21 SGK ngữ văn 10 tập 1 được Học Tốt biên soạn chi tiết giúp các em soạn bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (tiếp theo) trong chương trình soạn văn 10 tốt hơn trước khi đến lớp.
Chúc các em học tốt !
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp