Các đề văn về Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường

0
74
Rate this post

Tuyển tập các đề văn về Ai đã đặt tên cho dòng sông cùng các câu hỏi chuyên đề Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường được tổng hợp dưới đây, nhằm giúp các em học sinh hiểu thêm về tác phẩm cũng như tiếp cận được nhiều dạng câu hỏi, đề bài liên quan đến tác phẩm này hơn để không bỡ ngỡ trước các câu hỏi của đề kiểm tra, đề thi Văn lớp 12 và đề thi THPT quốc gia.

Các đề văn về Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường

 

I. Các câu hỏi chuyên đề Ai đã đặt tên cho dòng sông

Ngoài các câu hỏi chuyên đề Ai đã đặt tên cho dòng sông qua phần soạn bài Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường trong SGK Ngữ văn lớp 12, các em học sinh còn có thể mở rộng thêm kiến thức với những câu hỏi được tổng hợp dưới đây nhằm phục vụ cho các em làm các đề văn về nhân vật Mị được đầy đủ và đạt điểm cao hơn.

Câu 1: Nêu hoàn cảnh ra đời, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường?

Trả lời

a. Hoàn cảnh ra đời:  

– “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bài bút kí xuất sắc viết tại Huế ngày 4/1/1981, in trong tập sách cùng tên.
Bài tùy bút có ba phần:

+ Phần 1: Cảnh quan thiên nhiên xứ Huế.

+ Phần 2 + 3: Phương diện lịch sử và văn hóa của sông Hương.

– Đọan trích nằm ở phần thứ nhất và lời kết của toàn bộ tác phẩm.

b. Giá trị nội dung:

– Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của Sông Hương từ nhiều góc độ: Từ thượng nguồn tới khi qua kinh thành Huế; từ tự nhiên, lịch sử đến văn hóa nghệ thuật. Qua đó ca ngợi thành phố Huế và rộng hơn là ca ngợi quê hương đất nước .

– Bộc lộ con người tác giả: Lịch lãm, tài hoa, có tình yêu tha thiết với mảnh đất cố đô.

c. Giá trị nghệ thuật:

– Bộc lộ ngòi bút tài hoa, uyên bác:

+ Huy động nhiều vốn kiến thức địa lí, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ;

+ Sử dụng hiệu quả các biện pháp nghệ thuật nhân hóa, so sánh, ẩn dụ…

+ Ngôn ngữ phong phú, gợi hình, gợi cảm, câu văn giàu nhạc điệu.

– Liên tưởng rất mực phóng túng.

– Có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa chủ quan và khách quan.

– Văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế, tài hoa.

Câu 2: Những đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Trả lời

+ Ngôn ngữ: phong phú, giàu hình ảnh, gợi cảm.

+ Hình ảnh: so sánh độc đáo bằng liên tưởng lãng mạn, đậm chất trữ tình.

+ Thủ pháp: nhân hóa : Sông Hương được cảm nhận như một sinh thể sống động (là người con gái dịu dáng đằm thắm với tất cả các cung bậc cảm xúc) thuận lợi để đan cài những suy tưởng về văn hóa, lịch sử, về truyền thống con người và đất nước Việt Nam.

Xem thêm: Sơ đồ tư duy Ai đã đặt tên cho dòng sông

Câu 3: Phân tích về sự so sánh giữa sông Hương – Huế với mối tình ghi khắc của Thúy Kiều – Kim Trọng?

Trả lời

khi so sánh sông Hương – kinh thành Huế với mối tình giữa nàng Kiều, Kim Trọng chính là sự liên tưởng tấm lòng người dân Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở

Có 3 so sánh bắc cầu: sông Hương trong khúc ngoặt chia tay kinh thành Huế -Thúy Kiều trong đêm tình tự gửi lời nguyện thề cùng Kim Trọng – người Châu Hóa mãi thủy chung với xóm làng > từ dòng chảy khác lạ của dòng sông liên tưởng tới mối tình kín đáo, e ấp, trước sau như nhất của Kim – Kiều, so sánh với tình yêu quê hương xứ sở của người Huế > mượn tình cảm riêng để khái quát mối tình chung, làm cho tình yêu đất, yêu nước không chung chung, to tát mà mềm mại, ý vị, tinh tế,  mà đằm thắm, thiêng liêng, sâu sắc.

Câu 4: Trong bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường,ở phần nói về thượng nguồn, Sông Hương được ví với hình ảnh hai người phụ nữnào? Ý nghĩa của những hình ảnh ấy ?

Trả lời

* Ở phần nói về thượng nguồn, Sông Hương được ví với hình ảnh hai người phụ nữ:

+ Cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại;

+ Người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.

* Ý nghĩa của những hình ảnh ấy:

–  Về nội dung:

+ Hình ảnh cô gái Di- gan thể hiện vẻ đẹp vừa huyền bí, dữ dội , vừa tự do,trong sáng của sông Hương giữa lòng Trường Sơn- một vẻ đẹp còn đầy tính bản năng.

+ Hình ảnh người mẹ phù sa tô đậm vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ  của sông Hương khi ra khỏi rừng – một vẻ đẹp của sự trưởng thành mang cốt cách văn hóa .

– Về nghệ thuật:

Hình ảnh ví von đặc sắc khiến sông Hương hiện ra như một sinh thể có hồn, có cốt cách và làm nổi bật những nét đối cực trong tính cách của sông Hương, gia tăng chất trữ tình, chất thơ cho lời văn tùy bút.

Câu 5: Cách giải thích tên sông, cách đặt tiêu đề và kết thúc bằng một câu hỏi trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

Trả lời

– Nhan đề “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”

+ Câu hỏi tu từ đặt ra “với trời, với đất” đưa nhà văn và độc giả đế với hành trình lịch sử tìm về cội nguồn và văn hóa dân tộc. Từ đó dòng sông Hương hiện ra trên nhiều phương diện địa lí, lịch sử, văn hóa thi ca…

+ Lưu ý người đọc về cái tên đẹp của dòng sông.

+ Gợi lên lòng biết ơn với người đã khai phá và đặt tên cho sông Hương.

– Kết thúc tùy bút là một huyền thoại rất đẹp, bộc lộ cái tôi trữ tình suy tư: Con ngườiở hai bờ đã “nấu nước trăm loài hoa đổ xuống dòng sông, để làn nước thơm tho mãi”.

+ Huyền thoại ấy như một câu trả lời cho câu hỏi Ai đã đặt tên cho dòng sông?

+ Tác giả gửi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn đem cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử.

=> Nhan đề và kết thúc tác phẩm thể hiện rõ chủ đề và phong cách bút kí của tác giả giàu sức gợi, thấm đẫm chất thơ. Qua đó tác giả ca ngợi cảnh vật sông Hương – con sông gắn bó với lịch sử, văn hóa Huế của dân tộc ta. Tác phẩm thể hiện lòng yêu mến say mê cảnh vật, văn hóa đất nước. Hình ảnh dòng sông đất nước được thể hiện bằng tài năng của một cây bút giàu chất trí tuệ, chất văn hóa và ngôn ngữ trong sáng chọn lọc, tinh tế.

Câu 6: Trong bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã so sánh sông Hương với những con sông nào trên thế giới? So sánh như vậy để làm gì?

Trả lời

a. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã so sánh sông Hương với những con sông: sông Xen, sông Đa- nuýp, sông Nê-va.

b. Tác dụng: Làm nổi bật lên sự tương đồng và vẻ đẹp độc đáo của sông Hương.

– Tương đồng

+ Đều là những con sông đẹp nổi tiếng của mỗi đất nước.

+ Đều chảy qua thành phố của các quốc gia: Sông Xen của Pa- ri (Pháp); sông Đa-nuýp  của Bu-đa-pét (Hung-ga-ri); sông Nê-va của Lênin Grát (Nga); sông Hương của Huế (Việt Nam).

– Vẻ đẹp độc đáo của sông Hương:

+ Các dòng sông đều có dòng chảy nhanh, mạnh, đặc biệt là sông Nê- va. Sông Nê-va “trôi đi quá nhanh”, “cuốn trôi những đám băng lô xô”, giống như “đoàn tàu tốc hành”.

+ Còn sông Hương chảy thật chậm “cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”, đấy là“điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”, là sự “vấn vương của một nỗi lòng”, không nỡ rời xa thành phố yêu thương của mình.

=> Hoàng Phủ Ngọc Tường rất yêu mến và tự hào về vẻ đẹp của sông Hương.

Câu 7: Trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã so sánh dòng chảy của sông Hương như thế nào khi dòng sông đang xa dần thành phố Huế rồi “đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ”. Ý nghĩa của sự so sánh ấy?

Trả lời

– Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có ba so sánh bắc cầu: Khúc ngoặt của sông Hương ở thị trấn Bao Vinh xưa cổ để gặp lại thành phố Huế lần cuối – Thúy Kiều trong đêm tình tự gửi lời nguyện thề cùng Kim Trọng – người dân Châu Hóa mãi chung tình với quê hương xứ sở.

– Ý nghĩa:

+ Từ dòng chảy khác lạ của dòng sông, tác giả liên tưởng tới mối tình kín đáo, e ấp, trước sau như nhất của Kim – Kiều, so sánh với tình yêu quê hương xứ sở tha thiết của người Huế.

+ Mượn tình cảm riêng để khái quát mối tình chung, làm cho tình yêu đất, yêu nước không chung chung, to tát mà mềm mại, ý vị, tinh tế mà đằm thắm, thiêng liêng, sâu sắc.

II. Các đề văn về Ai đã đặt tên cho dòng sông

Các đề văn về Ai đã đặt tên cho dòng sông được tổng hợp và hướng dẫn các em học sinh cách lập dàn ý, cách viết bài với nhiều bài văn mẫu tham khảo cho mỗi đề bài. Các em có thể tìm hiểu chi tiết cho từng đề bài dưới đây.

Đề 1: Phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông

>>Tham khảo: Dàn ý phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông

Đề 2: Phân tích vẻ đẹp sông Hương trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông

>> Tham khảo: Dàn ý vẻ đẹp sông Hương trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông

Đề 3: Bình luận về vẻ đẹp sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông

Đề 4: Phân tích hình tượng sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông

Đề 5: Phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông liên hệ Đây thôn vĩ dạ

Với Các đề văn về Ai đã đặt tên cho dòng sông các câu hỏi chuyên đề Ai đã đặt tên cho dòng sông ở trên, đã tổng hợp đầy đủ những nội dung chính xoay quanh tác phẩm, các em học sinh có thể từ đó liên hệ vào với đề bài cụ thể của mình để triển khai thành những bài văn chi tiết.

 

Tuyển tập các đề văn về Ai đã đặt tên cho dòng sông cùng các câu hỏi chuyên đề Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường thường gặp trong các đề thi, đề kiểm tra xoay tác phẩm các em cần nhớ

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cac-de-van-ve-ai-da-dat-ten-cho-dong-song-hoang-phu-ngoc-tuong-hay-nhat/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp