Cảm nhận khổ 5 bài thơ Tiếng hát con tàu

0
53
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận khổ 5 bài thơ Tiếng hát con tàu

cam nhan kho 5 bai tho tieng hat con tau

Cảm nhận khổ 5 bài thơ Tiếng hát con tàu
 

Bạn đang xem: Cảm nhận khổ 5 bài thơ Tiếng hát con tàu

I. Dàn ý Cảm nhận khổ 5 bài thơ Tiếng hát con tàu

1. Mở bài

– Giới thiệu về tác phẩm và tác giả Chế Lan Viên
– Giới thiệu về khổ thơ thứ năm trong tác phẩm Tác hát con tàu.

2. Thân bài

– Khổ 5 là niềm hạnh phúc khi nhân vật trữ tình được trở lại với nhân dân.
– Phân tích:
+ Chế Lan Viên đã đặt ở đầu khổ thơ này một tiền giả định, ông dùng hai từ “gặp lại”: xác định mối quan hệ của nhân vật trữ tình với nhân dân, thể hiện những tình cảm gần gũi, yêu thương.
+ Nhà thơ xưng là “con” với nhân dân: Bởi ông tự nhận mình là đứa con được “mẹ” nhân dân nuôi lớn, gắn bó máu thịt với nhân dân bằng mối quan hệ khăng khít.
=> Mối quan hệ này, tình cảm này tượng trưng cho những người con của Cách mạng, sau chiến đấu được trở về trong vòng tay của nhân dân. Niềm cảm xúc trào dâng bởi trong suốt những năm tháng khó khăn, họ đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.
+ Những câu thơ tiếp theo là liên tiếp những hình ảnh so sánh, thể hiện sự gắn bó, khăng khít giữa đứa con Cách mạng và Nhân dân.
+ Hình ảnh “nai về suối cũ”: chú nai hoang được trở về với con suối thân thương, đã từng cho mình dòng nước mát lành.
+ “cỏ đón …mùa”: diễn tả sự sinh sôi của vạn vật trong mùa xuân, với niềm vui trào dâng trong lòng, hình ảnh “đứa trẻ …sữa, chiếc nôi …đưa”: gợi lên hình ảnh của đứa con thơ trong vòng tay mẹ hiền, được chăm sóc, yêu thương.
=> Tất cả những hình ảnh ấy đều gợi lên một sự gắn bó, hòa hợp tuyệt đối giữa nhân vật trữ tình và nhân dân. Sự gắn bó ấy thân thiết như con cái với cha mẹ, không thể chia cắt, tách biệt.

3. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận khổ 5 bài thơ Tiếng hát con tàu

Sau những năm tháng chiến tranh, đất nước ta bước vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, một trong những phong trào đó là đi thực tế, đi sản xuất tại những vùng cao để cùng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong những năm tháng đó, có rất nhiều tác phẩm ra đời để cổ vũ tinh thần không ngại gian khổ của con người khi tiến lên những vùng xa xôi nhất của Tổ quốc để dựng xây cuộc sống mới. Một trong số đó là tác phẩm Tiếng hát con tàu của nhà thơ Chế Lan Viên. Bài thơ là bài ca vui tươi, phấn khởi, cổ vũ tinh thần con người, đồng thời cũng thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt của những con người cách mạng khi trở lại với nhân dân. Và điều đó đã được thể hiện rất rõ ở khổ thơ thứ năm trong bài thơ Tiếng hát con tàu:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”

Nếu như cả bài thơ hàm chứa những lời động viên tinh thần to lớn, cổ vũ những con người lên đường đi xây dựng Tổ quốc ấm no thì khổ thơ thứ năm lại chứa đựng một niềm hạnh phúc dạt dào, sâu sắc khi nhà thơ – người con Cách mạng được gặp lại nhân dân của mình. Chế Lan Viên đã đặt ở đây một tiền giả định “gặp lại”. Điều đó có nghĩa là ông và nhân dân đã từng có một mối quan hệ khăng khít và giờ đây, nhân vật trữ tình được trở lại, được “gặp lại” nhân dân, gặp lại những người thân của mình. Ở câu thơ này, đọc lên, người ta thấy được một sự gần gũi, thân thiết đến lạ lùng, phải chăng họ – nhân vật trữ tình và nhân dân đã từng chung sống gắn bó vô cùng mới có thể có được cảm giác như thế? Chế Lan Viên còn xưng “con” với nhân dân bởi ông tự nhận mình là đứa con xa lâu ngày được gặp lại “mẹ’ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân bằng tình cảm sâu sắc. Như Tố Hữu cũng đã từng viết trong bài Việt Bắc:

“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”

Ở đây, Chế Lan Viên đang viết về những con người đi xây dựng chủ nghĩa xã hội trên núi rừng Tây Bắc – một trong những nơi khởi đầu cho những phong trào Cách mạng, nơi nhân dân đã hết lòng bao bọc, nuôi sống bộ đội và chiến sĩ cho kháng chiến. Tình cảm đó được hình thành, được bồi đắp suốt khoảng thời gian khó khăn nhất, có lẽ vì thế, khi gặp lại nhau, những đứa con ngày xưa không khỏi xúc động nghẹn ngào. Bởi suốt trong những năm tháng trường kì kháng chiến gian khổ, họ đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, vậy nên, “gặp lại” sao lại không thể vui mừng được cơ chứ ?

Tình cảm sâu sắc là thế, có sự so sánh nào là đủ, vậy nên một loạt những câu thơ tiếp theo, Chế Lan Viên dã mượn những hình ảnh so sánh thật gần gũi để thể hiện sự gắn bó khăng khít của đứa con Cách mạng với nhân dân.

Ông nói gặp lại nhân dân “như nai về suối cũ “. Đây là một hình ảnh thơ hết sức đặc sắc, khi chú nai hoang được trở về với suối nguồn, nơi đã từng nuôi dưỡng nguồn sống của chú, nơi cho chú dòng nước mát lành. Ông cũng so sánh việc gặp gỡ ấy như “cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa”. Hai hình ảnh cỏ và chim én là hai biểu tượng của mùa xuân, gợi lên trong lòng ta sự tươi mát, sự đâm chồi nảy lộc của cây lá. Còn những những cánh én kia trở về từ phương Nam sau một mùa đông lạnh lẽo, để giờ đây cất tiếng hót vui mừng chào đón mùa xuân. Hai hình ảnh này đều gợi lên một niềm vui phơi phới trào dâng trong lòng nhân vật trữ tình, dùng nó để gợi tả lên không khí ấm áp, vui tươi của người con Cách mạng khi được gặp lại nhân dân mà mình yêu quý.

Với mỗi chúng ta, mẹ là người yêu thương, chăm lo cho ta nhất, dòng sữa ngọt mát lành của mẹ đã nuôi lớn ta từng ngày. Và Chế Lan Viên đã dùng hình ảnh ấy để khẳng định mối quan hệ, tình yêu thương giữa nhân vật trữ tình và nhân dân :

“Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”

Hình ảnh người mẹ hiền ở đây được ví như nhân dân, bởi trong những năm tháng còn gian khổ, nhân dân là người đã bao bọc, đã chở che cho những đứa con Cách mạng. Nhân dân chính là người mẹ thứ hai đã sinh ra họ, chăm lo và bảo vệ cho họ.

Tất cả những hình ảnh được nhà thơ sử dụng ở trên đều là những cặp hình ảnh đi liền với nhau “nai- suối, cỏ – giêng hai, chim én – mùa xuân, đứa trẻ – dòng sữa, chiếc nôi – cánh tay đưa”. Đó là bởi ông muốn dùng nó để khẳng định sự gắn bó, hài hòa tuyệt đối giữa nhân vật trữ tình và nhân dân, giữa người con Cách mạng với nhân dân của mình. Tình cảm ấy tưởng như là máu thịt, như mẹ với con, không thể chia rời, tách biệt.

Hơn thế nữa, trong mỗi lời thơ, chúng ta còn cảm nhận được cái rưng rưng đầy xúc động của Chế Lan Viên, đó là thứ tình cảm biết ơn sâu sắc của nhân vật trữ tình gửi gắm tới nhân dân. Hình ảnh nhân dân thật lớn lao, thật cao cả và bao dung như tấm lòng người mẹ.

Nếu như các nhà thơ khác khi sử dụng biện pháp so sánh thường chỉ so sánh một với một, ví dụ như :

“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng”

Thì ở đây, Chế Lan Viên đã phá cách khi so sánh sự gặp gỡ trở lại với nhân dân với năm hình ảnh khác. Điều này chứng tỏ một sự độc đáo trong phong cách sáng tác của ông, đồng thời cũng khẳng định sự mừng rỡ, đầy sung sướng của nhân vật trữ tình. Tình cảm ấy cực kì mênh mang và sâu sắc !

Chỉ bằng một khổ thơ thế nhưng nhà thơ đã tạo nên những ấn tượng sâu sắc, tác động trực tiếp lên tình cảm của người đọc. Nó ghi lại một dấu ấn khó phai về phong cách thơ với những hình tượng độc đáo của nhà thơ Chế Lan Viên

Một khổ thơ ngắn nhưng lại chứa chan biết bao tình cảm sâu nặng của nhân vật trữ tình đối với nhân dân. Đồng thời nó khẳng định phong cách thơ sáng tạo của Chế Lan Viên. Cùng với các khổ thơ khác trong bài thơ Tiếng hát con tàu đã tạo dựng lên một bức tranh con người Việt Nam trong thời kì xây dựng đất nước với bao tình cảm gắn bó, nồng đượm, yêu thương giữa con người với con người, tình quân dân thắm thiết.

—————–HẾT——————–

Có thể nói khổ thơ thứ năm bài thơ Tiếng hát con tàu chứa đựng một niềm xúc động lớn lao khiến cho bài thơ tràn đầy thứ tình cảm yêu thương của con người. Các bài viết khác như Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu, Giải thích ý nghĩa nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên và bình giảng khổ thơ đề từ, Bình giảng khổ thơ sau đây trong bài thơ Tiếng hát con tàu: “Con gặp lại nhân dân… gặp cánh tay đưa”, Phân tích khổ thơ sau trong bài Tiếng hát con tàu: “Con tàu này lên… đã hóa những con tàu” cũng sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về các khía cạnh khác của bài thơ. Hãy cùng nhau đọc và tìm hiểu nhé!

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-kho-5-bai-tho-tieng-hat-con-tau/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp