Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình

0
68
Rate this post

Đề bài: Anh/chị hãy trình bày Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình (trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du.

cam nhan ve doan noi thuong minh

Bạn đang xem: Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình

Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình

1. Cảm nhận về đoạn trích Nỗi thương mình, mẫu số 1 (Chuẩn):

Nguyễn Du là một trong số những gương mặt nhà thơ tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho nền văn học trung đại Việt Nam với nhiều tác phẩm đặc sắc. Trong số những tác phẩm của ông, “Truyện Kiều” được xem là kiệt tác, là đỉnh cao của nền văn học với nhiều điểm đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Đọc “Truyện Kiều”, chắc hẳn bạn đọc sẽ không thể nào quên được hình ảnh Thúy Kiều với bao nỗi đau đớn, xót xa, nỗi thương thân khi phải sống trong chốn lầu xanh và đoạn trích “Nỗi thương mình” đã thể hiện rõ nét điều đó.

Đoạn trích với bút pháp ước lệ, tượng trưng đã gợi ra một cách rõ nét cuộc sống của Thúy Kiều nơi chốn lầu xanh.

Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh.

Chỉ với bốn câu thơ, nhưng bằng việc sử dụng tài tình các hình ảnh ước lệ giàu sức gợi “bướm”, “ong”, “cuộc vui”, “trận cười” cùng việc sử dụng điển cố điển tích Tống Ngọc, Trường Khanh tác giả Nguyễn Du như lột tả một cách rõ nét, chân thực và sinh động bức tranh chốn lầu xanh. Đó là một cuộc sống nhơ nhớp, buông thả, ăn chơi trác tán. Ở nơi đó, những cô kĩ nữ như Thúy Kiều ngày đêm phải tiếp khách, trở thành món hàng, trở thành thứ đồ mua vui cho những vị khách phong lưu. Đặt nhân vật vào cuộc sống nhơ nhớp chốn lầu xanh, tác giả Nguyễn Du không chỉ cảm nhận thấy nỗi đau đớn, ê chề của Kiều mà hơn thế nữa trong chính hoàn cảnh ấy, Thúy Kiều càng bộc lộ rõ những nét phẩm chất, nhân cách tốt đẹp của mình.

Giữa chốn lầu xanh với những ồn ào, vội vã tấp nập, trong khoảnh khắc hiếm hoi của đêm vắng, “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” chính là khoảnh khắc Kiều có thể đối diện với chính mình, với bao nỗi niềm suy tư, trăn trở và nỗi đau đớn trong lòng cô. Thúy Kiều tự độc thoại với chính mình, để rồi trong cô hiện lên nỗi thương mình và sự xót xa cho chính số phận của mình.

Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Đến đây, nhịp thơ đã thay đổi, ngắt nhịp 2/2/2  đầy đường đột như để góp phần diễn tả rõ nét hơn tâm trạng của Thúy Kiều. Hai chữ “giật mình” được đặt ở đầu câu như chính sự bàng hoàng, thảng thốt của Thúy Kiều về cuộc sống thực tại của mình. Để rồi, ẩn sau cái “giật mình” đầy ngỡ ngàng ấy chính là lúc Thúy Kiều cảm thấy thương, cảm thấy xót xa, đau đớn cho chính bản thân mình. Ba chữ “mình” được lặp lại trong cùng một câu thơ đã cho thấy nỗi cô đơn đến tột cùng của Kiều trong những năm tháng sống ở chốn thanh lâu. Thúy Kiều đã giật mình, đã thương, đã xót xa cho chính mình trước thực tại. Và cái giật mình đầy ngỡ ngàng ấy của Thúy Kiều chính là biểu hiện của sự tự ý thức về thân phận bản thân của nàng. Thương cho chính mình, đó cũng chính là lúc Kiều nhận thấy sự đổi thay giữa quá khứ và hiện tại.

Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.

cam nhan ve doan trich noi thuong minh

Nếu quá khứ với Thúy Kiều là những tháng ngày “phong gấm rủ là”, êm ấm, hạnh phúc bên gia đình, cha mẹ thì hiện tại với Thúy Kiều thật phũ phàng. Tác giả đã sử dụng hàng loạt các hình ảnh “hoa giữa đường”, “dày gió dạn sương”, “bướm chán ong chường” để tái hiện lại thực tại cuộc sống của Thúy Kiều. Không còn là Thúy Kiều với dáng vẻ e ấp, thẹn thùng với sự trong trắng nữa mà giờ đây nàng trở thành món hàng, trở thành đồ vật mua vui, bị chà đạp một cách phũ phàng và tàn nhẫn. Thêm vào đó, tác giả còn sử dụng hàng loạt các từ mang sắc thái câu hỏi “khi sao”, “giờ sao”, “mặt sao”, “thân sao” như thêm một lần nữa nhẫn mạnh nỗi đau đớn đến tột cùng, sự chán chường, mệt mỏi, ghê sợ chính bản thân mình khi bị đẩy vào chốn lầu xanh. Không chỉ nhận thức rõ hoàn cảnh, số phận của mình ở quá khứ và hiện tại, Kiều còn nhận thức rõ sự đối lập giữa ta và người.

Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì

Hai câu thơ đã diễn tả thái độ đầy dứt khoát của Thúy Kiều, từ đó đã tạo ra đối với những vị khách làng chơi phong lưu. Còn với chính mình, Thúy Kiều vẫn luôn sống trong sự cô độc. Từ “xuân” trong câu thơ không chỉ là tuổi trẻ, là sắc đẹp mà đó còn là tình yêu, là hạnh phúc lứa đôi. Giờ đây, trong cuộc sống hiện tại của chính mình, những điều đó đối với Kiều là những thứ xa xôi, không nghĩ tới mà trong nàng chỉ còn lại nỗi bẽ bàng, ê chề và tủi hổ.

Trước hiện thực cuộc sống nơi chốn lầu xanh, Thúy Kiều cố tách mình ra khỏi thực tại để giữ lại phẩm giá, nhân cách cho chính mình.

Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Đòi phen nét vẽ câu tho
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.

Nơi lầu xanh, cảnh vật cũng có đủ những nét đặc trưng của thiên nhiên bốn mùa: mùa xuân có hoa, mùa hè có gió, mùa thu có ánh trăng vàng, mùa đông có làn tuyết trắng. Ở nơi đây, cũng có đủ cầm, kì, thi, họa – những thú vui trong đời sống của con người. Nhưng hơn ai hết, Thúy Kiều nhận thấy rõ cái thanh cao, tao nhã, đẹp đẽ ấy chỉ là cái dáng vẻ bên ngoài còn ẩn sâu trong đó chính là sự nhơ nhớp, là những thú vui tiêu khiển để giết chết thời gian. Nhận thức rõ điều đó, Kiều càng cảm thấy cô đơn, xót xa hơn và chính nỗi buồn ấy của nàng đã thấm sang cả cảnh vật. Để rồi, Kiều đã cố mình gượng gạo, tự mình cố gắng. Trong nỗi lòng Kiều như hiện lên sự đối lập giữa cái bên ngoài – cố vui để chiều lòng khách nhưng thực chất bên trong là nỗi buồn thương không gì diễn tả hết.

Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai.

Tâm trạng gượng gạo, sự chán chường và nỗi đau đớn của Kiều là biểu hiện rõ nét cho sự ý thức về nhân phẩm của nàng và qua đó cho thấy tâm hồn cao thượng, trong trắng của Thúy Kiều.

Đọc những câu thơ trong đoạn trích “Nỗi thương mình” của Đại thi hào Nguyễn Du, người đọc như càng thấm thía nỗi xót thương thân phận và sự đau đớn của Thúy Kiều khi phải sống giữa chốn lầu xanh. Nhưng đồng thời, đoạn trích cũng đã thể hiện được sự tự ý thức cao độ về nhân cách bản thân của Thúy Kiều.

 

2. Cảm nhận về đoạn trích Nỗi thương mình, mẫu số 2:

Nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du, ta không thể không nhắc đến Truyện Kiều – một thi phẩm xuất sắc mà để lại nhiều giá trị vô cùng to lớn. Đoạn trích “Nỗi thương mình” là một phần của tác phẩm đã thể hiện tình cảnh trớ trêu của Kiều và nỗi niềm thương xót cho thân phận của nàng.

Sau khi Kiều phải bán mình cho Mã Giám Sinh để chuộc cha để tỏ chữ hiếu. Nhưng nàng không ngờ rằng Mã Giám Sinh là kẻ buôn người bán thịt, hắn đã làm nhục nàng và đem nàng cho Tú Bà. Tú Bà bắt Kiều vào lầu xanh để tiếp khách, nhưng nàng không chịu và tự tử không thành. Sau đó, Kiều bị giam lỏng và cũng thời gian này Tú Bà nghĩ ra cách hãm hại nàng, không ngờ nàng mắc mưu và một lần nữa bị ép phải làm gái lầu xanh. Đoạn trích này thể hiện tâm trạng của Kiều khi sống ở lầu xanh lúc đó.

Bốn câu thơ đầu đã gợi hoàn cảnh sống của Kiều ở chốn lầu xanh:

” Biết sao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh”

Qua những câu thơ, ta thấy cảnh sinh hoạt của chốn lầu xanh vô cùng nhộn nhịp, ồn ào. Tác giả đã sử dụng bút pháp ước lệ quen thuộc trong văn học trung đại, dùng những hình ảnh ẩn dụ vô cùng đẹp và thị vị hóa hiện thực ở chốn dơ bẩn này. Cụm từ “bướm lả ong lơi” là một cách nói đầy sáng tạo của đại thi hào Nguyễn Du. Bướm ong ở đây là chỉ những kẻ ham mê sắc tửu. Tác giả đã rất tài tình khi thiết lập hai từ ghép “ong bướm” và “lả lơi” thành “bướm lả ong lơi” để khắc họa hình ảnh của những kẻ khách làng chơi ra vào lầu xanh vô cùng nhộn nhịp và những cô gái tiếp khách bốn phương “lá gió cành chim”. Tiếp theo là những câu thơ đối xứng: “Cuộc say đầy tháng/ trận cười suốt đêm” và “Sớm đưa Tống Ngọc/ tối tìm Trường Khanh” để ám chỉ những kẻ khách chơi phong lưu tới chốn này. Chỉ với bốn câu thơ, ta có thể hình dung được hoàn cảnh của Kiều hiện giờ thật tủi nhục. Hoàn cảnh ngoài thì vậy còn tâm trạng nàng thì sao?

bai van cam nhan ve doan trich noi thuong minh

Những câu thơ tiếp theo đã cho ta hiểu rõ hơn về tâm trạng của Kiều thương xót cho chính bản thân mình:

” Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!
Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì.”

Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm để bộc lộ tâm trạng trực tiếp của Kiều “Giật mình mình lại thương mình xót xa”. Khi Thúy Kiều tỉnh rượu, nàng giật mình xót xa cho thân phận kĩ nữ của mình. Nàng cảm thấy cô đơn, bẽ bàng vô cùng. Nhịp thơ 3/3 đã tạo nên thời gian từ từ trôi chậm đến não nề. Bốn câu thơ tiếp theo cũng chính là bốn câu hỏi tư từ để hỏi “khi sao”, “giờ sao”, “mặt sao”, “thân sao”. Bốn câu hỏi ấy diễn tả nỗi đau chồng chất nỗi đau của Kiều về quá khứ êm đềm ngày xưa khi được sống với gia đình, với tình yêu của Kim Trọng. Nhưng rồi khi nàng quay trở về thực tại lại là chỉ có sự tủi hổ, phũ phàng. Thực trạng ấy như nỗi đau đè nặng lên quá khứ êm đềm, tươi đẹp ấy năm nào. Nàng vẫn cố tách mình ra khỏi thực tại này:

” Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì?

Câu thơ đã diễn đạt được thái độ dứt khoát chối từ của Kiều tạo sự đối lập gay gắt với đám người khách làng chơi. Còn “mình” lại chỉ số ít để thể hiện sự cô độc của Thúy Kiều. “Xuân” ở đây không những chỉ mùa xuân hay tuổi trẻ mà còn chỉ hạnh phúc, niềm vui hưởng hạnh phúc lứa đôi. Cuộc sống của Kiều ở chốn lẩu xanh không khác gì làm vợ khắp thiên hạ khiến cho nàng cảm thấy bẽ bàng, nhục nhã vô cùng.

Tám câu thơ cuối cùng, Kiều cố tách mình ra khỏi thực tại, cuộc sống này để giữ lại phẩm giá cho mình. Dù thể xác của nàng có bị đày đọa, vấy bẩn nhưng nàng vẫn cố gắng giữ gìn sự trinh bạch của mình. Nàng để linh hồn của mình tránh xa chỗ thấp hèn, xấu xa này:

” Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thau”

Hình ảnh “gió tựa hoa kề” để chỉ sự lả lơi của khách làng chơi và kĩ nữ ngồi cạnh bên nhau. Là người đang phải làm công việc bẩn thỉu ấy, Kiều cảm thấy buồn vô hạn. Câu thơ sử dụng ước lệ để toát lên một nỗi buồn mênh mang trong Kiều. Hình ảnh “trăng” “tuyết” xóa một màu lạnh lẽo với không gian vắng lặng. Nỗi buồn của Kiều đã lan tỏa thấu vào cảnh vật:

” Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Nỗi buồn của Kiều đã khiến cho cảnh cũng buồn theo. Nỗi buồn ấy hòa với gió, với hoa, với tuyết và trăng sáng. Kiều phải chiều lòng khách làng chơi của chốn này từ vẽ tranh, làm thơ, gảy đàn, chơi cờ:

” Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa”

Nhưng tất cả chỉ là “vui gượng kẻo là” chứ không phải niềm vui thật, nó là niềm vui gắng gượng, giả tạo. Không hề mặn mà vì không có tri âm, tri kỉ, nàng cảm thấy cô đơn vô cùng trong thế giới này. Hai câu thơ cuối cũng chính là tiếng nói của những người có tài, có tâm nhưng lại phải sống trong hoàn cảnh éo le, bất hạnh do cuộc đời xô đẩy.

“Nỗi thương mình” của Nguyễn Du đã thể hiện tâm trạng bẽ bàng, đau đớn, tủi nhục của Thúy Kiều khi bị phải làm kĩ nữ ở lầu xanh. Nàng cảm thấy thương xót cho chính thân phận mình nhưng trong nàng vẫn giữ được nhân cách cao đẹp. Đọc những vần thơ, người đọc cảm thấy thương xót cho nhân phẩm trong trắng của người con gái “nghiêng nước nghiêng thành” đồng thời cũng thể hiện thái độ căm phẫn trước xã hội bất công.

 

3. Cảm nhận về đoạn trích Nỗi thương mình, mẫu số 3:

Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm xuất sắc trong nền văn học trung đại Việt Nam. Truyện viết về cuộc đời và mười lăm lưu lạc đầy gian truân của Thúy Kiều – một người con gái xinh đẹp tài hoa nhưng bạc mệnh. Trong các đoạn trích nổi bật của “Truyện Kiều”, đoạn trích “Nỗi thương mình” là một đoạn trích đặc sắc nhất. Nó đã khắc họa rõ nét tâm trạng đau đớn, nhục nhã, đầy ê chề của nàng Thúy Kiều khi bị lừa bán vào lầu xanh, trải qua cuộc sống ô nhục và tủi hờn.

Sau khi phải buộc bán mình lấy bốn trăm lạng vàng cứu cha và em, Thúy Kiều lại bị lừa bán vào lầu xanh, sống cuộc đời của người ca kĩ, buôn phấn bán hương. Quá ê chề, tủi nhục, nàng đã quyết định tự tử mà không thành. Tiếp đó, nàng lại rơi vào bẫy của Tú Bà và Sở Khanh khi nhẹ dạ tin lời tên Sở Khanh chạy trốn cùng hắn. Nàng bị bắt trở lại, bị đánh đập và bị bắt tiếp khách. Đoạn thơ là nỗi lòng của Kiều, là tâm trạng ê chề, đau khổ khi buộc phải trở thành một kĩ nữ lầu xanh. Tâm trạng ấy dưới ngòi bút đặc sắc của Nguyễn Du đã hiện lên đầy đau xót gieo vào lòng người đọc nỗi xót thương vô bờ dành cho nàng Kiều bạc mệnh.

 Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, lễ giáo, nàng đã được dạy dỗ trở thành một tiểu thư đài các, yêu kiều, bỏ ngoài tai những “tường đông ong bướm đi về mặc ai”. Thế nhưng hoàn cảnh xô đẩy, xã hội bức ép khiến nàng trở thành một kĩ nữ lầu xanh. Với sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” cùng tài năng “nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương” và trí thông minh, nàng đã khiến bao kẻ là khách của lầu Ngưng Bích phải khâm phục, mến mộ. Có lẽ đó vì vậy những cuộc chơi mà khách làng chơi tìm tới nàng mua vui cơ hồ không thể dứt ra:

“Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh”.

Bốn câu thơ là cảnh miêu tả cuộc sống ở chốn thanh lâu. Cảnh đến đi tấp nập của những khách làng chơi tới viếng thăm nơi đây cùng những cuộc vui tưởng chừng như liên miên, xuyên suốt, không bao giờ chấm dứt, không có bất cứ phút giây nghỉ ngơi nào “Cuộc say suốt tháng, trận cười suốt đêm”. Những cuộc vui chơi, say sưa xô bồ ấy cứ liên tiếp liên tiếp trong chốn lầu xanh này. Nó đã khiến cho chuỗi ngày đau khổ của Kiều cũng trở lên liên miên, khiến nàng chẳng còn biết đến ngày tháng. Cuộc sống với nàng là những tháng ngày vô nghĩa khi mà cuộc sống đó chỉ là những cuộc mua vui kéo dài, sớm là “Tống Ngọc”, tối lại tìm đến “Trường Khanh”. Chỉ bằng bốn câu thơ với bút pháp ước lệ, Nguyễn Du đã khái quát một cách chân thực nhất cảnh tượng nhộn nhịp, ồn ào, sự trác táng, phóng túng nơi lầu xanh với những cô kĩ nữ lả lướt đón khách tới rồi lại đưa khách về. Cùng với đó là những trận say sưa, những tiếng cười khả ố của những kẻ phóng đãng, nó càng tô đậm hơn thân phận bẽ bàng của Kiều, cuộc sống ê chề tủi nhục của nàng.

Trái với những cuộc vui, những tiếng cười nơi lầu xanh ấy, tâm trạng của Kiều lại là nỗi thương mình, niềm đau xót.

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân!
Mặc người mưa Sở, mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì?”

 Sau những cuộc vui thú của những kẻ trác táng ấy, mỗi lúc đêm về “lúc canh tàn”, nàng Kiều lại bần thần “giật mình mình lại thương mình xót xa”. Trong không gian đã vắng những cuộc vui thú, lầu xanh đã trở lại với dáng vẻ cô liệu, đó là những khoảng khắc hiếm hoi Kiều được ngồi lại và suy ngẫm, đối diện với chính mình. Và trong khoảnh khắc ấy, nàng giật mình nhận ra sự đau đớn, tủi nhục, sự cô đơn của mình trong cuộc sống nhớp nháp bùn đen này. Đến lúc này đây, nàng mới thực sự ý thực sâu sắc được nhân phẩm của mình đã bị chà đạp đau đớn tới mức nào. Kiều “giật mình” bàng hoàng nhận ra nỗi đau ấy và nàng chợt thấy “thương mình xót xa” khi chính mình phải chịu cảnh dày vò, sống cuộc sống không trong sạch này. Niềm xót thương thân ấy của nàng chính là sự ý thức về nhân cách, phẩm giá của mình, ý thức được quyền được sống, được hạnh phúc của bản thân. Những giọt nước mắt thương thân của nàng thấm tận vào trong gan ruột dày vò nàng đầy đau đớn. Ba từ “mình” được lặp lại chỉ trong một câu, người ta mới thấy hết được sự cô đơn của nàng, tiếng nấc nghẹn ngào của nàng xen lẫn tiếng thở dài thương thân phận. Nỗi đau ấy chẳng ai có thể chia sẻ cùng Kiều.

cam nhan noi thuong minh trich truyen kieu cua nguyen du

Thế rồi trong nỗi xót thương thân phận ấy, nàng nhớ lại những ngày xưa khi còn được sống trong êm ấm gia đình. Nếu như khi xưa được sống trong “phong gấm rủ là”, được ấm êm, no đủ, hạnh phúc, bình yên thì giờ đây cuộc sống của nàng “tan tác như hoa giữa đàng”. Cuộc sống ấy đã bị chà đạp, bị vùi dập không ai thương tiếc. Những cặp từ đối xứng song song “khi sao – giờ sao” đã tô đậm thêm cuộc sống đầy tủi nhục mà nàng đang phải chịu đựng cùng với tâm trạng chán chường mệt mỏi, ghê sợ chính bản thân mình. Thế nhưng, dù chán chường đến mức ghê sợ bản thân, Kiều vẫn không buông mình xuôi theo số phận, nàng vẫn ý thức được nỗi đau mình phải gánh chịu, ý thức được niềm xót thương ấy mà tự thương lấy chính bản thân mình. Một loạt từ để hỏi “khi sao”,  “giờ sao”, “mặt sao”, “thân sao” như là lời tự chất vấn , kết án bản thân mình đã không còn trong sạch. Nàng căm giận số phận đã thay đổi cuộc đời của nàng, biến đổi giá trị con người nàng. Còn gì đau đớn, cô đơn hơn khi biết nhân phẩm của mình bị chà đạp mà không cách gì thoát ra khỏi? Cuối cùng nàng chẳng biết đến khi nào mình mới có thể có được hạnh phúc – “xuân” hay chỉ mãi sống trong cảnh cô đơn, nhục nhã, lẻ loi của người kĩ nữ mua vui?

Những câu thơ cuối là nỗi buồn bẽ bàng, là bi kịch tâm trạng của Kiều.

“Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu”.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!
Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa”

Nếu như bên ngoài cảnh vật ảo diệu bốn mùa tươi đẹp, có “gió tựa”, “hoa kề”, “tuyết ngậm”, “trăng thâu” thì ở trong đây, Kiều chẳng khỏi chạnh lòng buồn bã. Cảnh đẹp là vậy nhưng nàng nào đâu để ý, nàng thờ ơ trước cái đẹp của thiên nhiên. Ở đây Nguyễn Du đã khái quát quy luật tâm lý con người, nếu con người đang ở trong tâm trạng đau khổ thì cảnh vật xung quanh có đẹp đến nhường nào cũng không có tâm trạng để ý và quan sát.

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!

Những thú vui tao nhã “vẽ câu thơ”, “cung cầm”, … đối với Kiều chỉ là những điều gượng gạo, chẳng có chút ý nghĩa gì. Tất cả những niềm vui nàng có được ở nơi đây chỉ là những gượng gạo “vui gượng kẻo là”, nàng hiểu cuộc sống bế tắc không lối thoát của mình, sự cô đơn, lạc lõng “ai tri âm đó mặn mà với ai?”

Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du đã tái hiện được tâm trạng gượng gạo, chán chường, cô đơn của Thúy Kiều trong chốn lầu xanh, đồng thời ông cũng chỉ ra sự ý thức về nhân phẩm cũng như phẩm chất tốt đẹp của nàng. Chỉ bằng một đoạn trích ngắn ngủi, nhưng ta có thể thấy được ẩn chứa trong đó biết bao nhiêu là nỗi lòng của nhân vật Kiều. Đó là sự đau xót, ê chề khi nhân phẩm bị chà đạp, thương bản thân mình phải chịu cảnh sống ô nhục chốn lầu xanh, là ý thức về nhân phẩm của mình, ý thức khát khao cuộc sống bình yên, hạnh phúc như bao người khác. Qua số phận của Kiều, người ta thấy rõ sự phê phán của Nguyễn Du dành cho chế độ phong kiến đương thời khi chính cái xã hội ấy vì đồng tiền đã đẩy đưa con người vào đau khổ.

 Đoạn trích “Nỗi thương mình” đã không chỉ làm nổi bật lên số phận đau khổ, bi thương của Kiều mà còn làm nổi bật cả tài năng của Nguyễn Du nữa. Bằng bút pháp của mình, ông đã cho người đọc thấy rõ số phận đau thương của Kiều đồng thời phản ánh, lên án chế độ phong kiến đã cướp đi quyền sống của con người trong xã hội đương thời.

———————–HẾT————————-

Nỗi thương mình là đoạn trích thể hiện rõ nét tài năng miêu tả tâm lí nhân vật bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du, để hiểu về những đặc sắc nội dung, nghệ thuật của đoạn trích, bên cạnh bài Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình, các em có thể tham khảo thêm: Soạn văn lớp 10 – Nỗi thương mình, Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích,  Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình trong Truyện Kiều, Hãy phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-doan-noi-thuong-minh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp