Cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương (trích Truyện Lục Vân Tiên)

0
44
Rate this post

Cảm nhận đoạn trích Lẽ ghét thương – tổng hợp những bài văn mẫu hay phân tích cảm nhận về nội dung đoạn trích Lẽ ghét thương (Truyện Lục Vân Tiên) của Nguyễn Đình Chiểu.

Đề bài: Trình bày cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương

(trích
Truyện Lục Vân Tiên
) của Nguyễn Đình Chiểu.

Tham khảo: Dàn ý cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương

Bạn đang xem: Cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương (trích Truyện Lục Vân Tiên)

Những bài văn hay nêu cảm nhận về Lẽ ghét thương

Cảm nhận Lẽ ghét thương – Bài số 1:

Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học trung đại Việt Nam. Các sáng tác của ông đã thể hiện rõ quan điểm nghệ thuật:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

Đặc biệt vấn đề về đạo đức của con người được nhà thơ quan tâm và thể hiện ở nhiều góc độ. Và Truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm tiêu biểu cho vấn đề này. Đó là điều cốt lõi, là khát vọng xây dựng mối quan hệ bè bạn giữa người với người. Trong hệ thống nhân vật lí tưởng của tác phẩm, ông Quán là một nhân vật hấp dẫn. Đó là một nhà Nho ở ẩn, thực chất cũng chính là bản thân Đồ Chiểu tự bộc bạch tình cảm của mình trước sự đời.

 Lục Vân Tiên không phải là tác phẩm đề cao trung, hiếu, tiết, hạnh mà là tác phẩm đề cao nhân nghĩa và phê phán tất cả những cái gì là bất nhân, bất nghĩa. Bao trùm tác phẩm là những tình cảm rất đẹp đẽ, hồn nhiên của những con người biết cứu giúp nhau trong hoạn nạn, yêu thương nhau lúc khó khăn, những con người sống chí tình chí nghĩa. Ngòi bút của nhà thơ bao giờ cũng sôi nổi, tràn đầy yêu thương. Viết Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu như có ý muốn nêu lên những tấm gương về luân lí đạo đức. Mà nói đến đạo đức phong kiến thì điều cơ bản là ái quốc. Trung quân là trung với nước, với lẽ phải, với lương tri con người.

Đoạn trích Lẽ ghét thương trong Lục Vân Tiên gồm hai mươi sáu câu thơ lục bát, là lời của ông Quán. Trong lời ông Quán ta thấy rõ tư tưởng trung quân của Nguyễn Đình Chiểu trước hết không phải xuất phát từ vua mà từ dân, từ lợi ích của dân. Nhà thơ thấy chỉ có thể trung với những ông vua tốt, biết chăm lo cho dân, chứ đối với những tên vua xấu, vua ác làm hại dân, gây đau khổ cho dân thì ông lên án gay gắt. Bởi vậy cái ghét, tình thương của ông xuất phát từ một tấm lòng yêu thương sâu xa nồng thắm:

Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương

Lẽ ghét thương là những lời tâm huyết về nỗi ghét, tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu. Trong đoạn trích nói về lẽ ghét thương có hai sáu mươi câu thơ trong đó có mười câu nói về lẽ ghét, mười sáu câu nói về tình thương, về lẽ thương (dài gần gấp đôi so với lời nói về ghét). Ta thấy căn nguyên, gốc rễ của cái ghét: ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm, những cái tầm phào, những cái đa đoan, những cái dối trá, những cái mê dâm là vì chúng làm dối dân, làm dân nhọc nhằn, dân luống chịu lầm than muôn phần, làm dân đến nỗi sa hầm sẩy hang. Như vậy căn nguyên của cái ghét là bởi vì tình thương sâu sắc đối với người dân. Những kẻ có quyền, có ô lọng đã lợi dụng chỗ dựa để lừa gạt, làm hại dân.. Thực ra là những ông vua bạo ngược, những kẻ kéo bè kéo phái gây chiến tranh hại dân… đời Kiệt, Trụ; đời U, Lệ; đời Ngũ Bá, đời Thúc, Quý.

Trong số mười câu thơ nói về lẽ ghét thì bốn câu có từ dân nói về nỗi khổ của dân:

Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.

Khiển dân luống chịu lầm than muôn phần.

Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn.

Sớm đâu tối đánh lằng nhằng dối dân.

Nỗi ghét được giãi bày sâu đậm, cao độ. Bằng việc sử dụng điệp từ ghét trong câu thơ tám tiếng:

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.

Câu thơ đã diễn tả thái độ căm thù, khinh bỉ cực sâu. Đặc biệt nghệ thuật tăng cấp: cay – đắng – vào tận tâm tả cụ thể màu sắc, mùi vị và độ sâu tăng dần của cái ghét: Từ cái ghét có vị cay, sang cái ghét có vị đắng, đến cái ghét có độ sâu của lòng người: ghét vào tận tâm. Như vậy, nhà thơ đã vận dụng quy luật chuyển đổi cảm giác: Từ vị giác (cay – đắng kết hợp với từ ghét tạo nên một thứ cảm xúc đặc biệt: ghét cay, ghét đắng, đến ghét vào tận tâm. Với cách diễn đạt tăng cấp này, Nguyễn Đình Chiểu cho thấy cái ghét của ông Quán chính là lòng căm cao độ, sâu cay. Ông căm thù tất cả những kẻ làm tổn hại đến cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân. Chính điều này đã thể hiện rõ tính nhân dân sâu sắc của thơ Đồ Chiểu).

Từ lẽ ghét, ông Quán bộc lộ tình thương bao la. Lời tự bạch của ông qua mười sáu câu thơ đã tỏ rõ thái độ kính yêu, trân trọng và tấm lòng cảm thương sâu sắc với những bậc hiền tài, đức hạnh, những người làm việc giúp dân. Mở đầu là ông nói tình thương của mình đối với Khổng Tử vất vả, gian lao trong công việc truyền đạo Nho:

Thương là thương đức thánh nhân

Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông.

Sau đó ông bộc lộ tình thương với thầy Nhan Tử, với Gia Cát, Đổng Tử, Nguyên Lượng, Hàn Dũ, Liêm, Lạc. Đó là những hiền nhân, quân tử, kiểu mẫu của đạo Nho, muốn hành đạo giúp vua cứu đời, cứu dân nhưng rút cục là gặp bất hạnh hoặc chết yểu, hoặc không được vua tin dùng… mơ ước và nguyện vọng hành đạo, cứu đời, cứu dân của họ không thành. Như vậy tình thương của ông Quán với những bậc quân tử cuối cùng cũng bởi tình thương dân, vì thương dân mà thương những người bị thất bại trong việc cứu giúp dân.

Nếu đoạn thơ mười câu nói về lẽ ghét của ông Quán thì ở đoạn thơ mười sáu câu ông Quán lại bộc lộ lòng thương yêu trực tiếp đối với những người có tài cao chí lớn, muốn cứu đời, giúp dân… mà gặp rủi ro bất trắc nên nguyện vọng cứu đời, cứu dân không thực hiện được trọn vẹn.

Đoạn thơ mười sáu câu đã thể hiện rõ tính chất bác ái, nhân bản bao la, vẫn là nghệ thuật điệp từ thương lặp lại 9 lần với những cặp câu đối xứng hài hòa. Đặc biệt, mở đầu đoạn thơ nhà thơ dùng hai từ thương: Thương là thương đức thánh nhân. Từ thương lặp lại nhiều lần đã biểu hiện niềm yêu thương tha thiết của ông Quán đối với Khổng Tử khi gặp gian nan, vất vả trên đường hành đạo.

Lòng thương của ông Quán rộng lớn bao la, thương cả những người chết yểu khi công danh còn dang dở:

Thương thầy Nhan Tử dở dang

Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh.

Thương cả những người không gặp may trên đường đời:

Thương ông Gia Cát tài lành

Gặp cơn Hán mạt đã đành phui pha.

Và cả những người bị oan khiên bị giáng chức, ngồi tù: Đổng Tử, Nguyên Lượng…

Từ tình thương những người cụ thể, ông Quán bộc lộ tình thương đến số phận cay đắng của con người trước những quy luật khắc nghiệt của tạo hóa và xã hội. Đó cũng chính là tình cảm gắn bó máu thịt với nhân dân mà cốt lõi là mong cho dân tộc được hạnh phúc, bình an.

Đoạn trích có bố cục chặt chẽ, mạch lạc và lô-gích. Có câu mở đầu nói về nỗi ghét:

Quán rằng: Ghét việc tầm phào

Ghét cay, ghét dắng, ghét vào tận tâm.

Đối lập lại là những câu nói về tình thương và cũng có câu mở đầu:

Thương là thương đức thánh nhân

Kết cho cả hai đoạn là câu nói về cả ghét – thương:

Xem qua kinh sử mấy lần

Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương.

Những điệp từ ghét – thương trong các ý nhỏ vừa tách biệt, vừa liên kết các ý đã làm cho đoạn thơ liền mạch, chặt chẽ… tạo nên giọng thơ vừa trang nghiêm, vừa thống thiết xót xa.

Thông qua lời ông Quán, Nguyễn Đình Chiểu đã giãi bày tâm huyết của mình về lẽ ghét, tình thương với con người. Lời giãi bày đó thể hiện được quan điểm đạo đức yêu – ghét trước cuộc đời mà xuất phát của tình cảm đó là bởi vì cuộc sống của nhân dân. Bởi vậy có thể khẳng định tư tưởng cốt lõi của đoạn trích là ở tấm lòng yêu thương nhân dân sâu sắc, tha thiết của nhà thơ.

>> Lẽ ghét thương – những lời thơ tâm huyết của Nguyễn Đình Chiểu

Cảm nhận Lẽ ghét thương – Bài số 2:

Nguyễn Đình Chiểu là một trong những tác giả nổi tiếng nhất của văn học Trung đại Việt Nam. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm nổi bật như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Chạy giặc,… và không thể không nhắc đến truyện thơ Lục Vân Tiên với trích đoạn Lẽ ghét thương đã in những dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc suốt bao thế hệ qua.

Đoạn trích Lẽ ghét thương được trích từ câu 473 đến câu 504, kể về sự kiện bốn chàng nho sinh lên kinh dự thi tình cờ gặp nhau trong quán rượu của ông Quán. Trịnh Hâm đã đưa lời thách đố làm thơ để so tài cao thấp, Vân Tiên tỏ ra vượt trội hơn hẳn khiến cho Trịnh Hâm và Bùi Kiệm tỏ ý nghi ngờ tài năng của chàng. Trước tình huống đó, ông Quán đã ra và trò chuyện về lẽ ghét thương ở đời.

Với bốn câu tự giới thiệu hết sức ngắn gọn của ông Quán, người đọc đã có đôi nét thông tin và hiểu về nhân cách đáng kính của ông:

Quán rằng: Kinh sử đã từng

Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa.

Hỏi thời ta phải nói ra,

Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.

Ông Quán cũng như ông Tiều, ông Ngư sống cuộc đời mai danh, ẩn tích, tránh phường danh lợi, hướng đến cuộc sống an nhàn, thư thái trong tâm hồn. Hình ảnh của họ cũng phảng phất hình ảnh của Đồ Chiểu sau khi bị mù trở về quê hương làm nghề dạy học và sáng tác. Bởi vậy, các nhân vật này cũng chính là những người thể hiện và phát ngôn những tư tưởng, quan điểm của tác giả.

Trong câu nói của ông Quán còn thể hiện mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa ghét và thương. Thương và ghét là hai mặt tình cảm trong mỗi con người. Cái người ta thương là những điều tốt đẹp, lay động trái tim, ngược lại họ thường ghét cái xấu xa, độc ác, làm ảnh hưởng xấu đến con người. Như vậy, ghét cũng chính là xuất phát từ lòng thương, bởi vì thương người dân nên mới ghét những điều xấu xa, bạo ngược. Tình cảm này của ông Quán được thể hiện một cách tha thiết chân thành:

“Quán rằng: ghét việc tầm phào

Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm”

“Tầm phào” là những việc vu vơ, hão huyền, không có ý nghĩa. Đó chính là những điều ông Quán ghét. Cái ghét ấy càng được khắc đậm hơn qua việc lặp lại từ “ghét” ba lần theo chiều tăng tiến. Và tám câu thơ tiếp đó là những dẫn chứng cụ thể, trực tiếp để làm rõ những điều mà ông Quán ghét. Ông ghét đời Kiệt Trụ mê dâm, đời U, Lê đa đoạn, Thời Ngũ bá phân vân,… khiến cho người dân phải chịu nhiều cay đắng, khổ cực, chiến tranh khiến biết bao gia đình phải li tán. Dường như trong từng câu thơ người đọc cảm nhận được nỗi phẫn uất cuộn trào trong lòng ông Quán. Qua những lời bộc bạch hết sức chân thành của ông Quán, ta có thể thấy rằng, ông hay chính Nguyễn Đình Chiểu đứng trên lập trường nhân dân, vì dân mà nêu lên quan điểm về lẽ ghét thương. Đồng thời lẽ ghét ấy cũng là cơ sở để tác giả thể hiện lẽ thương của mình. Ông thương những nhà hiền triết, bậc chí nhân, quân tử như: Khổng Tử, Đào Tiềm, Nguyên Lượng, Hàn Dũ,… Họ đều là những con người tài giỏi, mang trong mình tâm niệm đem tài năng ra giúp ích cho đời song lại không đạt được sở nguyện. Thấp thoáng ở những nhân vật đó ta thấy hình ảnh của Nguyễn Đình Chiểu, ông cũng mang trong mình những suy nghĩ, khát vọng lớn lao nhưng đều đi vào bế tắc. Bởi vậy khi nhắc đến những nhân vật này ta cảm nhận được niềm cảm thông và đồng cảm sâu sắc của tác giả đối với họ. Tác giả kết thúc tác phẩm bằng hai câu thơ: “Xem qua kinh sử mấy lần/ Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương” như là một lời tóm lại lẽ ghét thương ở đời.

Lẽ ghét thương của ông Quán là những tình cảm đạo đức của một con người vốn là học trò của nơi của Khổng sân Trình, đã thấm những đạo lí nho gia tốt đẹp. Tuy nhiên, ta cũng cần thấy rằng lẽ ghét thương đó được xuất phát từ một con người sống gần gũi với nhân dân và có tình yêu thương tha thiết với họ. Lời lẽ trong bài vô cùng đanh thép, mạch lạc, dõng dạc cho thấy tính cách bộc trực, đầy hào khí rất đúng với cốt cách, tinh thần của con người Nam Bộ. Như đã khái quát từ đầu, ông Quán cũng là một trong rất nhiều nhân vật được dùng để thể hiện tư tưởng quan điểm của tác giả. Bởi vậy, khi khẳng định những phẩm chất tư tưởng này ta cũng không nên đồng nhất chúng chỉ là của riêng nhân vật trong tác phẩm. Đây cũng chính là quan niệm, lẽ sống của tác giả Nguyễn Đình Chiểu “một nhà nho nghĩa khí, đầy lòng yêu nước, thương dân và nhuần thấm rất sâu “chất Nam Bộ” trong cách sống, cách nhìn, cách nghĩ và cách nói”.

Để tạo nên sự thành công của đoạn trích, những đặc sắc nghệ thuật ta cũng không thể không nhắc đến. Văn bản được viết bằng thứ ngôn ngữ dung dị, đậm chất Nam Bộ nhưng cũng hết sức truyền cảm, giàu cảm xúc. Sử dụng hình thức liệt kê, phép điệp cho thấy rõ lẽ ghét thương ở đời của tác giả. Giọng thơ linh hoạt, đa dạng lúc cuồn cuộn sục sôi khi nói về lẽ ghét, lúc lại da diết, trầm buồn khi nói về lẽ thương.

Tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm nơi người đọc bởi sự kết tinh hài hòa giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. Lẽ ghét thương đã nói lên những tình cảm yêu ghét chân thành, thẳng thắn mà cũng hết sức tha thiết của một tấm lòng vĩ đại, suốt một đời yêu nước, thương dân.

Xem thêm:

  • Bài văn phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương
  • Hướng dẫn soạn bài Lẽ ghét thương (Nguyễn Đình Chiểu)

Sưu tầm và tuyển chọn những bài văn hay phân tích và trình bày cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương trong Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-doan-trich-le-ghet-thuong-trich-truyen-luc-van-tien/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp