Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và Người lái đò sông Đà

0
105
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và Người lái đò sông Đà

cam nhan ve hai hinh tuong song da va song huong trong tac pham ai da dat ten cho dong song va nguoi lai do song da

Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và Người lái đò sông Đà

Bạn đang xem: Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và Người lái đò sông Đà

I. Dàn ý Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và Người lái đò sông Đà (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Tuân và hình tượng sông Đà trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà”.
– Giới thiệu về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường và hình tượng sông Hương trong tác phẩm ” Ai đã đặt tên cho dòng sông”.

2. Thân bài:

a. Trình bày khái quát về tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm “Người lái đò sông Đà”.
– Nguyễn Tuân (1910 – 1988) là một định nghĩa về cái đẹp, ông luôn săn tìm và viết về cái đẹp.
– Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” là kết quả của chuyến đi thực tế mà Nguyễn Tuân thu hoạch được khi tới với Tây Bắc rộng lớn, xa xôi.

b. Trình bày khái quát về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường và tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”.
– Hoàng Phủ Ngọc Tường (1937) có phong cách nghệ thuật độc đáo với sở trường là tùy bút, bút kí.
– Tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” được rút từ tập bút kí cùng tên, được tác giả viết tại Huế, xuất bản lần đầu năm 1986.

c. Cảm nhận về hình tượng sông Đà trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà”:

* Nội dung:

– Sông Đà hiểm trở, mang vẻ đẹp hung bạo, dữ dội:
+ Đá bờ sông dựng “vách thành” gợi độ cao lên đến tận cùng và độ hẹp đến mức tối đa mang đến cảm giác sợ hãi về sự nhỏ nhoi của người đi trên sông trước cái hùng vĩ, bí hiểm của thiên nhiên.
+ Ở quãng mặt ghềnh Hát Loóng “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió” như cửa tử, cửa sinh.
+ Quãng Tà Mường Vát là cái hút nước đáng sợ ở phía dưới Sơn La, “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, nó tàn bạo, ghê gớm đến mức không thuyền nào dám đến gần.
+ Trên một quãng thủy chiến ở mặt trận thì tiếng thác nước dữ dội giống như loài thủy quái khổng lồ nham hiểm và hung ác.
+ Sông Đà còn là nơi tập trung của rất nhiều loại đá khác nhau, tới cái thác “thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá”, một số hòn còn “nhổm cả dậy để vồ lấy con thuyền”.
+ Đến sát với thạch trận, dòng sông như muốn nuốt chửng con thuyền, “rung rít lên như tuyếc – bin thủy điện”, nó bày binh bố trận như “đô vật”, “bóp chặt lấy bộ hạ người lái đò”.

– Sông Đà mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình và giàu sức hấp dẫn:
+ Sông Đà làm nên nét riêng của vùng miền Tây Bắc, con sông thơ mộng “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình”.
+ Nước sông Đà đa dạng sắc màu và có sự thay đổi theo từng mùa khác nhau.
+ Sông Đà gợi cảm như là một cố nhân, ánh lên vẻ đẹp mang màu sắc Đường thi.
+ Cảnh thiên nhiên hai bên bờ sông mang dáng vẻ tĩnh mịch, yên ả.
+ Dòng sông Đà đã thôi đi cái tính ào ạt dữ dội để trở về với những thanh lặng giữa đời thường “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”, “bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.
+ Dòng sông trở nên hiền hòa với âm thanh của tiếng cá đập nước, “lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi”.

* Nghệ thuật:
– Tác giả đã sử dụng các biện pháp nghệ thuật như nhân hóa, liệt kê, kể, tả để thể hiện đối tượng.
– Nhà văn đã vận dụng kiến thức của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, kết hợp cách miêu tả, bình luận trữ tình để tạo nên nét riêng, khác biệt của dòng sông Đà.

d. Cảm nhận về hình tượng sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”:

* Nội dung:

– Sông Hương trầm lặng và có một chút lẳng lơ, kín đáo dưới góc độ Địa lí:
+ Nhìn từ cội nguồn, sông Hương là dòng chảy có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn, sông Hương tựa như “một bản trường ca của rừng già” với tiết tấu hùng tráng, dữ dội.
+ Sông Hương mang dáng vẻ trữ tình hiện đại “lúc dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”.
+ Sông Hương hiện ra như một cô gái Digan “phóng khoáng và man dại”, sông Hương trở thành “người mẹ phù sa” sâu thẳm với một bản lĩnh gan dạ.
+ Trước khi vào kinh thành Huế, sông Hương trở thành người tình dịu dàng và chung thủy của cố đô.
+ Sông Hương là người con gái đẹp “nằm ngủ mơ màng giữa những cánh đồng Châu Hóa đầy hoang dại”.
+ Sông Hương vui tươi hẳn lên khi chảy vào thành phố Huế, dòng sông như tìm thấy mình khi gặp thành phố thân yêu.

– Sông Hương mang vẻ đẹp hùng ca, ghi dấu những thế kỉ vinh quang từ thuở còn là một dòng sông biên thùy, xa xôi.
+ Sông Hương trở thành chứng nhân lịch sử, được khơi gợi trong “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi.
+ Dòng sông đã chiến đấu oanh liệt để bảo vệ biên giới phía Nam tổ quốc, vẻ vang soi bóng kinh thành Huế cùng người anh hùng Nguyễn Huệ.

– Sông Hương được nhìn nhận dưới góc độ văn hóa và thơ ca:
+ Sông Hương được gắn với một nền âm nhạc cổ điển Huế, sông Hương trở thành “người tài nữ đánh đàn giữa đêm khuya”.
+ Sông Hương được đặt trong mối quan hệ với tiếng chuông chùa ngân nga khi vào Huế để nhìn nhận, được liên tưởng với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
+ Sông Hương không bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của những người nghệ sĩ bởi mỗi nhà văn, nhà thơ đều có một khám phá riêng về nó.

* Nghệ thuật:
– Qua hình tượng sông Hương cho thấy cái “tôi” uyên bác, cái “tôi’ nặng lòng xứ Huế của tác giả.
– Sông Hương được nhìn nhận ở đa phương diện, được nhân hóa giống với một cô gái, một người mẹ phù sa.
– Biện pháp kể, tả được kết hợp nhuần nhuyễn và tài hoa đã làm nổi bật hình ảnh sông Hương giữa xứ Huế.

e. Điểm tương đồng giữa hình tượng sông Đà trong “Người lái đò sông Đà” và sông Hương trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông”:
– Sông Đà và sông Hương đều mang vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội.
– Sông Đà và sông Hương đều có vẻ đẹp thơ mộng và trữ tình.
– Cả hai dòng sông đều được miêu tả qua ngòi bút tài hoa, uyên bác của tác giả.

f. Điểm khác biệt giữa hình tượng sông Đà trong “Người lái đò sông Đà” và sông Hương trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông”:
– Sông Đà nổi bật với vẻ đẹp dữ dội, phi thường và khác lạ, mỗi lần vượt thác trên sông Đà là một lần chiến đấu của ông lái đò với thần sông, thần đá.
– Sông Hương nổi bật ở nét đẹp trữ tình, thơ mộng, được miêu tả qua chiều sâu của văn hóa xứ Huế.

g. Đánh giá:
– Qua hình tượng hai dòng sông cho thấy hai tác giả đều là người yêu thiên nhiên tha thiết và tự hào với vẻ đẹp của non sông đất nước Việt Nam.
– Mỗi nhà văn đều có phong cách nghệ thuật độc đáo trong việc khắc họa hình tượng hai dòng sông giúp người đọc có cái nhìn đa chiều về vẻ đẹp quê hương đất nước mình.
– Liên hệ trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ cảnh quan thiên đất nước.

3. Kết bài:

– Khái quát lại hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và “Người lái đò sông Đà”.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và Người lái đò sông Đà (Chuẩn)

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng”

(Tế Hanh)

Dòng sông vốn là một hình ảnh quen thuộc trong văn học, mỗi một dòng sông được gợi lên với những nét đặc trưng riêng biệt, khác nhau và đều in đậm dấu ấn phong cách sáng tác của mỗi nhà văn, nhà thơ. Thế nhưng ở họ có một điểm chung hội ngộ đó chính là tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, tha thiết. Hình ảnh dòng sông Đà trong “Người lái đò sông Đà” của tác giả Nguyễn Tuân và hình ảnh dòng sông Hương” trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem đến cho chúng ta một góc nhìn đặc biệt về hai dòng sông của hai miền tổ quốc.

Nguyễn Tuân (1910 – 1988) là một định nghĩa về cái đẹp, ông luôn săn tìm, truy đuổi và viết về cái đẹp. Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” cũng là một trong những quan niệm về cái đẹp của ông. Đây là kết quả của chuyến đi thực tế mà Nguyễn Tuân thu hoạch được khi tới với Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. Đem lòng gửi gắm thiên nhiên giống Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng có những cảm nhận riêng biệt về nét đẹp xứ Huế. Ông là người có phong cách nghệ thuật độc đáo với sở trường là tùy bút, bút kí. Tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường được rút từ tập bút kí cùng tên, được tác giả viết tại Huế, xuất bản lần đầu năm 1986.

Ở phần đầu của tác phẩm, Sông Đà hiểm trở được Nguyễn Tuân phác họa với vẻ đẹp hung bạo và dữ dội như muốn thách thức sự gan dạ của những người đi trên sông. Đá bờ sông dựng “vách thành” gợi độ cao lên đến tận cùng và độ hẹp đến mức tối đa mang đến cảm giác sợ hãi về sự nhỏ nhoi của người đi trên sông trước cái hùng vĩ, bí hiểm của thiên nhiên. Nguyễn Tuân không giống như những nhà Địa lí thường đo đạc bằng cách dùng thước để vạch những đường kinh tuyến, vĩ tuyến mà ông miêu tả về độ hẹp, độ cao, độ sâu của thác đá bên bờ sâu bằng những hình ảnh, câu văn gợi cảm giác ghê rợn. Những ngôn từ của Nguyễn Tuân như đang nhảy múa trong trí tưởng tượng của độc giả, “vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu”, hẹp đến mức đứng bên này bờ chỉ cần dùng tay ném nhẹ là hòn đá đã sang bên kia vách mà ngay cả con hổ, con nai cũng có thể nhảy qua. Dòng sông hiện lên như một con thủy quái ở quãng mặt ghềnh Hát Loóng “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm” như cửa tử, cửa sinh đem lại cảm giác đáng sợ cho người lái đò nếu không thật chắc tay, vững chèo. Quãng Tà Mường Vát là cái hút nước đáng sợ ở phía dưới Sơn La, “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, “thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷu sông dưới”, nó tàn bạo, ghê gớm đến mức không thuyền nào dám đến gần. Tiếp đến quãng thủy chiến ở mặt trận thì tiếng thác nước dữ dội giống như loài thủy quái khổng lồ nham hiểm và hung ác “rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”.

Không những ghê rợn như vậy, sông Đà còn là nơi tập trung của rất nhiều loại đá khác nhau, tới cái thác “thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá”, một số hòn còn “nhổm cả dậy để vồ lấy con thuyền”. Những hòn Đá này trông như những sinh vật thể có trái tim, có tâm hồn và khối óc để lúc nào cũng giương ra cản trở sự di chuyển của con người. Dòng sông đã bày ra một thạch trận với những gương mặt đá “ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này”. Đến sát với thạch trận, dòng sông như muốn nuốt chửng con thuyền, “rung rít lên như tuyếc – bin thủy điện”, nó bày binh bố trận như “đô vật”, nó chơi những đòn hiểm độc nhất để “bóp chặt lấy bộ hạ người lái đò”. Trận thủy chiến này như đã được định sẵn với hàng tiền vệ có vai trò dụ dỗ con thuyền đối phương, nó giống như một trò đánh nhử của du kích để lừa ông lái đò vào trận địa. Chúng huy động đầy đủ cả đá, nước, thác để đứng hỗ trợ nhau bẻ gãy cán chèo, thúc hối vào bụng, vào mông con thuyền. Sang đến trùng vi thạch trận vòng thứ hai, chúng tăng cường thêm cửa tử, cửa sinh cùng hô ứng để đánh lừa con thuyền rơi vào cửa tử. Nếu vòng một đủ cho ta thấy sự nguy hiểm thì cấp độ vòng hai tăng dần hơn cả bốn cửa tử, một cửa sinh khiến cho người lái đò khó mà tìm thấy lối thoát. Dòng thác “hùm beo” lúc nào cũng trong trạng thái sùng sục, sôi hồng hộc đến đáng sợ. Thế nhưng trước thiên nhiên đáng sợ ấy, ông lái đò đã thể hiện khá rõ tài năng của mình. Nhà đò nhìn những thằng đá tướng đã “tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng”. Đến với trùng vi thạch trận thứ ba thì sự sống của con người bị thu hẹp lại bởi cả hai bên đều là luồng chết, “cái luồng sống này lại ở giữa đoạn đá hậu vệ của con thác” đòi hỏi sự khéo léo của người lái đò thì mới có thể vượt qua được. Để có thể biến sông Đà thành một con thủy quái hung tợn, Nguyễn Tuân đã tả một cách chi tiết, tỉ mỉ và gây cảm giác mạnh. Sông Đà hiện lên trong trạng thái vận động liên tục dưới khả năng tưởng tượng tinh tế của nhà văn.

Không chỉ nổi bật với vẻ đẹp hùng vĩ mạnh mẽ, sông Đà còn mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình và giàu sức hấp dẫn đến lạ thường. Phải chăng yếu tố trữ tình đã làm mềm đi văn bản để phù hợp với tình cảm, trạng thái con người Việt Nam hơn. Sông Đà đã làm nên nét riêng của vùng miền Tây Bắc, con sông thơ mộng “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình”. Đây là một liên tưởng đầy bất ngờ và thú vị, dòng sông thướt tha như bóng dáng của một người con gái với mái tóc đen dài óng ả. Dòng sông đã mất đi cái vẻ ngạo nghễ của thác nước mà mang trong mình một vẻ đẹp nữ tính đầy chất thơ. Dưới sự quan sát tường tận và am hiểu chi tiết về dòng sông cho thấy hình ảnh sông Đà được gợi ở nhiều góc độ khác nhau. Nước sông Đà đa dạng sắc màu và có sự thay đổi theo từng mùa. Mùa xuân thì nước sông có màu “xanh ngọc bích” chứ không giống màu xanh của sông Lô, sông Gâm. Sang mùa thu nước nước sông Đà “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu” thế nhưng dòng sông chưa bao giờ mang một màu “đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào”. Sông Đà còn được coi như là một cố nhân với những phát hiện, liên tưởng đầy bất ngờ và thú vị. Sông Đà được miêu tả gợi cảm như một cố nhân ánh lên vẻ đẹp “màu nắng tháng ba Đường thi”, nó giống như một người bạn cố tri để nhà văn bắt gặp được một mảnh tâm hồn mình và phải thốt lên rằng: “Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Không còn sự dữ dội như ở thác đá, cảnh thiên nhiên hai bên bờ sông mang dáng vẻ tĩnh mịch, yên ả: “Cảnh ven sông ở đây lặng tờ”, “tịnh không một bóng người” và đậm chất thơ với những lá ngô non đầu mùa đang nhú còn “cỏ gianh thì đang ra nõn búp”, “con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương”. Nhà văn đã đặt sông Đà trong mối quan hệ lịch sử để bàn luận: “Hình như từ đời Lí, đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”. Dòng sông đã thôi đi cái tính ào ạt dữ dội để trở về với những thanh lặng giữa đời thường “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”, “bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Dòng sông trở nên hiền hòa, thơ ngộ với âm thanh của tiếng cá đập nước, “lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi”. Khúc vĩ thanh của sông Đà đã in vẻ đẹp bản năng độc đáo của cái tôi Nguyễn Tuân, sông Đà dưới ngòi bút của tác giả đã tuôn chảy dữ dội nhưng cũng rất đỗi thơ mộng, trữ tình.

Tác giả đã sử dụng các biện pháp nghệ thuật như nhân hóa dòng sống giống với vẻ đẹp của một con người, liệt kê, kể, tả để thể hiện đối tượng. Vẻ đẹp của sông Đà đã được nhìn nhận dưới con mắt của một người nghệ sĩ tài hoa. Nhà văn đã vận dụng kiến thức của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, kết hợp cách miêu tả, bình luận trữ tình để tạo nên nét riêng, khác biệt của dòng sông Đà.

Cùng viết về chủ đề dòng sông nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường lại ấn tượng với dòng sông Hương của xứ Huế. Nếu như sông Đà hiện lên trong những trang viết của Nguyễn Tuân nổi bật ở sự hung bạo với những thác đá thì Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng có những quan sát trực tiếp, tìm hiểu sông Hương từ thượng nguồn để phát hiện ra nhiều vẻ đẹp khác nhau. Với ông sông Hương trầm lặng và có một chút lẳng lơ, kín đáo từ góc nhìn Địa lí. Nhìn từ cội nguồn, sông Hương là dòng chảy có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn, sông Hương tựa như “một bản trường ca của rừng già” với tiết tấu hùng tráng, dữ dội. Sông Hương khi thì rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, lúc thì mãnh liệt vượt qua ghềnh thác nhưng có khi còn cuộn xoáy như cơn lốc dưới đáy vực sâu. Sông Hương mang dáng vẻ trữ tình hiện đại “lúc dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Bằng biện pháp nhân hóa, sông Hương hiện ra như một cô gái Digan “phóng khoáng và man dại” với một tâm hồn tự do, trong sáng. Sông Hương trở thành “người mẹ phù sa” sâu thẳm bồi đắp cho bãi bồi bên sông. Trước khi vào kinh thành Huế, sông Hương trở thành người tình dịu dàng và chung thủy của cố đô, nó đã phải trải qua một hành trình đầy gian truân và thử thách trong cái nhìn tinh tế và lãng mạn của tác giả. Sông Hương là người con gái đẹp “nằm ngủ mơ màng giữa những cánh đồng Châu Hóa đầy hoang dại”. Sông Hương đã thay đổi hình hài, làm mềm đi nét nữ tính của mình, “chuyển dòng một cách liên tục”, “uốn mình theo những đường cong thật mềm như một cuộc kiếm tìm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó”. Sông Hương mềm như tấm lụa với màu sắc “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” để dòng chảy trôi đi thực chậm. Khi ra khỏi vùng núi, sông Hương như một nàng tiên được đánh thức bỗng bừng lên sức trẻ và niềm khao khát của tuổi thanh xuân, có ý thức kiếm tìm về thành phố. Sông Hương “vui tươi hẳn lên giữa những bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long” khi chảy vào thành phố Huế, dòng sông như tìm thấy mình khi gặp thành phố thân yêu. Sông Hương đánh thức được linh hồn của dân tộc, khác hẳn với những dòng sông khác ở cảnh “lập lòe trong sương đêm những ánh lửa thuyền chài” của một linh hồn mô tê xưa cũ.

Sông Hương mang vẻ đẹp hùng ca, ghi dấu những thế kỉ vinh quang từ thuở còn là một dòng sông biên thùy, xa xôi. Sông Hương trở thành chứng nhân lịch sử, được khơi gợi trong “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi. Dòng sông đã chiến đấu oanh liệt để bảo vệ biên giới phía Nam tổ quốc, “vẻ vang soi bóng kinh thành Huế cùng người anh hùng Nguyễn Huệ”. Nó đã chứng kiến thành công của Cách mạng tháng Tám, cùng “niềm cổ vũ nồng nhiệt dành cho nó trong mùa xuân Mậu Thân 1968”.

Không chỉ được đặt dưới góc nhìn địa lí hay trong mối quan hệ với lịch sử dân tộc mà Sông Hương còn được nhìn nhận dưới góc độ văn hóa và thơ ca. Trong cách nhìn với âm nhạc, sông Hương được gắn với một nền âm nhạc cổ điển Huế, sông Hương trở thành “người tài nữ đánh đàn giữa đêm khuya”. Từ đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã liên hệ với việc nghe hát trên sông Hương. Nhà văn đã đưa ra một minh chứng rằng “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya”. Từ góc nhìn văn hóa, người nghệ sĩ đã tưởng tượng về đại thi hào Nguyễn Du, về Kiều với một “phiến trăng sầu”. Sông Hương được đặt trong mối quan hệ với tiếng chuông chùa ngân nga khi vào Huế để nhìn nhận. Từ âm thanh của cuộc sống, tác giả đã liên tưởng đến tiếng nước vỗ mạn thuyền hình thành lên những điệu hò dân gian. Từ góc độ thơ ca, sông Hương không bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của bất kì người nghệ sĩ nào bởi mỗi nhà văn, nhà thơ đều có một khám phá riêng về nó. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm dậy lên những vần thơ biếc xanh của Tản Đà “Dòng sông trắng, lá cây xanh” cho thấy sự đồng cảm của tác giả về một sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc.

Hình tượng sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã cho thấy cái “tôi” uyên bác, cái “tôi’ nặng lòng xứ Huế của tác giả. Sông Hương được nhìn nhận ở đa phương diện, được nhân hóa giống với một cô gái, một người mẹ phù sa giữa lòng thành phố. Biện pháp kể, tả được nhà văn kết hợp nhuần nhuyễn cùng với sự tài hoa trong ngòi bút của tác giả đã làm nổi bật hình ảnh sông Hương xứ Huế.

Mỗi nhà văn từng được ví như một thứ hoa, một loài chim giữa cánh rừng đại ngàn văn học bởi mỗi loài hoa tỏa một hương thơm riêng cũng như mỗi thứ chim cất lên một giọng hót riêng nhưng ở họ đều có những điểm chung nhất định. Với Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường thì hình ảnh sông Đà và sông Hương đều được tác giả miêu tả như một nhân vật trữ tình có tính cách mới mẻ với những vẻ đẹp đặc trưng riêng biệt. Ở cả hai nhà văn đều có một tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương tha thiết bởi “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Sông Đà và sông Hương đều mang vẻ đẹp hùng vĩ và dữ dội. Vẻ đẹp hùng vĩ của sông Đà được thể hiện qua sự hung bạo, dữ dội của thác đá hay các trùng vi thạch trận. Còn sông Hương thì chảy dữ dội như một bản trường ca của rừng già, tựa cô gái Digan phóng khoáng và man dại. Không chỉ giống nhau ở vẻ đẹp hung bạo, sông Đà và sông Hương cũng đều sở hữu một vẻ đẹp thơ mộng và trữ tình. Dáng sông Đà mềm mại tựa mái tóc tuôn dài của người con gái, nước sông thay đổi qua từng mùa mang vẻ hoang sơ, cổ kính. Sông Hương có dòng chảy dịu dàng và đắm say giữa những rặng dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng, sông Hương mang vẻ đẹp của người con gái nằm ngủ mơ màng chờ người tình mong đợi đánh thức. Điều đặc biệt hơn cả là cả hai dòng sông đều được miêu tả qua ngòi bút tài hoa, uyên bác của tác giả. Sông Đà là nơi hội tụ nét đặc trưng tiêu biểu của thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ uy nghiêm nhưng cũng rất thơ mộng trữ tình. Còn sông Hương là dòng sông của âm nhạc, của thơ ca, của lịch sử, gắn liền với những nét đặc trưng về văn hóa, vẻ đẹp của con người xứ Huế. Cả hai tác giả đều vận dụng cái nhìn đa ngành, vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực nghệ thuật để khắc họa hình tượng của hai dòng sông.

Chính điểm khác biệt mới là mấu chốt tạo nên sự thành công của hai tác phẩm. Sông Đà nổi bật với vẻ đẹp dữ dội, phi thường và khác lạ, mỗi lần vượt thác trên sông Đà là một lần chiến đấu của ông lái đò với thần sông, thần đá. Tác giả miêu tả sự hung bạo của sông Đà để làm nổi bật sự tài hoa của người lái đò bởi sông Đà trông như một chiến địa dữ dội. Dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì sông Hương nổi bật ở nét đẹp trữ tình, thơ mộng, được miêu tả qua chiều sâu của văn hóa xứ Huế, nó như một người mẹ phù sa bồi đắp cho vùng đất giàu truyền thống văn hóa từ bao đời nay. Sông Hương được cảm nhận qua lăng kính của tình yêu, thông qua hình tượng sông Hương nhà văn đã thể hiện nét đẹp lãng mạn, trữ tình của đất trời xứ Huế.

Qua hình tượng dòng sông Đà và sông Hương, ta bắt gặp sự tương đồng giữa hai cái tôi tài hoa, uyên bác và tình yêu thiên nhiên tha thiết của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Mỗi nhà văn đều có phong cách nghệ thuật độc đáo trong việc khắc họa hình tượng hai dòng sông giúp người đọc có cái nhìn đa chiều về vẻ đẹp quê hương đất nước mình. Trước thiên nhiên dễ lay động lòng người như vậy, mỗi cá nhân chúng ta cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ cảnh quan thiên đất nước để đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.

“Có phải điều còn lại với mỗi nhà văn chính là giọng điệu của riêng mình”. Có thể thấy qua hai hình tượng sông Đà trong “Người lái đò sông Đà” của tác giả Nguyễn Tuân và sông Hương trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khẳng định cái “tôi” riêng biệt của mỗi nhà văn. Bằng tình yêu thiên nhiên tha thiết, hai nhà văn đã thành công trong việc xây dựng hai dòng sông riêng biệt của cuộc đời mình.

————–HẾT—————-

Bài “Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và Người lái đò sông Đà” trên đây sẽ là nền tảng kiến thức giúp em chinh phục kì thi trung học phổ thông quốc gia. Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm các bài viết sau để hiểu rõ hơn về tính cách của sông Hương và sông Đà: Phân tích cảnh vượt thác trong Người lái đò sông Đà, Hình ảnh con sông Đà trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà, Phân tích vẻ đẹp của con sông Hương trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-hai-hinh-tuong-song-da-va-song-huong-trong-tac-pham-ai-da-dat-ten-cho-dong-song-va-nguoi-lai-do-song-da/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp