Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai

0
62
Rate this post

Đề thi học kì 2 lớp 10 môn Ngữ văn

Để kì thi học kì 2 đạt kết quả cao nhất, xin gửi đến các em Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai năm học 2016 – 2017. Đề thi bám sát chương trình học lớp 10 môn Ngữ văn sẽ giúp các em dễ dàng ôn tập và củng cố lại kiến thức chuẩn bị cho bài thì cuối học kì 2. Mời các em cùng tham khảo nội dung chi tiết đề thi.

Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10

SỞ GD & ĐT ĐỒNG NAI
TRƯỜNG THPT CHUYÊN
LƯƠNG THẾ VINH

(Đề thi có 01 trang)

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ II
NĂM HỌC 2016 – 2017

Môn: NGỮ VĂN – KHỐI 10
Thời gian làm bài: 90 phút

Bạn đang xem: Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai

(không kể thời gian phát đề)

I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Bị người khác bàn luận là chuyện khó tránh khỏi, chẳng khác gì việc chúng ta bàn luận về người khác vậy.[…] Nhiều khi chúng ta cảm thấy phiền muộn, không biết phải làm sao, chính là vì ta đã quá để tâm đến ý kiến của người khác. Có lúc người khác nói ta không làm được, ta liền thất vọng, chán nản mà bỏ cuộc. Nếu đó là quy luật tự nhiên thì thế giới này sao lại có được những phát minh như của Edison, càng không có tàu hỏa của Stephenson, cũng chẳng thể sản sinh ra những kì tích khiến bao người kinh ngạc được. Có thể thấy rằng những gì người khác nói không quan trọng, bất kể người ấy có ý tốt hay xấu, chúng ta cũng đều phải giữ vững mục tiêu của mình, chỉ có vậy mới đạt được thành công.

(Từ hạt cát đến ngọc trai, NXB Thanh niên, 2016, trang 58-59)

Câu 1. Văn bản trên thuộc dạng nghị luận về một tư tưởng đạo lí hay nghị luận về một hiện tượng đời sống? (0.5 điểm)

Câu 2. Trình bày ngắn gọn các luận cứ người viết sử dụng để làm sáng tỏ luận điểm. (1.0 điểm)

Câu 3. Anh chị có đồng ý với quan điểm: Những gì người khác nói không quan trọng, bất kể người ấy có ý tốt hay xấu, chúng ta cũng đều phải giữ vững mục tiêu của mình, chỉ có vậy mới đạt được thành công? Vì sao? (1.0 điểm)

Câu 4. Nêu nội dung chính của văn bản. (0.5 điểm)

II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Để đạt được thành công, ngoài việc “giữ vững mục tiêu của mình”, chúng ta còn cần thêm yếu tố nào? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu một lựa chọn của anh chị và lí giải vì sao có lựa chọn đó.

Câu 2. (5.0 điểm)

Cảm nhận tâm trạng của nhân vật trong đoạn trích:

“Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại châu chan.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng.”

(Trích Chinh phụ ngâm, nguyên tác: Đặng Trần Côn, bản diễn Nôm: Đoàn Thị Điểm, SGK Ngữ văn 10 tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, trang 87)

Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10

I. ĐỌC HIỂU

1. Văn bản trên thuộc dạng nghị luận về một tư tưởng đạo lí. 0.5

2. Luận cứ người viết sử dụng để làm sáng tỏ luận điểm: 1.0

– Lí lẽ: Bị người khác bàn luận là chuyện khó tránh khỏi; không nên thất vọng, chán nản mà bỏ cuộc; phải giữ vững mục tiêu của mình

– Dẫn chứng: thành công của Edison, Stephenson.

3. Những gì người khác nói không quan trọng, bất kể người ấy có ý tốt hay xấu, chúng ta cũng đều phải giữ vững mục tiêu của mình, chỉ có vậy mới đạt được thành công.

– Thí sinh có thể đồng ý, hoặc có ý kiến bổ sung: cần giữ vững mục tiêu của mình, nhưng cũng phải biết lắng nghe, tiếp thu những góp ý tích cực, có tính xây dựng từ người khác. 0.5

– Thí sinh đưa ra lí giải cho ý kiến lựa chọn, cần ngắn gọn, hợp lí, thuyết phục, giáo viên linh hoạt trong đánh giá. 0.5

4. Nội dung chính của văn bản: Thành công không phụ thuộc vào ý kiến của người khác mà nhờ chính vào sự nỗ lực của bản thân mỗi người. 0.5

II. LÀM VĂN

Câu 1. Để đạt được thành công, ngoài việc “giữ vững mục tiêu của mình”, chúng ta còn cần thêm yếu tố nào?

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu một lựa chọn của anh chị và lí giải vì sao có lựa chọn đó.

* Yêu cầu về kĩ năng: biết cách viết đoạn văn; đoạn văn hoàn chỉnh, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả; đảm bảo dung lượng như yêu cầu đề từ 12 đến 15 dòng. 0.5

* Yêu cầu về kiến thức: 1.5

  • Trình bày đúng vấn đề: bàn về một yếu tố quan trọng giúp con người đạt được thành công trong cuộc sống;
  • Lí giải ngắn gọn vì sao chọn những yếu tố đó (có lí lẽ, dẫn chứng cụ thể)

Gợi ý: xác định mục tiêu, chăm chỉ, say mê, sáng tạo,…

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo lựa chọn của bản thân, cần có nội dung hợp lí, thuyết phục, gv linh hoạt trong đánh giá.

Câu 2. Cảm nghĩ về tâm trạng của nhân vật trong đoạn trích: “Gà eo óc…phím loan ngại chùng” (Trích Chinh phụ ngâm, nguyên tác: Đặng Trần Côn, bản diễn Nôm: Đoàn Thị Điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. 0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tâm trạng của nhân vật người chinh phụ trong đoạn trích: “Gà eo óc…phím loan ngại chùng” thuộc tác phẩm Chinh phụ ngâm, nguyên tác Đặng Trần Côn, bản diễn Nôm Đoàn Thị Điểm. 0.25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. 4.0

– Giới thiệu tác giả Đặng Trần Côn, dịch giả Đoàn Thị Điểm, tác phẩm Chinh phụ ngâm, tâm trạng nhân vật trong đoạn trích, trích thơ.

– Hoàn cảnh sáng tác: đầu đời Lê Hiển Tông, có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra quanh kinh thành Thăng Long. Triều đình cất quân đánh dẹp, nhiều trai tráng phải từ giã người thân ra trận. Đặng Trần Côn cảm động trước nỗi khổ đau mất mát của con người, nhất là những người vợ lính trong chiến tranh, đã viết Chinh phụ ngâm.

– Vị trí đoạn thơ: phần giữa tác phẩm, viết về nỗi cô đơn, sầu muộn của người chinh phụ.

Phân tích:

  • Không gian mênh mông, thời gian dài dặc khắc họa sự cô đơn, chờ đợi mỏi mòn, tâm trạng sầu muộn của nhân vật: tiếng gà, bóng hòe; Khắc giờ đằng đẵng như niên/ Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
  • Người chinh phụ gắng gượng tìm cách thoát khỏi sự cô đơn nhưng bất lực, càng bế tắc, tuyệt vọng.

Đánh giá:

  • Nghệ thuật: thể thơ song thất lục bát, miêu tả nội tâm nhân vật qua cử chỉ, hành động; tả cảnh ngụ tình; biện pháp tu từ: điệp từ, so sánh.
  • Tâm trạng cô quạnh, buồn tủi, niềm khao khát hạnh phúc của người chinh phụ.
  • Tấm lòng nhân đạo của tác giả.

c. Sáng tạo: Ý mới mẻ, sâu sắc 0.25

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu 0.25

Giáo Dục, Lớp 10

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/de-thi-hoc-ki-2-mon-ngu-van-lop-10-truong-thpt-chuyen-luong-the-vinh-dong-nai/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp