Kết bài Chuyện người con gái Nam Xương lớp 9 hay nhất (26 Mẫu)

0
183
Rate this post

Kết bài Chuyện người con gái Nam Xương với 26 bài mẫu hay nhất được biên soạn và chọn lọc từ các bài văn hay của các em học sinh giỏi lớp 9 trên toàn quốc. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em hoàn thiện phần kết bài của mình một cách thật sâu sắc, xúc tích.

Kết bài Chuyện người con gái Nam Xương lớp 9 hay nhất
Kết bài Chuyện người con gái Nam Xương lớp 9 hay nhất

Kết bài là phần khá quan trọng vì nó để lại dư âm cho bài viết. Nếu kết bài phân tích có sức năng sẽ tạo nên những cảm xúc rất tốt cho người đọc. Để viết kết bài phân tích chuyện người con gái Nam Xương hay nhất, mời các em tham khảo 25 bài mẫu dưới đây nhé.

Xem thêm: Mở bài chuyện người con gái Nam Xương (30 Mẫu)

26 Mẫu Kết bài phân tích Chuyện người con gái Nam Xương lớp 9 hay nhất

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 1

Qua “Chuyện người con gái Nam Xương”, nhà văn Nguyễn Dữ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đồng cảm với số phận bất hạnh, oan nghiệt của nàng Vũ Nương cũng như bao người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến xưa mà còn mạnh mẽ lên án chế độ phong kiến hà khắc, nghiệt ngã đã đẩy những người phụ nữ hiền hậu, thủy chung vào con đường cùng không lối thoát. Đọc tác phẩm ta cũng thấy được trái tim giàu yêu thương, vị tha của Nguyễn Dữ đối với những thân phận nhỏ bé, bất hạnh trong xã hội xưa.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 2

Thông qua cuộc đời của Vũ Nương, nhà văn muốn gửi gắm những giá trị nhân văn cao cả. Truyện là lời khẳng định sự trân trọng đối với những ước mơ chính đáng, khát vọng cao đẹp như: khát vọng được hạnh phúc, ước mơ về sự công bằng trong xã hội. Cùng với đó là niềm xót thương, cảm thông sâu sắc của tác giả đối với số phận của người phụ nữ. Không chỉ vậy, nhà văn cũng lên án, phê phán, tố cáo xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống của con người. Cuối cùng là lời khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến. “Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong những tác phẩm xuất sắc góp phần vào tiếng nói chung đòi sự bình đẳng cho người phụ nữ.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 3

Truyện “Người con gái Nam Xương” có giá trị hiện thực tố cáo và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Nghĩ về Vũ Nương và biết bao thân phận người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến được phản ánh trong các tác phẩm văn học cổ, chúng ta càng thấy rõ giá trị cuộc sống của những người phụ nữ Việt Nam trong một xã hội tốt đẹp hôm nay. Họ đang vươn lên làm chủ cuộc đời, sống bình đẳng, hạnh phúc với chồng con và được đề cao nhân phẩm trong xã hội của thời đại mới.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 4

Cho tới nay, “Người con gái Nam Xương” vẫn còn lôi cuốn người đọc. Giữa xã hội nam nữ bình quyền thì nó là cột mốc để so sánh vai trò của người phụ nữ trong văn học xưa và nay. Giữa xã hội suy đồi về đạo đức, nhất là với nữ giới thì nội dung truyện là một bài học đạo đức truyền thống tốt.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 5

“Truyền kì mạn lục” là kiệt tác của nền văn học cổ Việt Nam, xứng đáng là “thiên cổ kỳ bút”. Người đọc mãi mãi thương cảm Vũ Nương, thương cảm những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. “Chuyện người con gái Nam Xương ” tố cáo hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam trong thế kỷ 16, nêu bật thân phận và nỗi đau bất hạnh của người phụ nữ trong bi kịch gia đình.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 6

Thông qua tình huống truyện độc đáo cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố thực và kì ảo, hoang đường, Nguyễn Dữ trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” đã mang đến câu chuyện đầy hấp dẫn cũng không kém phần cảm động về cuộc đời và số phận oan khuất của nàng Vũ Nương. Qua câu chuyện, nhà văn đã kín đáo lên án xã hội phong kiến mục rỗng, thối nát đã đọa đầy, mang đến bi kịch cho người phụ nữ mà còn thể hiện sự trân trọng với những vẻ đẹp phẩm chất, xót xa, đồng cảm với số phận đau khổ, bất hạnh của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 7

Tác phẩm của Nguyễn Dữ, một tác phẩm truyền kỳ có sử dụng những yếu tố hoang đường kỳ ảo. Nhưng từ đó lại thấy được cái nhìn, sự trân trọng và cảm thông của tác giả đối với số phận người phụ nữ xưa, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của họ.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 8

Vũ Nương là một người con gái dung hạnh mà bạc mệnh. Nguyễn Dữ đã kể lại cuộc đời oan khổ của nàng với bao tình xót thương sâu sắc. Tuy mang yếu tố hoang đường, nhung áng văn “Chuyện người con gái Nam Xương” giàu giá trị nhân đạo. Nhân vật Vũ Nương là một điển hình cho bi kịch của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Người đọc càng thêm xúc động khi nhớ lại vần thơ của vua Lê Thánh Tông trong bài “Lại bài viếng Vũ Thị”:

… “Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,

Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng…”

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 9

Chuyện người con gái Nam Xương là tác phẩm truyền kì giàu giá trị hiện thực và tinh thần nhân văn. Qua câu chuyện về nàng Vũ Nương, nhà văn Nguyễn Dữ không chỉ mở ra cuộc sống, số phận bất hạnh của những người phụ nữ nhỏ bé, không có tiếng nói, nạn nhân của chế độ phong kiến xưa, thể hiện nỗi xót xa, đồng cảm với họ mà còn là bức tranh hiện thực rõ nét đến mức xót xa. Trong xã hội phong kiến mục nát, những người phụ nữ dẫu xinh đẹp, thủy chung một lòng vì chồng vì con nhưng họ lại bị tước đoạt đi quyền được sống, quyền được hạnh phúc. Nguyễn Dữ đã lên án sâu sắc chế độ phong kiến đương thời, phê phán những cuộc chiến tranh phi nghĩa, tư tưởng trọng nam khinh nữ và chế độ nam quyền trong xã hội xưa.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 10

Tóm lại, “Truyền kì mạn lục” nói chung và “Chuyện người con gái Nam Xương” nói riêng của Nguyễn Dữ là một tác phẩm độc đáo, đánh dấu một bước phát triển đột khởi của nền văn xuôi tự sự chữ Hán trong nền văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm đã đạt được thành tựu nghệ thuật nổi bật trên ba phương diện: xây dựng tình tiết, kết cấu; xây dựng nhân vật; sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo. Thông qua cuộc đời và số phận bất hạnh của Vũ Nương, tác giả đã phản ánh số phận bi thương của người phụ nữ phong kiến, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của họ. Đồng thời, thể hiện thái độ phê phán đối với một xã hội phi nhân đã gây ra biết bao khổ đau cho con người. Mặc dù truyện cũng cách xa chúng ta vào thế kỉ rồi nhưng tính thời sự của truyện vẫn còn vang vọng tới ngày hôm nay.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 11

“Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ đã góp một tiếng nói nhân ái, nhân đạo để đòi quyền được sống, được hưởng hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến suy tàn. Chính cảm hứng nhân đạo trong tác phẩm đã giúp “Chuyện người con gái Nam Xương” của ông đi suốt những năm tháng lịch sử thăng trầm của dân tộc.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 12

“Chuyện người con gái Nam Xương”, với những giá trị hiện thực và nhân đạo của mình, đã thực sự chạm được đến phần sâu kín nhất của trái tim con người. Đó là nỗi lòng của chính Nguyễn Dữ, là cặp mắt nhìn đời tinh anh sắc sảo và tấm lòng nồng ấm yêu thương. Tác phẩm đã cho ta thấy được cái tâm và cái tài của một nghệ sĩ lớn, đó mới là nghệ thuật chân chính mà muôn đời con người theo đuổi. Thời gian vẫn sẽ tuần hoàn theo quy luật của nó, nhưng ta sẽ vẫn còn nhớ về tác phẩm để hoài niệm về quá khứ xa vắng, để đau xót, để yêu thương!

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 13

Thông qua cuộc đời và số phận của Vũ Thị Thiết, nhà văn Nguyễn Dữ đã cất lên tiếng nói cảm thương sâu sắc với thân phận của những người phụ nữ xưa- nạn nhân đáng thương của chế độ nam quyền, của những định kiến nghiệt ngã trong xã hội phong kiến. Kết thúc truyện mang đậm màu sắc kì ảo đã thể hiện được sự trân trọng, tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Dữ đối với những người phụ nữ thủy chung, nết na nhưng có số phận bất hạnh ấy: Không chỉ ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của những người phụ nữ mà còn thể hiện sự trân trọng, đồng cảm với họ qua việc xây dựng chi tiết li kì giúp Vũ Nương giải oan, để vẻ đẹp của họ mãi rạng ngời, sống mãi trong dòng Hoàng Giang cũng như trong lòng của những người ở lại.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 14

Chuyện người con gái Nam Xương thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân đạo. Tác phẩm là tiếng nói cảm thương cho số phận những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đồng thời cũng lên án tố cáo xã hội nam quyền và chiến tranh phi nghĩa đã tước đoạt hạnh phúc và đẩy con người đến bước đường cùng.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 15

“Chuyện người con gái Nam Xương” thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Qua số phận và cuộc đời của nhân vật Vũ Nương, tác giả đã phản ánh số phận bi thương của người phụ nữ thời phong kiến, ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của họ. Trang truyện đã cho ta thấy được cái tâm cái tài của một người nghệ sĩ lớn. Thời gian vẫn cứ trôi đi nhưng những trang viết của Nguyễn Dữ vẫn còn đấy, khẳng định được chỗ đứng của mình trong khu vườn văn học để rồi ta nhớ mãi về tác phẩm để hoài niệm về quá khứ xa vắng, để đau xót, để yêu thương.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 16

Bên cạnh nội dung, tác phẩm đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, chi tiết mang tính thắt nút, đẩy câu chuyện lên cao trào, đỉnh điểm: cái bóng trở thành chi tiết thắt nút cũng như cởi nút cho diễn biến tác phẩm. Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc: việc dẫn dắt tình huống hợp lý. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn. Bước đầu nhà văn đã miêu tả nội tâm nhân vật khá phong phú.

Qua phân tích trên, có thể thấy “Chuyện người con gái Nam Xương” là một tác phẩm giàu giá trị của nhà văn Nguyễn Dữ.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 17

Vũ Nương là một người phụ nữ bạc mệnh, đau khổ trong xã hội phong kiến thời loạn lạc. Tuy mang yếu tố hoang đường, thần kỳ nhưng Chuyện người con gái Nam Xương có giá trị nhân đạo sâu sắc. Câu văn cổ biền ngẫu, lối kể nhẹ nhàng cảm động, đầy ám ảnh. Cái tâm của Nguyễn Dữ với lòng đau xót, cảm thông như trải rộng và thấm sâu vào câu chuyện thương tâm này.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 18

Tóm lại, Chuyện người con gái Nam Xương là một câu chuyện tình đầy oan khuất. Qua truyện, ta hiểu được sự bất công phi lí của xã hội phong kiến đã đem đến nỗi đau khổ cho người phụ nữ đẹp trong văn chương Việt Nam thế kỉ XVI làm sáng ngời phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Dẫu đã trải qua nhiều thế kỉ, nhưng thời gian vẫn không làm giảm đi giá trị của tác phẩm văn học đặc sắc này. Tác phẩm là một trong những viên đá đầu tiên đã góp phần xây dựng nên ngôi nhà lớn văn xuôi Việt Nam.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 19

Truyện có sự đan xen của các yếu tố hoang đường kì ảo và những chi tiết có thật làm câu chuyện thêm hấp dẫn. Cách xây dựng truyện với tình tiết độc đáo, đẩy mâu thuẫn lên cao trào, rồi lại giải quyết cách hợp lí, các yếu tố tự sự, miêu tả biểu cảm kết hợp hài hoà.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 20

Cũng như số đông người phụ nữ ngày xưa. Cuộc đời của Vũ Nương là những trang buồn đầy nước mắt. Năm tháng trôi qua, giặc tan, Trương Sinh trở về, con thơ vừa học nói. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ. Nhưng rồi chuyện “cãi bóng” từ miệng đứa con thơ đã làm cho Trương Sinh ngờ vực, “đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có ý gỡ ra được”. Vốn tính hay ghen, lại gia trưởng, vũ phu, ít được học hành, Trương Sinh đã đối xử với vợ hết sức tàn nhẫn. Giấu biệt lời con nói. Trương Sinh đã “mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi”. Vợ phân trần, không tin; hàng xóm khuyên can cũng chẳng ăn thua gì cả! Chính vì chồng và con – những người thân yêu nhất của Vũ Nương đã xô đẩy nàng đến bên bờ vực thẳm. Thời chiến tranh loạn lạc, nàng đã trải qua những năm tháng cô đơn, giờ đây đứng trước nỗi oan, nàng chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng… Vũ Nương chỉ có một con đường để bảo toàn danh tiết: nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tử để làm sáng ngời “ngọc Mị Nương “, toả hương “cỏ Ngu Mĩ”.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 21

Như vậy bằng cách xây dựng truyện hết sức độc đáo là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự sự, trữ tình và yếu tố thực ảo. Chuyện “Người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ mang đến cho chúng ta bao ấn tượng tốt đẹp. Truyện ca ngợi Vũ Nương có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp mang tính truyền thống nhưng cuộc đời nàng lại là những trang buồn đầy nước mắt. Vẻ đẹp số phận của nàng cũng là vẻ đẹp số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ. Ngày nay chúng ta được sống trong thế giới công bằng dân chủ, văn minh người phụ nữ là một nửa của thế giới họ được hưởng những quyền lợi mà nam giới được hưởng. Vậy chúng ta hãy phát huy những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ xưa và thương cảm trước số phận của họ

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 22

Qua câu chuyện người đọc cảm thấy thương cảm cho số phận người phụ nữ khi họ phải phụ thuộc hạnh phúc, mạng sống của mình vào người đàn ông của mình, bởi người phụ nữ xưa phải chịu cảnh tam tòng, tứ đức “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, khi sống cùng cha mẹ thì nghe lời cha mẹ, lấy chồng thì theo chồng, chồng chẳng may qua đời thì phải theo con. Người phụ nữ cả cuộc đời chẳng có lúc nào được sống cho mình, được tự mình quyết định hạnh phúc. Đó chính là những bất công, mà xã hội xưa đã khoác lên số phận người phụ nữ.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 23

Tóm lại, “chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ là một áng văn hay – tiêu biểu cho thể loại truyền kỳ và được người đời đánh giá là “thiên cổ kỳ bút”. Truyện vừa thể hiện số phận bi đát của người phụ nữ trong xã hội phong kiến vừa có ý nghĩa cơ ngợi vẻ đẹp của lòng vị tha – tiêu biển là hình ảnh Vũ Nương, qua câu chuyện người đọc càng cảm thấy giá trị cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội ngày nay. Họ đang phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc đời, chủ số phận và họ – những người phụ nữ hiện đại phải được sống bình đẳng, được mọi người tôn trọng như nam giới.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 24

Với nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, miêu tả nhân vật, kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình, “Chuyện người con gái Nam Xương” đã thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Hình ảnh người con gái Vũ Nương phải gieo mình xuống dòng sông Nhị Hà để chứng minh sự trong trắng trinh bạch của mình, khi bị chồng nghi oan, khiến cho người đọc vô cùng cảm động và xót xa:

“Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,

Bạn đang xem: Kết bài Chuyện người con gái Nam Xương lớp 9 hay nhất (26 Mẫu)

Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng?

Qua đây mới rõ nguồn cơn ấy,

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.”

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 25

Chuyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm nói lên số phận, tấm bi kịch của người phụ nữ xưa. Thể hiện sự đồng cảm của tác giả đối với thân phận người phụ nữ xưa. Qua đó, những hình ảnh về Vũ Nương ta nhận ra được số phận đau thương và chua xót của những người phụ nữ thời xưa.

Kết bài chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 26

Như vậy, “Chuyện người con gái Nam Xương” là tiếng nói lên án, tố cáo xã hội phong kiến bất công, vô lí. Đồng thời lên tiếng nói thương cảm, ngợi ca với vẻ đẹp con người, niềm tin vào công bằng và công lí xã hội. Tấm lòng đau đáu của Nguyễn Dữ nhìn vào thực tại và dành cho con người đã khởi nguồn cho tiếng nói nhân đạo của Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, … sau này.

Từ một chiếc bóng oan nghiệt, tác phẩm thấm đẫm cảm hứng nhân văn, mở ra cho chúng ta biết bao nhiêu bài học về tình người, về cuộc sống. Đây là một áng “thiên cổ kì bút” đáng tìm hiểu và suy ngẫm.

*********************

Trên đây là 26 mẫu Kết bài phân tích chuyện người con gái Nam Xương lớp 9 hay nhất. Hy vọng sẽ là tài liệu hay giúp các em hoàn thiện viết đoạn kết thật súc tích và ấn tượng nhất. Sau khi tham khảo gợi ý Kết bài Chuyện người con gái Nam Xương, các em có thể đón đọc thêm một số mẫu bài văn hay lớp 9 khác như: Kết bài truyện ngắn Chiếc lược ngà; Kết bài truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa; Kết bài truyện ngắn Làng của Kim Lân hay Kết bài bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy;…

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/ket-bai-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp