Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào

0
79
Rate this post

Đề bài: Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào

nghi luan ve cau ngan ngu hi lap cai re cua hoc hanh thi cay dang nhung qua cua no thi ngot ngao

Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào

Bạn đang xem: Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào

 

I. Dàn ý Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào (Chuẩn)
 

1. Mở bài

Giới thiệu câu ngạn ngữ Hi Lạp.

 

2. Thân bài:

a. Giải thích:

– “Học hành” là cả một quá trình lâu dài mà con người tiếp thu hoặc bổ sung những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nhận thức,… thông qua thầy cô, bạn bè, xã hội, thông qua sách vở, báo chí,… bằng cách tổng hợp, tích lũy các dạng thông tin để đưa vào bộ não thành nguồn kiến thức của riêng từng cá thể.
– Hình ảnh ẩn dụ cái rễ cay đắng và trái ngọt là biểu tượng cho quá trình nỗ lực học hành đầy khó khăn vất vả và những thành công mà con người đạt được sau tất cả nhưng cố gắng không ngừng nghỉ đó.
– Câu ngạn ngữ chính là một trong những nhận thức sâu sắc về quá trình học tập, cũng như vai trò của học tập trong việc rèn luyện phát triển con người trong xã hội.

b. Bàn luận:

* Quá trình học tập là chùm rễ đầy đắng cay, vất vả:
– Học tập là một công việc lao động trí óc mà đã là công việc lao động thì dù là bất cứ việc gì cũng đều tiềm ẩn những áp lực và những nguy cơ riêng.
– Học tập là cả một quá trình dài đằng đẵng, ngày đêm khổ luyện để thành tài, tốn nhiều công sức và thời gian, không một ai có thể vừa học đã giỏi mà ít nhiều đều cần phải có khoảng trống để lĩnh hội kiến thức và phát triển thêm.
– Học không phải là việc ta có thể tiến hành một cách gấp gáp, mà phải có tuần tự, học từ cái nhỏ rồi mới tới cái lớn, học từ dễ tới khó, học từ đơn giản đến phức tạp, là một quá trình đòi hỏi ở con người sự kiên nhẫn, nỗ lực không ngừng nghỉ.
– Việc học cũng có những vất vả, gian nan riêng mà không phải ai cũng vượt qua được, và đôi lúc đem đến cho con người ta áp lực vô cùng lớn, ấy là sự kỳ vọng vào điểm số, kết quả thi cử, ánh mắt của người thân, bạn bè, gánh nặng kinh tế, thời gian,…
=> Tất cả những điều đó chính là vị đắng cay của cái rễ học hành mà không phải ai cũng thấu hiểu.

* Kết quả là những trái ngọt khiến người ta sung sướng, tự hào:
– Nâng cao hiểu biết của bản thân, cùng với bề dày tri thức đáng tự hào, đi kèm với những hiểu biết sâu rộng về các kiến thức văn hóa – kinh tế – xã hội, và sự giàu đẹp, phong phú của một tâm hồn có học vấn.
– Chúng ta trở nên tự tin hơn trong cuộc sống, trở thành nền tảng cho quá trình tiến thân, trong công cuộc giao tiếp, học hỏi , mở rộng các mối quan hệ xã hội, khẳng định được vị trí của bản thân trong xã hội bởi nguồn tri thức tuyệt vời mà ta có được.
– Sự xuất sắc, thành quả tốt đẹp trong học tập còn trở thành niềm vui, niềm tự hào cho chính bản thân chúng ta và cho cả gia đình và nhà trường những con người dành rất nhiều tình yêu thương và kỳ vọng cho chúng ta.
– Trở thành động lực để phấn đấu, cố gắng hơn nữa trong quá trình chinh phục ước mơ, lý tưởng của sống, có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp với những thành công lớn.
– Nêu dẫn chứng một số nhân vật nổi tiếng.

* Phê phán một số cá nhân lười biếng, không phấn đấu nỗ lực trong học tập và bài học:
– Câu ngạn ngữ chính là lời khuyên, lời dạy vô cùng sâu sắc, đánh giá một cách tích cực về quá trình học tập của con người, mà mỗi chúng ta cần phải có ý thức tự giác bồi dưỡng, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường lĩnh hội kiến thức.

– Ngày nay nhiều thế hệ trẻ không còn xem trọng việc học, không tiếp nối được truyền thống hiếu học của cha ông. Mới chỉ gặp một chút khó khăn, một con điểm kém, một bài toán khó, một bài văn dài đã vội than trời trách đất, cho rằng học cũng chẳng thể áp dụng được vào cuộc sống, chương trình khô khan, chán nản,…
– Không chỉ vậy một số em học sinh vì sợ vị đắng của chùm rễ học hành mà chuyển sang việc gian lận, ỷ lại vào người khác để được nếm quả ngọt mà không để mình phải đổ một chút mồ hôi công sức nào.
– Nhưng không nếm cái đắng cay, thì làm sao thấu hiểu được sự quý giá của vị ngọt thành công, rồi cái thứ phù phiếm viển vông mà các em có được từ việc không trung thực sẽ chính là cái hố chôn vùi cuộc đời của chính mình.
 

3. Kết bài

Nêu cảm nhận cá nhân.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào (Chuẩn)

Tôi vẫn thường nghe câu mà các vị tiền bối vẫn an ủi động viên mấy đứa trẻ đang nỗ lực ôn thi vào đại học, cao đẳng để giảm áp lực cho các em rằng: Học hành không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công. Thế nhưng mọi người thường quên mất vế sau rằng: học hành là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công. Trên thực tế rằng, việc học tập nhìn có vẻ nhà hạ, đơn giản nhưng riêng bản thân tôi thấy rằng học tập là cả một quá trình lao động vất vả. Người học tựa như một người nông dân dốc sức vun trồng cho cái cây trí tuệ của mình, chăm bẵm, tưới tắm, bón phân, đợi từng ngày, từng ngày cho đến khi cây lớn để thu được những lứa quả đầu tiên ngọt ngào. Việc đạt một thành tích nào đó trong học tập, như đỗ đại học, đạt học bổng, giải thưởng,… đều là những kết quả của việc không ngừng nỗ lực trong nhiều năm học tập, không hề dễ dàng chút nào. Thế nên ngạn ngữ Hy Lạp mới có câu: “Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào”.

“Học hành” là cả một quá trình lâu dài mà con người tiếp thu hoặc bổ sung những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nhận thức,… thông qua thầy cô, bạn bè, xã hội, thông qua sách vở, báo chí,… bằng cách tổng hợp, tích lũy các dạng thông tin để đưa vào bộ não thành nguồn kiến thức của riêng từng cá thể. Học hành có hai kiểu một là quá trình học chủ động, con người tự giác đi tìm hiểu, học hỏi những thông tin, kiến thức mà họ cho là có lợi đối với mình, thông qua việc quan sát, lắng nghe những gì người khác truyền đạt, hoặc việc tra cứu, tìm kiếm kinh nghiệm từ các loại trải nghiệm, thực hành. Một cách học khác được coi là học bị động, tức là con người không có chủ ý cho việc tiếp thu, nhưng nó lại dần tự đi sâu vào tiềm thức như một thói quen khó bỏ, ví như việc bị ám thị về quan điểm nhân sinh của ai đó, việc ta có thể bắt chước tiếng mèo, tiếng chó dù chưa từng có ý định học nó. Có thể nói rằng học tập là một quá trình phức tạp và gián đoạn, không xảy ra một cách tuần tự mà phụ thuộc vào ý chí bộ não và môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu đề cập đến việc học có chủ đích, được xây dựng thành một quá trình nghiêm túc, bài bản đó là hệ giáo dục của nhà trường.

“Cái rễ của học hành thì cay đắng” là hình thức ẩn dụ khá thú vị, chúng ta vẫn luôn biết rằng phần rễ của đa số các loài cây đều là phần bị vùi dập trong đất cát, bẩn thỉu, chịu nhiều khó khăn khắc nghiệt, hơn thế nữa đa số chúng cũng chẳng có được mùi vị thơm ngon, mà chỉ toàn là cay, đắng, thế nhưng trên tất cả rễ lại là bộ phận quan trọng nhất của một cái cây, không có gốc rễ thì chẳng có loài nào tồn tại sinh trưởng một cách bình thường được. Trái lại “quả ngọt” thì lại chính là phần ngon lành, tuyệt vời nhất của cây mà ai ai cũng ưa thích bởi hình thức đẹp đẽ, mùi vị ngọt ngào, cũng là minh chứng kết quả cho bao ngày tháng vun trồng vất vả. Như vậy hình tượng cái rễ cay đắng và quả ngọt chính là ẩn dụ cho công cuộc học hành đầy vất vả, gian lao, đôi lúc phải trải qua cả vị đắng cay để tạo được một nền tảng vững chắc cho cái cây tri thức được sinh sôi, rồi kết thành những quả ngọt ấy là những thành công, những kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong quá trình phát triển bộ rễ vững chắc lắm nhọc nhằn. Câu ngạn ngữ chính là một trong những nhận thức sâu sắc về quá trình học tập, cũng như vai trò của học tập trong việc rèn luyện phát triển con người trong xã hội.

Nói rằng học hành là cái rễ cay đắng là bởi việc học hành không phải là một chuyện đơn giản mà người ngoài có thể dễ dàng nhìn nhận và đánh giá. Ai cũng nói rằng những đứa trẻ được học hành là nhàn nhã, sung sướng, nhưng tôi lại không cho là vậy, bởi học tập là một công việc lao động trí óc mà đã là công việc lao động thì dù là bất cứ việc gì cũng đều tiềm ẩn những áp lực và những nguy cơ riêng. Học tập là cả một quá trình dài đằng đẵng, ngày đêm khổ luyện để thành tài, tốn nhiều công sức và thời gian, không một ai có thể vừa học đã giỏi mà ít nhiều đều cần phải có khoảng trống để lĩnh hội kiến thức và phát triển thêm. Ví như không ai vừa sinh ra đã biết đọc biết viết, không ai vừa nhìn đã có thể giải được hàm tích phân, chứng minh được một bài hình học không gian, cũng như không ai có thể phân tích được một tác phẩm văn học nếu chưa có sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng. Thêm vào đó việc học không phải là việc ta có thể tiến hành một cách gấp gáp, mà phải có tuần tự, học từ cái nhỏ rồi mới tới cái lớn, học từ dễ tới khó, học từ đơn giản đến phức tạp. Quá trình ấy được tính bằng năm, bằng tháng chứ không thể viết bằng phút, bằng giây, có thể nói rằng học hành là một quá trình đòi hỏi ở con người sự kiên nhẫn, nỗ lực không ngừng nghỉ, ứng với câu “dục tốc bất đạt”. Thêm vào đó việc học cũng có những vất vả, gian nan riêng mà không phải ai cũng vượt qua được, ta có thể mất cả hàng giờ cho một bài toán khó, mất cả một ngày cho việc chứng minh một định lý, thậm chí là mất cả hàng tháng, hàng năm cho một công trình nghiên cứu khoa học,…

Học tập đôi lúc đem đến cho con người ta áp lực vô cùng lớn, ấy là sự kỳ vọng vào điểm số, kết quả thi cử, ánh mắt của người thân, bạn bè, gánh nặng kinh tế, thời gian,… và những lúc khiến ta gần như gục ngã khi bị điểm kém, công trình nghiên cứu thất bại, thi rớt Đại Học,… Tất cả những điều đó chính là vị đắng cay của cái rễ học hành mà không phải ai cũng thấu hiểu, có chăng chỉ mình bản thân người học biết mình đã đổ bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu công sức, đã từng thức trắng bao đêm ôn luyện, đã từng bao nhiêu làn òa khóc trước đống sách vở khó nhằn mà thôi.

Thế nhưng sau khi trải qua tất cả những cay đắng của việc học hành rèn luyện, thì cái mà con người ta nhận được lại là những “quả ngọt” xứng đáng và tuyệt vời nhất thế gian. Vị ngọt đầu tiên mà chúng ta thường hay bỏ qua, bởi nó không nổi bật ấy là sự nâng cao hiểu biết của bản thân, cùng với bề dày tri thức đáng tự hào, đi kèm với những hiểu biết sâu rộng về các kiến thức văn hóa – kinh tế – xã hội, và sự giàu đẹp, phong phú của một tâm hồn có học vấn. Tất cả những điều ấy khiến chúng ta trở nên tự tin hơn trong cuộc sống, trở thành nền tảng cho quá trình tiến thân, trong công cuộc giao tiếp, học hỏi , mở rộng các mối quan hệ xã hội, khẳng định được vị trí của bản thân trong xã hội bởi nguồn tri thức tuyệt vời mà ta có được. Bên cạnh đó sự xuất sắc, thành quả tốt đẹp trong học tập còn trở thành niềm vui, niềm tự hào cho chính bản thân chúng ta và cho cả gia đình và nhà trường những con người dành rất nhiều tình yêu thương và kỳ vọng cho chúng ta. Cuối cùng những thanh công bước đầu trong quá trình học tập còn khiến con người ta có thêm động lực để phấn đấu, cố gắng hơn nữa trong quá trình chinh phục ước mơ, lý tưởng của sống, có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp với những thành công lớn.

Như vậy những chùm rễ đắng ban đầu chẳng là gì so với những quả ngọt mà chúng ta sẽ đạt được trong tương lai, là một con người có suy nghĩ và nghị lực lớn chúng ta phải biết vượt qua những thách thức ban đầu, những điều kiện khắc nghiệt của quá trình phát triển tri thức thì mới mong có được những thành quả tốt đẹp. Hãy nhìn cái cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh học tập để thấy bản thân chúng ta cần cố gắng nhiều hơn nữa. Từ một cậu thanh niên tròn 20 tuổi, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước với tư cách là phụ bếp trên một chuyến tàu biển, Người đã vượt đại dương, buôn ba suốt 30 năm trời ở hải ngoại, Người vừa lao động mưu sinh, vừa làm cách mạng, vừa học tập không ngừng nghỉ. Người đã học cách làm cách mạng của các nước tiến bộ trên thế giới, học cả tiếng của họ để tiện bề hoạt động với những điều kiện vô cùng khó khăn, Bác đã biết đến tận 29 thứ ngôn ngữ khác nhau, nói thành thạo được cả tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc,… Rồi quay về giải phóng đất nước khỏi xiềng xích của đế quốc. Nếu ai có hỏi thành quả học tập và lao động suốt đời của Bác thì có lẽ chỉ cần tóm gọn trong mấy chữ “nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam” mà thôi. Một tấm gương khác ấy là Gregor Mendel, người đã đặt nền móng cho di truyền học hiện đại, vì nhà nghèo ông không có điều kiện theo học đại học, thế nhưng ông vẫn tiếp tục kiên trì nghiên cứu và học tập trong một tu viện với những cây đậu Hà Lan. Thành quả đó là ông đã phát hiện ra quy luật di truyền, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành di truyền học hiện đại, cũng như đại nền móng cho việc nghiên cứu hệ gen người ngày nay. Hay như Henry Ford cha đẻ của những chiếc xe hơi hiện đại ngày nay, và chính ông cũng tự thành lập cho mình một công ty xe hơi với những mẫu xe chất lượng, với nguồn lợi nhuận khổng lồ. Tất cả những thành quả ấy đều bắt nguồn từ việc tìm tòi và học hỏi không ngừng nghỉ của Henry từ khi còn thơ bé, niềm đam mê bất tận với cơ khí đã khiến Henry thành công khi tạo ra mẫu xe hơi mang tên chính mình, và trở thành người tiên phong trong lĩnh vực xe hơi của thế giới.

Như vậy có thể thấy rằng, câu ngạn ngữ chính là lời khuyên, lời dạy vô cùng sâu sắc, đánh giá một cách tích cực về quá trình học tập của con người, mà mỗi chúng ta cần phải có ý thức tự giác bồi dưỡng, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường lĩnh hội kiến thức. Luôn mang theo tâm niệm “Học, học nữa, học mãi”, học không chỉ là một quá trình dài lâu mà học còn là một công việc diễn ra suốt cuộc đời. Bởi kiến thức là vô tận, mà cuộc đời của mỗi chúng ta chỉ vỏn vẹn trăm năm. Chỉ khi chúng ta không ngừng nỗ lực, kiên trì theo đuổi học vấn mà không quản ngại khó khăn thì những thành quả mà chúng ta thu nhận được mới thực sự quý giá và khiến chúng ta tự hào. Tôi thấy rất đáng buồn, khi ngày nay nhiều thế hệ trẻ không còn xem trọng việc học, không tiếp nối được truyền thống hiếu học của cha ông. Mới chỉ gặp một chút khó khăn, một con điểm kém, một bài toán khó, một bài văn dài đã vội than trời trách đất, cho rằng học cũng chẳng thể áp dụng được vào cuộc sống, chương trình khô khan, chán nản,… Đó là những suy nghĩ vô cùng tiêu cực và bị động, bởi việc học là phải chủ động tìm tòi, nghiên cứu thì mới thấy nó thú vị, chứ chỉ ngồi lì một chỗ ghi chép cho dày vở mà không chịu động não thì cũng chẳng thánh thần nào khiến các em học tập tốt được. Không chỉ vậy một số em học sinh vì sợ vị đắng của chùm rễ học hành mà chuyển sang việc gian lận, ỷ lại vào người khác để được nếm quả ngọt mà không để mình phải đổ một chút mồ hôi công sức nào. Nhưng hỡi ôi, các em đâu biết rằng, không nếm cái đắng cay, thì làm sao thấu hiểu được sự quý giá của vị ngọt thành công, rồi cái thứ phù phiếm viển vông mà các em có được từ việc không trung thực sẽ chính là cái hố chôn vùi cuộc đời của chính mình. Chẳng ai tôn trọng, yêu thương một người lười biếng, ích kỷ, thiếu nghị lực trong cuộc đời, bởi vì họ không xứng đáng có được nó.

Chính vì vậy thông qua câu ngạn ngữ với hình ảnh chùm rễ đắng và cái quả ngọt ngào, mỗi chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về quá trình học tập. “Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng nó là con đường ngắn nhất”, đồng thời tôi nghĩ rằng đó cũng là con đường sáng nhất. Mỗi chúng ta đều phải cố gắng, rèn luyện cho mình tính tích cực, tự giác trong học tập, không ngại khó ngại khổ, phải biết kiên trì nỗ lực một lòng hướng tới lý tưởng cuộc sống, những ước mơ và khát vọng đẹp đẽ trong tương lai.

———————–HẾT————————

Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em nội dung bài Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào, để hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị của việc học, các em có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 12 khác như: Nghị luận xã hội: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình, Nghị luận về Nỗ lực học tập là trách nhiệm của thanh niên, Nghị luận xã hội Nhân bất học bất tri lý, Nghị luận xã hội Sống, phải học hỏi.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nghi-luan-ve-cau-ngan-ngu-hi-lap-cai-re-cua-hoc-hanh-thi-cay-dang-nhung-qua-cua-no-thi-ngot-ngao/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp