Nhân cách nhà nho trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát

0
55
Rate this post

Đề bài: Nhân cách nhà nho trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát

nhan cach nha nho trong bai ca ngan di tren bai cat

Phân tích nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát
 

Bạn đang xem: Nhân cách nhà nho trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát

I. Dàn ý Nhân cách nhà nho trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu đôi nét về tác giả Cao Bá Quát và tác phẩm “Bài ca ngắn trên bãi cát”.
– Tác phẩm cho ta thấy được nhân cách cao đẹp của nhà Nho xưa.

2. Thân bài

a. Một số nét chính về tác giả, tác phẩm:
– Cao Bá Quát (1809 – 1855) là người thông minh, tài hoa, có chí lớn nhưng cuộc đời gặp nhiều trắc trở.
– Được người đời suy tôn là “Thánh Quát”.
– “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” được sáng tác khi ông đi thi Hội qua những tỉnh miền Trung đầy cát trắng.
– Bộc lộ được sự vất vả, khó khăn cũng như là nỗi niềm về con đường danh lợi đã thoái hóa, mục rửa đương thời.
– Tác phẩm “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” cho ta thấy được nhân cách trong sáng và cao đẹp của nhà Nho.

b. Vài nét chung về nhà Nho chân chính:
– Là người học sách Thánh hiền, hiểu biết rộng và được người đời coi trọng, kính nể.
– Có tư tưởng giúp dân giúp nước mà không màng danh lợi, vinh hoa phú quý.
– Luôn giữ được phẩm chất cao đẹp dù trong hoàn cảnh nào.

c. Nhân cách nhà Nho qua tác phẩm “Bài ca ngắn trên bãi cát”:
– Vốn có quyết tâm thi cử và đỗ đạt để cống hiến cho đất nước.
– Nhận thức ra rằng con đường danh lợi tầm thường đương thời đã cũ nát, sai trái.
– Cao Bá Quát ý thức cần phải thoát khỏi nơi danh lợi vô nghĩa.
– Khao khát được thay đổi xã hội, tìm con đường mới cho cuộc sống

3. Kết bài

Cảm nhận chung
 

II. Văn mẫu phân tích nhân cách nhà nho trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Chuẩn)

“Đi một bước như lùi một bước”

Hình ảnh “bãi cát” như là một nỗi ám ảnh cứ đeo đuổi ông. Một không gian vô định, mênh mông với bãi cát trải dài bao la đang làm ông mất phương hướng và kiên nhẫn. Hình ảnh ẩn dụ về con đường công danh xa xôi, mịt mù cát bụi cũng giống như là con đường đời gập ghềnh trắc trở trong xã hội phong kiến lạc hậu. Những nhọc nhằn và bế tắc khi đi trên con đường ấy được ông thể hiện:

“Mặt trời đã lặn, chưa dừng được
Lữ khách trên đường nước mắt rơi”

Dẫu biết mặt trời đã lặn nhưng không thể nào dừng lại được vì không thể ngừng chân. Cao Bá Quát miêu tả một trạng thái kiệt sức cùng với tâm trạng lo âu và buồn nản. Giữa một bãi cát dài vô định hiện lên dường như chỉ còn có mỗi mình ông với một tâm thế cô đơn, lạc lõng. Con đường danh lợi gập ghềnh, trắc trở đã khiến ông phải đi qua trong phẫn uất và tự trách mình.

Cùng với tâm trạng bế tắc và bất lực tác giả đã thốt lên với biết bao sự chán ghét, khao khát được giải thoát:

“Không học được tiên ông phép ngủ
Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!”
Xưa nay phường danh lợi
Tất tả trên đường đời.
Đầu gió hơi men thơm quán rượu
Người say vô số tỉnh bao người?”

Tác giả nói đến những người ham danh lợi cũng giống như là những kẻ ham rượu. Ở nơi nào có quán rượu thì họ sẽ đổ xô tới, chen lấn để giành cho được thứ cám dỗ ấy. Dù biết điều đó chẳng có gì cao đẹp, nhưng có mấy ai có thể thoát ra được cái mùi hương ấy. Qua đó, ta có thể thấy được Cao Bá Quát đã nhận ra rằng con đường danh lợi mà ông đang đi chỉ là vô nghĩa, nó đang bị cái xã hội phong kiến làm cho mục nát và từ từ tha hóa. Tại sao phải tranh giành để vào nơi quan trường danh lợi? Đó chính là sự day dứt xuất phát từ nhân cách cao đẹp của ông, một người coi thường danh lợi, vinh hoa phú quý. Giống như nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm khi xưa cũng đã viết:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”

(Nhàn)

Nhưng đáng buồn thay tác giả nhận ra rằng dẫu biết con đường danh lợi vô nghĩa, nhưng vì sự ràng buộc của xã hội phong kiến, ông vẫn đang đi trên con đường ấy, không dễ gì thoát ra được. Một tiếng thở dài ngao ngán vì chẳng biết đang mình tỉnh hay đang say trên con đường cùng không lối thoát:

“Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt
Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?
Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”
Phía Bắc núi Bắc, núi muôn trùng
Phía Nam núi Nam, sóng dào dạt.

Cao Bá Quát dường như bế tắc chẳng biết nên dừng lại hay tiếp tục đi tiếp nữa. Dù biết đi trên con đường giữa “bãi cát của lợi danh” thì mình cũng chẳng khác gì đám người chỉ biết chạy theo hơi rượu. Bài ca kết lại bằng một câu hỏi đầy trăn trở và khao khát những con đường mới:

“Anh đứng làm chi trên bãi cát?”

Tác giả đã thốt lên một câu hỏi chất chứa từ rất lâu như hỏi chính bản thân. Nếu biết rõ con đường danh lợi ấy là tầm thường thì tại sao lại đứng đây làm gì. Phải chăng, nhà Nho Cao Bá Quát cần tìm một con đường mới cho chính mình và cho đất nước.

Bên cạnh đó, cái xã hội phong kiến mục nát cũng khiến cho những người tài khó ra sức giúp dân giúp nước. Và Cao Bá Quát thì lại có một lí tưởng sống rất khác biệt giữa cái xã hội ấy, thể hiện qua câu thơ nổi tiếng của ông: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Cả cuộc đời ông sẽ chỉ cúi đầu trước sự thanh cao và thuần khiết của hoa mai, của con người, chứ không phải là cường quyền. Vì thế ông thoát ra khỏi những quan niệm cũ của nền học vấn cũ để mong tìm ra một con đường mới để lập công và lập danh nhằm giúp dân, giúp nước.

Thể hành của bài thơ, cùng những hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa, phép điệp tạo cảm giác về sự dài lê thê của bãi cát đã khiến cho “Sa hành đoản ca” tạo ấn tượng sâu sắc với người đọc. Ngòi bút của “Thánh Quát” quả thật vô cùng tài hoa.

Tóm lại tác phẩm “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” đã giúp ta hiểu được sự chán ghét và thái độ khinh miệt của nhà thơ với xã hội đang dần đi xuống và ước mơ được thay đổi nó. So sánh với Nguyễn Công Trứ, ta thấy Uy Viễn tướng quân cũng là một người có cách sống tự do phóng khoáng nhưng ông vẫn luôn giữ mình trong khuôn khổ Nho giáo với lòng trung quân. Ở Cao Bá Quát thì khác, ta thấy những tư tưởng khai sáng và mầm mống nổi loạn nhằm thay đổi một xã hội trì trệ đã xuất hiện trong “Sa hành đoản ca”. Vẻ đẹp nhân cách một nhà nho chân chính bộc lộ ở tấm lòng ngay thẳng, coi thường danh lợi, luôn trăn trở, tự vấn về ý nghĩa con đường đời, và khao khát tìm ra con đường sáng để có thể cống hiến tài sức cho non nước.

Qua bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát”, ta đã thấy được vẻ đẹp tâm hồn và phẩm cách của một nhà nho chân chính đó chính là Cao Bá Quát, một người hết lòng vì dân, không ngại khó khăn và thử thách, luôn giữ mình trong sạch trong bất kì hoàn cảnh nào. Chính những nhà nho như ông đã khơi gợi con đường mới trong một xã hội còn đầy bóng tối của sự lạc hậu và trì trệ.

———— HẾT —————

Sau khi tìm hiểu xong bài nhân cách nhà nho trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát để thấy được tâm trạng bi phẫn của Cao Bá Quát, Phân tích tâm trạng người lữ khách trong bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát, Cảm nhận Bài ca ngắn đi trên bãi cát, Phân tích bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát,…, để ôn tập kiến thức và học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nhan-cach-nha-nho-trong-bai-ca-ngan-di-tren-bai-cat/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp