Phân tích giá trị biểu cảm của những câu thơ sau: Mẹ đang tỉa bắp … em nằm trên lưng

0
44
Rate this post

Đề bài: Phân tích giá trị biểu cảm của những câu thơ sau: Mẹ đang tỉa bắp … em nằm trên lưng

phan tich gia tri bieu cam cua nhung cau tho sau me dang tia bap em nam tren lung

 

Bạn đang xem: Phân tích giá trị biểu cảm của những câu thơ sau: Mẹ đang tỉa bắp … em nằm trên lưng

Phần 1: Dàn ý phân tích giá trị biểu cảm của những câu thơ sau: Mẹ đang tỉa bắp … em nằm trên lưng

Xem chi tiết Dàn ý phân tích giá trị biểu cảm của những câu thơ sau: Mẹ đang tỉa bắp … em nằm trên lưng tại đây
 

Phần 2: Bài văn mẫu Phân tích giá trị biểu cảm của những câu thơ sau: Mẹ đang tỉa bắp … em nằm trên lưng

Bài làm:

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông vừa là một trong số ít những người vừa là nhà thơ vừa là nhà chính trị lớn. Tác phẩm của ông thường viết về con người, về đất nước với những vẻ đẹp rất đỗi giản dị, mộc mạc. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của con người trong lao động, kháng chiến bằng những lời thơ vừa suy tư vừa nồng nàn hơi thở yêu thương. Người ta biết thường đến Nguyễn Khoa Điềm trong bài thơ Đất nước, trích trường ca Mặt đường khát vọng. Ngoài ra, bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ cũng là một tác phẩm xuất sắc của ông với hình ảnh người mẹ Tà-ôi địu con đi, với âm hưởng của của những lời ru ngọt ngào, cùng những giá trị biểu cảm vô cùng sâu sắc.

Xin được dẫn chứng vài câu thơ trong bài để làm sáng tỏ giá trị biểu cảm ấy.

“Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka-lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,
Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi.
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.”

Người mẹ Tà-ôi giờ đã buông chày giã gạo, địu theo em Cu-tai lên tận núi Ka-lưi tỉa bắp. Như vậy, người mẹ không chỉ mang một vẻ đẹp của sự mạnh mẽ trong từng cái vung chày, mà còn mang cả vẻ đẹp của sự khéo léo, tỉ mẩn trong việc tăng gia sản xuất. Công việc tỉa bắp nói nặng thì không nặng, nhưng đòi hỏi con người ta phải dẻo dai, phải liên tục cúi gập người, phơi tấm lưng dưới mặt trời gay gắt. Câu thơ “Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ”, có một sự đối lập rất hay, có lẽ đây là hình ảnh trong mắt, hay trong suy nghĩ của em Cu tai chăng? Hay là của riêng Nguyễn Khoa Điềm ta cũng không biết nữa. Nhưng có một điều rất rõ ràng mà nổi bật hơn cả đó là hình ảnh “lưng núi” và “lưng mẹ” có sự tương phản rất rõ rệt, một bên thì to lớn, rộng rãi, một bên thì gầy guộc, nhỏ bé. Thế nhưng dường như lưng núi lại chỉ làm nền cho lưng mẹ, sự to lớn vững chãi của “lưng núi” đã làm cho hình ảnh “lưng mẹ” thêm đậm nét, tựa như vẻ đẹp của Thúy Vân làm nền cho Thúy Kiều vậy. Lưng mẹ nhỏ thôi, nhưng mang tầm vóc lớn, trên tấm lưng ấy là gánh nặng trách nhiệm với đất nước, là gánh nặng nuôi con lớn khôn, và thực tế ngay lúc này là mẹ đang phải cõng em Cu Tai đi tỉa bắp trên lưng đồi. Trong nỗi vất vả với gánh nặng trên lưng, với công việc chán ngán, lặp đi lặp lại, người mẹ vẫn rất đỗi dịu dàng, ân cần. Câu thơ “Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi”, hệt như lời ru, lời dỗ dành đứa con thơ, trong đó đong đầy tình cảm, lòng yêu thương của người mẹ hiền đối với đứa con. Mẹ mệt, mẹ mỏi nhưng hơn hết mẹ thương con phải theo mẹ nắng mưa dãi dầu, mẹ chẳng cho con được một giấc ngủ yên bình trong nôi, trong ngôi nhà êm ấm như bao đứa trẻ khác.

Cặp câu thơ “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”, cũng lại tựa như hai vế đối, có lẽ đây là cặp câu có giá trị biểu cảm cao nhất. Một bên là hình ảnh tả thực, mặt trời của trên cao kia là mặt trời của bắp, ngày ngày cho ánh sáng, cho cây sự sống để phát triển. Còn một bên, người mẹ xem em Cu Tai như là mặt trời của bản thân, điều đó có nhiều tầng nghĩa ẩn dụ, thứ nhất em là niềm tin, cung cấp cho mẹ sức mạnh, để mẹ phấn đấu trong lao động sản xuất, vì tương lai của gia đình và của đất nước. Thứ hai, mặt trời của mẹ là em Cu Tai cũng đồng thời thể hiện tình cảm trân quý, yêu thương vô cùng của người mẹ đối với đứa con của mình, em Cu Tai quý giá, cao cả như mặt trời trong tim mẹ và của riêng mẹ, em soi sáng con đường mẹ đi. Em là nguồn sống vô cùng quan trọng của mẹ, nếu một ngày thiếu em có lẽ mẹ cũng như cây bắp ngoài kia, chìm trong bóng tối và héo tàn mất thôi.

Như vậy chỉ qua vài câu thơ ngắn ngủi, chúng ta cũng có thể nhận ra những giá trị biểu cảm rất đỗi sâu sắc và nồng nàn tình cảm trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm, đặc biệt là trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Tình mẫu tử thiêng liêng và gắn bó giữa người mẹ Tà-ôi và đứa con thơ của mình hiện diện trong hầu hết những câu thơ, chỗ như lời ru, chỗ lại như lời kể, thật ấm áp biết bao. Từ đó cũng phần nào cảm nhận được vẻ đẹp của những người phụ nữ Tà-ôi trong kháng chiến, họ đã mạnh mẽ và bền bỉ đến mức nào. Tất cả đều nhờ vào tình yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước và lòng tin vào cách mạng một mai sẽ chiến thắng sâu sắc.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-gia-tri-bieu-cam-cua-nhung-cau-tho-sau-me-dang-tia-bap-em-nam-tren-lung/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp