Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí

0
115
Rate this post

Đề bài: Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí

phan tich hinh tuong vua quang trung trong hoang le nhat thong chi

Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí

Bạn đang xem: Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí

I. Dàn ý Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Vua Quang Trung là vị vua đã đánh tan hơn 25 vạn quân Thanh xâm lược.
– Hình ảnh của ông được tái hiện chân thực, sống động thông qua tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm tác giả Ngô gia văn phái.

2. Thân bài:

a. Quang Trung là người hành động quyết đoán, mạnh mẽ:

– Khi nghe tin Thăng Long bị quân Thanh chiếm đóng, Nguyễn Huệ đã “liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay”: cho thấy sự quyết đoán của ông.
– Chỉ trong vòng 1 tháng nhưng Nguyễn Huệ đã “tế cáo trời đất”, “lên ngôi hoàng đế”, “đổi niên hiệu”, “xuất quân”, “chiêu binh”,… để chuẩn bị ra Bắc đánh quân Thanh xâm lược.

b. Ông là một người có trí tuệ sáng suốt:

– Phân tích tình hình, tương quan lực lượng cũng như đưa ra chiến lược để tiến quân.

– Khi chiêu binh ở Nghệ An, ông biết lòng quân chưa vững nên đã “cưỡi voi ra doanh yên ủi quân sĩ”, khơi gợi ý chí chiến đấu của tướng sĩ qua lời phủ dụ sâu sắc.
+ Khẳng định độc lập, chủ quyền dân tộc.
+ Chỉ rõ âm mưu và tội ác của quân giặc.
+ Nêu ra truyền thống đánh đuổi giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
+ Kêu gọi binh sĩ đấu tranh vì dân tộc.

– Sáng suốt trong cách dùng người:
+ Khi hai tướng “Sĩ và Lân mang gươm trên lưng” đến xin chịu tội với Quang Trung vì đã đánh mất Thăng Long, ông không hề trừng phạt họ mà phân tích cái sai, cái đúng của tướng sĩ.
+ Đây là cách thu phục lòng người vô cùng thông minh của vua Quang Trung.

c. Ông là người có tầm nhìn xa trông rộng:

– Khi quân Thanh còn chưa chiếm được một tấc đất của ta, vua Quang Trung đã có sẵn “phương lược tiến đánh”: Chuẩn bị sẵn chiến lược ngoại giao lâu dài để đề phòng quân giặc “lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù”, tránh việc binh đao cho dân chúng.

d. Ông là một người thao lược, có tài dụng binh như thần:

Thể hiện ở qua cuộc hành quân thần tốc cũng như trận đánh Ngọc Hồi vang danh lịch sử Việt:
+ Cuộc hành quân thần tốc: Chỉ trong vòng năm ngày, ông đã cho quân đi từ Phú Xuân, Huế tới Tam Điệp.
+ Đêm 30 tháng Chạp, Quang Trung khao quân, hẹn mùng 7 tháng Giêng sẽ ăn Tết trong kinh thành Thăng Long.
+ Tự lên sách lược tiến công, đích thân cưỡi voi ra đốc thúc quân lính,…
+ Dưới tài năng chỉ huy của ông, đội quân áo vải đã liên tục lập nên những chiến tích hào hùng: “bắt sống được hết” toàn bộ quân do thám, “vây kín” làng Hà Hồi, khiến cho quân Thanh trong kinh thành đại bại “giày xéo lên nhau mà chết”, “thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử”,…
+ Chỉ trong vòng chưa đến mười ngày, Quang Trung đã đại phá 25 vạn quân Thanh, lập nên một chiến công lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam.

3. Kết bài:

Các tác giả của Hoàng Lê nhất thống chí đã dựng lên bức chân dung của người anh hùng áo vải Quang Trung trong chiến công thần tốc đại phá quân Thanh vô cùng chân thực, sống động.

II. Bài văn mẫu Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí (Chuẩn)

Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ là người anh hùng áo vải đã đánh tan hơn 25 vạn giặc Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta. Hình ảnh của người anh hùng đất Tây Sơn đã được khắc hoạ hết sức đầy đủ và sống động trong tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” của nhóm tác giả Ngô gia văn phái.

Nguyễn Huệ là người anh hùng có xuất thân áo vải nhưng lại có tài năng kiệt xuất cùng trí dũng phi thường. Những tác giả của “Hoàng Lê nhất thống chí” đã mượn lời người cung nhân trong phủ Trường Yên để nói về Quang Trung như sau: “Không biết rằng Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra bắc vào nam, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chính như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám nhìn thằng vào mặt hắn. Thấy hắn trỏ tay, đưa mắt, ai nấy đã phách lạc, hồn xiêu, sợ hắn hơn sợ sấm sét”. Những lời giới thiệu của người cung nhân ấy tuy vẫn coi Nguyễn Huệ là “giặc” thế nhưng lại không giấu nổi sự cảm phục trước tài năng xuất chúng, hơn người của ông. Một người đứng ở phía đối lập lại có thể ca tụng ông đến thế thì cũng đủ biết Nguyễn Huệ là một con người tài năng tới mức nào. Qua đoạn trích hồi thứ mười bốn trong “Hoàng Lê nhất thống chí”, Ngô gia văn phái đã cho chúng ta thấy được tài năng kiệt xuất của Nguyễn Huệ không chỉ ở hành động quyết đoán, mạnh mẽ, trí tuệ sáng suốt, nhạy bén mà còn ở tầm nhìn xa trông rộng và tài thao lược, dụng quân hơn người.

Đầu tiên, khi đọc hồi thứ 14 của tác phẩm, ta có thể thấy được Nguyễn Huệ là một con người có những hành động hết sức quyết đoán và mạnh mẽ. Điều đó thể hiện khi Nguyễn Huệ nhận được tin quân Thanh đã vào tới thành Thăng Long và “vua Lê nhận thụ phong”. Một vùng đất đai rộng lớn, vùng kinh kỳ, chốn trọng yếu của đất nước bị chiếm đóng, vậy nhưng Nguyễn Huệ chẳng hề kinh sợ, nao núng, “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Điều đó cho thấy sự quyết đoán mạnh mẽ vô cùng của vị anh hùng áo vải. Thế nhưng nghe lời khuyên can “để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người”, ông đã quyết định lên ngôi hoàng đế. Chỉ trong vòng một tháng, Nguyễn Huệ đã làm được bao việc lớn từ “tế cáo trời đất”, “lên ngôi hoàng đế”, “đổi niên hiệu” và “hạ lệnh xuất quân”, tuyển mộ binh lính, duyệt binh ở Nghệ An,…

Không chỉ vậy, ông còn là một người có trí tuệ sáng suốt và nhạy bén. Điều đó thể hiện khi ông phân tích tình hình ta và địch, về tương quan lực lượng cũng như chiến lược đánh giặc. Khi chiêu binh ở Nghệ An, biết lòng quân còn chưa vững, ông đã đưa ra lời phủ dụ, “cưỡi voi” ra tận “doanh” mà “yên ủi quân lính”. Lời phủ dụ của Nguyễn Huệ mang ý tứ phong phú, hùng hồn, mạnh mẽ như bài hịch năm nào của Trần Quốc Tuấn. Ông đã khẳng định chủ quyền dân tộc, vạch rõ âm mưu, tội ác của quân giặc nhằm khơi gợi lòng căm thù giặc sâu sắc ở quân lính. Đồng thời, ông nêu lên tấm gương những vị anh hùng chống giặc, bảo vệ độc lập dân tộc như “Trưng Nữ Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành”,… cùng với lịch sử chống quân xâm lược phương Bắc của dân tộc ta để khích lệ lòng tự tôn của các tướng sĩ. Nó đã tác động đến lòng quân, kích thích tinh thần yêu nước, tinh thần chính nghĩa và quật cường của dân tộc ta. Cuối bài phủ dụ, Quang Trung kêu gọi binh sĩ hãy đứng lên chống giặc cứu nước và nghiêm khắc nêu rõ kết cục của những kẻ phản trắc. Sự sáng suốt, nhạy bén của Quang Trung còn được thể hiện qua việc dùng người. Hai tướng sĩ của ông là Sở và Lân trấn thủ đất Thăng Long nhưng thất bại, “mang gươm trên lưng” đón ông để “xin chịu tội”. Với tội danh như thế, có thể đã bị xử tội chết, vậy nhưng vua Quang Trung lại hiểu rõ điểm yếu, điểm mạnh của tướng sĩ, khen chê đúng người, đúng việc rồi giao lại nhiệm vụ cho hai tướng sĩ của mình. Đó là cách thu phục lòng người vô cùng thông minh của người anh hùng Quang Trung.

Hơn thế, Quang Trung còn là một vị vua có tầm nhìn xa trông rộng. Khi quân giặc mới chỉ tiến vào nước ta, còn chưa kịp động quân, chưa kịp giành lấy tấc đất nào của ta, thì vua Quang Trung đã nói chắc như đinh đóng cột rằng: “lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh”. Ông cũng tính luôn được việc người phương Bắc khi thua trận sẽ “lấy thẹn mà lo mưu báo thù” nên cần có một phương sách ngoại giao đúng đắn để dân chúng được yên ổn, tránh chiến tranh, bạo loạn. Một vị vua mà chưa đánh đã có những kế hoạch cho sự phát triển lâu dài của đất nước, lo lắng, tạo phúc cho nhân dân thì quả là một vị vua có tầm nhìn xa trông rộng. Và đúng như vậy, Quang Trung đã làm nên trang sử hào hùng của dân tộc ta mà khó ai có thể sánh ngang bằng.

Cuối cùng, thông qua hồi thứ mười bốn của “Hoàng Lê nhất thống chí”, ta có thể thấy được Quang Trung còn là một người có tài dụng binh như thần, vô cùng thao lược. Chẳng vậy mà hai trận đánh Rạch Gầm – Xoài Mút, Đống Đa – Ngọc Hồi đã trở thành những trận đánh vang danh trong lịch sử dân tộc Việt, khiến cho quân phương Bắc phải khiếp vía. Trước hết là cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung, từ 25 tháng Chạp ở Huế, chỉ năm ngày sau đã ra tới Tam Điệp, cách Huế 500km. Phải nói rằng chưa từng có một cuộc hành quân nào khiến chúng ta phải kinh ngạc đến thế, lại nói khi đó, việc hành quân chỉ dựa vào sức người, không có phương tiện hỗ trợ, vậy mà đến đêm 30 tháng Chạp, ông đã có mặt ở Bắc, sẵn sàng tiến công tiến đánh quân địch. Quang Trung vừa đánh giặc vừa hoạch định kế hoạch và hứa với quân sĩ của mình rằng: mùng 7 tháng giêng sẽ ăn tết trong kinh thành Thăng Long. Quang Trung luôn tự mình lên sách lược tấn công, tổ chức binh sĩ, tự thân thống lĩnh các mũi tiến công, cũng như cưỡi voi đi đốc thúc quân lính,… Nếu không phải là một vị vua thao lược, liệu Quang Trung có thể làm được những điều phi thường, đánh bại hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược hay không?

Phải nói rằng quân sĩ trong tay Quang Trung không phải là đội quân thiện chiến nhất, họ chỉ mới vừa được chiêu mộ ở Nghệ An vậy mà đã liên tục lập nên những chiến tích. Dưới tài năng chỉ huy của Quang Trung đội quân ấy đã có được những chiến thắng áp đảo kẻ thù, như “bắt sống quân do thám ở Phú Xuyên”, “vây kín” làng Hà Hồi, tiến vào kinh thành Thăng Long bất ngờ khiến quân Thanh phải “bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, khiến cho Thái thú Sầm Nghi Đống phải “thắt cổ tự tử”, vua tôi Lê Chiêu Thống phải bỏ chạy,… Chỉ trong vòng “mươi ngày” như đã định, Quang Trung đã đại phá 25 vạn quân Thanh xâm lược, ghi danh trận đánh Ngọc Hồi vào những trận đánh hay nhất lịch sử Việt Nam. Qua đó, ta thấy rõ được tài thao lược, dụng binh như thần của vị anh hùng áo vải Quang Trung.

Qua đoạn trích trong hồi 14 của “Hoàng Lê nhất thống chí”, nhóm tác giả Ngô gia văn phái đã dựng lại cho chúng ta được thấy bức tranh về vị vua tài năng Quang Trung trong chiến công thần tốc đại phá quân Thanh. Với tài năng, phong thái của mình, vua Quang Trung đã ghi tên mình vào trang vàng lịch sử dân tộc, làm ngời sáng truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc ta, để đời sau còn mãi nhắc tên ông như một nhân tài kiệt xuất khó ai sánh bằng.

——————HẾT——————

Với quan điểm lịch sử đúng đắn cùng niềm tự hào dân tộc, nhóm tác giả Ngô gia văn phái đã viết lên tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, tái hiện hình ảnh người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Thông qua các bài: Phân tích tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, Cảm nghĩ của em về người anh hùng Nguyễn Huệ trong chương XIV của Hoàng Lê nhất thống chí, Nghệ thuật xây dựng nhân vật vua chúa trong Hoàng Lê nhất thống chí, Phân tích hồi thứ mười bốn để chứng minh nhận xét: Hoàng Lê nhất thống chí… những trang viết thực và hay chúng ta sẽ hiểu rõ thêm về người anh hùng dân tộc mang tên Nguyễn Huệ.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-hinh-tuong-vua-quang-trung-trong-hoang-le-nhat-thong-chi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp