Phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến

0
119
Rate this post

Đề bài: Phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến

phan tich net doc dao moi me cua hinh anh nguoi linh trong bai tho tay tien

Phân tích nét mới lạ về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến

Bạn đang xem: Phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến

I. Dàn ý Phân tích nét mới lạ về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Quang Dũng, bài thơ “Tây Tiến” và hình ảnh người lính trong bài thơ.

2. Thân bài
– Vẻ đẹp hào hùng của người lính Tây Tiến:
+ Vượt qua điều kiện chiến đấu khắc nghiệt, gian khổ
+ Thái độ và tư thế người lính trước những thử thách
– Hình ảnh người lính Tây Tiến lãng mạn, hào hoa
+ Ngây ngất đắm say vẻ đẹp con người và văn hoá miền Tây
+ Khát vọng tình yêu và giấc mơ đôi lứa trong tâm hồn người lính…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích nét mới lạ về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích nét mới lạ về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến (Chuẩn)

Quang Dũng – một nhà thơ, người nghệ sĩ đa tài và ông cũng đã từng là một người chiến sĩ cách mạng (đại đội trưởng của đoàn quân Tây Tiến). Quang Dũng sáng tác bài thơ “Tây Tiến” tại Phù Lưu Chanh, khi Quang Dũng rời binh đoàn Tây Tiến, chuẩn bị đến nhận công tác ở một đơn vị khác, “Tây Tiến” đối với nhà thơ là một thời đáng nhớ, một thời kì gian khổ nhưng rất đỗi anh hùng. Và “Tây Tiến” còn gắn liền với những đồng đội của ông, đó là những chiến binh Tây Tiến hào hoa, bi tráng.

Không khó để người đọc có thể nhận ra vẻ đẹp hào hùng, oai phong và hiên ngang của những người lính Tây Tiến. Bởi ngay từ những câu thơ đầu tác giả đã nói về hoàn cảnh sống và chiến đấu của chiến sĩ, những người lính Tây Tiến sống và chiến đấu trong điều kiện đầy gian khổ, khắc nghiệt, trải qua và đương đầu với vô vàn khó khăn thử thách. Đó là sự khắc nghiệt của địa bàn hoạt động hiểm trở

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”

Tác giả đã sử dụng các từ láy có sức gợi rất hiệu quả “khúc khuỷu” diễn tả con đường nhỏ vắt qua những sườn núi cao chênh vênh, đường đi ngoắt ngoéo, gập ghềnh, “thăm thẳm” mô tả độ cao của con dốc và độ sâu của vực núi, thêm vào đó là không gian “heo hút” hoang vu, quạnh quẽ thiếu bóng dáng con người. Điệp từ “dốc” lặp lại giống như diễn tả những con dốc cứ liên tiếp hiện ra tương ứng với những thử thách đối với người lính. Không chỉ địa hình khắc nghiệt mà thời tiết nơi miền núi Tây Bắc cũng khắc nghiệt:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Trong hoàn cảnh bị bệnh tật hoành hành đặc biệt là bệnh sốt rét rừng khiến cho các chiến sĩ bị rụng tóc, ốm yếu xanh xao như màu lá, hơn thế lại luôn phải đối mặt với thú dữ rình rập. Khắc nghiệt là vậy nhưng người lính Tây Tiến vẫn giữ vững tư thế hiên ngang bất khuất trước những thử thách “Mường lát hoa về trong đêm hơi” là hình ảnh tưởng tượng của người lính tô đậm tâm hồn lãng mạn của người lính, “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” cho thấy thái độ ngạo nghễ, hiên ngang đối mặt với những thú rừng nguy hiểm. Có thể nói người lính đã hoà nhập vào cuộc sống hoang dã nơi này, hoà nhập với thái độ chủ động, tinh thần lạc quan, yêu đời. Quang Dũng mang đến cho chúng ta một cái nhìn thật mới mẻ và độc đáo về người lính, đó không chỉ là vẻ đẹp kiêu hùng, bất khuất còn là sự hào hoa lãng mạn, tâm hồn thơ mộng.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ”

Trước vẻ đẹp của con người và văn hoá miền Tây Bắc Tổ quốc đã khiến những người lính Tây Tiến ngây ngất đắm say. Doanh trại là nơi gắn liền với những quy định, kỉ luật nghiêm khắc nhưng nay lại tràn ngập ánh sáng và màu sắc lãng mạn với hội đuốc hoa. Hình ảnh các thiếu nữ vùng sơn cước xúng xính trong những bộ váy xiêm y khiến người như bị choáng ngợp trong những cảm xúc lãng mạn. Người lính không chỉ ngỡ ngàng mà còn đắm say thưởng thức vẻ đẹp ấy với trí tưởng tượng của tình yêu, cuộc sống.

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Trong tâm hồn người lính có mộng và mơ, mộng là giấc mộng công danh, khát vọng lập công xuất phát từ lòng yêu nước. Còn mơ ấy là giấc mơ gửi về mảnh đất quê nhà, gửi đến các thiếu nữ hà thành duyên dáng mang khát vọng về tình yêu đôi lứa xuất phát từ khát vọng hạnh phúc của tuổi trẻ. Như vậy người lính Tây Tiến mang khát vọng tình yêu đôi lứa vẫn luôn hướng tới khát vọng hoà bình của dân tộc. Có lẽ chẳng ai nói về người lính mà lại nhắc đến cái chết nhiều như Quang Dũng, nhưng chính điều đó đã khẳng định vẻ đẹp đậm chất bi tráng của người lính Tây Tiến:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

“Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Mặc dù cái chết là điều khắc nghiệt nhất của chiến tranh nhưng tác giả không những không né tránh mà còn đề cập rất nhiều lần. Phải chăng với Quang Dũng cái chết đã không còn là thảm hoạ ám ảnh nữa mà trở thành nhiệm vụ tất yếu thiêng liêng và cao cả. “Không bước nữa” không phải không bước được nữa, “bỏ quên đời” không phải bị đời bỏ quên mà là chủ động dừng bước, chủ động đón nhận cái chết với tư thế sẵn sàng, coi như hoàn thành nhiệm vụ tất yếu. Những từ Hán Việt như “biên cương”, “mồ”, “viễn xứ”, “áo bào”, “khúc độc hành” cùng nói đến một thực tế rằng người lính khi hi sinh phải gửi thân mình dưới lòng đất với những nấm mồ vô chủ rải rác nơi biên cương hoang lạnh. Đó là sự bất hạnh và khốc liệt của chiến tranh và tác giả gửi vào đó sự kính cẩn nghiêng mình trước sự ra đi cao cả của đồng đội. Người lính khi đối diện với cái chết hoàn toàn bình thản, chủ động “Chiến trường đi chẳng tiếc trời xanh”. Người lính dứt khoát, không đắn đo hay lưu luyến, tiếc nuối điều gì, không ham sống sợ chết mà sẵn lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “anh về đất” coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, chết cũng giống như bao nhiệm vụ khác. Để làm nổi bật hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp độc đáo và mới lạ tác giả đã tận dụng tối đa sức biểu đạt của phép tương phản giữa hoàn cảnh chiến đấu với thái độ, tư thế và phẩm chất người lính. Bên cạnh đó việc sử dụng từ chỉ địa danh đã gợi tả vùng đất xa xôi, gợi kỉ niệm về một thời chiến đấu gian khổ. Ngoài ra còn rất nhiều những từ láy tượng hình tô đậm vẻ đẹp người lính, phép điệp từ, điệp vần và hình ảnh nhân hoá.

Trong bài thơ “Tây Tiến” Quang Dũng đã có những tái hiện đầy tinh tế về vẻ đẹp của hình tượng người lính, những câu thơ nói về người lính vừa lãng mạn, vừa đậm chất sử thi mang âm điệu hào hùng rắn rỏi. Nhờ đó mà hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên trong lòng người đọc trở nên đẹp lí tưởng, vừa hào hùng, hào hoa lại đậm chất bi tráng.

——————HẾT—————–

Qua bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng đã dựng lên bức chân dung bi tráng, hào hùng cũng đầy mới lạ về người lính Tây Tiến. Để tìm hiểu chi tiết về những nét đặc sắc này, các em có thể tham khảo thêm các bài phân tích bài Tây Tiến khác như Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến: Doanh trại bừng lên… khúc độc hành, Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến, Phân tích 8 câu thơ đầu Tây Tiến, Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài Tây Tiến,…

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-net-doc-dao-moi-me-cua-hinh-anh-nguoi-linh-trong-bai-tho-tay-tien/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp