Tê-lê-mác kể lại cảnh người cha của mình là Uy-lít-xơ trở về

0
45
Rate this post

Đề bài: Em hãy hóa thân thành Tê-lê-mác kể lại cảnh người cha của mình là Uy-lít-xơ trở về.

te le mac ke lai canh nguoi cha cua minh la uy lit xo tro ve

Tê-lê-mác kể lại cảnh người cha của mình là Uy-lít-xơ trở về
 

Bạn đang xem: Tê-lê-mác kể lại cảnh người cha của mình là Uy-lít-xơ trở về

I. Dàn ý Tê-lê-mác kể lại cảnh người cha của mình là Uy-lít-xơ trở về

1. Mở bài

– Tôi là Tê lê mác, con của cha Uy lít xơ và mẹ Pê nê lốp.
– Hai mươi năm xa cách, trải qua bao biến cố, khó khăn thách thức, trôi dạt lênh đênh khắp nơi, cha tôi mới được đặt chân lên mảnh đất chốn quê nhà.

2. Thân bài

– Cha tôi chiến thắng những tên cầu hôn, trừng trị bọn chúng đích đáng.
– Nhũ mẫu báo tin cho mẹ về sự trở về của cha nhưng bà tuyệt nhiên không tin…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Tê-lê-mác kể lại cảnh người cha của mình là Uy-lít-xơ trở về tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Tê-lê-mác kể lại cảnh người cha của mình là Uy-lít-xơ trở về

Tôi là Tê lê mác, con của cha Uy lít xơ và mẹ Pê nê lốp. Cha tôi rời xa quê hương đi khám phá, chinh phục những vùng đất mới từ lâu. Hai mươi năm xa cách, trải qua bao biến cố, khó khăn thách thức, trôi dạt lênh đênh khắp nơi, cha tôi mới được đặt chân lên mảnh đất chốn quê nhà.

Lúc này, gia đình tôi đang gặp biến cố lớn khi những tên cầu hôn xảo quyệt và bọn phản chủ đang âm mưu cướp tài sản, tôi phải cùng những người đầy tớ trung thành của mình nghĩ cách để ngăn chặn bọn chúng. Cha tôi trở về như rồng thêm cánh, bằng sức mạnh và trí tuệ chúng tôi đã giết bọn chúng, trừng trị một cách đích đáng. Trong cuộc thi bắn cung do mẹ tôi tổ chức, cha tôi đã giành được chiến thắng, tôi sung sướng vô cùng vì ngay lúc này, tôi mới nhận ra người giả bộ dạng hành khất kia là cha mình.

Nhận được tin, nhũ mẫu Ơ-ri-clê mừng mừng tủi tủi nhanh chóng đến báo cho mẹ tôi biết là cha đã trở về và tiêu diệt bọn cầu hôn. Nhưng mẹ tôi không hề tin vào những điều nhũ mẫu nói, với người phụ nữ có trái tim yêu tha thiết kia đã hết hy vọng rằng người chồng của mình đang sống. Bà bảo đó là một vị thần tối cao nào đó vì bất bình trước bọn hôn quân, nghịch tặc láo xược kia mà xuống trần gian trừng trị chúng. Dù nhũ mẫu có phân trần, giải thích những dấu hiệu mà chỉ có ở cha tôi đó là vết sẹo ở bàn chân do nanh trắng của một con lợn cắn, thậm chí nhũ mẫu còn đem cả tính mạng của mình để khẳng định mà mẹ tôi vẫn không mảy may chuyện đó, với mẹ tôi bây giờ cha tôi đã chết rồi, hết hy vọng cha sẽ trở lại vùng đất A-cai yêu dấu này.

Khi vừa cùng nhũ mẫu bước xuống lầu, tôi nghĩ rằng chắc mẹ tôi sẽ mừng lắm, người chồng sau bao tháng ngày cách trở lại đang đứng trước mặt mình. Vậy mà điều đó lại không xảy ra, mẹ tôi bước qua ngưỡng cửa ngồi dưới ánh lửa bên bức tường đối diện, vẻ mặt đăm chiêu, sửng sốt, phân vân khi ngồi trước một người đàn ông áo quần rách rưới. Còn cha tôi thì ngồi tựa trên chiếc cột cao, ánh mắt như đang chờ đợi, hy vọng điều gì đó từ mẹ. Bực mình trước cách hành xử của mẹ, tôi buông lời trách mắng gay gắt, dù biết đó là hỗn láo nhưng tôi không nén được cơn giận của mình:

“Mẹ ơi! Mẹ thật lạnh lùng, tàn nhẫn. Trái tim mẹ độc ác quá chừng! Sao mẹ lại ngồi xa cha con thế kia? Sao mẹ không đến bên cha con, vồn vã hỏi han cha con? Thật không có một người vợ nào cứng rắn, sắt đá đến mức sau hàng chục năm trời người chồng đi biền biệt, chìm nổi trong bao nhiêu nỗi gian truân, bây giờ trở về được đến nhà đến cửa, thấy vợ, thấy con mà vợ thì ngồi cách xa chồng như vậy, chẳng nói chẳng rằng như vậy. Sao mẹ lại lạnh lùng, cứng rắn đến thế?”

Mẹ tôi xoa đầu tôi, ôn tồn đáp:

“Con ạ! Lòng mẹ kinh ngạc quá chừng! Mẹ không sao nói được nên lời, mẹ cũng không thể hỏi han, nhìn thẳng vào mặt người mà mới đây chỉ là một lão hành khất kể chuyện cho mẹ về Uy-lít-xơ còn đang trên đường trở về quê hương mà bây giờ lại đã là người chồng của mẹ. Dù sao con cứ yên tâm. Nếu đích thực đây chính là Uy-lít-xơ, bây giờ đã trở về, thì con có thể tin chắc rằng thế nào cha con và mẹ cũng sẽ nhận được ra nhau một cách dễ dàng, bởi vì cha và mẹ có những kỷ niệm riêng, những dấu hiệu riêng chỉ có hai người biết với nhau, còn người ngoài chẳng ai biết được. Vì thế con chẳng nên vội trách cứ mẹ làm gì.”

Mẹ vừa buông lời, cha tôi mỉm cười vỗ về tôi:

“Tê-lê-mác con! Đừng làm phiền lòng mẹ! Mẹ con xem ra còn muốn thử thách cha đấy, nhưng thế nào rồi mẹ cũng sẽ nhận được cha thôi. Chắc chắn là như thế. Hiện giờ người cha còn bẩn thỉu, áo quần rách rưới, đúng là một kẻ hành khất mà. Vì thế nên mẹ con khinh thị chưa dám nhận cha đâu. Tuy nhiên về phần cha con ta thì cũng phải tính đến chuyện đối phó với gia đình bọn cầu hôn. Chúng ta đã sát hại bao nhiêu chàng trai của những gia đình quyền quý. Anh em, họ hàng của những người đó hẳn oán thù chúng ta và sẵn sàng đòi nợ máu. Con nên suy nghĩ.”

Tôi luôn tin tưởng vào cha, trong tâm hồn tôi cha là người khôn ngoan và sáng suốt nhất mà không ai sánh kịp. Tôi thưa với cha rằng mọi việc cha cứ uyết định, lòng con luôn hăng hái phù tá cha.

Cha tôi gật đầu, mãn nguyện, rồi bảo mọi người đi tắm rửa và mang những bộ trang phục thật đẹp, làm yến tiệc linh đình vờ như đám cưới và dặn mọi người giữ kín chuyện để tránh oán thù của thân nhân kẻ phản bội. Nói xong cha tôi đi tắm. Lát sau, cha bước từ phòng tắm ra, bỏ đi bộ áo quần rách rưới của kẻ hành khất, trong bộ trang phục mới trông cha tôi đẹp như một vị thần, toả ánh hào quang chói lóa. Người ngồi lại chỗ cũ rồi nhìn mẹ tôi thật âu yếm mà tỏ nỗi lòng:

“Nàng thật là người sắt đá. Trái tim nàng lạnh giá như một tảng băng chắc. Có lẽ các vị thần đã ban cho nàng trái tim ấy để nàng khác hẳn những người đàn bà trần thế vốn mang tiếng là yếu đuối và dễ xúc động. Bởi vì chẳng có một người vợ nào đối đãi với chồng như nàng, người chồng bao nhiêu năm xa cách bây giờ trở về những tưởng được vợ vồn vã hỏi han, ân cần chăm sóc thì lại chỉ được sự im lặng, lạnh lùng.”

Mẹ tôi nghe xong, lòng mừng tủi, song vẫn tỏ ra rất thận trọng và hoài nghi: “Không, ta chẳng kiêu kỳ, khinh rẻ một ai, ta cũng không ngạc nhiên đến rối tâm loạn trí. Ta biết rõ chàng, chồng ta như thế nào khi chàng từ giã Ithaque ra đi trên con thuyền có những mái chèo dài. Vậy thì, Ơ-ri-clê! Già hãy cùng gia nhân vào trong căn phòng riêng của ta khiêng chiếc giường đẹp đẽ, vững chắc do chính bàn tay khéo léo của Uy-lít-xơ đóng, ra ngoài này. Sau đó già dọn giường, lót đệm trải chăn cho sạch sẽ cẩn thận để vị khách cao quý của chúng ta nghỉ.”

Hoá ra đây là câu nói để mẹ thử cha tôi, đây là bí mật mà chỉ có hai người biết, ngoài thị tì thân cận của ông ngoại tôi. Khi mẹ vừa dứt lời, cha tôi giật mình mà nói:

” – Nàng ơi! Nàng vừa nói một điều làm cho trái tim ta đau nhói. Quả thật nó xúc phạm đến ta. Ai là người đã khiêng chiếc giường của ta, đã khiêng nó đi, dời nó đi một chỗ khác, trước cái ngày hôm nay rồi? Đây là một việc cực kỳ khó khăn mà chắc rằng nếu không có thần linh giúp đỡ thì một người trần dù đang sức thanh niên cũng khó lòng lay chuyển được”. Rồi từ từ cha tôi kể lần lượt mọi chi tiết về chiếc giường rất tỉ mỉ, tôi kinh ngạc vô cùng vì trước giờ tôi cũng không hề biết điều đó.

Mẹ tôi vừa nghe những lời cha tôi nói vừa thảng thốt, vừa ân hận, bủn rủn tay chân, rồi người chạy ngay đến bên cha vồn vã mà ôm hôn lên trán lên cổ cha tôi, lệ chảy không ngừng, giọt nước mắt hạnh phúc khi nhận ra chính người chồng của mình sau một thời gian dài mà nói:

” Uy-lít-xơ hỡi! Xin chàng đừng giận! Bởi vì chàng lúc nào cũng là con người khôn ngoan hơn những người khác. Ôi chao! Các vị thần đã giáng xuống cuộc đời chúng ta biết bao nỗi bất hạnh. Các vị thần đã ghen ghét chúng ta. Các vị chẳng muốn cho chúng ta được hưởng niềm vui bên nhau, được cùng nhau hưởng hạnh phúc của tuổi xuân và cùng nhau đi đến tuổi già. Xin chàng đừng giận em, cũng đừng oán trách em về nỗi đã gặp chàng mà vẫn không tin, không chạy tới ôm chàng. Bởi vì từ ngày chàng ra đi trái tim em luôn sống trong nỗi lo âu phấp phỏng. Có người sẽ đến đây dùng những lời lẽ ngọt ngào để dụ dỗ lừa dối em. Trên đời này chẳng thiếu những người mà đầu óc chỉ có tính chuyện lừa đảo và làm hại người khác”. Nghe những lời nói chân tình của mẹ tôi, ai nấy đều mủi lòng cảm động, cha tôi vừa thương vừa khóc, xiết tay ôm lấy mẹ với bao tình cảm nồng đượm, thương yêu. Tình cảm hai người càng thủy chung, son sắt, mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Nhìn mẹ tôi vui mừng, sung sướng khi gặp lại cha, tôi hạnh phúc vô cùng. Thế là từ đây tôi được sống trong gia đình nhỏ, có cha mẹ những người hết mực thương yêu tôi. Tôi sẽ được cha dạy cho nhiều điều mới mẻ nữa, nghĩ đến đây thôi tôi thấy lòng mình ngập tràn niềm vui và nỗi xúc động khó tả.

——————HẾT——————-

Cùng với bài Hóa thân thành Tê-lê-mác kể lại cảnh người cha của mình là Uy-lít-xơ trở về, các em có thể tìm hiểu chi tiết về nội dung, ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích này qua việc tham khảo: Cảm nhận đoạn trích Uy-lít-xơ trở về, Vẻ đẹp của nhân vật Pê-nê-lốp qua đoạn trích Uy-lít-xơ trở về, Phân tích diễn biến tâm trạng Uy-lít-xơ trong đoạn trích Uy-lít-xơ trở về, Đọc hiểu văn bản Uy-lít-xơ trở về.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/te-le-mac-ke-lai-canh-nguoi-cha-cua-minh-la-uy-lit-xo-tro-ve/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp