Nghị luận xã hội về lòng tự trọng

0
133
Rate this post

Đề bài: Nghị luận xã hội về lòng tự trọng

nghi luan xa hoi ve long tu trong

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng
 

Bạn đang xem: Nghị luận xã hội về lòng tự trọng

I. Dàn ý nghị luận xã hội về lòng tự trọng (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giá trị của con người thực sự xuất phát từ những giá trị tốt đẹp tiềm ẩn bên trong tâm hồn và một trong những giá trị ấy là lòng tự trọng của mỗi con người.
– Người ý thức được ý nghĩa và giá trị của lòng tự trọng cũng chính là người định đoạt được giá trị của bản thân mình, từ đó luôn cố gắng giữ gìn và hoàn thiện, ngày một nâng cao phẩm giá của mình.

2. Thân bài

* Khái niệm tự trọng:
– Tự trọng có nghĩa là luôn tự biết chú ý, giữ gìn những phẩm giá tốt đẹp của bản thân, luôn coi trọng bảo nhân cách của mình,…(Còn tiếp)

 
>> Xem chi tiết Dàn ý nghị luận xã hội về lòng tự trọng tại đây
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về lòng tự trọng (Chuẩn)

Con người luôn được nhìn nhận và đánh giá ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ vẻ bề ngoài, đến học thức địa vị, cách cư xử trong giao tiếp. Nhưng giá trị của con người thực sự xuất phát từ những giá trị tốt đẹp tiềm ẩn bên trong tâm hồn và một trong những giá trị ấy là lòng tự trọng. Người ý thức được ý nghĩa và giá trị của lòng tự trọng cũng chính là người định đoạt được giá trị của bản thân mình, từ đó luôn cố gắng giữ gìn và hoàn thiện, ngày một nâng cao phẩm giá của mình.

Tự trọng vốn là một từ Hán Việt, dịch nghĩa là tự biết để ý, giữ gìn, đặt nặng những vấn đề của bản thân. Suy rộng ra tự trọng có nghĩa là luôn tự biết chú ý, giữ gìn những phẩm giá tốt đẹp của bản thân, luôn coi trọng bảo nhân cách của mình, không cho phép bản thân sống lệch lạc, hoặc tác động của môi trường làm ảnh hưởng đến chúng, dù có là ở trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo nhất. Người có lòng tự trọng là người trước hết có tư cách đạo đức, nhân phẩm cao đẹp, sống nhân hậu, vì người cũng là vì mình, tôn trọng bản thân cũng đồng thời tôn trọng mọi người xung quanh, không tùy tiện đánh giá, hay đối xử bất công với người khác bởi tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng bản thân mình. Người có lòng tự trọng là người rộng lượng, không hay tính toán thiệt hơn, sẽ không vì cái lợi nhỏ mà bị cám dỗ, ảnh hưởng đến nhân phẩm danh dự, để bị chê cười. Ở một khía cạnh nào đó, trong quá khứ, người ta thường quy cho tự trọng chính là lối sống thanh cao, thoát tục không vướng vào những chuyện thị phi, đó là điều không sai, nhưng cho đến nay thế giới có nhiều biến đổi, người có lòng tự trọng không còn là việc sống tách biệt với thế giới để bảo vệ cái tôi cá nhân nữa mà là sống hòa nhập, chan hòa nhưng vẫn bảo vệ được phẩm giá và danh dự của mình, được người người yêu quý kính trọng.

Tự trọng biểu hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống của mỗi con người. Đầu tiên, tự trọng thể hiện ở việc sống trung thực với bản thân, gia đình và xã hội, luôn nỗ lực làm hết mình trong công việc, không gian dối, sống ngay thẳng, luôn cố gắng khẳng định tài năng và nhiệt huyết của mình. Không làm những việc khuất tất, không rõ ràng minh bạch để người khác hiểu lầm, luôn chí công vô tư, tấm lòng trong sáng, đối xử chân thành với mọi người, không dựng chuyện đặt điều về người khác, không tham gia bình luận hay phán xét một cách chủ quan. Thấy cái sai phải lên tiếng chỉ ra một cách khéo léo, tuyệt đối đừng quá gay gắt khiến đối phương mất mặt, cần đặt cả lòng tự trọng của đối phương lên để cân nhắc trước khi hành động. Khi chúng ta vô tình mắc lỗi, không nên trốn tránh vì không dễ gì trốn được, bởi ai cũng có đôi mắt đủ tinh tường để nhận ra, đôi khi họ im lặng không có nghĩa là họ không biết mà chỉ đơn giản là họ chờ ta tự nói ra mà thôi. Khi chúng ta thẳng thắn nhận lỗi và chấp nhận sửa sai với một thái độ nhiệt tâm, chân thành, thì hơn tất cả chúng ta vừa bảo vệ được phẩm giá của bản thân, vừa khiến người khác có cái nhìn thiện cảm hơn, lỗi lầm của chúng ta vì thế mà cũng dễ dàng được bỏ qua. Tự trọng còn thể hiện ở nếp sống và sinh hoạt cá nhân, một người có lòng tự trọng sẽ biết sắp xếp cuộc sống của mình thật gọn gàng ngăn nắp, biết lên kế hoạch, biết quý trọng thời gian và sức khỏe của bản thân. Có ý thức bảo vệ của công, bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích của tập thể dù đôi khi phải hy sinh lợi ích cá nhân.

Lòng tự trọng không chỉ đơn giản là việc giữ gìn nhân cách và phẩm giá của bản thân mà còn thể hiện ở lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, lòng yêu nước nồng nàn. Luôn tỉnh táo và đấu tranh chống lại mọi hành vi làm ảnh hưởng đến đất nước, luôn tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Có tinh thần học hỏi, tiếp thu những cái mới, tốt đẹp của nhân loại nhưng không được có tư tưởng sính ngoại, Tây hóa, bỏ rơi nền văn hóa 4000 năm của dân tộc, mà thay vào đó phải cố sức phát triển, trên tất cả hãy nhớ chúng ta là con dân Việt Nam là dòng giống Lạc Hồng.

Lòng tự trọng có thể xem là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm cách của con người, người có lòng tự trọng thường là người có một tâm hồn đẹp, được tiếp thu một sự giáo dục rất tốt từ gia đình, nhà trường và xã hội. Người có lòng tự trọng luôn có một lối sống cao đẹp khiến người khác phải nể phục và kính trọng, không dám tùy tiện mà nhận xét đánh giá. Lòng tự trọng giúp con người ta hoạch định bản thân tốt hơn, biết việc nên và không nên làm, bởi vậy, cuộc sống và công việc của họ cũng trở nên dễ dàng và suôn sẻ hơn hẳn. Còn ngược lại người không có lòng tự trọng, không biết giữ gìn phẩm giá, chỉ biết ghen ăn tức ở, ích kỷ, xấu xa, nhỏ nhen chính là tự hạ thấp bản thân mình, đa phần xã hội chẳng mấy ai ưa thích kiểu người như vậy. Người không biết tôn trọng chính bản thân và tôn trọng người khác thì rất khó nhận được sự ủng hộ, đồng tình, dễ bị đào thải trong môi trường công việc, học tập và trong bất kỳ một tập thể nào khác. Nếu trong một xã hội, mọi người đều ý thức được giá trị của lòng tự trọng, thì có một điều tất yếu rằng xã hội chắc chắn sẽ trở nên văn minh hơn hẳn, đẹp đẽ hơn nhờ lối sống và cách cư xử có văn hóa mà mỗi người dành cho nhau. Bớt đi được những ganh đua ích kỷ làm trì trệ sự phát triển, bớt đi được những tệ nạn làm xã hội rối ren, phức tạp.

Một điều quan trọng chúng ta cần nhớ, chớ có lầm tưởng hai khái niệm tự trọng và tự ái, tự cao, tự đại là một, bởi so với tự trọng là tôn trọng giữ gìn phẩm giá, nâng cao giá trị bản thân thì tự ái lại là lòng nhỏ nhen, ích kỷ, thậm chí là yếu đuối, luôn muốn khư khư bảo vệ lấy cái tôi cá nhân, không muốn hi sinh lợi ích cá nhân. Dễ dàng bị tác động bởi những tác nhân bên ngoài, dù đó là đúng hay sai, biểu hiện rõ nhất đó là việc người hay tự ái thì không bao giờ chấp nhận và sửa chữa sai lầm của mình, thay vào đó họ sẽ trưng ra bộ mặt giận dỗi, yếu đuối để người khác phải thương cảm, e dè. Đây rõ ràng không phải là biểu hiện của lòng tự trọng.

Lòng tự trọng là một trong những nhân tố quan trọng nhất làm nên giá trị của mỗi con người, hướng con người đi theo những suy nghĩ và hành động tích cực để bảo vệ, nâng cao phẩm giá của bản thân, làm đẹp cho chính tâm hồn của mình đồng thời cũng là làm đẹp cho xã hội, góp phần phát triển xã hội ngày một văn minh giàu mạnh hơn. Con người cần mỗi ngày tự rèn luyện cho bản thân tính tự trọng từ những điều vụn vặt nhất trong cuộc sống, làm sao cho dẫu là một mẩu rác chúng ta bỏ đi cũng vẫn lưu lại hương thơm từ đức tính tốt đẹp tỏa ra trong chính bàn tay của chúng ta.

——————HẾT—————-

Lòng tự trọng là một trong những đức tính quý giá của con người. Để hoàn thiện nhân cách, bên cạnh lòng tự trọng, con người cần tu dưỡng và phát triển thêm nhiều phẩm chất quan trọng khác. Những bài mẫu Nghị luận xã hội về tính tự lập, Nghị luận xã hội về đức tính chăm chỉ, Nghị luận xã hội Đức tính khiêm tốn, Nghị luận về lòng kiên trì nhẫn nại sẽ giúp các em có thêm hiểu biết về những phẩm chất đáng quý này.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-long-tu-trong/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp