4 Bộ đề đọc hiểu Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

0
89
Rate this post

Cùng tìm hiểu một số đề đọc hiểu Chuyện chức phán sự đền Tản Viên để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu trong các kì thì sắp tới.

Đề đọc hiểu Chuyện chức phán sự đền Tản Viên – Đề số 1

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

       Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang.Chàng vốn khẳng khái nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực. Trong làng trước có một ngôi đền linh ứng lắm. Cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang lấn cướp, vùng ấy thành một nơi chiến trường. Bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách hộ họ Thôi, tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian. Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, họ sợ thay cho Tử Văn, nhưng chàng vung tay không cần gì cả.

( Trích Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, SGK Ngữ văn 10,Trang 56,Tập II, NXBGD 2006)

Câu 1/ Nêu nội dung chính của văn bản ?

Câu 2/ Xác định phương thức biểu đạt của văn bản ?

Câu 3/ Các từ ngữ tức giận, tắm gội sạch sẽ, khấn trời, châm lửa đốt đền đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào trong việc thể hiện tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn?

Câu 4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về đức tính cương trực trong cuộc sống.

Lời giải

Câu 1/ Nội dung chính của văn bản trên:

– Giới thiệu nhân vật Ngô Tử Văn

– Kể về sự tức giận trước việc tác oai tác quái của tên hung thần và hành động đốt đền trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn.

Câu 2/ Phương thức biểu đạt của văn bản: tự sự

Câu 3/ Các từ ngữ tức giận, tắm gội sạch sẽ, khấn trời, châm lửa đốt đền đạt hiệu quả nghệ thuật trong việc thể hiện tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn :

– Lòng dũng cảm, cương trực của con người vì dân vì nước.

– Tinh thần dân tộc bất khuất: tiêu diệt hồn của tên tướng giặc, lúc sống hại dân ta mà lúc chết cũng hại dân ta; bảo vệ người có công với đất nước: Thổ công từng giúp Lí Nam Đế chống ngoại xâm.

Câu 4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :

– Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;

 – Nội dung: Từ đức tính cương trực của nhân vật Ngô Tử Văn, thí sinh liên hệ đến đức tính cương trực trong cuộc sống. Cụ thể:

+ Giải thích: Cương trực là cứng cỏi và ngay thẳng. Người cương trực là người giữ mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi.

+ Ý nghĩa của đức tính: cương trực thể hiện một con người mạnh mẽ, không run sợ trước cái ác, cái xấu. Vì thế, họ luôn có niềm tin làm nên chiến thắng, vượt qua mọi thử thách của hoàn cảnh, biết đấu tranh đến cùng trước những thế lực xấu xa.

+ Phê phán lối sống giả tạo, nhụt chí, yếu hèn

+ Bài học nhận thức và hành động cho bản thân : hiểu được ý nghĩa của đức tính cương trực, biết đấu tranh phê bình và tự phê bình, tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

……………………………………………..

Đề đọc hiểu Chuyện chức phán sự đền Tản Viên – Đề số 2

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

 Than ôi! Người ta vẫn nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm ? Ngô Tử Văn là một anh chàng áovải. Vì cứng cỏi cho nên dám đốt cháy đền tà, chống lại yêu ma, làm một việc hơn cả thần và người. Bởi thế được nổi tiếng và được giữ chức vị ở Minh ti, thật là xứng đáng. Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi.

( Trích Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, SGK Ngữ văn 10,Trang 60,Tập II, NXBGD 2006)

Câu 1/ Nêu nội dung chính của văn bản ?

Câu 2/ Câu văn nào trong văn bản có ý bác bỏ quan niệm đổi cứng ra mềm của những kẻ sĩ cơ hội, cầu an?

Cách bác bỏ thuyết phục người đọc dựa trên cơ sở nào?

Câu 3/ Qua văn bản, nhà văn Nguyễn Dữ tỏ thái độ, tình cảm như thế nào với nhân vật Ngô Tử Văn?

Câu 4/ Ngày nay, kiểu nhân vật như Tử Văn có cần thiết cho đời sống chúng ta không ? Vì sao ?

Lời giải

Câu 1/ Nội dung chính của văn bản trên:

– Lời bình ở cuối truyện hàm chứa ý nghĩa sâu xa về khí tiết của kẻ sĩ chân chính ;

– Lời bình đã nói lên lời răn về nhân cách của kẻ sĩ, con người chân chính không nên uốn mình, phảisống cương trực, ngay thẳng. Sự cứng cỏi, lòng can đảm tr­ước những cái xấu, cái ác là thái độ ứng xử tích cực cần được coi trọng.

Câu 2/ Câu văn trong văn bản có ý bác bỏ quan niệm đổi cứng ra mềm của những kẻ sĩ cơ hội, cầu an: Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi.

– Cách bác bỏ thuyết phục người đọc dựa trên cơ sở lí lẽ ( Than ôi! Người ta vẫn nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời.) và dẫn chứng thực tế ( Nói về Ngô Tử Văn )

Câu 3/ Qua văn bản, nhà văn Nguyễn Dữ tỏ thái độ, tình cảm ca ngợi sự cứng cỏi và lòng cam đảm của nhân vật Ngô Tử Văn.

Câu 4/ – Hình tượng Tử Văn với phẩm chất cao đẹp luôn cần thiết cho dân tộc ta:

– Vì chàng là người dám đương đầu với cái xấu, cái ác:

+ Tiêu diệt kẻ làm hại dân.

+ Vạch mặt bọn tham quan, ô lại.

+ Dám liều mình vì chính nghĩa.

………………………………………………..

Đề đọc hiểu Chuyện chức phán sự đền Tản Viên – Đề số 3

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

 Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực. Trong làng trước có một ngôi đền linh ứng lắm. Cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang lấn cướp, vùng ấy thành một nơi chiến trường. Bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách hộ họ Thôi, tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian. Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời, rồi châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, lo sợ thay cho Tử Văn, nhưngchàng vẫn vung tay không cần gì cả. Đốt đền xong, chàng về nhà, thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét. Trong khi sốt, chàng thấy một người khôi ngô, cao lớn, đầu đội mũ trụ đi đến, nói năng và quần áo rất giống người phương Bắc, tự xưng là cư sĩ, đến đòi làm trả lại ngôi đền như cũ và nói:

       – Nhà ngươi đã theo nghiệp nho, đọc sách vở của thánh hiền, há không biết cái đức của quỷ thần sao, cớ gì lại dám khinh nhờn hủy tượng, đốt đền, khiến cho hương lửa không có chỗ tựa nương, oai linh không có nơi hiển hiện, vậy bảo làm sao bây giờ? Biết điều thì dựng trả ngôi đền như cũ. Nếu không thì, vô cớ hủy đền Lư Sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ.

       Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên. Người kia tức giận nói:

       – Phong đô không xa xôi gì, ta tuy hèn, há lại không đem nổi nhà ngươi đến đấy. Không nghe lời ta thì rồi sẽ biết. Nói rồi phất áo đi.

(Ngữ văn 10, tập hai, NXB Giáo dục – 2006, tr.56)

Câu 1: Văn bản được trích từ tác phẩm nào? Tác giả? Thể loại?

Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản ?

Câu 3: Ngô Tử Văn đã được Nguyễn Dữ giới thiệu như thế nào? Nét tính cách nào được tác giả nhấn mạnh ở nhân vật?

Câu 4: Các từ ngữ tức giận, tắm gội sạch sẽ, khấn trời, châm lửa đốt đền đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào trong việc thể hiện tính cách nhân vật Ngô Tử Văn?

Câu 5: Vì sao Ngô Tử Văn lại đốt đền? Chi tiết Tử Văn tắm gội sạch sẽ, khấn trời thể hiện điều gì?

Câu 6: Qua văn bản, nhà văn Nguyễn Dữ tỏ thái độ, tình cảm như thế nào với nhân vật Ngô Tử Văn?

Lời giải

Câu 1: Văn bản được trích từ tác phẩm: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của tác giả Nguyễn Dữ

– Thể loại truyện là: truyền kì

Câu 2: Phương thức biểu đạt của văn bản là: tự sự

Câu 3: Ngô Tử Văn đã được Nguyễn Dữ giới thiệu là:

– Tên Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang => rất cụ thể, tăng độ tin cậy.

– Tính cách nào được tác giả nhấn mạnh ở nhân vật là: khảng khái, nóng nảy, cương trực, thấy tà gian là không chịu được

=> Cách giới thiệu truyền thống, gieo vào lòng người những ấn tượng tốt đẹp về nhân vật. Là sự dẫn dắt, gợi mở cho tất cả những hành động đằng sau của Tử Văn.

Câu 4: Các từ ngữ tức giận, tắm gội sạch sẽ, khấn trời, châm lửa đốt đền đạt hiệu quả nghệ thuật trong việc thể hiện tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn :

– Lòng dũng cảm, cương trực của con người vì dân vì nước.

– Tinh thần dân tộc bất khuất: tiêu diệt hồn của tên tướng giặc, lúc sống hại dân ta mà lúc chết cũng hại dân ta; bảo vệ người có công với đất nước: Thổ công từng giúp Lí Nam Đế chống ngoại xâm.

Đề đọc hiểu Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Câu 5: Hành động đốt đền

– Giới thiệu về ngôi đền trong làng: Linh ứng nhưng bị tên Bách hộ họ Thôi (tướng giặc)cướp lấy làm yêu làm quái trong dân gian.

– Thái độ của Tử Văn: tức giận trước những sự việc sai trái

=> Lý giải hành động Ngô Tử Văn lại đốt đền: không phải vì danh tiếng hay sự ngỗ ngược mà là vì nhân danh lẽ phải, bảo vệ nhân dân.

– Chi tiết Tử Văn tắm gội sạch sẽ, khấn trời thể hiện: tin vào sự chính trực của mình, muốn trời chứng giám cho hành động chân thành của mình không vì mục đích xấu xa. Đây là hành động xuất phát từ ý thức rõ ràng, không phải ngẫu hứng.

Câu 6: Qua văn bản, nhà văn Nguyễn Dữ tỏ thái độ, tình cảm đối với nhân vật Ngô Tử Văn là:

– Hình tượng Tử Văn với phẩm chất cao đẹp luôn cần thiết cho dân tộc ta :

– Vì chàng là người dám đương đầu với cái xấu, cái ác :

+ Tiêu diệt kẻ làm hại dân.

+ Vạch mặt bọn tham quan, ô lại.

+ Dám liều mình vì chính nghĩa.

…………………………………………………..

Đề đọc hiểu Chuyện chức phán sự đền Tản Viên – Đề số 4

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Thể loại

 Truyền kì là một thể văn xuôi tự sự thời trung đại mà khi viết tác giả thường đưa vào những yếu tố hoang đường, kì lạ. Qua câu chuyện về thánh thần, ma quỷ, truyện truyền kì thường phản ánh hiện thực, thể hiện tư tưởng và thái độ của người viết về cuộc sống và con người.

Tác giả

Nguyễn Dữ (? -?), sống vào khoảng thế kỉ XVI, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông xuất thân trong gia đình khoa bảng (cha đỗ Tiến sĩ đời Lê Thánh Tông), là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Phùng Khắc Khoan, từng đi thi và đã ra làm quan nhưng không bao lâu thì từ quan về ở ẩn. Với Truyền kì mạn lục, ông đã đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam.

Tác phẩm

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là câu chuyện có pha nhiều yếu tố hoang đường. Đó là câu chuyện về một người tên là Ngô Tử Văn, tính tình ngay thẳng, ghét sự gian tà. Trước sự tác oai tác quái của linh hồn tên tướng phương Bắc bại trận, Tử Văn đã đốt đền. Tử Văn về gặp Diêm Vương được xử không có tội, đòi lại được ngôi đền cho Thổ thần. Tử Văn sống lại nhưng một tháng sau lại đột ngột qua đời và được trở thành quan phán sự.

( Trích Đọc hiểu văn bản ngữ văn 10, Nguyễn Trọng Hoàn)

Câu 1/ Nêu nội dung chính của văn bản trên?

Câu 2/ Xác định phương thức biểu đạt của văn bản ?

Câu 3/ Truyện truyền kì khác thần thoại, truyện cổ tích và truyền thuyết ở điểm nào ?

Câu 4/ Qua văn bản, viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về lối sống ngay thẳng, ghét sự gian tà trong cuộc sống hôm nay.

Lời giải

Câu 1/ Nội dung chính của văn bản trên:

– Giới thiệu đặc điểm thể loại truyền kì;

– Giới thiệu khái quát về cuộc đời nhà văn Nguyễn Dữ;

– Tóm tắt truyện Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Câu 2/ Phương thức biểu đạt của văn bản: thuyết minh

Câu 3/ Truyện truyền kì khác thần thoại, truyện cổ tích và truyền thuyết ở chỗ:

-Truyện truyền kì cũng có thể bắt nguồn từ truyện thần kì của dân gian nhưng nó đã có tác giả, có sự đầu tư của cấu trúc, chọn lọc chi tiết và hơn hết, mỗi truyện truyền kì là một bài học làm người trọn vẹn.

-Truyện truyền kì có dung lượng lớn hơn những truyện dân gian, ngôn ngữ kể chuyện đã có màu sắc của phong cách, nhân vật của truyện có đời sống, có cá tính. Đặc biệt các tình huống của truyện đầy những bất ngờ, hấp dẫn bởi kịch tính cao.

-Truyện truyền kì thông thường là sáng tạo của người nghệ sĩ, mỗi truyện là một vấn đề của cuộc sống. Nó không mang tính chức năng trong nội dung phản ánh và tính mô tip về hình thức của truyện.

Câu 4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:

– Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.

Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành;

– Nội dung: Từ vẻ đẹp của nhân vật Ngô Tử Văn, thí sinh liên hệ đến lối sống ngay thẳng, ghét sự gian tà trong cuộc sống hôm nay. Cụ thể:

+ Sống ngay thẳng là sống đúng với con người thật của mình, biết đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu. Ghét sự gian tà là căm phẫn trước sự lộng hành của cái ác.

+ Ý nghĩa của lối sống: thể hiện bản lĩnh của con người chính trực, góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, mọi nhà

+ Phê phán lối sống dối trá, đạo đức giả

+ Bài học nhận thức và hành động cho bản thân: hiểu được ý nghĩa của lối sống thẳng thắn, biết đấu tranh phê bình và tự phê bình, tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

………………………………………………………….

Trên đây là một số đề đọc hiểu Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mà đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà và đừng quên thường xuyên truy cập vào trang để cập nhật các đề đọc hiểu Ngữ văn 12 mới nhất nhé1

Cùng tham khảo đề đọc hiểu Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về văn bản này trong các kì thi em nhé!

 

 Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/bo-de-doc-hieu-chuyen-chuc-phan-su-den-tan-vien-dat-diem-cao/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp