Đề bài: Nghị luận xã hội 200 chữ về bản lĩnh
Nghị luận xã hội 200 chữ về bản lĩnh
Bạn đang xem: Nghị luận xã hội 200 chữ về bản lĩnh
I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ về bản lĩnh (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu về vấn đề nghị luận: bản lĩnh
2. Thân đoạn
a. Giải thích: “Bản lĩnh” là khả năng tự giải quyết vấn đề, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, dám nghĩ dám làm.
b. Biểu hiện của bản lĩnh:
– Dũng cảm đối mặt với những khó khăn, kiên định với những mục đích ban đầu của mình; chủ động giải quyết những vấn đề.
– Dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, trước khó khăn không nản lòng, chùn bước.
– Tự tin, quyết đoán, tự lập, tuân thủ nguyên tắc, quy định pháp luật.
c. Ý nghĩa của bản lĩnh:
– Khẳng định vị trí của bản thân trong cộng đồng, xã hội.
– Được coi trọng và tín nhiệm, góp phần xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp.
– Luôn thành công trong cuộc sống, công việc, làm chủ chính mình, luôn trong thế chủ động đón chờ những thử thách.
d. Phản đề:
– Vẫn còn đó những người thiếu bản lĩnh, yếu đuối, không dám đương đầu với khó khăn thử thách, gặp trở ngại liền chấp nhận thua cuộc.
– Hậu quả: dễ dàng gục ngã, không thể vươn lên chạm tới thành công, là mầm mống cho các tệ nạn và tội ác trong xã hội.
e. Bài học nhận thức và hành động:
– Nâng cao ý thức về bản lĩnh và sống có bản lĩnh.
– Cổ vũ và khích lệ mọi người mạnh mẽ theo đuổi ước mơ, lí tưởng.
3. Kết đoạn
Khẳng định lại giá trị ý nghĩa và tầm quan trọng của bản lĩnh.
II. Những Nghị luận xã hội 200 chữ về bản lĩnh hay nhất
1. Nghị luận xã hội 200 chữ về bản lĩnh, mẫu 1 (Chuẩn)
Cuộc đời mở ra trước mắt con người rất nhiều những cơ hội tốt đẹp nhưng đó cũng chính là “chiến trường” đầy rẫy những cam go, đặt con người trước những tình thế khó khăn. Đó là chiến trường giữa con người với những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Để có thể chiến thắng nghịch cảnh và vươn tới những thành công thì bản lĩnh là thứ nhất định phải có. “Bản lĩnh” là năng lực tự giải quyết vấn đề, dám đương đầu và vượt qua những khó khăn, thử thách của một người. Người có bản lĩnh là người dám nghĩ dám làm, không ngại khó, ngại khổ và luôn kiên định trước những cám dỗ tầm thường của cuộc sống. Họ dũng cảm đối mặt với bất kì mọi khó khăn thử thách nào, không nhụt chí, nản lòng trước nghịch cảnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng nhất, đẹp nhất về bản lĩnh, Bác đã chèo lái con thuyền cách mạng dân tộc đi qua mọi khó khăn, đánh thắng mọi quân thù để rồi đưa cả dân tộc đến với bến bờ tự do, độc lập và hạnh phúc. Nhìn vào tấm gương sáng của Bác ta nhận ra rằng, người có bản lĩnh là người luôn chủ động trong mọi tình huống, có bản lĩnh là có cơ hội chiến thắng. Người bản lĩnh luôn được coi trọng, được mọi người tin tưởng, nể phục, họ có thể tự mình khẳng định được vị thế cá nhân trong xã hội. Bản lĩnh có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người, tuy nhiên, vẫn có những người chọn sống làm người không bản lĩnh, luôn là những kẻ yếu đuối, nhút nhát, trước khó khăn thử thách không dám đối mặt chỉ tìm cách thoái lui. Những kẻ như thế không bao giờ có thể mơ tới việc chạm tới thành công trong cuộc sống, ngược lại còn bị coi thường, bỏ lại phía sau. Muốn làm người bản lĩnh trước tiên mỗi người phải rèn luyện bản lĩnh của mình ngay trong những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, đơn giản như vượt qua những nỗi sợ của chính mình.
2. Nghị luận xã hội 200 chữ về bản lĩnh, mẫu 2 (Chuẩn)
Bản lĩnh là chìa khóa mở ra thành công và hạnh phúc của mỗi người, bởi có bản lĩnh mới dám bước qua nghịch cảnh khó khăn để đi lên phía trước, nắm giữ được những điều quan trọng của cuộc sống. “Bản lĩnh” đơn giản là sự tư duy độc lập, sự kiên định và năng lực đương đầu với thử thách, khó khăn. Biểu hiện của bản lĩnh chính là tinh thần kiên cường, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm về lời nói cũng như hành động của mình, đó còn là sự kiên định với lựa chọn và quyết định của bản thân. Đối với học sinh, bản lĩnh là khi gặp phải những bài tập khó cũng không chọn quay cóp, dùng tài liệu mà cố gắng suy nghĩ tìm cách giải. Bản lĩnh như một vũ khí sắc bén giup chúng ta “chiến đấu” với mọi khó khăn trong cuộc sống, khi có bản lĩnh thì không có thử thách nào có thể khiến ta gục ngã. Một người có bản lĩnh luôn được tin tưởng và trọng dụng bởi mọi người tin rằng người đó sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Ngược lại là những kẻ thiếu bản lĩnh, sống mà không có bản lĩnh, đó là những kẻ luôn luôn tìm cách trốn tránh, trước khó khăn, chọn từ bỏ hơn là cố gắng mỗi khi gặp khó khăn. Giống như câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, không có con đường nào đến thành công là dễ dàng cả, nếu không có bản lĩnh thì mãi mãi không có được thành công, luôn là kẻ thất bại thảm hại. Bản lĩnh phải được rèn luyện thường xuyên, trong mọi hoàn cảnh, là học sinh chúng ta phải luôn vững vàng bản lĩnh, đừng vì một lần thi trượt đại học mà bỏ cuộc, bỏ đi tương lai tươi đẹp đang chờ ta phía trước.
3. Nghị luận xã hội 200 chữ về bản lĩnh, mẫu 3 (Chuẩn)
Bản lĩnh là năng lực tiềm tàng trong mỗi con người. Khi chúng ta đánh thức bản lĩnh trong con người của mình, khi ấy chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ, trưởng thành, đó cũng chính là yếu tố quan trọng giúp chúng ta thành công và có được hạnh phúc. “Bản lĩnh” chính là sự vững vàng trước cám dỗ, khó khăn, thử thách; là năng lực giải quyết những khó khăn phát sinh trong cuộc sống. Bản lĩnh sống được thể hiện ở nhiều mặt, như là sự dũng cảm, kiên cường, bất khuất trong mọi hoàn cảnh. Người bản lĩnh là người dám nghĩ dám làm, dám đứng ra chịu trách nhiệm về hành vi của mình, trước khó khăn không nản lòng, chùn bước. Giống như bản lĩnh của những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng phòng chống dịch, có người gác lại gia đình đi vào tâm dịch, có người nén đau thương không về chịu tang cha mẹ để ở lại chống dịch. Vì có bản lĩnh nên mới đạt được những thành tựu tốt đẹp, từ đó khẳng định vị trí của bản thân trong cộng đồng, xã hội. Là người được coi trọng và tín nhiệm, là tấm gương để người khác học tập, góp phần xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp. Nhờ có bản lĩnh vững vàng nên luôn thành công trong cuộc sống, công việc, làm chủ chính mình, luôn trong thế chủ động đón chờ những thử thách. Ấy vậy mà vẫn có những người chưa nhận ra ý nghĩa của bản lĩnh, họ rụt rè, nhút nhát và yếu đuối, không dám đương đầu với khó khăn thử thách, gặp trở ngại liền chấp nhận thua cuộc hoặc tìm cách luồn cúi. Đó là những kẻ sợ bị cách ly không dám khai báo nên tìm cách trốn chốt trạm. Không có bản lĩnh con người ta sẽ dễ dàng gục ngã, không thể vươn lên chạm tới thành công, là mầm mống cho các tệ nạn và tội ác trong xã hội. Vì thế mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức về bản lĩnh và sống có bản lĩnh đồng thời cổ vũ và khích lệ những người không có bản lĩnh, yếu đuối mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn.
——————HẾT—————-
Bên cạnh bài Nghị luận 200 chữ về bản lĩnh, các em có thể tham khảo trong các bài sau: Nghị luận xã hội 200 chữ về nơi dựa của mỗi con người trong cuộc đời, Nghị luận xã hội 200 chữ về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa, Nghị luận xã hội 200 chữ về bạo lực học đường, Nghị luận xã hội 200 chữ về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp