Phân tích giá trị hiện thực của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

0
117
Rate this post

Đề bài: Phân tích giá trị hiện thực của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

phan tich gia tri hien thuc cua tac pham chiec thuyen ngoai xa

Phân tích giá trị hiện thực của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Bạn đang xem: Phân tích giá trị hiện thực của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

I. Dàn ý Phân tích giá trị hiện thực của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề: giá trị hiện thực của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

2. Thân bài:

a. Khái quát về tác giả, tác phẩm:

* Tác giả:
– Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiên phong của văn học hiện đại Việt Nam thời kì đổi mới.
– Từ những năm 80, ông không đi sâu, khai thác, miêu tả những hình tượng với vẻ đẹp lý tưởng mà đi sâu khai thác những hình tượng con người đậm chất hiện thực, dung dị.

* Tác phẩm:
– Chiếc thuyền ngoài xa được viết năm 1983.
– Kể về chuyến đi thực tế của người nghệ sĩ nhiếp ảnh tới một vùng biển. Tại đây người nghệ sĩ ấy phát hiện ra một vẻ đẹp tuyệt mĩ nhưng cũng phát hiện ra sự thật trần trụi đằng sau nó.
– Từ đó, người nghệ sĩ rút ra cho mình những chiêm nghiệm về cuộc đời và nghệ thuật, về mối quan hệ giữa chúng.

b. Giải thích giá trị hiện thực:

– “Giá trị hiện thực” là hiện thực trong đời sống, được các tác giả phản ánh vào tác phẩm của mình.

– Được biểu hiện thông thường qua các khía cạnh:
+ Phơi bày cuộc sống cơ cực của con người với số phận bất hạnh.
+ Chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp gián tiếp gây nên những nỗi đau khổ cho con người.
+ Miêu tả vẻ đẹp tiềm tàng ẩn sau mỗi con người bất hạnh đó.

c. Phân tích:

* “Chiếc thuyền ngoài xa” phản ánh hiện thực cuộc sống sau bức ảnh:

– Bức ảnh của Phùng chụp là một bức ảnh đẹp hoàn mỹ về một chiếc thuyền đang dần đi vào bờ:
+ Đó là “một cảnh “đắt” trời cho, “như một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”.
+ Anh tưởng rằng mình đã tìm thấy được “cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.

– Sự thật đằng sau bức ảnh:
+ Từ trong khung cảnh đẹp như mơ ấy lại xuất hiện “một người đàn ông và một người đàn bà”:
+ Khi đến gần chỗ Phùng đứng, lão đàn ông “rút thắt lưng” “đánh tới tấp vào lưng người đàn bà”. Còn người đàn bà thì hoàn toàn cam chịu, chấp nhận.
→ Sự ngang trái trong gia đình hàng chài chính là hiện thực cuộc sống, được Nguyễn Minh Châu đưa vào trong tác phẩm của mình.

* Chỉ ra những nguyên nhân gây ra đau khổ cho người đàn bà hàng chài:

– Thói vũ phu, gia trưởng:
+ Xuất phát từ xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ”.
+ Đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của những người dân nghèo, ít học.

– Đói nghèo:
+ Đói nghèo gây nên những uất ức, những áp lực không thể giải toả, chính vì vậy mới gây nên cảnh bạo hành gia đình.
+ Đói nghèo khiến những người phụ nữ cam chịu cuộc sống bị bạo hành, chấp nhận số phận đau thương để có thể nuôi nấng con cái của mình.

d. Đánh giá:

– Nguyễn Minh Châu không chỉ đưa vào trong truyện chất liệu hiện thực mà còn cả những trăn trở của ông về cuộc đời nữa.
– Ông còn rút ra bài học cho những nghệ sĩ rằng khi nhìn nhận cuộc sống, con người phải có cái nhìn đa diện đa chiều, phải biết đi sâu khám phá những bản chất đằng sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

3. Kết bài:

– Khẳng định giá trị của tác phẩm.

II. Bài văn mẫu Phân tích giá trị hiện thực của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Chuẩn)

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiên phong của nền văn học Việt Nam trong thời kì đổi mới. Ông có một sự nghiệp rất đồ sộ với các tác phẩm chính như Dấu chân người lính, Mảnh đất tình yêu, Bến quê, … Nhưng nổi bật nhất có lẽ là truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Tác phẩm in đậm phong cách tự sự – triết lý của nhà văn, đồng thời nó còn mang giá trị hiện thực sâu sắc.

Từ thập niên 80 trở đi, Nguyễn Minh Châu không đi sâu, khai thác những con người với vẻ đẹp lý tưởng mà ông lại đi sâu vào những hình tượng con người đậm chất hiện thực, đời thường, dung dị. Nguyễn Minh Châu đã hòa mình vào đời sống của con người để phát hiện ra những khía cạnh phía sau họ, tìm thấy những vẻ đẹp lấp lánh sâu bên trong con người họ. Và ông cho rằng đó mới là thứ “ngọc sáng”, là cái đẹp tinh khôi nhất, là cái chân thiện mỹ ở đời.

Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa được viết năm 1983, là câu chuyện rất dung dị, đời thường, kể về chuyến đi thực tế của một người nghệ sĩ nhiếp ảnh tới vùng biển là nơi chiến trường cũ. Ở đây, người nghệ sĩ nhiếp ảnh ấy đã phát hiện ra một vẻ đẹp hoàn mỹ nhưng cũng phát hiện ra cả những nghịch lí của cuộc đời, được chứng kiến những điều còn tàn bạo hơn cả chiến tranh. Từ đó, người nghệ sĩ ấy rút ra được cho mình những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời và về nghệ thuật.

Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu mang giá trị hiện thực rất sâu sắc. “Giá trị hiện thực” được hiểu là hiện thực trong đời sống, được các tác giả phản ánh vào tác phẩm của mình. Giá trị hiện thực thường được các tác giả đề cập với các nét chính như phơi bày cuộc sống cơ cực của con người với số phận bất hạnh, chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp gián tiếp gây nên những nỗi đau khổ cho con người và miêu tả vẻ đẹp tiềm tàng ẩn sau mỗi con người bất hạnh đó. Mỗi tác phẩm đều phản ánh giá trị hiện thực rất khác nhau. Nếu như trong tác phẩm Chí Phèo, nhà văn Nam cao đi sâu vào hiện thực xã hội phong kiến, khi con người bị dồn ép vào đường cùng, phải tha hoá, cùng những nỗi đau tinh thần của những số kiếp dưới đáy của xã hội thì Nguyễn Minh Châu lại tìm hiểu về một cuộc sống sau chiến tranh, khi đất nước đã hoà bình, số phận đau đớn của những người dân chài nghèo đặc biệt là người phụ nữ.

Giá trị hiện thực đầu tiên mà Nguyễn Minh Châu phản ánh đó là hiện thực “xù xì” về cuộc đời đằng sau bức ảnh chụp trên biển. Phùng là một người nghệ sĩ nhiếp ảnh, anh được phân công đi chụp những tấm ảnh về thuyền và biển cho bộ lịch nghệ thuật. Vậy là anh đã xách chiếc máy ảnh đi về nơi chiến trường cũ của mình để phục kích. Sau vài buổi sáng phục kích mà không có kết quả thì vào một buổi sáng “trời đầy mù từ ngoài biển bay vào”, Phùng đã bắt gặp một “cảnh “đắt” trời cho”. Bức ảnh mà Phùng chụp được đẹp như bức tranh mực tàu với ” Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha thêm chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc…”. Đối với một người nghệ sĩ, còn gì tuyệt vời hơn khi bắt gặp một cảnh đẹp như thế, “một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”? Người nghệ sĩ là những con người cả đời luôn tìm kiếm cái đẹp hoàn hảo, và Phùng là người nghệ sĩ may mắn khi khám phá ra vẻ đẹp đó. Khung cảnh ấy, bức ảnh ấy đẹp đến mức khiến cho người nghệ sĩ của chúng ta “trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Và ngay tại thời điểm đó, trong khung cảnh đẹp như mơ ấy, nghệ sĩ Phùng tưởng mình đã “khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.

Thế nhưng không, Phùng đã nhầm! Bởi đằng sau sự yên bình, tĩnh lặng của con thuyền đang lặng lẽ vào bờ, đằng sau khung cảnh đẹp như mơ ấy là một sự thật quá đỗi khủng khiếp, và khi Phùng được chứng kiến, anh đã “kinh ngạc tới mức” “đứng há mồm ra mà nhìn”. Khi con thuyền trong mơ ấy cập bến, là lúc “một người đàn ông và một người đàn bà rời chiếc thuyền”. Họ đi thẳng vào bờ, người đàn bà có “thân hình quen thuộc của người đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch”. Mụ “trạc ngoài bốn mươi” và “rỗ mặt”. Trên khuôn mặt của mụ hiện lên là sự mệt mỏi, “tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Còn người đàn ông, hắn đi sau với “tấm lưng rộng và cong như lưng một con thuyền. Mái tóc tổ quạ. Lão đi chân chữ bát”, “hai con mắt độc dữ”. Hai con người ấy khác hẳn, đối lặp hẳn với vẻ đẹp trong mơ của con thuyền khi nãy. Khi đến gần chỗ Phùng đang đứng, ngay lúc ấy, người đàn ông trên chiếc thuyền kia “lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay”, lão “rút chiếc thắt lưng của lính nguỵ ngày xưa” mà “quật tới tấp vào lưng người đàn bà”. Vừa đánh, lão còn vừa “nghiến răng ken két” và “nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: Mày chết đi cho ông nhờ! Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”. Thế nhưng, dù người đàn ông có đánh đập thế nào, người đàn bà cũng “cam chịu đầy nhẫn nhục không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”. Chứng kiến sự việc quá đỗi khủng khiếp đó khiến cho người nghệ sĩ của chúng ta phải kinh ngạc, không thốt lên lời. Vừa mới đây thôi, con thuyền ấy hiện ra với vẻ đẹp như mơ, vậy mà đằng sau đó lại là bức tranh về sự bạo hành gia đình đến khủng khiếp.

Nguyễn Minh Châu đã đặt điểm nhìn của mình vào nhân vật Phùng để người đọc chúng ta hiểu rõ được câu chuyện đằng sau sự bạo hành gia đình kinh khủng ấy, một sự thật đau đớn về số phận của những con người trong xã hội hiện thực. Khi Phùng và Đẩu được nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài thì cũng là lúc bí mật đằng sau bức ảnh được bật mí. Bí mật ấy là hiện thực của cuộc sống, là thử thách, là khó khăn của gia đình hàng chài nghèo. Người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục để chồng đánh là vì không muốn những đứa con của mình phải đói, phải “ăn xương rồng luộc chấm muối hàng tháng trời”. Người đàn bà đó muốn những đứa con được ăn no, muốn có một người đàn ông trên chiếc thuyền chài để cùng “chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con”. Và hơn thế, đằng sau sự thật ấy còn là nỗi khổ do nghèo đói gây ra. Nhà đông con, nghề chài lưới lênh đênh vất vả, chẳng mấy khi đủ ăn, chính vì thế, chính vì khó khăn và áp lực quá đỗi nên người đàn ông kia mới trở nên tàn bạo, lôi vợ ra đánh đập để cho vơi bớt uất ức, vơi bớt đau khổ. Vậy nên dù rằng phải chịu khổ, chịu đánh đập “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” nhưng người đàn bà vẫn quyết nhẫn nhục, quyết hi sinh cho gia đình, cho những đứa con của mình. Thậm chí, người đàn bà ấy còn thuyết phục Phùng và Đầu “đừng bắt con bỏ nó” để cho mụ cùng đàn con mình có thể có người “chèo chống lúc phong ba” trên thuyền cũng là để đàn con mình được no đủ.

Không chỉ thưởng thức cái đẹp bề ngoài, Nguyễn Minh Châu còn đi tận sâu, bóc trần câu chuyện đằng sau vẻ đẹp hoàn mỹ cổ tích. Đó là cái chất hiện thực mà ông đưa vào truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của mình. Người đàn bà trong chiếc thuyền đẹp như mơ phải cam chịu số phận đau khổ, bị bạo hành về cả thể xác và tinh thần. Thế nhưng, mụ lại chẳng thể nào bỏ được gã chồng vũ phu ấy, bởi mụ còn cần một người đàn ông khi sóng gió, khi biển động, một người đàn ông để cùng làm ăn, “nuôi nấng đặng một sắp con”. Sự ngang trái đó không chỉ ở một gia đình hàng chài mà còn ở vô số những gia đình khác trên khắp đất nước Việt Nam. Chiến tranh đã qua đi nhưng những điều tàn bạo khủng khiếp vẫn còn đang sống, đang tồn tại trong sự hoà bình, sau những vẻ đẹp tưởng như cổ tích của cuộc đời.

Vậy những nguyên nhân gây nên sự đau đớn, ngang trái cho số phận con người mà tiêu biểu là phụ nữ hàng chài là gì? Phải chăng đó là sự thói vũ phu, gia trưởng của những người đàn ông, là sự đói nghèo khốn khổ trong cuộc sống? Xã hội Việt Nam sau chiến tranh vẫn còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, vậy nên không hề bất ngờ khi những người đàn ông quen thói vũ phu, đánh đập vợ của mình. Đó là hệ quả của một xã hội phong kiến trọng Nho học, quá đề cao giá trị của người đàn ông, hạ thấp giá trị của những người phụ nữ. Tư tưởng đó đã ăn sâu vào tâm trí của những con người trong xã hội, đặc biệt là những người ít học. Họ cho rằng giá trị của người phụ nữ chỉ là căn bếp và những đứa con, chính vì thế, họ sẵn sàng bạo hành người vợ đầu gối tay ấp của mình như một lẽ đương nhiên, để giải tỏa những áp lực, những bức xúc trong lòng. Điều thứ hai là do đói nghèo. Sau chiến tranh, hoà bình lập lại, thế nhưng những hậu quả của chiến tranh thì vẫn còn đó, vẫn còn nhiều nơi trên đất nước ta có những gia đình phải chịu sống trong sự đói nghèo dày vò từng ngày. Như gia đình hàng chài, sự đói nghèo đã gây nên những uất ức, những bi kịch ngang trái. Đói nghèo khiến họ không dám từ bỏ cái nghề chài lưới suốt năm suốt tháng lênh đênh trên biển, bởi lên bờ, họ biết làm gì khác chăng? Đó là những sự thật trần trụi, cay đắng và phũ phàng mà người nghệ sĩ thấy được sau những bức ảnh đẹp tuyệt vời của mình.

Giá trị hiện thực mà Nguyễn Minh Châu gửi gắm qua Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ là số phận của những người phụ nữ, sự ngang trái, bi kịch những gia đình nghèo trong xã hội mà còn là những trăn trở về cuộc đời: làm sao để đất nước ta khi đã hoà bình, tất cả mọi người đều được no đủ, được học hành, để có thể vơi bớt những hoàn cảnh, số phận đáng thương. Và qua đó, nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng rút ra bài học cho những nghệ sĩ rằng khi nhìn nhận cuộc sống, con người phải có cái nhìn đa diện đa chiều, phải biết đi sâu khám phá những bản chất đằng sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

Nếu chỉ đánh giá một sự vật hiện tượng qua vẻ bề ngoài, thì chắc chắn ta sẽ không bao giờ thấy được đằng sau những điều đó chứa đựng những điều gì. Thấu hiểu điều đó, Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào từng mảnh đời trong cuộc sống, từng câu chuyện đằng sau vẻ đẹp để tìm hiểu, để khai thác những bí ẩn đằng sau vẻ đẹp đó. Từ đó, ông phản ảnh những sự thật trần trụi ấy vào trong tác phẩm của mình, tạo nên những giá trị hiện thực sâu sắc cho những câu chuyện của ông như trong tác phẩm đặc sắc Chiếc thuyền ngoài xa.

————-HẾT—————-

Để khám phá thêm những giá trị đặc sắc trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, mời các em tìm đọc thêm các bài viết khác: Phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm trong Chiếc thuyền ngoài xa, Cảm nhận của em về người đàn bà làng chài trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích nhân vật Đẩu trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích nhân vật người đàn ông trong Chiếc thuyền ngoài xa.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-gia-tri-hien-thuc-cua-tac-pham-chiec-thuyen-ngoai-xa/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp