Đề bài: Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa
Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa
Bạn đang xem: Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa
I. Dàn ý Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm.
– Dẫn dắt vào khổ 1 bài thơ.
2. Thân bài
a. Khái quát về tác giả, tác phẩm
– Tác phẩm “Bếp lửa” được in trong tập “Hương cây, bếp lửa”.
– Ra đời năm 1963, những năm tháng mà tác giả học tập ở Liên Xô.
b. Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cảm xúc
– Điệp ngữ “một bếp lửa” được tác giả đặt đầu câu gợi ra hình ảnh quen thuộc, thân thương gắn liền với những ngày tháng tuổi thơ của tác giả
– Hình ảnh bếp lửa đã gắn với những năm tháng tuổi thơ của tác giả, trở thành một phần kí ức bên bà, cùng bà sớm hôm:
+ Hình ảnh tả thực, bếp lửa “chờn vờn sương sớm” gợi ra thói quen sinh hoạt đời thường, bình dị và sự bình yên của làng quê Việt.
+ Một bếp lửa ẩn hiện, chờn vờn trong làn sương buổi sớm mai tạo nên một khung cảnh thật nên thơ.
+ Bếp lửa còn được nhen nhóm bởi bàn tay gầy guộc mà dịu dàng, chăm chút của người bà, bởi vậy mà nó càng thêm ấm áp.
→ Bếp lửa chờn vờn trong sương còn là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi nhớ bà của Bằng Việt, bếp lửa ấy cũng luôn “chờn vờn” trong tâm trí nhà thơ.
c. Tình cảm của cháu dành cho bà
– Bếp lửa đã đánh thức trong lòng cháu nỗi nhớ thương bà, thương người nhóm lửa mỗi buổi sớm mai.
– “biết mấy nắng mưa” ẩn dụ cho những vất vả, nhọc nhằn mà bà phải trải qua.
– Chữ “thương” cất lên trong lời thơ gói trọn vẹn tất cả tình yêu, niềm biết ơn sâu sắc và lòng kính trọng và nỗi nhớ nhung khôn nguôi của người cháu dành cho bà nơi phương xa.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị khổ thơ
II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (Chuẩn)
Trong cuộc đời mỗi người, kỉ niệm của những năm tháng tuổi thơ luôn là hồi ức đẹp đẽ, sâu đậm nhất. Và những kỉ niệm ấy sẽ thật đặc biệt khi có những người mà chúng ta thương yêu. Với Bằng Việt cũng thế, kỉ niệm bên người bà tần tảo sớm hôm trong suốt những năm tháng tuổi thơ đã để lại trong lòng tác giả những ấn tượng khó quên. Để rồi, khi lớn lên, nỗi nhớ lại ùa về trong tâm khảm. Chính những kí ức bên bà một thuở ấu thơ đã khơi nguồn cảm xúc để tác giả viết nên bài thơ “Bếp lửa”- một trong những thi phẩm hay viết về bà. Khổ đầu bài thơ gợi lên dòng cảm xúc nhớ thương mãnh liệt qua hình ảnh gần gũi: bếp lửa.
Tác phẩm “Bếp lửa” được in trong tập “Hương cây, bếp lửa”, ra đời năm 1963, những năm tháng mà tác giả học tập ở Liên Xô. Xa nhà, nỗi nhớ nhà da diết, nhớ mùi khói, mùi bếp, đặc biệt là người bà tần tảo sớm khuya.
Hình ảnh bếp lửa trong khổ đầu bài thơ đã làm sống dậy những kỉ niệm, gợi biết bao cảm xúc trong lòng đứa cháu xa quê:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”
Điệp ngữ “một bếp lửa” được tác giả đặt đầu câu gợi ra hình ảnh quen thuộc, thân thương gắn liền với những ngày tháng tuổi thơ của tác giả. Có thể nói, hình ảnh bếp lửa là một hình ảnh thân thuộc, ta có thể bắt gặp nó trong bất kì ngôi nhà nào ở chốn làng quê Việt. Ở đây, hình ảnh bếp lửa đã gắn với những năm tháng tuổi thơ của tác giả, trở thành một phần kí ức bên bà, cùng bà sớm hôm.Vì vâỵ, việc lặp đi lặp lại hình ảnh bếp lửa như một cách mà tác giả thể hiện tình cảm của mình dành cho người bà thân thương.
Hình ảnh tả thực, bếp lửa “chờn vờn sương sớm” gợi lên nét đẹp bình yên của làng quê Việt. Một bếp lửa ẩn hiện, chờn vờn trong làn sương buổi sớm mai tạo nên một khung cảnh thật nên thơ. Trong làn khói sương, lửa bập bùng cháy, những đốm than hồng đỏ rực nơi bếp lửa nồng đượm cả hơi ấm, xua tan cái lạnh của buổi sớm. Bếp lửa còn được nhen nhóm bởi bàn tay gầy guộc mà dịu dàng, chăm chút của người bà, bởi vậy mà nó càng thêm ấm áp. Đồng thời bếp lửa chờn vờn trong sương còn là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi nhớ bà của Bằng Việt, bếp lửa ấy cũng luôn “chờn vờn” trong tâm trí nhà thơ, hóa trong nỗi nhớ bà, nhớ tuổi thơ, nhớ quê hương mà bấy lâu tác giả luôn ấp iu, gìn giữ và trân trọng.
“Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”
Bếp lửa ấy được nhóm lên bởi tình yêu thương với bao tình cảm ấp iu nồng đượm của bà. Câu thơ đã gợi lên một trời kí ức, những ắn sóc, chăm chút, lắng lo mà bà dành cho đứa cháu nhỏ. Động từ “ấp iu” kết hợp với tính từ “nồng đượm” được tác giả sử dụng đầy khéo léo trong câu thơ đã góp phần thể hiện vẻ đẹp phẩm chất , tình thương yêu của người bà. Từ đó, bếp lửa đã đánh thức trong lòng cháu nỗi nhớ thương bà, thương người nhóm lửa mỗi buổi sớm mai:
“Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”
Tác giả đã vận dụng sáng tạo thành ngữ “năm nắng mười mưa” qua việc sử dụng cụm từ “biết mấy nắng mưa” để ẩn dụ cho những vất vả, nhọc nhằn mà bà phải trải qua. Vì thương, vì lắng lo cho cháu, bà nào quản ngại nắng mưa, nào chùn bước trước những khắc nghiệt của thời tiết, khó khăn của cuộc sống, vẫn miệt mài, cần mẫn. Thật là một người bà nhân hậu và giàu đức hi sinh biết bao. Thấu hiểu được những nhọc nhằn của bà, cháu càng thương bà nhiều hơn. Chữ “thương” cất lên trong lời thơ gói trọn vẹn tất cả tình yêu, niềm biết ơn sâu sắc và lòng kính trọng và nỗi nhớ nhung khôn nguôi của người cháu dành cho bà nơi phương xa. Câu thơ cuối đoạn vang lên trong nỗi nhớ của những kí ức tuổi thơ tươi đẹp bên bà đã gửi gắm sâu sắc tình cảm thiết tha, chân thành của Bằng Việt.
Qua khổ thơ đầu, thông qua hình ảnh bếp lửa cùng với việc sử dụng những từ ngữ bộc lộ cảm xúc trực tiếp, Bằng Việt đã thể hiện nỗi nhớ da diết và tình cảm thương quý dành cho người bà thân yêu của mình. Đoạn thơ chính là khúc dạo đầu trong một bài tình ca viết về tình cảm gia đình gắn với tình yêu quê hương đất nước, là tiền đề cho cảm xúc của toàn bài thơ.
—————-HẾT—————–
Bên cạnh đó, các em cũng có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu hay về tác phẩm Bếp lửa như: Phân tích khổ 2 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa, Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa, Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa để đúc rút cho bản thân kinh nghiệm làm văn hiệu quả nhé!
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp