Đề bài: Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong Vợ chồng A Phủ
Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong Vợ chồng A Phủ
Bạn đang xem: Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong Vợ chồng A Phủ
I. Dàn ý Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong Vợ chồng A Phủ (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về nhà văn Tô Hoài và truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.
– Khái quát về đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn.
2. Thân bài:
a. Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật:
– Thể hiện thông qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm mà Mị cởi trói cho A Phủ:
+ Mị từ một cô gái xinh đẹp, yêu đời trở nên lầm lũi như “con rùa nuôi trong xó cửa” khi bị bắt làm dâu gạt nợ cho gia đình thống lí.
+ Trong đêm tình mùa xuân, Mị chợt thức tỉnh, Mị sống lại với khát khao tuổi trẻ, Mị nhận ra mình còn trẻ, Mị muốn được đi chơi.
+ Trong đêm cởi trói cứu A Phủ: Mị đồng cảm với hoàn cảnh của A Phủ, nhận thức được tình cảnh đáng thương “chỉ đêm nay, đêm mai thôi người kia sẽ phải chết”.→ Mị cắt dây cởi trói cứu A Phủ và giải cứu cho chính mình.
→ Tô Hoài đã miêu tả thành công tâm trạng của Mị từ vô cảm đến xót thương bản thân mình, xót thương cho người khác và cuối cùng là ý thức phản kháng, khao khát sống và tự do.
b. Nghệ thuật miêu tả phong tục, sinh hoạt, thiên nhiên vùng Tây Bắc:
– Nhà văn đã miêu tả thiên nhiên Tây Bắc với sự hùng vĩ, thơ mộng “cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội” hay “những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ”.
– Tô Hoài cũng phác hoạ hết sức rõ ràng và chân thực, độc đáo các tục lệ như “bắt vợ”, trình ma, xử kiện của người dân tộc Mông đất Hồng Ngài.
c. Nghệ thuật trần thuật:
– Phong cách trần thuật uyển chuyển, linh hoạt, truyền thống nhưng rất sáng tạo.
– Tô Hoài chủ yếu vẫn tuân theo lối trần thuật theo dòng thời gian.
– Xen kẽ các đoạn hồi ức của nhân vật vào đó một cách hết sức tự nhiên.
– Vận dụng kiến thức điện ảnh để làm đồng hiện cả quá khứ, hiện tại và tương lai của nhân vật.
3. Kết bài:
– Khẳng định giá trị của tác phẩm.
II. Bài văn mẫu Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong Vợ chồng A Phủ (Chuẩn)
Tô Hoài là nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Những tác phẩm của ông thể hiện được vốn sống phong phú, lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động cùng với vốn từ vựng giàu có, nghệ thuật miêu tả tâm lý vô cùng tinh tế. “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm thể hiện rõ phong cách cùng tài năng nghệ thuật xuất sắc của Tô Hoài.
“Vợ chồng A Phủ” được Tô Hoài sáng tác năm 1952, sau chuyến đi thực tế của ông cùng bộ đội vào giải phóng miền Tây Bắc. Thông qua tác phẩm, ông muốn phản ánh số phận bi thảm của những người dân người vùng miền núi dưới ách thống trị của giai cấp phong kiến. Đồng thời ông cũng ca ngợi vẻ đẹp đầy sức sống trong tâm hồn họ cũng như chỉ ra con đường giúp họ đổi đời khi họ bắt gặp ánh sáng cách mạng. Không chỉ thành công về mặt nội dung, “Vợ chồng A Phủ” còn rất thành công về mặt nghệ thuật với nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, nghệ thuật miêu tả sinh hoạt, trang phục, thiên nhiên cùng nghệ thuật trần thuật vô cùng đặc sắc.
Với nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, ta thấy Tô Hoài đã rất thành công trong việc tái hiện những diễn biến nội tâm tinh tế mà phức tạp của nhân vật Mị. Mị là người con gái đất Hồng Ngài, xinh đẹp, hiếu thảo và tài hoa, thế nhưng cô lại có một số phận rất bi thảm: bị bắt cóc trở thành con dâu “gạt nợ” nhà thống lí Pá Tra. Từ đó, Mị sống trong vô cảm, buồn tủi “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, lúc nào cũng “cúi đầu, mặt buồn rười rượi”. Tưởng chừng Mị cứ sống những ngày tháng buồn tủi như thế cho đến một đêm tình mùa xuân, tâm hồn Mị đã bừng dậy, tràn trề sức sống. Trong tình huống này, Tô Hoài đã rất tinh tế khi miêu tả tâm lý Mị từ khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình đến khi Mị thức tỉnh những ý thức về bản thân. Tiếng sáo và men rượu đã đưa Mị trở về những kỉ niệm ngọt ngào của quá khứ. Mị chợt ý thức được quyền sống của bản thân. Nếu trước đây, Mị tưởng mình là “con trâu, con ngựa” trong nhà thống lý thì giờ đây, Mị đã ý thức được mình là một người con gái đang còn son trẻ “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ”. Chính lúc ấy niềm khao khát được đi chơi xuân như bao người chợt bùng lên trong tâm hồn Mị. Điều đó chứng tỏ sâu thẳm trong trái tim Mị vẫn khát khao tự do, tình yêu và hạnh phúc.
Lúc mà khát vọng đi chơi trỗi dậy cũng là lúc Mị đau khổ hơn bao giờ hết bởi cuộc sống hôn nhân không tình yêu, không hạnh phúc với A Sử “không có lòng với nhau mà phải ở với nhau”. Sự dằn vặt trong tâm tư đã khiến hồi sinh ý thức mãnh liệt về quyền sống đồng thời làm bừng lên ý chí phản kháng của Mị. Mị muốn tìm tới cái chết như một sự giải thoát khỏi sự đau khổ “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay”. Thế nhưng vượt qua ý nghĩ tìm đến cái chết, Mị khao khát được tự do, tình yêu, hạnh phúc. Vậy nên Mị đã đứng lên hành động, vào buồng, “lấy váy, quần tóc” để chuẩn bị đi chơi xuân, để quyết liệt giành giật với số phận tự do, hạnh phúc mà Mị đã bị tước đoạt. Đến khi bị A Sử trói đứng ở cột nhà, Mị đau đớn bởi dây trói “thít lại đau nhức” thế nhưng tâm hồn Mị vẫn còn “lơ lửng” theo tiếng sáo. Dây trói chỉ có thể trói được thể xác chứ không thể trói được tâm hồn tự do của Mị. Tiếng sáo gọi bạn dẫn Mị “đến những đám chơi, những cuộc chơi” mà Mị “nồng nàn tha thiết nhớ”. Tô Hoài đã miêu tả những chuyển biến tâm lý của Mị hết sức tinh tế và phức tạp của Mị trong đêm tình mùa xuân, từ một cô Mị “lùi lũi”, buồn bã, không còn sức sống, chỉ trong một đêm đã bừng dậy ý thức sống của bản thân, ý thức phản kháng. Tất cả những điều đó được nhà văn Tô Hoài ghi lại một cách cụ thể và sinh động.
Sự thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lý của Tô Hoài còn được thể hiện ở tâm trạng của nhân vật Mị khi cô cởi trói cho A Phủ. Nếu như trong đêm tình mùa xuân, Mị chỉ là khao khát tự do, khao khát được sống thì trong đêm Mị cởi trói cho A Phủ, trong tâm hồn Mị còn bùng lên ý thức đấu tranh chống lại cường quyền, chống lại sự áp bức để giành lấy tự do cho chính mình. Sau cuộc “nổi loạn” đêm tình mùa xuân, Mị lại trở về cuộc sống cam chịu, vô cảm như trước đó, vẫn lặp lại thói quen thổi lửa hơ tay khi trời chưa sáng, Mị vô cảm với mọi thứ kể cả khi nhìn thấy A Phủ bị trói ở cột, Mị cũng vẫn “thản nhiên thổi lửa hơi tay”. Thậm chí Mị còn vô cảm đến mức cảm thấy nếu A Phủ ” là cái xác chết đứng đấy. Thì cũng thế thôi”, Mị chẳng mảy may mà xúc động. Nhưng đến khi nhìn thấy giọt nước mắt lăn dài trên mặt A Phủ thì lòng nhân hậu, lòng căm thù giai cấp cầm quyền, ý thức phản kháng lại bừng cháy trong tâm hồn của cô. Những diễn biến tâm lý trong Mị được Tô Hoài miêu tả vô cùng cụ thể. Đầu tiên là nỗi thương mình khi chính Mị “cũng bị trói như thế. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miếng, xuống cổ, không biết lau đi được”. Ý thức thương mình chính là sợi dây đồng cảm để Mị xót thương cho A Phủ. Và cũng vì thế, Mị ý thức được bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị “chúng nó thật độc ác”. Lòng căm thù giai cấp thống trị tàn ác đã thổi bùng lên ý chí phản kháng của Mị, đó là một yếu tố tinh thần để những người lao động như Mị vùng lên quật khởi. Mị đã quyết định “rút con dao nhỏ cắt lúa cắt nút dây mây” mà cắt đứt sợi dây trói cho A Phủ. Rồi chính Mị cũng băng đi, đuổi theo A Phủ để tìm lấy một con đường sống cho chính bản thân mình. Một phút “Mị đứng lặng trong bóng tối” là cuộc đấu tranh nội tâm giằng xé, quyết liệt của Mị giữa đi hay ở, giữa lựa chọn vùng lên hay cam chịu, giữa cái sống và cái chết. Cuối cùng Mị đã băng đi với khát vọng được sống mãnh liệt. Ở tình huống này, Tô Hoài đã miêu tả nội tâm nhân vật bằng bút pháp hiện thực. Ông đã tinh tế phát hiện ra niềm khao khát được sống tiềm tàng trong con người Mị để dựng lên bức tranh nội tâm nhân vật hết sức đặc sắc.
Thành công về nghệ thuật trong Vợ chồng A Phủ còn phải kể tới nghệ thuật miêu tả phong tục, thiên nhiên, sinh hoạt của những người đồng bào dân tộc thiểu số hết sức đặc sắc của nhà văn Tô Hoài. Với vốn kiến thức và từ vựng phong phú, ông đã miêu tả khung cảnh của thiên nhiên vùng Tây Bắc hết sức hùng vĩ và thơ mộng với “cỏ gianh vàng ừng” hay “những chiếc váy hoa” được đem phơi “trên mỏm đá xoè ra như con bướm sặc sỡ”. Đồng thời ông cũng khắc hoạ được những phong tục rất riêng của những con người vùng Tây Bắc như tục “bắt vợ”, tục ném pao, tục ăn tết, trình ma, hay tục “xử kiện” của những người dân tộc Mông. Ngòi bút của Tô Hoài đã khắc hoạ chi tiết, sinh động những hình ảnh của “tiếng sáo, tiếng khèn” gọi bạn hay tục ăn tết ở Hồng Ngài “khi gặt hái vừa xong bất kể ngày tháng nào”.
Thành công thứ ba trong nghệ thuật của Vợ chồng A Phủ đó chính là nghệ thuật trần thuật. Phong cách trần thuật của Tô Hoài vừa uyển chuyển, linh hoạt, vừa truyền thống nhưng cũng rất sáng tạo. Tô Hoài chủ yếu vẫn tuân theo lối trần thuật theo trình tự thời gian, tạo nên một dòng chảy liền mạch cho câu chuyện. Thế nhưng cũng có lúc ông đan xen vào đó những đoạn hồi ức của nhân vật một cách rất tự nhiên như đoạn “Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu trên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Thêm vào đó là việc vận dụng kĩ thuật đồng hiện của nghệ thuật điện ảnh để tái dựng lại những hình ảnh của nhân vật khiến cho người đọc khó phân biệt được là hiện tại, quá khứ hay tương lai, tất cả như đồng hiện tại thời điểm đó: “Mị nhớ lại đời mình. Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ đã chẳng trốn được rồi, lúc ấy, bố con Pá Tra sẽ bảo lá Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, mị phải chết trên cái cọc ấy”.
Vợ chồng A Phủ đã tái hiện rất thành công bức tranh cuộc sống của những người nông dân nghèo vùng Tây Bắc dưới chế độ phong kiến miền núi. Nhưng để làm nên sự đặc sắc và thành công của tác phẩm thì không thể kể tới những nghệ thuật như miêu tả tâm lý nhân vật, miêu tả thiên nhiên, con người vùng Tây Bắc, nghệ thuật trần thuật rất tinh tế của Tô Hoài. Những thành công này đã chứng minh cho ngòi bút sắc sảo, tài hoa của một nhà văn xuất sắc – Tô Hoài.
————-HẾT————–
Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài là một tác phẩm chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Thông qua các bài viết: Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Phân tích hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Phân tích những ý thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những ý nghĩa, giá trị của tác phẩm mà nhà văn Tô Hoài muốn thể hiện.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp