Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời
Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời
Bạn đang xem: Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời
I. Dàn ý Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu khái quát tác giả Thanh Hải, bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và nội dung khổ đầu bài thơ: cảm xúc của tác giả trước mùa xuân thiên nhiên, đất trời.
2. Thân đoạn
– Bức tranh mùa xuân tươi đẹp, căng tràn sức sống:
+ Hình ảnh: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, giọt sương long lanh
+ Âm thanh: tiếng chim chiền chiện hót vang trời.
+ Màu sắc: Màu xanh của dòng sông, sắc tím của bông hoa
=> Không gian mùa xuân cao rộng, sắc trời tươi thắm, âm thanh vang vọng.
– Cảm xúc của tác giả trước cảnh mùa xuân:
+ Đưa tay hứng những giọt âm thanh tiếng chim.
→ Những giọt âm thanh có màu sắc, long lanh ánh sáng, cảm nhận được bằng xúc giác.
– Niềm say sưa, ngây ngất của tác giả khi thiên nhiên, đất trời vào xuân.
3. Kết đoạn
Nêu cảm nhận của em về khổ thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
II. Những mẫu Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời hay nhất
1. Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, mẫu 1 (Chuẩn)
Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải được sáng tác năm 1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời. Bài thơ là tình yêu thiên nhiên, đất nước tha thiết cũng là lời tâm niệm chân thành, gửi gắm tha thiết mà tác giả để lại cho đời. Ngay trong khổ thơ đầu tiên, tác giả đã bộc lộ niềm trân trọng, thiết tha và nâng niu mùa xuân – cuộc đời. “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc”, nét phác họa bằng thơ của Thanh Hải đã vẽ ra không gian đất trời vào xuân vô cùng cao rộng, một dòng sông chảy dài, mặt đất với bầu trời bao la. Trong bầu trời xuân ấy không chỉ có sắc xanh của chồi non mơn mởn mà còn có sắc tím – bông hoa tím biếc. Màu tím cũng chính là màu đặc trưng của xứ Huế quê hương của tác giả. “Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời”, trong trời đất mùa xuân đầy hương sắc ấy còn có cả âm thanh vang vọng, tươi vui của chú chim chiền chiện. Dường như con chim nhỏ cũng đang hân hoan, vui sướng khi tiết trời vào xuân, nó ca vang trời đất như đánh thức đồng loại và vạn vật cùng thức dậy chào xuân. Chi tiết “Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng” diễn tả cảm xúc tinh tế của tác giả trước vẻ đẹp mùa xuân của thiên nhiên. Đó có thể là từng giọt mưa xuân long lanh đang rơi, cũng có thể là từng giọt âm thanh của tiếng chim. Giọt long lanh ấy dù là gì đi nữa thì đều được cảm nhận bằng mắt, tai và xúc giác, cảm nhận một cách trọn vẹn, nâng niu. Có thể nói, ngay khổ mở đầu bài thơ ta đã thấy Thanh Hải thả trọn tâm hồn mình vào xuân, dạt dào một niềm say sưa bất tận, ngây ngất và say đắm trong vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời khi vào xuân.
2. Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, mẫu 2 (Chuẩn)
Trong bài “Mùa xuân nho nhỏ”, nhà thơ Thanh Hải đã dựng lên hai bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp, đó là mùa xuân của thiên nhiên và mùa xuân của đất nước. Trong đó, mùa xuân của thiên nhiên, đất trời được tác giả đưa vào phần đầu của bài thơ. Trong cả 6 câu thơ mở đầu, tác giả không hề nhắc đến hai từ “mùa xuân” ấy vậy mà qua những hình ảnh, âm thanh, mùa xuân lại hiện lên đẹp đẽ vô cùng. Người thi sĩ ấy đã dùng ngôn từ để vẽ nên bức tranh phong cảnh đất trời vào xuân. Chỉ với vài nét phác họa: một dòng sông xanh, một “bông hoa tím biếc”, tiếng hót con “chim chiền chiện”, bức tranh mùa xuân đã hiện lên sống động ngay trước mắt người đọc. Đất trời vào xuân với không gian cao rộng, dòng sông, mặt đất và bầu trời bao la như hòa vào làm một. Mùa xuân với muôn vàn sắc thắm, sự tươi tắn, trẻ trung tràn đầy sức sống của chồi non xanh mơn mởn. Màu hoa tím biếc đặc trưng xứ Huế nổi bật giữa dòng sông xanh in nền trời. Mùa xuân của thiên nhiên còn được tác giả cảm nhận qua âm thanh tiếng chim. Lắng nghe giữa không gian bao la của trời xuân là tiếng hót con chim chiền chiện. Chim hót vang trời như báo hiệu xuân về như thúc giục vạn vật hãy mau thức dậy khỏi giấc ngủ đông dài, thức dậy để đón những điều tuyệt vời của mùa xuân. Sự giao cảm của nhà thơ với mùa xuân của thiên nhiên được thể hiện qua hành động đưa tay hứng từng giọt long lanh rơi. Đó là giọt mưa xuân, hay là giọt âm thanh của tiếng chim hót? Có lẽ chỉ có tác giả mới biết chính mình đang nâng hứng thứ gì. Chúng ta có thể hiểu rằng đó chính là những giọt tinh hoa, tinh túy nhất của đất trời khi vào xuân.
3. Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, mẫu 3 (Chuẩn)
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được Thanh Hải viết trong những ngày tháng cuối đời, bài thơ đã thể hiện được tình yêu cuộc đời tha thiết và khát vọng dâng hiến chân thành, cao đẹp của nhà thơ. Trong khổ thơ đầu tiên, nhà thơ đã dựng lên bức tranh thiên nhiên mùa xuân tuyệt đẹp, nơi có sự hài hòa giữa màu sắc, âm thanh và lòng người. Giữa dòng sông xanh rộng lớn là sắc tím nổi bật của bông hoa lục bình. Màu xanh của dòng nước, sắc tím của bông hoa và âm thanh tiếng “chim chiền chiện” đã cùng hòa hợp để tạo nên bức tranh mùa xuân đẹp đẽ, căng tràn sức sống. Nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận bằng nhiều giác quan, tác giả không chỉ quan sát bằng mắt mà còn lắng nghe bằng cả tâm hồn. Tiếng chim chiền chiện hót vang trời vừa khiến tác giả giật mình, ngỡ ngàng lại khiến tác giả càng thêm say sưa chìm đắm. Sắc đẹp của xuân có thêm âm thanh, âm thanh ấy trong trẻo, vang vọng như khúc nhạc chào xuân. Cuối cùng, nhà thơ cảm nhận xuân bằng xúc giác, đưa đôi tay ra hứng lấy những giọt long lanh đang rơi trong trời xuân. Đó có thể là hạt mưa xuân dưới ánh nắng trở lên long lanh, hay là sự chuyển đổi cảm giác biến âm thanh tiếng chim thành từng giọt rơi xuống. Nhà thơ đưa tay để hứng trọn những thanh âm, vẻ đẹp ấy vào lòng bằng tất cả tình yêu và sự nâng niu.
——————HẾT——————
Bên cạnh đó, những cảm xúc của nhà thơ Thanh Hải còn có sự khác nhau giữa các khổ thơ, về những mùa xuân khác nhau. Các em có thể tìm hiểu qua các bài văn như: Viết đoạn văn cảm nhận về suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải trong Mùa xuân nho nhỏ, Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả Thanh Hải về mùa xuân của đất nước, Cảm nhận tình yêu thiên nhiên của người thi nhân qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Khát vọng dâng hiến cho đời của nhà thơ Thanh Hải trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp