Phân tích nhân vật Xôcôlốp trong Số phận con người

0
114
Rate this post

Phân tích nhân vật Xôcôlốp trong Số phận con người

phan tich nhan vat xocolop trong so phan con nguoi

Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Xôcôlốp trong Số phận con người

Bài làm

Tác phẩm là lời tự sự của nhân vật trung tâm – anh lính hồng quân Xôcôlôp, người đàn ông đã chịu bao giông tố khắc nghiệt của cuộc đời đổ ập lên số phận. Đó là cuộc đời gắn liền với một trang sử bi tráng hào hùng của nhân dân Nga, với chế độ Xô-viết đã tạo thành phẩm chất của những con người Nga kiên cường.

Bạn đang xem: Phân tích nhân vật Xôcôlốp trong Số phận con người

M.Sôlôkhôp đã dựng lên chân dung một con người Nga bình thường nhất, một người xô viết chân chính. Số phận ấy tiêu biểu cho bao người con ưu tú đã viết nên trang sử thời đại hào hùng của đất nước Liên Xô cũ.

Cuộc sống hiện lên trần trụi như nó vốn có – không khoa trương hào nhoáng, không bi kịch hoá mà cứ đều đều như giọng kể của người đàn ông Nga có cái họ bình thường như bao người Nga: Xôcôlôp. Nhưng trong số phận anh có sức nặng của nỗi đau dân tộc Nga qua các thời kỳ khốc liệt nhất. Không tránh né sự thật – đó là phẩm chất hàng đầu của các cây bút Nga – xô viết mà M. Sôlôkhôp chính là một tấm gương. Sự thật đó không phải được kể bằng giọng lạnh lùng thản nhiên mà còn hằn nguyên nỗi đau trong giọng văn thấm thía, trong những ám ảnh kí ức hằn sâu trong tâm trí của người cựu binh xô viết – chính là phản chiếu một mảng hiện thực rộng lớn và xuyên suốt các chặng đường của nhân dân Nga.

Trước hết là kí ức những ngày nội chiến, khi chính quyền xô viết non trẻ phải đối mặt với lũ bạch vệ, thổ phỉ và can thiệp. Người đọc có thể nhận ra những dấu ấn quen thuộc làm nên tên tuổi của M.Sôlôkhôp trong Sông Đông êm đềm. Nạn đói, cuộc sống cùng cực không quật ngã nổi ý chí của người dân xô viết. Xôcôlôp từng trải qua cuộc đời làm thuê, từng chứng kiến gia đình gục chết trong cái đói, nhưng chính sự tàn khốc ấy là một sự lý giải vì sao anh trở thành chiến sĩ hồng quân, vì sao anh lại có một hạnh phúc từ đau thương bất hạnh. Đó là hạnh phúc của những người nghèo khổ được xây lên từ bất hạnh để họ khẳng định tư thế làm chủ cuộc đời.

Có lẽ kí ức nhân loại mãi mãi không phai mờ bao ám ảnh khủng khiếp của Chiến tranh thế giới lần thứ II. Nhưng nhà văn không theo cách thông thường để ca ngợi vào những đóng góp xương máu của hơn hai mươi triệu người xô viết làm nên thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. bi kịch chiến tranh hiện hữu ngay trong từng số phận, từng gia đình. Sức hủy diệt của nó khiến cho Xôcôlôp mất vợ và hai con; bé Vania mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mất mát là điều không tránh khỏi nhưng với người trong cuộc còn kinh khủng hơn rất nhiều, khi sức ám ảnh của nó vẫn trở về trong những giấc ngủ nặng nề, để Xôcôlôp mỗi lần tỉnh giấc lại đầm đìa nước mắt. Nhưng vào thời điểm đối mặt quyết liệt với kẻ thù, nước mắt không thể rơi! Chỉ có thể là ánh mắt rực lửa căm hờn và khinh bỉ với kẻ thù, với những tên phản bội. Anh đã sống đúng với tư cách người lính ngay cả khi “chiến bại”, bị bắt làm tù binh. Cảm hứng về cuộc chiến tranh của M.Sôlôkhôp có phần gần gũi với Alêcxây Tônxtôi với “Tính cách Nga”, với “Người xô viết chúng tôi”… Nhưng người đọc hiểu đó chính là lúc con người đang chiến đấu vì danh dự dân tộc, vì những niềm hy vọng không tắt về tương lai. Xôcôlôp đã là người chiến thắng, ngẩng cao đầu trong trại tập trung của kẻ thù, mưu trí dũng cảm trở về đội ngũ, chiến đấu bằng tất cả lòng căm thù sục sôi với kẻ đã hủy hoại hạnh phúc gia đình, và cả “niềm hy vọng cuối cùng” – người con trai đã thành đại úy pháo binh Anđrây Xôcôlôp. Trớ trêu thay, vào ngày cờ đỏ thắm trên nóc nhà Quốc hội Đức , anh đã phải tiễn đưa con mình. Dẫu biết sự hy sinh ấy là anh hùng, là cần thiết, nhưng quả thật đó là một cú đập phũ phàng của định mệnh khiến bất cứ ai yếu lòng cũng có thể quị ngã. Có lẽ đó cũng là những trang viết gợi nhắc cho chúng ta nhiều nhất về ý nghĩa tàn khốc của chiến tranh, vinh quang và cay đắng, hạnh phú và bất hạnh, niềm vui chung và nỗi đau riêng để từ đó suy ngẫm và hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của từ “hy sinh”.

Thế nhưng tuyệt nhiên ta không nhận thấy tâm trạng của những con người – nhân dân Nga trở về sau chiến tranh lại nặng nề bi thảm như của “thế hệ vứt đi” trở về sau Đại chiến I ở Mỹ hay châu Âu. Bởi lẽ hy sinh sẽ là vô ích nếu như sự sống sẽ tê liệt sau bao mất mát. Bởi thế, Xôcôlôp đã sống, làm việc như bao người lính xô viết trở về sau chiến trận. Nỗi đau lắng vào trong và chỉ thật sự hiện hữu khi Xôcôlôp tìm quên trong men rượu. Áp lực đời thường và hậu quả chiến tranh quá nặng nề tưởng chừng có thể làm cho con người gục ngã. Sự tình cờ, ngỡ như ngẫu nhiên mà tất yếu đã gắn chặt cuộc đời Xôcôlôp với bé Vania. Chú bé Vania – đôi mắt đen lay láy, cuộc sống vất vưởng là một hình tượng nghệ thuật có thể làm mềm những trái tim sắt đá nhất. Chú bé chính là hiện thân của thế hệ tương lai nước Nga, là vẻ đẹp của sự thơ ngây thánh thiện cần phải chở che, bảo bọc. Cuộc gặp gỡ của hai con người ấy là tất yếu. Không chỉ cảm động vì khoảnh khắc thì thầm của Xôcôlôp với bé Vania: “Ta là bố của con”, lúc nhận bố con cũng là lúc người đọc chứng kiến sự trở lại của những giọt nước mắt ở con người tưởng như trái tim đã khô héo vì đau khổ. Nước mắt – hạnh phúc và xót xa cứ đan quyện vào nhau, thấm vào lòng tất cả mọi người.

Ngỡ rằng hạnh phúc đã thật sự trở lại, ngỡ rằng từ đây đầy ắp tiếng cười và những tiếng ríu rít như chim của bé Vania, nhưng kí ức vẫn hiện về đấy ám ảnh. Người đọc phải chứng kiến những lời nói dối – nhưng lạ thay đó lại là lời đẹp hơn trăm lần sự thật. Bởi sự đồng cảm số phận và tình thương yêu đã gắn chặt cuộc đời hai bố con – một người đang cần nén chặt nỗi đau quá khứ và một người cần được bảo đảm tương lai tốt đẹp. Vậy mà định mệnh lại trêu cợt để cho bố con Xôcôlôp lại tiếp tục hành trình giữa đời thường với bao thử thách đón chờ phía trước.

Số phận con người là câu chuyện kể chân thực về một con người bình thường. Nhưng cuộc sống bao dồn đẩy sóng gió đã tôi luyện cho anh một phẩm chất kiên cường, một tình thương yêu bao la. Gương mặt người đàn ông ấy đã sắt lại vì đau khổ, nhưng trái tim tổn thương ấy vẫn đập những nhịp thương yêu nồng nàn với con người. Nhà văn đã lên tiếng thay nhân vật ở cuối tác phẩm, bằng tất cả niềm xúc động sâu xa và lòng cảm phục vô hạn trước nhân cách một Con Người chân chính. Bức thông điệp của nhà văn giúp ta nhận ra rõ hơn chân dung của nhân dân Nga, vẻ đẹp của tâm hồn Nga và sức mạnh của con người vượt lên bao bi kịch bất hạnh. Đó là sự khẳng định tuyệt đối của nhà văn thể hiện niềm tin tưởng vào Con người Nhân dân và tương lai của đất nước. Nỗi buồn kết lại tác phẩm lại khiến ta nhận ra tầm vóc vĩ đại của đất nước và con người Nga xô viết quả cảm, kiên cường, nhân hậu.

Cùng xem thêm các nội dung soạn bài, phân tích bài Số phận con người

– Soạn bài Số phận con người, soạn văn lớp 12

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-nhan-vat-xocolop-trong-so-phan-con-nguoi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp