Phân tích bài thơ Trở về quê nội của Lê Anh Xuân

0
121
Rate this post

phan tich bai tho tro ve que noi cua le anh xuan 41553

Đề bài: Phân tích bài thơ Trở về quê nội của Lê Anh Xuân

Lê Anh Xuân là nhà thơ miền Nam trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ của anh là tiếng nói của một trái tim đầy nhiệt huyết, thiết tha và cháy bỏng của con người vùng quê mang nét phóng khoáng, bộc trực. Bài thơ Trở về quê nội là bài thơ tiêu biểu đã thể hiện tình cảm, niềm xúc động tự hào mà nhà thơ gửi đến Bến Tre – quê nội thân yêu của mình.

Bạn đang xem: Phân tích bài thơ Trở về quê nội của Lê Anh Xuân

Bài thơ được viết vào cuối năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Với 58 câu thơ tự do, nhà thơ cất lên tiếng gọi thiết tha sâu lắng qua giọng thơ tâm tình ngọt ngào của người con xa cách quê hương.
Mở đầu bài thơ, Lê Anh Xuân đã thốt lên:
Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này…
Gặp lại bóng hình quê hương, nơi có những bóng dừa xanh biếc, người con xa quê bồi hồi thương nhớ, thán từ “ôi” đã góp phần diễn tả nỗi xúc động, tình yêu mến quê hương đó. Bóng dừa in trong tâm trí nhà thơ, “ngờ đâu” một ngày được gặp lại, niềm vui sướng không ngừng của anh khi gặp lại nơi bóng dừa xanh biếc, quê cha đất mẹ. Quê hương vẫn in những bóng dáng thân thuộc dù người thân của anh đã nằm xuống, màu đau thương mất mát đã in sâu vào tâm trí, vẫn dáng đứng Bến Tre hiên ngang, sừng sững anh hùng. Bao cảm xúc cứ thế dồn nén bấy lâu như bừng lên trong từng câu chữ:
Ta lại gặp những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng
Bao năm dài xa cách quê hương, đứa con thơ xúc động, muốn ôm trọn những điều thân thuộc nhất. “ Ta gặp”, “ta nhìn”, “ta ngắm”, “ta say”, “ta run run”… Bao cảm xúc cứ thế dâng trào lên trong lòng của đứa con đi xa. Điệp ngữ “ta” kết hợp với những động từ chỉ cảm xúc đã cho thấy nỗi thương nhớ của đứa con đi xa ấy dâng trào thật mãnh liệt, anh như muốn ôm trọn từng vị của quê hương.
Tiếp theo là mười câu thơ thể hiện niềm vui sướng của nhà thơ trước đất trời quê nội sau nhiều năm dài xa cách:
Đây rồi đoạn đường xưa
Nơi ta vẫn thường đi trong mộng
Kẽo kẹt nhà ai tiếng võng trưa
Ầu ơ… thương nhớ lắm
Ơi những bông trang trắng, những bông trang hồng.
Như tấm lòng em trong trắng thủy chung
Như trái tim em đẹp màu đỏ thắm
Con sông nhỏ tuổi thơ ta đã tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông.
Cụm từ “Đây rồi” vang lên một cách tự nhiên như một tiếng reo vui trước những cảnh vật quen thuộc nơi làng quê yêu dấu, đoạn đường của tuổi thơ vẫn còn đó, vẫn là tiếng “ kẽo kẹt” lúc ban trưa, là tiếng ru ầu ơ của người mẹ, là những bông trang trắng, hồng như tấm lòng thủy chung, con sông ngày xưa anh thường tắm mát vẫn ở đó in bóng quê hương. Tất cả vẫn như nguyên vẹn, như thuở anh còn ấu thơ. Ngắm nhìn từng nhành hoa, ngọn cỏ, màu bông trang trắng, bông trang hồng như tấm lòng son sắt đầy thủy chung, những bông hoa lục bình in tím cả dòng sông – màu tím của lòng chung thủy, lòng yêu quê hương đất nước. Dáng hình quê hương vẫn còn đó mặc cho năm tháng có đổi thay, mặc cho bom đạn chiến tranh đang diễn ra ác liệt thì quê hương Bến Tre vẫn mạnh mẽ, mãnh liệt, dồi dào sức sống. Nhà thơ Lê Anh Xuân thật tài tình khi sử dụng biện pháp so sánh lấy bông trang trắng, hồng để so sánh với tấm lòng thủy chung. Dù có đi xa quê hương bao lâu thì anh vẫn vậy, vẫn yêu quê hương nồng nàn da diết, trong trắng tinh khôi như thuở ban đầu.
Trở về quê hương, tác giả được lắng nghe về những con người nơi làng quê yêu dấu. Giọng thơ như trầm hẳn đi, bồi hồi, xao xuyến.
Mẹ lưng còng tóc bạc
Ngậm ngùi kể chuyện ta nghe
Tám em bé chết vì bom xăng đặc
Trên đường đi học trở về.
Giặc giết mười người trong một ấp
Bà con khiêng xác chất đầy ghe
Nghe người mẹ tóc đã bạc, lưng đã còng kể về những đau thương mất mát mà quê hương anh đã gánh chịu là tám em bé chết trong bom đạn trên con đường đi học về, là kẻ thù xâm lược giết dân ta một cách tàn nhẫn, độc ác. Quê nội nhuốm một màu tang thương, chết chóc đến điêu tàn.
Chở lên Bến Tre đấu tranh với giặc
Làng ta mấy lần bom giội nát
Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre, 
Mẹ dựng tạm mái lều che mưa che gió.
Ta có ngờ đâu mái lều của mẹ
Dưới lớp đất kia ngọn lửa vẫn còn
Mẹ ta tần tảo sớm hôm
Nuôi các anh ta dưới hầm bí mật
Cả đời mẹ hy sinh gan góc
Hai mươi năm giữ đất, giữ làng
Ôi mẹ là bà mẹ miền Nam.
Quê hương xinh đẹp, bình yên là thế, vậy mà lũ cướp nước đã mấy lần cho bom dội vào quê hương. Quê nội với những bóng dừa trở nên ngổn ngang, tiêu điều xơ xác. Bóng dừa, hàng tre mang những nỗi căm hờn, giận dữ, nhuốm cả màu trắng cùng quê hương. Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt với đế quốc Mỹ, quê nội trải dài “màu trắng tang thương”. Đau thương mất mát như vậy nhưng hình ảnh bà mẹ đã hiện lên đầy bất khuất. Đó là bà mẹ dựng tạm mái lều để che nắng che mưa cho đàn con nhỏ. Bà mẹ anh hùng, là chỗ dựa vững chãi để bảo vệ các con mặc cho những nguy hiểm, sẵn sàng hi sinh. Bà mẹ ấy hiện lên như một tượng đài vững chắc về lòng yêu nước, trung hậu, bất khuất, đảm đang. Mẹ đã hi sinh cả tuổi trẻ, hai mươi năm vẫn giữ đất giữ làng, lòng yêu nước trong mẹ chưa bao giờ nguội tắt.
Tiếp đó là hình ảnh của người em quê hương:
Ta có ngờ đâu em ta đấy
Dưới mái lều kia em đã lớn lên
Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy
Súng trên vai cũng đẹp như em
Em ơi! Sao tóc em thơm vậy
Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng
Ta yêu giọng em cười trong trẻo
Ngọt ngào như nước dừa xiêm
Người con gái Bến Tre đầy dịu dàng, nữ tính với bởi làn tóc dài thướt tha, giọng nói ngọt ngào như nước dừa xiêm. Tất cả đã xây dựng lên một người phụ nữ Bến Tre xinh đẹp như mùa xuân, duyên dáng, trong sáng nhưng cũng đầy anh hùng. Theo truyền thống của dân tộc ta, “giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”, người con gái Bến Tre khéo léo, dịu dàng như nàng tiên cũng biết cầm súng bảo vệ Tổ quốc:
Yêu dáng em đi qua cầu tre lắt lẻo
Dịu dàng như những nàng tiên
Em là du kích, em là giao liên
Em là chính quê hương ta đó
Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương
Em – người con gái Bến Tre mang trong mình dòng máu người Việt, là linh hồn của quê hương. Em dịu dàng, nữ tính nhưng em cũng không thiếu tinh thần dũng cảm, bất khuất, không ngại hiểm nguy. Cô gái miệt vườn vác trên mình khẩu súng, làm du kích, làm giao liên, góp sức mình vào công việc bảo vệ Tổ quốc. Nhà thơ Lê Anh Xuân thật tài tình khi đã kết hợp cảm hứng lãng mạn với cảm hứng anh hùng để tạo nên một  người con gái dịu dàng mà anh dũng – một vẻ đẹp mang tầm khái quát mà ít nhà thơ có thể viết được. Các biện pháp so sánh kết hợp với các điệp từ, điệp cấu trúc “ Em là” đã khắc họa thành công cô gái giao liên với dáng người uyển chuyển thướt tha nhưng đầy mạnh mẽ khiến nhà thơ thương nhớ suốt mười một năm.
Cuối cùng là tâm trạng của Lê Anh Xuân khi được nằm ngủ giữa đất trời quê nội.
Đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương
Sao thấy lòng ấm lạ
Dù ngoài trời tầm tã mưa tuôn
Tiếng đại bác gầm rung vách lá
Ôi quê hương ta đẹp quá!
Dù trên đường còn những hố bom
Dù áo em vẫn còn mảnh vá
Chỉ có trái tim chung thủy, sắt son
Và khẩu súng trong tay cháy bỏng căm hờn.
Đó là niềm hạnh phúc, vui sướng và đầy xúc động biết bao! Mặc cho bên ngoài trời mưa gió, mưa như trút nước, tiếng đại bác gầm vang đất trời nhưng trong lòng nhà thơ, quê hương vẫn là những gì bình yên nhất, trân trọng nhất.  Mặc cho con đường của quê hương ấy có đầy bom, dù áo của em vẫn vá chằng vá chịt, quê hương Bến Tre đã chịu quá nhiều đau thương mất mát, đã phải sống trong những thử thách, ngày chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt thì quê hương vẫn hiện lên đầy xinh đẹp. Tình yêu quê hương ấy vẫn chung thủy, sắt son như ngày nào. Quê hương vẫn đẹp, vẫn một màu xanh của bóng dừa, của bông hoa trang trắng, trang hồng. Quê hương đẹp không chỉ vì những thắng cảnh mà còn đẹp vì lòng người, vì người mẹ tảo tần sớm hôm nuôi bộ đội, vì em gái anh hùng, bất khuất.
Trở về quê nội là trở về nơi chôn rau cắt rốn, nhà thơ nguyện xin cống hiến hết mình với Tổ quốc, sẵn sàng ra mặt trận tiếp sức bằng tinh thần quả cảm nhất, dũng cảm nhất. Anh nằm xuống nơi đất mẹ cũng là trong tư thế anh hùng nhất, tuyệt vời nhất.
Nói tóm lại, bằng những ngôn từ giàu chất lãng mạn, các biện pháp điệp ngữ, điệp cấu trúc và giọng thơ tâm tình ngọt ngào, nhà thơ Lê Anh Xuân đã khắc họa thành công niềm xúc động dâng trào của người con xa quê lâu ngày mới có dịp trở về thăm quê nội. Tất cả những gì thân thuộc nhất, từ cảnh vật, con người, cả những đau thương mất mát đều nằm sâu, in sâu vào trong tâm trí của nhà thơ. Từ đó nhà thơ bộc lộ rõ tình yêu quê hương da diết đến nồng nàn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ sẽ mãi mãi là niềm xúc động, là bức tượng đài vững chãi trong lòng người đọc.

Bên cạnh Phân tích bài thơ Trở về quê nội các em cần tìm hiểu thêm những nội dung khác như Phân tích 8 câu đầu của bài Việt Bắc hay phần Tưởng tượng gặp gỡ và trò truyện với người lái xe trong Tiểu đội xe không kính nhằm củng cố kiến thức văn học của mình.

 

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-bai-tho-tro-ve-que-noi-cua-le-anh-xuan/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp