Nói giảm nói tránh là gì? Cách vận dụng nói giảm nói tránh trong giao tiếp

0
159
Rate this post

Cùng tìm hiểu: nói giảm nói tránh là gì, tác dụng của nói giảm nói tránh, ví dụ nói giảm nói tránh trong Tiếng Việt,…

Nói giảm nói tránh là gì?

Theo định nghĩa, nói giảm nói tránh là gì là biện pháp nhằm biểu đạt một cách tế nhị, nhẹ nhàng, tức là giảm đi cảm giác ghê sợ, đau buồn hay thiếu văn hóa đối với người nghe.

Biện pháp này được dùng nhiều trong giao tiếp hàng ngày của chúng ta. Đồng thời những câu nói giảm nói tránh còn được dùng trong thơ ca, văn chương.

Khi giao tiếp thông thường thay vì sử dụng những từ ngữ gây ấn tượng về tính chất sự vật, sự việc thì người nói có thể dùng những từ tương đồng về ý nghĩa làm giảm đi cảm giác ghê sợ, sự đau buồn hay đôi khi là thiếu văn hóa.

Kết luận:

Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.

voh.com.vn-noi-giam-noi-tranh-0
Cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển

Ví dụ nói giảm nói tránh

Nói giảm nói tránh là gì cho ví dụ:

– Người ta vừa phát hiện một xác chết ngay tại hiện trường vụ án.

Sử dụng biện pháp nói giảm nói giảm nói tránh: Người ta vừa phát hiện một tử thi ngay tại hiện trường vụ án.

=> Việc thay thế từ “xác chết” bằng từ “tử thi” là cách sử dụng từ đồng nghĩa để giảm đi sự ghê sợ với người nghe hoặc người đọc.

– Chiến sỹ đó đã bị chết khi thực hiện nhiệm vụ.

Thay thế bằng: Chiến sỹ đó đã hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ

=> Thay thế bằng một từ đồng nghĩa nhằm tăng thêm sự trang trọng và giảm sự đau thương.

– Chị ấy thật là xấu xí.

Thay thế bằng câu: Chị ấy trông không được đẹp cho lắm.

=> Cách sử dụng nói giảm nói tránh này phủ định đi các từ tích cực, làm giảm đi mức độ nghiêm trọng của vấn đề đang nói đến.

– Cậu thanh niên kia mù.

Thay thế bằng câu: Cậu thanh niên kia bị khiếm thị.

=> Cách sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh giảm nhẹ mức độ, đồng thời thể hiện sự tôn trọng người nghe.

– Ồn quá, cậu câm miệng lại ngay cho tôi.

Có thể thay thế bằng: Ồn quá, cậu vui lòng trật tự được không.

=> Cách sử dụng câu nói giảm nói tránh như vừa rồi thể hiện thái độ lịch sự, tôn trọng người khác giúp người nghe dễ tiếp thu hơn.

– Ông ấy bị bệnh nặng lâu năm đã sắp chết rồi.

Thay thế bằng câu: Ông ấy bị bệnh nặng lâu năm khó qua khỏi đợt này.

=> Cách sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh như vậy thể hiện sự tôn trọng người khác, giảm đi sự ghê rợn cái chết.

Cách vận dụng nói giảm nói tránh trong giao tiếp

Ngoài việc được dùng trong sáng tác văn chương, nói giảm nói tránh là biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến, rộng rãi trong giao tiếp hằng ngày.

voh.com.vn-noi-giam-noi-tranh-1
Sử dụng nói giảm, nói tránh linh hoạt

Để phát huy tối đa tác dụng của phép tu từ này, người dùng cần có một số lưu ý như sau:

Trong giao tiếp, khi chê trách một điều gì, để người nghe dễ tiếp nhận, chúng ta có thể dùng cách phủ định điều ngược lại với nội dung đánh giá. Nghĩa là thay vì nói “bạn hát dở” thì chúng ta nên dùng “bạn hát chưa được hay”. Thay vì nói chê ai “mập, béo” thì chúng ta hãy nói “không được thon gọn”. Như vậy, với cách nói khéo léo này, chúng ta vừa nói sự thật vừa không sợ mất lòng người đối diện.

Tuy nhiên, việc sử dụng nói giảm nói tránh còn cần phụ thuộc vào từng tình huống giao tiếp. Có những trường hợp buộc phải nói đúng mức độ sự thật hoặc cần thiết phải nói thẳng như phiên tòa phán xử chẳng hạn thì chúng ta không nên sử dụng biện pháp này.

Tác dụng của nói giảm nói tránh là gì?

Có thể thấy nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ mang nhiều dụng ý về mặt nghề thuật và để giúp cách diễn đạt của mỗi cá nhân được lịch sự, nhẹ nhàng bớt phần nào hơn. Mời các bạn theo dõi các ví dụ sau đây:

Ví dụ 1: “Chia buồn cùng gia đình, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng bệnh nhân không qua khỏi”. “Không qua khỏi’’ ở đây là “chết”, bác sĩ nói như vậy để giảm cảm giác đau buồn cho người nhà bệnh nhân.

Ví dụ 2: “Anh ấy không bao giờ trở về nữa, mãi mãi nằm lại ở chiến trường B”. “Mãi mãi nằm lại’’ ám chỉ cái chết của người chiến sĩ. Cách nói như vậy nhằm giảm cảm giác đau buồn, mất mát, đồng thời diễn đạt nhẹ nhàng sự hi sinh.

Ví dụ 3: “Bố mẹ không còn ở với nhau đã lâu, tôi chịu cảnh thiếu thốn tình cảm từ nhỏ”. “Không còn ở với nhau’’ là cách nói giảm nói tránh một cách nhẹ nhàng của “ly dị”.

Nói giảm nói tránh có gì khác so với nói quá?

– Giống nhau:+ Cả hai biện pháp tu từ nói quá cùng với nói giảm nói tránh đều cách nói không chính xác về sự việc xảy ra.+ Chúng đều được sử dụng nhiều trong văn chương, thơ ca hoặc trong giao tiếp mỗi ngày.– Khác nhau:

Có thể dựa vào khái niệm để hiểu rõ bản chất 2 biện pháp này.

+ Nói quá: nhằm mục đích phóng đại, khoa trương sự việc. Cách này giúp tạo ra sự nổi bật, ấn tượng của vấn đề đối với người đọc, người nghe.

+ Nói giảm nói tránh: tránh việc đi thẳng vào vấn đề, biểu đạt sự việc theo cách tế nhị, nhẹ nhàng, lịch sự để phù hợp với người đọc, người nghe hơn.

=> Có thể kết luận là biện pháp nói giảm nói tránh hoàn toàn trái ngược với biện pháp nói quá và cần áp dụng khéo léo, linh hoạt khi giao tiếp.

Bài tập nói giảm nói tránh – Lớp 8 môn Ngữ Văn

Câu 1:

Những từ ngữ được in đậm trong các đoạn trích dưới đây có nghĩa là gì? Tại sao người viết lại muốn dùng cách diễn đạt đó?

– Vì vậy, nay tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ được đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị lão thành cách mạng khác, thì đồng bào cả nước các đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi phải cảm thấy đột ngột.

(Di chúc)

Bác đã đi rồi, Bác ơi!

Mùa thu vẫn đẹp, còn nắng xanh trời.

(Nhà thơ Tố Hữu, Bác đi)

– Lượng con nhà ông Độ đây mà… Rõ là tội nghiệp, khi về đến nhà thì bố mẹ chẳng còn.

(Hổ Phương, Thư nhà)

Trả lời câu 1:

– Bác Hồ viết “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị lão thành cách mạng khác”, ” đi” và “chẳng còn” : đều mang ý nghĩa là cái chết, người chết.

– Người viết, người nói ở đây muốn giảm nhẹ mức độ đau thương, nặng nề hay ghê sợ của cái chết và giảm đi sự mất mát.

Câu 2:

Vì sao trong đoạn văn sau đây, tác giả Nguyên Hồng dùng từ “bầu sữa” mà không dùng một từ ngữ khác cùng nghĩa?

Phải được bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, để áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, rồi bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy mẹ có một sự êm dịu vô cùng.

(Nguyên Hồng – trích cuốn Hồi ký Những ngày thơ ấu)

Trả lời câu 2:

Tác giả Nguyên Hồng trong đoạn văn sử dụng từ “bầu sữa” mà không dùng từ khác bởi từ bầu sữa chính là cách nói tế nhị, tránh gây sự thô tục mà vẫn gợi được sự ấm áp, thân thương về tình mẫu tử.

Tính từ là gì? Cách dùng và cho ví dụ về tính từ

Câu 3:

So sánh hai cách nói sau đây và hãy cho biết cách nói nào nhẹ nhàng, tế nhị hơn đối với người nghe.

– Con dạo này có vẻ lười lắm.

– Con dạo này hình như không được chăm chỉ lắm.

Trả lời câu 3:

Trong hai cách nói thì câu “Con dạo này hình như không được chăm chỉ lắm” là cách nói nhẹ nhàng, tế nhị đối với người nghe.

Câu 4:

Điển các từ nói giảm nói tránh sau đây vào chỗ trống /…/: đi nghỉ, khiếm thị, có tuổi, chia tay nhau, đi bước nữa.

a) Khuya rồi, con mời bà /…/
b) Cha mẹ em /…/ từ ngày em còn nhỏ, em về ở với ông bà ngoại.
c) Mẹ cũng đã /…/ rồi, nên cần chú ý giữ gìn sức khoẻ.
d) Đây là lớp học đặc biệt cho trẻ em /…/
e) Cha nó mất, mẹ nó /…/, nên chú nó rất thương nó

Trả lời câu 4:

Điền từ ngữ nói giảm nói tránh như sau vào chỗ trống:

a, Đi nghỉ

b, Chia tay nhau

c, Có tuổi

d, Khiếm thị

e, Đi bước nữa

Câu 5:

Khi chê trách hay góp ý một điều gì, để cho người nghe dễ tiếp nhận, người ta thường nói giảm nói tránh bằng cách là phủ định điều ngược lại với nội dung đánh giá. Chẳng hạn, đáng lẽ là nói “Bài viết của anh dở lắm” thì nên bảo “Bài viết của anh chưa được hay lắm”. Hãy vận dụng cách nói giảm nói tránh như vậy để đặt 5 câu với mục đích đánh giá trong những trường hợp khác nhau

Trả lời câu 5:

Vận dụng cách nói giảm nói tránh như trên để đặt năm câu đánh giá trong những trường hợp khác nhau

– Nó vẫn học chưa được tốt lắm đâu.

– Con dạo này có vẻ chưa được ngoan lắm.

– Tôi thấy anh nói cũng chưa đúng lắm.

– Sức khỏe của anh ấy không được ổn lắm.

– Bạn ấy sau một thời gian luyện tập thì cũng chưa được nhanh lắm.

Câu 6:

Việc sử dụng những câu nói giảm nói tránh là tuỳ thuộc vào tình huống giao tiếp. Trong trường hợp không nên dùng biện pháp nói giảm nói tránh là gì?

Trả lời câu 6:

Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ rất hữu ích nhưng tùy thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp để sử dụng sao cho hợp lý. Với những tình huống cần nói thẳng thắn, nói đúng bản chất của vấn đề thì không nên nói giảm nói tránh.

Trên đây là nội dung tài liệu tổng hợp về biện pháp tu từ nói giảm nói tránh là gì, với mục đích giúp các em học sinh có thêm một kênh tham khảo. Để học tốt hơn môn Ngữ văn các em nên luyện tập thật nhiều về nội dung này ngoài những bài tập đã kể trên. Chúc các em học tốt và nhớ đón đọc thêm nhiều bài viết bổ ích trên nhé.

 

 Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/noi-giam-noi-tranh-la-gi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp