Đề bài: Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Vượt qua cám dỗ
Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Vượt qua cám dỗ
Bạn đang xem: Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Vượt qua cám dỗ
I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Vượt qua cám dỗ (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Vượt qua cám dỗ
2. Thân bài
* Giải thích vấn đề
– “Cám dỗ” là những điều có sức hút, lôi cuốn nhưng không tích cực, không lành mạnh, khơi gợi những ham muốn xấu trong con người.
– Vượt qua cám dỗ là vượt lên những ham muốn tầm thường, vị kỉ của bản thân để hướng đến những điều tốt đẹp
* Phân tích vấn đề
– Thực trạng tồn tại của cám dỗ trong cuộc sống:
+ Những cám dỗ tầm thường, xấu xa vẫn tồn tại xung quanh cuộc sống con người.
+ Cám dỗ khiến con người đánh mất chính bản thân mình, trở nên tha hóa, biến chất.
– Tác hại của cám dỗ đối với con người:
+ Hình thành nên những thói quen xấu
+ Đánh mất những giá trị tốt đẹp của bản thân, đi ngược lại với lương tâm, đạo đức, pháp luật.
+ Mất đi sự tin tưởng, yêu mến của những người xung quanh
– Nêu dẫn chứng chứng minh về tác hại của cám dỗ, sự chi phối của cám dỗ
* Làm thế nào để vượt qua cám dỗ
– Vững vàng ý chí trước những cám dỗ, không chủ quan coi thường sa ngã vào cám dỗ
– Giữ vững quan điểm sống, có lập trường riêng đúng đắn
– Nhận thức rõ các vấn đề nảy sinh, luôn có sự chuẩn bị, lường trước cho những việc có thể xảy ra.
3. Kết bài
Rút ra bài học nhận thức và liên hệ bản thân
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Vượt qua cám dỗ
1. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Vượt qua cám dỗ, mẫu 1 (Chuẩn)
Trong cuộc đời mỗi con người luôn có một cuộc đấu tranh, đó là cuộc chiến đấu với chính mình để vượt qua những giới hạn và chiến thắng những cám dỗ tầm thường. Vượt qua cám dỗ là chìa khóa giúp chúng ta trưởng thành, thành công và hạnh phúc hơn.Các bạn trẻ thường lầm tưởng cám dỗ là cái gì đó xa vời, mông lung và khó thấy lắm. Nhưng thực ra cám dỗ lại ẩn chứa trong mọi sự việc, hiện tượng đời sống của mình. Cám dỗ là tiêu cực, là sức hút không lành mạnh, tuy nhiên sa ngã vào cám dỗ không đáng sợ bằng việc bạn không dám vượt qua cám dỗ. Cám dỗ là thứ chúng ta có thể chiến thắng được chỉ là bạn có dám chiến đấu, dám đương đầu và có đủ bản lĩnh hay không. Bất kể đối tượng nào từ đàn ông đến phụ nữ, từ người già đến người trẻ đều thường xuyên phải đối mặt với cám dỗ. Đứng trước cám dỗ nếu ta không đủ tỉnh táo và mạnh mẽ sẽ bị cám dỗ chi phối, nó đánh thức lòng tham lam, sự ngu muội và dẫn đến những quyết định sai lầm, tiêu cực. Có vượt qua được cám dỗ hay không bản thân ta là người quyết định, vì vậy hãy luôn cảnh giác với mọi cám dỗ, tự tin vào bản thân, hướng đến những điều tốt đẹp phía trước để bước qua rào cản cám dỗ.
2. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Vượt qua cám dỗ, mẫu 2 (Chuẩn)
Trong hành trình đến với thành công, hạnh phúc, con người sẽ phải đương đầu với rất nhiều những khó khăn, thách thức và cả những cám dỗ tầm thường. Đứng trước những “cám dỗ” ngọt ngào, không phải ai cũng có đủ bản lĩnh, ý chí để vượt qua nó. Thế nhưng nếu chìm đắm trong những cám dỗ, con người sẽ đánh mất đi chính mình, thậm chí làm ra những hành động trái với lương tâm, đạo đức, pháp luật. Cám dỗ luôn hiện hữu và rình rập trong đời sống của chúng ta, nó luôn có một sức hút rất kì lạ khiến ta bị lôi cuốn, thu hút và rất dễ bị lôi kéo. Giống như việc không phải làm mà vẫn có ăn, đó chỉ có thể là những công việc phi pháp, nguy hiểm, trái lương tâm đạo đức con người. Nếu ta chỉ vì lòng tham mà không nhận ra điều đó đồng nghĩa với việc đa đã bị đồng tiền cám dỗ khiến bản thân sa ngã. Chỉ có sự hiểu biết, tư tưởng vững vàng và lập trường sống kiên định mới giúp ta dễ dàng nhận ra cám dỗ rồi vượt qua nó. Đối với người học sinh, nếu không thể chiến thắng được cám dỗ của những trò game điện tử, những cuộc vui chơi sa đà, những tệ nạn hút hít rượu chè thì làm sao có thể mong đến những hoa thơm trái ngọt trên con đường học tập. Cám dỗ sẽ lôi kéo cuộc đời chúng ta xuống vực thẳm, nếu không vượt qua được cám dỗ chính là thất bại thảm hại nhất. Để làm chủ bản thân và mang đến một cuộc sống ý nghĩa, chúng ta cần chiến thắng sức hấp dẫn từ những cám dỗ.
3. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Vượt qua cám dỗ, mẫu 3 (Chuẩn)
Đứng trước cám dỗ, con người thường có hai cách ứng xử, một là đầu hàng trước cám dỗ, để cám dỗ chi phối và điều khiến, còn thứ hai là người tìm cách vượt qua cám dỗ, vươn tới những điều tốt đẹp phía sau bức tường cám dỗ đó. Giống như những điều xấu xa, tệ nạn trong xã hội, cám dỗ chính là những sự việc, hiện tượng trong đời sống tuy có sức hút và lôi cuốn nhưng lại không lành mạnh, mang đến sự tiêu cực cho nhận thức, ý chí và suy nghĩ của con người. Cám dỗ thường có “vẻ ngoài” bóng bẩy, hấp dẫn thu hút sự chú ý, đánh vào ham muốn hưởng lạc, sung sướng của con người. Thế nhưng đằng sau dáng vẻ ngọt ngào ấy lại là những hiểm họa khôn lường, nó khơi dậy những đam mê sai trái, khiến chúng ta chìm đắm trong những điều tốt đẹp giả tạo, phi đạo đức. Cám dỗ có thể là ham chơi, ham vui, sự hiếu thắng, đố kị và lòng tham, ganh ghét… Giới trẻ bây giờ là đối tượng dễ bị sa ngã vào cám dỗ nhất, bởi thế giới quan và sự nhìn nhận của giới trẻ còn hạn chế. Chỉ một lần sơ ý đi chơi cùng bạn hút một thứ gì đó có cảm giác lâng lâng khoan khoái nhưng đâu biết được ta đã sa ngã vào vòng lao lý khi sử dụng chất ma túy, kích thích. Hay như với người đã trưởng thành, chỉ vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng đến cả tập thể, làm xấu đi nhân phẩm của mình, kẻ đó đã không chiến thắng được cám dỗ. Dù trước hay sau, dù sớm hay muộn nếu bạn không chịu nỗ lực vượt qua cám dỗ, cám dỗ sẽ đánh bại và điều khiển mọi cuộc sống, công việc của bạn. Một lần sa ngã sẽ khiến ta đi sai cả chặng đường phía trước, hãy luôn tỉnh táo, sáng suốt nhận ra cám dỗ và mạnh mẽ vượt qua nó.
————–HẾT—————
Bên cạnh bài nghị luận Vượt qua cám dỗ, các em có thể tham khảo thêm nhiều dạng bài nghị luận 200 chữ về hiện tượng đời sống, tư tưởng đạo lý như: Nghị luận xã hội 200 chữ về ý thức tôn trọng lẽ phải, Nghị luận xã hội 200 chữ về ý thức tự hoàn thiện bản thân, Nghị luận xã hội 200 chữ về vai trò của Internet trong cuộc sống hôm nay, Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng xả rác trong trường học.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp