Phân tích khổ 3 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

0
591
5/5 - (1 bình chọn)

Đề bài: Phân tích khổ 3 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

phan tich kho 3 bai tho bep lua cua bang viet

Phân tích khổ 3 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Bạn đang xem: Phân tích khổ 3 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

I. Dàn ý Phân tích khổ 3 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu chung về tác giả Bằng Việt.
– Giới thiệu về bài thơ Bếp lửa và khổ 3 bài thơ.

2. Thân bài

– Khơi nguồn nỗi nhớ:
+ “Tám năm”: khoảng thời gian tuổi thơ sống bên bà
+ “Tú hú kêu”: âm thanh gợi nhớ về những kí ức bên bà.

– Những kỉ niệm tuổi thơ cùng bà:
+ Bà kể cháu nghe những câu chuyện ngày Huế.
+ Bà thay cha mẹ chăm sóc, bảo ban cháu học hành.
+ Bà dạy cho cháu từng con chữ, chỉ cho cháu từng việc làm nhỏ, cách đối nhân xử thế hàng ngày.
=> Kỉ niệm ngọt ngào về tình bà cháu.

– Tình cảm của cháu dành cho bà:
+ “Thương bà khó nhọc”: thấu hiểu được những vất vả của bà, dành tình yêu thương của mình cho bà.
+ Thương bà cô đơn tác giả buông lời trách nhẹ nhàng chim tu hú, sao cứ bay mãi trên cánh đồng xa, chẳng đến cùng cho bà đỡ buồn thương, hiu quạnh.

3. Kết bài

Khẳng định giá trị của khổ thơ thứ ba nói riêng và bài thơ nói chung.

II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 3 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt (Chuẩn)

Bằng Việt là một trong những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Các tác phẩm của ông thường viết về những tình cảm tốt đẹp như tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước bằng những lời thơ trong trẻo, mượt mà, gợi nhớ, gợi thương. Bếp lửa là bài thơ cảm động viết về tình bà cháu. Tình cảm ấy được gợi lên qua những kỉ niệm tuổi thơ của người cháu khi sống cùng bà, khổ thơ thứ ba, tác giả đã tái hiện lại dòng kí ức đầy đẹp đẽ ấy.

Ở một đất nước xa xôi, tuy rộng lớn mà cô đơn, nỗi nhớ nhà như chực chờ dâng trào trong tâm khảm, kí ức tuổi thơ trở thành nguồn sống nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ:

Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

Giọng thơ thủ thỉ, kết hợp với lối kể tả vừa ngọt ngào vừa dạt dào xúc cảm, kỉ niệm đã qua lâu rồi mà ngỡ như mới ngày hôm qua. Tám năm cùng bà nhóm lửa, cùng bà chia sẻ những ngọt bùi, đắng cay, san sẻ niềm vui nhỏ bé và cả những khổ cực của hoàn cảnh. Cuộc sống gian khó, cơ cực là thế nhưng cháu vẫn lớn lên từng ngày trong sự yêu thương, cưu mang, đùm bọc của bà, mới đây thôi cháu vừa lên bốn mà nay đã lên tám trở thành một cậu bé con hiểu chuyện và thương bà. Tám năm kháng chiến cũng là tám năm đất nước khó khăn, cuộc sống hai bà cháu cũng vậy. Tuy khó khăn nhưng ấm áp vị yêu thương của tình bà cháu.

Nếu trong hồi ức khi lên bốn, tác giả nhớ về mùi khói với vị cay nồng nơi sống mũi thì năm lên tám là kí ức đẹp đẽ về thanh âm của tiếng chim tu hú “Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà”. Đó là những ngày hè đượm nắng, tiếng tu hú vang xa trên cánh đồng quê hương. Tiếng tu hú gọi hè về, gọi cả kí ức của một tuổi thơ ấm áp trong lòng tác giả “Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế”. Nỗi nhớ quê hương, nhớ bà, nhớ bếp lửa thổn thức từng lời thơ.

Tác giả thấy lòng mình “tha thiết” khi nghe tiếng chim tu hú dậy bên lòng, lòng càng da diết hơn khi nhớ về người bà yêu thương, tần tảo một đời của mình. Ngược dòng thời gian, tác giả đắm mình trong những kí ức tuổi thơ, nhớ về bếp lửa, về bà, về tiếng chim tú hú. Trong dòng hồi tưởng ấy, tác giả đã nhớ về bà mà thủ thỉ tâm sự như có bà đang bên cạnh: “Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà”. Bà còn nhớ năm nào bên bếp lửa, bà kể cho cháu nghe những câu chuyện về Huế, về các anh bộ đội cụ Hồ thật thà, chịu khó mà đầy gan dạ, dũng cảm. Bà có còn nhớ những tháng ngày bà thay cha mẹ chăm sóc, bảo ban cháu, dạy cho cháu từng con chữ, chỉ cho cháu từng việc làm nhỏ hay cách đối nhân xử thế hàng ngày? Lời hỏi thân thương ấy cũng là lời khẳng định tình cảm người cháu dành cho bà, dù thời gian có trôi đi bao lâu nữa thì những hình ảnh, kí ức bên bà vẫn còn in mãi trong trái tim cháu, suốt một đời cháu sẽ mang theo trong hành trang lớn lên và trưởng thành của mình.

“Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”.

Bà là người nuôi dưỡng, bảo ban cháu, bà chính là mẹ, là cha cũng là người thầy bên cháu trong những buổi học đầu tiên. Càng nghĩ về bà, tác giả càng không cầm lòng đọc, tiếng “thương bà” cất lên trong nỗi nhớ, bên hình ảnh bếp lửa gần gũi mà thân thương. Thương bà một đời khó nhọc, nuôi con, chăm cháu, bên mái nhà tranh xiêu vẹo, bà trở thành điểm tựa vững chắc để cháu được bình an, lớn lên và trưởng thành hơn mỗi ngày.

“Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”

Thương bà cô đơn, hiu quạnh tác giả buông lời trách nhẹ nhàng chim tu hú, sao cứ bay mãi trên cánh đồng xa, chẳng đến cùng cho bà đỡ buồn thương, hiu quạnh. Phải chăng, trong lời trách móc ấy, tác giả còn tự trách chính bản thân mình lúc này đây chẳng thể về bên bà, cùng bà hỏi han, tâm sự. Vì cuộc sống, vì lí tưởng cháu đành xa bà, khoảng cách xa đằng đẵng, nỗi nhớ bà lại ngày một dài thêm.

Khổ thơ khép lại bằng một câu hỏi tu từ. Trong tâm trí của người cháu xa quê ấy có lẽ đang tìm về những kí ức yêu thương cho thỏa nỗi nhớ nhung bà. Giọng thơ chầm chậm, da diết, bộc lộ nỗi khắc khoải của niềm nhớ, niềm thương. Tự nhiên như thế, đoạn thơ đã gieo vào lòng người đọc bao nỗi niềm khó tả, bao nỗi nhớ của một khung trời tươi đẹp về một kí ức tuổi thơ có bà.

——————-HẾT———————

Qua bài viết trên đây, chắc hẳn các em cũng đã cảm nhận rõ hơn về tình cảm của tác giả. Ngoài ra, các em cùng xem thêm các bài mẫu Phân tích khổ 4 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Phân tích khổ 2 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Cảm nhận về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Cảm nhận vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về tác phẩm nhé!

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-kho-3-bai-tho-bep-lua-cua-bang-viet/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp