Tả con chuồn chuồn

0
190
Rate this post

Đề bài: Tả con chuồn chuồn

ta con chuon chuon

Tả con chuồn chuồn

Bạn đang xem: Tả con chuồn chuồn

I. Dàn ý Tả con chuồn chuồn (Chuẩn)

1. Mở bài:

Giới thiệu về chuồn chuồn.

2. Thân bài:

a. Tả khái quát về chuồn chuồn:

– Đó là loài chuồn chuồn nào?
– Hình dáng như thế nào? (ví dụ: nhỏ, mảnh khảnh,…)

b. Tả chi tiết về chuồn chuồn:

Tả chi tiết về màu sắc, các bộ phận như: đầu, thân mình, cánh, đuôi,…

c. Tả hoạt động của chuồn chuồn:

– Chuồn chuồn khi bay, khi đậu trông như thế nào?
– Chuồn chuồn báo hiệu thời tiết ra sao?

3. Kết bài:

Nêu cảm nghĩ của em về con chuồn chuồn.

II. Bài  văn mẫu Tả con chuồn chuồn (Chuẩn)

1. Tả con chuồn chuồn, mẫu 1 (Chuẩn)

Mỗi khi đọc câu: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm” em lại nhớ đến hình ảnh những chú chuồn chuồn bay lượn trong không trung.

Có thể có nhiều bạn sẽ chưa từng được nhìn tận mắt hay được tận tay bắt con chuồn chuồn nên đối với các bạn chuồn chuồn cũng chỉ là loài côn trùng bình thường. Nhưng đối với em, chuồn chuồn rất đặc biệt. Từ nhỏ em đã thích ngắm và vẽ lại những con chuồn chuồn mà mình đã thấy. Mỗi con có một màu sắc khác nhau. Có hôm là chuồn chuồn ngô, có hôm là chuồn chuồn ớt, có lần lại là chuồn chuồn kim.

Loại chuồn chuồn mà em thích nhất vẫn là chuồn chuồn ớt, em thích màu sắc đỏ cam như bị nắng đốt cháy của nó. Chuồn chuồn có bốn cánh nhỏ, mỗi bên hai cánh, đôi cánh phía trước dài và to hơn đôi cánh phía sau. Chuồn chuồn nhỏ bé như vậy nhưng gió có lớn đến đâu cũng không làm nó chao nghiêng hay liêu xiêu. Đôi cánh mỏng manh của nó giúp nó bay liệng, đôi khi còn quay vòng tròn giữa không trung mà vẫn rất vững vàng, không hề rơi xuống. Chuồn chuồn khi bay mỏi cánh cũng phải đậu để nghỉ ngơi. Chúng thường đậu trên những cành nhỏ trên cao để tránh bị bắt. Một con chuồn chuồn đang nghỉ ngơi là khi đôi cánh của nó hơi cụp xuống chứ không nằm ngang như khi đang bay.

Bọn trẻ con chúng em rất thích bắt chuồn chuồn để chơi, song chuồn chuồn chỉ thật sự đẹp khi nó tự do bay lượn trên không trung. Em hi vọng các bạn nhỏ không làm tổn hại đến những chú chuồn chuồn nhỏ bé.

2. Bài văn Tả con chuồn chuồn, mẫu 2 (Chuẩn)

Chuồn chuồn, ve sầu, đom đóm, bọ xít,… đó là những cái tên quen thuộc trong tuổi thơ của em. Em còn nhớ như in những trưa hè dãi nắng mải miết chạy đuổi theo những cánh chuồn chuồn, chỉ thấy đôi chân mỏi nhừ nhễ nhại mồ hôi vẫn chưa thể theo kịp chuồn chuồn.

Chuồn chuồn có hình dáng khá đặc biệt, điều khiến em tò mò nhất chính là phần đầu của nó. Chiếc đầu to chỉ thấy hai bên mắt lồi lên bóng loáng, không thể biết là mắt nó đang nhìn về phía nào hay nhìn vào đâu. Đôi cánh của chuồn chuồn rất đẹp, giống như những chiếc lá đã khô trơ ra gân lá. Đôi cánh tuy không có màu nhưng khi bay lại tạo ra hiệu ứng như những cánh quạt tí hon đang quay, trông rất thích mắt. Phần thân và đuôi của chuồn chuồn được chia thành từng khoang, những sọc vằn xanh hoặc vàng chia thành từng đốt nhìn rất rõ. Chân của chuồn chuồn nhỏ và dài khẳng khiu, khi cho chân bám vào tay sẽ cảm giác được những gai nhỏ ở bàn chân của nó đang bám chặt vào da tay. Chuồn chuồn bay nhiều nhất vào những lúc trời chuẩn bị mưa, sự xuất hiện của nó dường như là để báo hiệu cho con người biết sắp có cơn mưa ập đến. Đã nhiều lần em để ý và thấy rằng chuồn chuồn là nhà dự báo thời tiết rất chuẩn. Trong lúc mưa vẫn thấy chuồn chuồn bay, những ngày mưa chính là thời điểm để chúng đẻ trứng vào những vũng nước.

Em từng nhìn thấy nhiều con chuồn chuồn với màu sắc khác nhau nhưng em vẫn thích chuồn chuồn ngô với toàn thân màu vàng tươi cùng những đốm đen rất nổi bật.
 

3. Tả con chuồn chuồn, mẫu 3 (Chuẩn)

Có một loài côn trùng nhỏ, có cánh, vô cùng hiền hoà, thân thiện, chẳng thấy chúng làm phiền đến con người như muỗi hay ve sầu, đó chính là chuồn chuồn.

Có lẽ vì môi trường sống đang dần thay đổi nên ngày càng thấy ít chuồn chuồn. Ngày em còn nhỏ cứ mỗi buổi chiều hè là chuồn chuồn bay rợp trời, đuổi bắt rất thích thú. Bây giờ chuồn chuồn còn rất ít, lại không gần người như trước, em cảm thấy chúng xa vời và không bao giờ có thể bắt được. Phải khó khăn lắm mới bắt gặp được một chú chuồn chuồn đậu nghỉ ngơi.

Chuồn chuồn nhỏ bé, lại nhẹ nên khi nó đậu vào cành nhỏ của bông hoa hồng sẽ không làm cành đung đưa. Nó chao đảo vài vòng quan sát cẩn thận mới quyết định đậu xuống. Ban đầu nó còn lắc lư liên tục cái đầu to của mình để mắt có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Đôi mắt nó to tròn, đen và trong nhưng lại là một màu đen huyền bí khiến ta không thể biết con chuồn chuồn đang ngủ, đang thức hay đang nhìn cái gì. Chuồn chuồn có hình dáng đặc biệt, đầu to, cánh dài và thân lại nhỏ như que tăm. Cánh chuồn chuồn mỏng hơn tờ giấy, trong suốt và chỉ có vài đường gân giúp cho cánh cứng cáp. Những cái chân khẳng khiu gầy gò giúp nó bám chặt vào thân cây khi đậu nghỉ ngơi. Chuồn chuồn là một loài có ích, chúng giúp tiêu diệt các loại côn trùng nhỏ có hại.

Nhìn thấy chuồn chuồn em như nhìn thấy kí ức tuổi thơ của mình khi còn nhỏ, cánh chuồn chuồn bay trong gió như sự hồn nhiên vô tư, tự do bay bổng không bị bó buộc.

——————HẾT—————–

Ngoài chuồn chuồn, còn có một số những con vật thân quen, thường thấy ở làng quê nông thôn như bò, ngỗng, gà, vịt,… Các em hãy cùng tham khảo thêm một số bài văn sau: Tả con bò nhà em, Tả một con ngỗng, Tả con mèo mướp, Tả con lợn nhà em để hiểu biết hơn về những loài vật này nhé!

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/ta-con-chuon-chuon/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp