>> Những bài văn Phân tích Tuyên ngôn độc lập hay, đạt điểm 10
Đề bài: Nhận xét về tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá”. Ý kiến khác lại khẳng định “Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực”. Bình luận về những ý kiến trên.
Bạn đang xem: Bình luận những ý kiến đánh giá về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh
Bình luận những ý kiến đánh giá về Tuyên ngôn độc lập
I. Dàn ý bình luận những ý kiến đánh giá về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh (Chuẩn)
– Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập”.
– Giới thiệu sơ lược những ý kiến đánh giá về tác phẩm.
2. Thân bài
a. “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá”
– Phân tích hoàn cảnh sáng tác để làm rõ vị trí lịch sử của tác phẩm.
– “Tuyên ngôn độc lập” là văn kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc Việt Nam:
+ Khẳng định quyền độc lập, tự do và quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam sau khi giành được hòa bình.
+ Khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, chủ quyền.
– “Tuyên ngôn độc lập” là tiếng nói đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam, trở thành văn kiện lịch sử mang tầm cỡ quốc gia…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý bình luận những ý kiến đánh giá về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh tại đây
II. Bài văn mẫu Bình luận những ý kiến đánh giá về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh (Chuẩn)
Ngày 02/ 09/ 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước sự chứng kiến của hàng triệu nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” đánh dấu sự thắng lợi vẻ vang của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 và tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng Hòa. Ra đời trong bối cảnh đó, tác phẩm trên đã trở thành văn kiện lịch sử vô giá đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực chính trị – quân sự, đồng thời còn là áng văn chính luận mẫu mực trong nền văn học nước nhà.
Trước hết, “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá”. Bản Tuyên ngôn ra đời trong hoàn cảnh đất nước ta vừa dành được nền độc lập dân tộc và phải đối mặt với vô vàn khó khăn về kinh tế – văn hóa – xã hội, đặc biệt là về mặt chính trị – quân sự. Tuy nhân dân ta là lực lượng trực tiếp đánh đuổi phát xít Nhật ra khỏi bờ cõi quê hương nhưng thực dân Pháp vẫn tuyên bố Đông Dương vốn là khu vực dưới sự “bảo hộ” của người Pháp, nay Nhật rút quân thì dĩ nhiên nước ta phải tiếp tục trở về là thuộc địa của người Pháp. Bên cạnh đó, các lực lượng khác như quân đội Anh, Mỹ dưới danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật lũ lượt kéo vào nước ta. Trong bối cảnh rối ren đó, sư ra đời của bản Tuyên ngôn đã trở thành văn kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc Việt Nam. Trước hết, văn bản đã khẳng định quyền độc lập, tự do và quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam sau khi giành được hòa bình. Lời tuyên bố đó hướng đến toàn bộ các nước trên thế giới, đặc biệt là các thế lực đang lăm le quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đồng thời, nêu bật ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của toàn thể nhân dân ta: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đặc biệt, giá trị vô giá về phương diện lịch sử đã được khẳng định hơn nữa qua việc “Tuyên ngôn độc lập” là tiếng nói đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam, trở thành văn kiện lịch sử mang tầm cỡ quốc gia: “Chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng…”. Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được giá trị, ý nghĩa lịch sử của văn kiện “Tuyên ngôn độc lập”.
Không chỉ dừng lại ở đó, “Tuyên ngôn độc lập” còn là “một áng văn chính luận mẫu mực”. Tác phẩm đã thể hiện rõ đặc trưng của thể văn chính luận qua hệ thống lập luận logic, chặt chẽ cùng hệ thống luận điểm rõ ràng, lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục cùng văn phong súc tích, ngắn gọn, đanh thép. Trước hết, tác giả nêu lên nguyên lý chung làm cơ sở của nền độc lập qua việc trích dẫn hai bản “Tuyên ngôn độc lập” (1776) của Mỹ và “Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền” (1791) của Pháp, tạo nên tác dụng to lớn trong việc đáp trả lại những luận điệu xảo trá của giặc ngoại xâm, đồng thời đặt cuộc cách mạng của nhân dân ta ngang hàng với các cuộc cách mạng khác trên thế giới. Như vậy, cơ sở pháp lí vững chắc đã được trình bày một cách khéo léo nhưng vẫn đầy kiên quyết. Tiếp theo, tác giả đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp và khẳng định các cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Luận điểm này đã được triển khai qua những lí lẽ hùng hồn, bằng chứng xác thực, đập tan luận điệu xảo trá muốn “hợp pháp hóa” mong muốn tiếp tục đô hộ dân tộc ta một lần nữa. Đó là những tội ác về sự áp bức bóc lột tàn bạo qua việc tiến hành chính sách cai trị về mọi mặt như văn hóa, chính trị, giáo dục; và khi Nhật tiến vào Đông Dương, Pháp không ngần ngại dâng nước ta cho Nhật. Tính mẫu mực của văn kiện lịch sử vô giá này còn được thể hiện qua lời tuyên ngôn về ý chí cùng quyết tâm cao độ bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc ta. Đặc biệt, tuy là văn kiện chính trị nhưng tác phẩm không hề khô khan mà vẫn chứa đựng tình cảm nồng nhiệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sắc thái chắc chắn khi nêu lên nguyên lí cơ sở của nền độc lập cùng quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc, là sự căm giận khi liệt kê những tội ác man rợ của thực dân Pháp. Điều này đã khiến cho “Tuyên ngôn độc lập” không chỉ là một văn bản chính luận khô khan với những lí lẽ đanh thép mà còn mang giọng điệu riêng của niềm tự hào và sự hùng tráng.
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định hai ý kiến trên không hề đối lập, mâu thuẫn mà thống nhất, bổ sung cho nhau để làm nổi bật giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Về mặt nội dung, Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử vô giá, về nghệ thuật, đó là văn bản chính luận mẫu mực. Tất cả đã được thể hiện qua kết cấu lập luận chặt chẽ, logic, lập luận đầy sức thuyết phục, hệ thống luận điểm rõ ràng, lí lẽ hùng hồn, đanh thép. Giọng điệu của tác phẩm có sự linh hoạt qua những câu văn uyển chuyển và giàu sức thuyết phục, thể hiện rõ nhãn quan chính trị sắc bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Như vậy, “Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn chính luận mẫu mực, đồng thời là văn kiện có giá trị lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam. Đó là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy, mở rộng những tư tưởng, quan điểm về độc lập, tự do dân tộc đã được nêu bật qua những tác phẩm như “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Chính điều này đã tạo nên giá trị vô giá cùng sức sống bất hủ, trường tồn theo thời gian của bản tuyên ngôn.
———————–HẾT————————–
Tuyên ngôn độc lập là tác phẩm có giá trị lịch sử, giá trị văn học to lớn, đồng thời đây cũng là văn bản quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Trong quá trình tìm hiểu và phân tích văn bản, bên cạnh bài Bình luận những ý kiến đánh giá về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, các bạn còn có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu như: Cảm nghĩ về tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh, Sức hấp dẫn và thuyết phục trong bản Tuyên ngôn độc lập, Giá trị lịch sử và nhân văn của Tuyên ngôn Độc lập, Giá trị lịch sử và chất chính luận trong Tuyên ngôn độc lập, Phân tích bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp