Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ và văn bản Chuyện người con gái Nam xương

0
191
Rate this post

Đề bài: Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ và văn bản Chuyện người con gái Nam xương

gioi thieu ve tac gia nguyen du va van ban chuyen nguoi con gai nam xuong

Bạn đang xem: Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ và văn bản Chuyện người con gái Nam xương

3 bài văn mẫu Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ và văn bản Chuyện người con gái Nam xương

 

1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ và văn bản Chuyện người con gái Nam xương, mẫu 1:

Tác giả Nguyễn Dữ hiện chưa rõ năm sinh năm mất, sống vào khoảng thế kỉ XVI, là người huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Thời ông sống, triều đình nhà Lê đã bắt đầu khủng hoảng suy thoái, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực gây ra liên tiếp các cuộc nội chiến kéo dài. Có giả thiết cho rằng ông là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cha ông là tiến sĩ đời Lê Thánh Tông, bản thân ông cũng là người học rộng, tài cao nhưng giống như nhiều trí thức đương thời, ông chỉ làm quan một năm rồi xin về quê ẩn dật. Ông có tác phẩm tiếng Hán nổi tiếng Truyền kì mạn lục (Ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền), một tác phẩm thể hiện quan niệm sống và tấm lòng của ông trước cuộc đời.

“Chuyện người con gái Nam Xương” là tác phẩm được rút trong tập truyện Truyền kì mạn lục của tác giả. Đây là một trong hai mươi truyện của tập sách này. Tác phẩm ghi lại cuộc đời thảm thương của Vũ Nương, quê ở Nam Xương (thuộc tỉnh Hà Nam) ngày nay.

Vũ Thị Thiết – người con gái quê ở Nam Xương thuỳ mị, nết na, tư dung tốt đẹp. Chàng Trương Sinh mến vì đức hạnh xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Chẳng bao lâu Trương Sinh phải đi lính. Nàng đang có mang, xa chàng vừa đầy tuần thì sinh ra đứa con trai đặt tên là Đản, nửa năm sau, mẹ chàng vì già yếu và nhớ thương con mà lâm bệnh. Vũ Nương hết lòng săn sóc, cơm cháo thuốc men, mẹ chồng qua đời, nàng lo ma chay tế lễ như đối với cha mẹ mình. Qua năm sau, giặc đã chịu lui, Trương Sinh trở về. Con trai đã vừa học nói nhưng chỉ vì câu nói ngây thơ của đứa con đã dẫn đến Trương Sinh hiểu lầm rằng vợ mình đã thay lòng đổi dạ. Trương Sinh nhiếc mắng, đuổi nàng đi. Nàng thanh minh cho mình, rồi hàng xóm bênh vực nhưng không được. Trước cảnh đau buồn đó Vũ Nương đã nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Nàng chết rồi, một hôm Trương Sinh ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya chợt đứa con nói: “Cha Đản lại đến kìa” rồi chỉ cái bóng trên tường. Bấy giờ Trương Sinh mới tỉnh ngộ, biết vợ mình chết oan. Lại nói về chuyện Phan Lang đã cứu Linh Phi, là vợ vua biển Nam Hải. Thế rồi Phan Lang không may đắm thuyền chết, được Linh Phi cứu giúp, chữa trị, đền ơn. Trong cuộc hành trình thăm động của Linh Phi, Phan Lang tình cờ gặp Vũ Nương. Nàng gửi về cho chồng một chiếc hoa vàng và dặn chồng con nhớ làm đàn giải oan… Phan Lang trở về kể chuyện cho Trương Sinh. Vũ Nương hiện lên đa tạ tình chàng nhưng nàng không thể trở về trần gian được.

Chuyện người con gái Nam Xương nói lên sự xót thương với những người phụ nữ tài sắc, đức hạnh mà chết oan trong bi kịch gia đình. Vũ Nương là một phụ nữ đảm đang, hiếu thảo, một mình nuôi dạy con thơ, phụng dưỡng mẹ già. Cái chết của Vũ Nương có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc, lên án chiến tranh phong kiến đã làm cho hạnh phúc lứa đôi phải li biệt, người vợ trẻ sống vất vả, cô đơn, lên án lễ giáo phong kiến khắt khe với tệ gia trưởng độc đoán, gây nên bi kịch gia đình, làm tan vỡ hạnh phúc. Vì lẽ đó, Chuyện người con gái Nam Xương có giá trị nhân đạo sâu sắc.

Với nghệ thuật điêu luyện, bố cục chặt chẽ, chi tiết hoang đường, li kỳ, hấp dẫn, dùng chi tiết gợi mở, thắt nút cởi nút câu chuyện tài tình, giải quyết câu chuyện nhanh chóng, bất ngờ, kết thúc có hậu,… Chuyện người con gái Nam Xương đã khẳng định được nét đẹp tâm hồn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời thể hiện niềm cảm thương cho số phận nhỏ nhoi, đầy tính chất bi kịch của họ dưới chế độ phong kiến. Đây là một áng văn hay, thành công về mặt dựng truyện, dựng nhân vật, kết hợp cả tự sự, trữ tình và bi kịch. Tuy mang yếu tố hoang đường, nhưng chuyện “Người con gái Nam Xương” có giá trị nhân đạo sâu sắc.

Qua “Truyền kì mạn lục”, người đọc mãi mãi thương cảm Vũ Nương, thương cảm những thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ.

 

2. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ và văn bản Chuyện người con gái Nam xương, mẫu 2:

Nguyễn Dữ quê ở huyện Thanh Miện thuộc tỉnh Hải Dương là một trong những học trò giỏi của Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sống trong xã hội loạn lạc, chế độ phong kiến thối nát, sau một năm làm quan, ông trở về quê nuôi mẹ già, đóng cửa viết sách.

Ông để lại một số thư và cuốn Truyền kì mạn lục viết bằng chữ Hán. Đây là cuốn văn xuôi cổ gồm 20 truyện, mang yếu tố hoang đường, cốt truyện lưu truyền trong dân gian. Phần lớn là nhân vật phụ nữ tài sắc mà bất hạnh, một ít là trí thức phong kiến sống gần gũi với nhân dân, 19 trong 20 truyện có lời bình. Truyền kì mạn lục là áng văn xuôi cổ giàu giá trị nhân đạo và có tính nhân dân, sâu sắc.

Về Chuyện người con gái Nam Xương rút trong tập Truyền kì mạn lục:

Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp. Chàng Trương Sinh mến vì dung hạnh xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới nàng về làm vợ. Chẳng bao lâu sau Trương Sinh phải đi lính đánh giặc Chiêm. Vũ Nương rót chén rượu đầy, tiễn chồng mà rằng: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên… .

Nàng đang có mang, xa chồng vừa đầy tuần thì sinh ra đứa con trai đặt tên là Đản. Nửa năm sau, mẹ chồng vì già yếu và nhớ thương con đi lính, rồi lâm bệnh. Vũ Nương hết lòng săn sóc, cơm cháo thuốc men. Mẹ chồng qua đời, nàng thương xót lo ma chay tế lễ như đối với cha mẹ đẻ mình.

Qua năm sau, giặc ngoan cố đã chịu trói, Trương Sinh được trở về. Con trai vừa học nói. Chàng bế con thơ đi thăm mồ mẹ. Đứa con quấy khóc, Trương Sinh hết sức dỗ dành. Con ngây thơ nói: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư. Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít. Chàng gặng hỏi, đứa con mới cho hay “có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Trương Sinh vốn tính hay ghen, đinh ninh là vợ hư, la um cho hả giận, nhiếc mắng đuổi đi. Nàng khóc lóc phân trần, họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng, Trương Sinh cũng chẳng nghe. Trước cảnh bình rơi trâm gãy, Vũ Nương đã nhảy xuống sông Hoàng Giang với lời nguyền: “nếu đoan trang” vào nước xin làm Ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ…”. Nàng chết rồi, một hôm Trương Sinh ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, chợt đứa con nói rằng: “Cha Đản lại đến kia kìa!”. Bây giờ Trương Sinh mới tỉnh ngộ, biết vợ mình đã bị chết oan!

Lại nói về chuyện Phan Lang trước làm đầu mục ở bến đò Hoàng Giang, một đêm chiêm bao thấy người con gái áo xanh, đến xin kêu tha mạng. Sáng dậy, có người phường chài đem biếu một con rùa mai xanh. Chợt nghĩ đến chuyện chiêm bao, Phan Lang bèn thả con rùa. Sau đó, Phan Lang chạy loạn, đắm thuyền, thấy dạt vào động rùa ở hải đảo. Linh Phi nhìn thấy nói rằng: “Đây là vị ân nhân cứu sống ta thuở xưa” rồi lấy khăn dấu mà lau, thuốc thần mà đổ, Phan Lang được cứu sống. Linh Phi là vua biển Nam Hải mở tiệc thiết đãi ân nhân mình. Có vô số mỹ nhân quần áo thướt tha, mái tóc dài đến dự tiệc.

Trong số đó có một thiếu phụ xinh đẹp chỉ điểm một chút son phấn rất giống Vũ Nương. Tiệc xong, người đàn bà ấy nói với Phan Lang: “Tôi với ông vốn người cùng làng, cách mặt chưa bao, đã quên nhau rồi ư?”- Nghe kể đến chuyện làng quê Vũ Nương khóc. Nàng gửi về một chiếc hoa vàng và dặn chồng con nhớ làm đàn giải oan, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước thì nàng sẽ trở về…

Linh Phi sai sứ giả Xích Hỗn đưa Phan Lang ra khỏi Cung nước, về đến nhà, Phan Lang kể lại chuyện gặp Vũ Nương và trao lại chiếc hoa vàng. Trương Sinh bèn lập đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang. Có năm mươi chiếc xe cờ tán võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện. Trương Sinh thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, nói vọng vào: “… Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa…” – Bóng nàng mờ nhạt dần mà biến mất.

 

3. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ và văn bản Chuyện người con gái Nam xương, mẫu 3:

Nguyễn Dữ là 1 văn sĩ, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay thuộc Thanh Miện, Hải Dương. Ông là con trai cả Nguyễn Tường Phiêu, Tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), được trao chức Thừa chánh sứ, sau khi mất được tặng phong Thượng thư. Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống đồng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm, và bạn học là Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ XVI và để lại tập truyện chữ Hán nổi tiếng viết trong thời gian ở ẩn, Truyền kỳ mạn lục (in 1768).

Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm duy nhất của Nguyễn Dữ. Sách gồm 20 truyện, chia làm 4 quyển, được viết theo thể loại truyền kỳ. Cốt truyện chủ yếu lấy từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, nhiều trường hợp xuất phát từ truyền thuyết về các vị thần mà đền thờ hiện vẫn còn.

Nguyễn Dữ là con trai cả Nguyễn Tường Phiêu, Tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), được trao chức Thừa chánh sứ, sau khi mất được tặng phong Thượng thư. Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến, Nguyễn Dữ thi Hội nhiều lần, đạt trúng trường và từng giữ chức vụ Tri huyện Thanh Tuyền nhưng mới được một năm thì ông xin từ quan về nuôi dưỡng mẹ già. Trải mấy năm dư không đặt chân đến những nơi đô hội, ông miệt mài “ghi chép” để gửi gắm ý tưởng của mình và đã hoàn thành tác phẩm “thiên cổ kỳ bút” Truyền kỳ mạn lục. Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào chưa rõ, nhưng căn cứ vào tác phẩm cùng bài Tựa Truyền kỳ mạn lục của Hà Thiện Hán viết năm Vĩnh Định thứ nhất (1547) và những ghi chép của Lê Quý Đôn trong mục Tài phẩm sách Kiến văn tiểu lục có thể biết ông là người cùng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm, có thể lớn tuổi hơn Trạng Trình chút ít. Giữa Nguyễn Dữ và Nguyễn Bỉnh Khiêm tin chắc có những ảnh hưởng qua lại về tư tưởng, học thuật… nhưng e rằng Nguyễn Dữ không thể là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm như Vũ Phương Đề đã ghi. Đối với nhà Mạc, thái độ Nguyễn Dữ dứt khoát hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không làm quan với nhà Mạc mà chọn con đường ở ẩn và ông đã sống cuộc sống lâm tuyền suốt quãng đời còn lại. Truyền kỳ mạn lục được hoàn thành ngay từ những năm đầu của thời kỳ này, ước đoán vào khoảng giữa hai thập kỷ 20-30 của thế kỷ XV

Theo Bùi Duy Tân và một số học giả viết lời tựa cho các bản dịch Truyền kỳ mạn lục lưu tới ngày nay có ghi lại:

“Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống đồng thời với thầy học là Nguyễn Bỉnh Khiêm, và bạn học là Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ XVI và để lại tập truyện chữ Hán nổi tiếng viết trong thời gian ở ẩn, Tryền kỳ mạn lục (in 1768, A.176/1-2). Truyện được Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính và Nguyễn Thế Nghi sống cùng thời dịch ra chữ nôm. Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyện, viết bằng tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện thường có lời bình của tác giả, hoặc của một người cùng quan điểm với tác giả. Hầu hết các truyện xảy ra ở đời Lý, đời Trần, đời Hồ hoặc đời Lê sơ từ Nghệ An trở ra Bắc. Lấy tên sách là Truyền kỳ mạn lục (Sao chép tản mạn những truyện lạ), hình như tác giả muốn thể hiện thái độ khiêm tốn của một người chỉ ghi chép truyện cũ. Nhưng căn cứ vào tính chất của các truyện thì thấy Truyền kỳ mạn lục không phải là một công trình sưu tập như Lĩnh Nam chích quái, Thiên Nam vân lục… mà là một sáng tác văn học với ý nghĩa đầy đủ của từ này. Đó là một tập truyện phóng tác, đánh dấu bước phát triển quan trọng của thể loại tự sự hình tượng trong văn học chữ Hán. Và nguyên nhân chính của sự xuất hiện một tác phẩm có ý nghĩa thể loại này là nhu cầu phản ánh của văn học. Trong thế kỷ XVI, tình hình xã hội không còn ổn định như ở thế kỷ XV; mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt, quan hệ xã hội bắt đầu phức tạp, các tầng lớp xã hội phân hóa mạnh mẽ, trật tự phong kiến lung lay, chiến tranh phong kiến ác liệt và kéo dài, đất nước bị các tập đoàn phong kiến chia cắt, cuộc sống không yên ổn, nhân dân điêu đứng, cơ cực. Muốn phản ánh thực tế phong phú, đa dạng ấy, muốn lý giải những vấn đề đặt ra trong cuộc sống đầy biến động ấy thì không thể chỉ dừng lại ở chỗ ghi chép sự tích đời trước. Nhu cầu phản ánh quyết định sự đổi mới của thể loại văn học. Và Nguyễn Dữ đã dựa vào những sự tích có sẵn, tổ chức lại kết cấu, xây dựng lại nhân vật, thêm bớt tình tiết, tu sức ngôn từ… tái tạo thành những thiên truyện mới. Truyền kỳ mạn lục vì vậy, tuy có vẻ là những truyện cũ nhưng lại phản ánh sâu sắc hiện thực thế kỷ XVI. Trên thực tế thì đằng sau thái độ có phần dè dặt khiêm tốn, Nguyễn Dữ rất tự hào về tác phẩm của mình, qua đó ông bộc lộ tâm tư, thể hiện hoài bão; ông đã phát biểu nhận thức, bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề lớn của xã hội, của con người trong khi chế độ phong kiến đang suy thoái.

Chuyện người con gái Nam Xương là một truyện hay trong Truyền kì mạn lục, một tác phẩm văn xuôi bằng chữ Hán ở Việt Nam thế kỉ XVI. Truyện được Nguyễn Dữ viết trên cơ sở một truyện dân gian Việt Nam, cốt truyện và nhân vật gắn liền với một không gian cụ thể, một chứng tích cụ thể để phản ánh một vấn đề bức thiết của xã hội đương thời, đó là thân phận con người nói chung, người phụ nữ nói riêng trong xã hội phong kiến.

Truyện kể về cuộc đời và số phận bi đát của Vũ Nương, người con gái huyện Nam Xương nết na, thuỳ mị. Chồng nàng là Trương Sinh con nhà giàu có, nhưng ít học, vốn tính đa nghi, đối với vợ thường phòng ngừa quá mức. Khi chồng đi lính, nàng sinh con trai và hết lòng dạy con, chăm sóc mẹ chồng. Khi giặc tan, Trương Sinh trở về thì mẹ đã qua đời, con trai đang học nói. Đứa con nhất Định không chịu nhận chàng là bố vì bố nó “đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi”. Nghe con nói, chàng ngờ vợ thất tiết, đánh đuổi nàng đi. Uất ức quá, nàng gieo mình xuống sông mà chết. Được các nàng tiên cứu, nàng sống thuỷ chung cùng vợ vua Nam Hải. Một lần gặp người làng là Phan Lang cũng được tiên cứu, nàng nhờ Phan Lang về nói với chồng lập đàn giải oan cho nàng. Trong lễ giải oan nàng hiện về và ngỏ lời từ biệt chàng vĩnh viễn.

Câu chuyện chỉ là một vụ ghen tuông bình thường trong một gia đình cũng bình thường như trăm nghìn gia đình khác, nhưng có ý nghĩa tố cáo xã hội vô cùng sâu sắc. Một người phụ nữ nết na lấy phải một anh chồng hay ghen lại độc đoán. Và chỉ vì một chuyện bông đùa với con khi xa chồng, vì chồng nàng quá tin lời con trẻ, nghĩ oan cho nàng, tàn nhẫn đối với nàng khiên nàng phải tìm cái chết trên bến Hoàng Giang. Nỗi oan tày đình của nàng đã vượt ra ngoài phạm vi gia đình, là một trong muôn vàn oan khốc trong xã hội vùi dập thân phận con người, nhất là người phụ nữ. Sống trong xã hội phong kiến đầy rẫy oan trái, bất công, quyền sống con người không được đảm bảo, người phụ nữ với số phận bèo dạt, mây trôi, có thể gặp bao nhiêu tai họa giáng xuống đầu mình vào bất cứ lúc nào vì những nguyên cớ vu vơ không thể tưởng tượng được. Rõ ràng xã hội phong kiến suy tàn đã sinh ra những Trương Sinh đầu óc nam quyền độc đoán, đã là nguyên nhân sâu xa của những đau khổ của người phụ nữ. Vì vậy, khi sống ở thuỷ cung, nàng đã có lúc định trở về quê cũ. Nhưng tại lễ giải oan, mặc dù nặng lòng với quê hương, lỗi lầm xưa của chồng, nàng cũng đã tha thứ, nhưng nàng vẫn dứt áo ra đi, đánh phải sống ở cõi chết: “Đa tạ tình chàng, thiếp chàng thể trở về nhân gian được nữa”.

Chi tiết mang tính chất truyền kì này đã nói lên thái độ phủ định của Vũ Nương, của người phụ nữ đương thời đối với “nhân gian”, đối với xã hội phong kiến thối nát vì ở đó họ không tìm thấy niềm vui, không tìm thấy hạnh phúc.

Bên cạnh giá trị tố cáo xã hội phong kiến suy tàn, Chuyện người con gái Nam Xương còn đề cao phẩm chất giá trị của người phụ nữ. Khi còn sống, Vũ Nương là người vợ đảm dâu hiếu. Lúc sống bên chồng, nàng “giữ gìn khuôn phép”, không lúc nào để vợ chồng thất hoà. Lúc chồng đi lính, một mình nàng quán xuyến mọi việc, nuôi con, phụng dưỡng mẹ chồng đau ốm và khi mẹ chồng mất, nàng lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.

Còn đối với chồng, nàng một dạ thuỷ chung. Sau khi chết, được sống ở thuỷ cung nguy nga, lộng lẫy, khi Phan Lang gợi đến quê hương, nàng xúc động “ứa nước mắt khóc”. Nàng giãi bày tâm sự: “Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây mãi để mang tiếng xấu xa. Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày”. Đọc đến đây, không ai không xúc động được trước tấm lòng nặng nghĩa nặng tình với quê hương bản quán của nàng. Tuy vừa được cứu sống, tuy được sống trong nhung lụa, bên cạnh có những nàng tiên tốt bụng và là ân nhân của mình, nhưng lòng nàng lúc nào cũng nhớ đến quê cha đất cũ và tâm niệm sẽ có ngày tìm về. Vũ Nương dưới ngòi bút của Nguyễn Dữ lúc sống ở trần thế với cuộc sống đời thường cũng như khi làm tiên ở thuỷ cung lộng lẫy đều là một người phụ nữ đẹp, đẹp cả về hình dáng, cả về phẩm giá, về tâm hồn. Người phụ nữ đó lẽ ra phải sống cuộc đời hạnh phúc. Nhưng tiếc thay xã hội phong kiến đã chà đạp lên cuộc đời nàng.

Như phần trên đã nói, viết Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã lấy cốt truyện trong dân gian. Nhưng rõ ràng với tấm lòng yêu thương con người sâu nặng, bằng bút pháp kể chuyện giá dặn, với tình tiết lúc thì chân thật đời thường, lúc thì kì ảo hoang đường, ông đã xây dựng được hình tượng nhân vật vô cùng sống động, mang ý nghĩa xã hội cao. Do đó tác phẩm của ông đã giáo dục chúng ta lòng yêu thương con người sâu sắc, lòng quyết tâm sống chiến đấu vì quyền sống và hạnh phúc con người.

———————–HẾT—————————-

3 bài mẫu Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ và văn bản Chuyện người con gái Nam Xương sau đây chắc chắn sẽ là tài liệu cần thiết và hữu ích cho các em học sinh để em trau dồi thêm cho mình những hiểu biết về tác giả, tác phẩm tiêu biểu viết về người phụ nữ trong văn học trung đại Việt Nam thế kỉ XVI.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/gioi-thieu-ve-tac-gia-nguyen-du-va-van-ban-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp