Phân tích đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán

0
131
Rate this post

Đề bài: Em hãy Phân tích đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.

phan tich doan thuy kieu bao an bao oan

Bài văn Phân tích đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán
 

Bạn đang xem: Phân tích đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán

I. Dàn ý Phân tích đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán (Chuẩn)
 

1. Mở bài

– Giới thiệu đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán.
 

2. Thân bài

a. Thúy Kiều báo ân Thúc Sinh.

– “Cho gươm mời đến Thúc Sinh” tái hiện lại cảnh công đường nơi Thúy Kiều xử án với vẻ trang nghiêm, khí thế áp đảo.
– Hình ảnh chàng Thúc được tái hiện bằng câu “Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run”, cho thấy hình ảnh Thúc Sinh hiện lên một cách rất tội nghiệp, đáng thương, hoàn toàn phù hợp với tính cách có phần nhu nhược, hèn nhát của chàng.
– “Nghĩa nặng tình non/Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không”. Có thể thấy rằng đối với Thúy Kiều chuyện cũ với Thúc Sinh là một thứ tình nghĩa vô cùng sâu sắc, không thể nào quên, gợi nhắc về những tháng ngày ấm êm hạnh phúc, với biết bao tình cảm thiết tha, chân thành của nàng với Thúc Sinh.
– “Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng/Tại ai há dám phụ lòng cố nhân”, Thúy Kiều nhắc về điển cố Sâm Thương, diễn tả sự ly biệt mãi mãi, để khẳng định nàng và Thúc Sinh không có duyên vợ chồng. Thế nhưng nàng cũng hiểu rằng những nỗi đau khổ nàng phải gánh chịu, sự cách biệt của hai người không phải đến từ Thúc Sinh, cũng không phải là điều chàng mong muốn.
– Kiều đã nhấn mạnh “há dám phụ lòng cố nhân”, ý rằng nàng vẫn một lòng khắc sâu ơn nghĩa của chàng Thúc, không có ý quay lại oán trách gì chuyện cũ.
– Để trả ơn nghĩa cũ, nàng đã cảm tạ Thúc Sinh vô cùng hậu hĩnh nào là “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân”, nhưng đối với Thúy Kiều nó vẫn còn chưa xứng với những gì mà Thúc Sinh đã dành cho mình, chỉ xem là “Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là”, thể hiện sự khiêm nhường của Thúy Kiều và tấm lòng ghi nhớ sâu sắc ơn nghĩa của chàng Thúc.
– Trong khi tạ ơn Thúc Sinh thì Thúy Kiều cũng không quên nhắc về Hoạn Thư, với những câu từ có ý báo trước về sự trả oán của nàng dành cho người phụ nữ kia. Ngôn ngữ của nàng ở bốn câu thơ này hết sức nôm na, bình dị, với những thành ngữ quen thuộc như “kẻ cắp bà già gặp nhau”, “kiến bò miệng chén” thể hiện thái độ xem thường, coi rẻ Hoạn Thư, khác hẳn với vẻ tôn trọng, ơn nghĩa dành cho Thúc Sinh.

b. Kiều trả oán Hoạn Thư:
– Ngay khi vừa “thoắt trông” thấy bóng Hoạn Thư bước đến, Thúy Kiều đã lập tức có thái độ mỉa mai, sự mỉa mai của nàng rất sâu cay khi vẫn gọi Hoạn Thư là “tiểu thư” vẫn “chào thưa” đúng y như những ngày tháng nàng còn ở Lâm Tri, làm phận tôi đòi để mặc cho Hoạn Thư hành hạ.
– “Đàn bà dễ…oan trái nhiều”: Sắc thái đay nghiến, những từ như “dễ có”, “đời xưa”, “đời nay”, “dễ dàng” đều thể hiện sự căm tức, phẫn uất trong lòng Kiều. Đặc biệt là ở câu “Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều” mà Kiều dành cho Hoạn Thư chính là lời cảnh báo sâu sắc nhất về việc Hoạn Thư.

– Hoạn Thư:
+ “hồn lạc phách siêu”, sợ hãi khôn cùng, khúm núm, sợ sệt “khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca”.
+ Cố tìm cách để “liệu điều kêu ca”, trước thì nói rằng bản thân mình cũng chỉ là “chút phận đàn bà”, thế nên việc ghen tuông cũng chỉ là chuyện thường tình xưa nay, lý lẽ vô cùng xác đáng, đánh vào cái sự thấu hiểu của Thúy Kiều xưa nay.
+ Nhắc việc cho Thúy Kiều ra sau gác Quan m để chép kinh, rồi đến khi Kiều bỏ trốn nàng ta cũng chẳng hề đuổi theo.
=> Lấy những việc làm khi xưa của mình biến thành những hành động thường tình, thậm chí là có phần nhân từ với Thúy Kiều, để nhằm xóa đi cái cay nghiệt, những cái đớn đau mà bản thân nàng ta đã gây ra cho Thúy Kiều.
+ Chống chế, rửa tội cho mình bằng cách khơi gợi tấm lòng đồng cảm với kiếp đàn bà của Thúy Kiều bằng câu “Lòng riêng riêng những kính yêu/Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”
+ Mềm mỏng nói rằng “Trót lòng gây việc chông gai/Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”, thể hiện sự hối lỗi, ăn năn, mong Thúy Kiều tha thứ, để dồn Thúy Kiều vào chỗ khó xử, nếu Kiều không tha thứ thì ắt bị coi là kẻ nhỏ nhen, không thấu hiểu, cho thân phận và nỗi khổ chung của phụ nữ.

– Thúy Kiều khi nghe những lời lươn lẹo nhưng đầy lý lẽ của Hoạn Thư, dù biết mình bị nàng ta “gài”, thế nhưng Kiều vẫn rất mực ôn hòa, bình tĩnh:
+ Khen Hoạn Thư rằng “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”, rồi lệnh cho quân lính tha cho nàng ta.
+ Thể hiện rằng Thúy Kiều không chỉ là người thấu hiểu lý lẽ ở đời, là người phụ nữ nhân hậu, có tấm lòng vị tha, lối sống cao thượng, sẵn sàng tha thứ cho kẻ đã làm mình tổn thương sâu sắc.
 

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán (Chuẩn)

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán là một trong những đoạn trích có vị trí rất quan trọng, thể hiện được một cách rõ nét tấm lòng nhân hậu vị tha của nhân vật Thúy Kiều, và ước mơ công bằng chính nghĩa theo quan điểm của quần chúng nhân dân: Con người bị áp bức đau khổ, vùng lên thực hiện công lý, ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Đoạn trích còn bộc lộ biệt tài miêu tả nhân vật của Nguyễn Du – xây dựng hình tượng của nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại. Đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán nằm ở cuối phần Gia biến và lưu lạc của Truyện Kiều.

Trong 12 câu thơ đầu tiên, Nguyễn Du đã phác họa lại cảnh tượng Thúy Kiều trả ơn Thúc Sinh.

“Cho gươm mời đến Thúc Sinh
Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run
Nàng rằng: “Nghĩa nặng tình non
Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân
Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là”

Câu thơ “Cho gươm mời đến Thúc Sinh” tái hiện lại cảnh công đường nơi Thúy Kiều xử án với vẻ trang nghiêm, khí thế áp đảo, điều đó đã làm cho Thúc Sinh khi bị mời đến hoảng hốt và sợ hãi vô cùng, chưa hiểu cớ sự làm sao. Thế nên hình ảnh chàng Thúc được tái hiện bằng câu “Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run”, trong đó ta thấy xuất hiện hai hình ảnh so sánh, thứ nhất “mặt như chàm đổ” tức là vẻ mặt thất sắc, sợ đến mức huyết sắc trên mặt không còn, còn thân mình chàng Thúc lại được ví như loài chim dẽ, giống chim có phần đuôi lúc nào cũng phe phẩy như run. Qua những hình ảnh này có thể thấy hình ảnh Thúc Sinh hiện lên một cách rất tội nghiệp, đáng thương, hoàn toàn phù hợp với tính cách có phần nhu nhược, hèn nhát của chàng.

Bên cạnh việc tái hiện lại hình ảnh Thúc Sinh sợ hãi, cũng như tính chất tôn nghiêm của chốn công đường thì Nguyễn Du còn đặc biệt chú ý đến lời tạ ơn của Thúy Kiều dành cho chàng Thúc. Mà qua lời nói của Kiều ta nhận ra người con gái này đã rất trân trọng tấm lòng và sự giúp đỡ mà Thúc Sinh đã dành cho nàng trước đây, dù rằng khoảng thời gian sau đó Kiều cũng nhận nhiều đắng cay từ mối duyên ngang trái này. Trước tình cảnh Thúc Sinh đang run lẩy bẩy, thần sắc nhạt nhòa Thúy Kiều đã nhẹ nhàng lên tiếng, nhắc lại chuyện cũ để an ủi người xưa rằng: “Nghĩa nặng tình non/Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không”. Có thể thấy rằng đối với Thúy Kiều chuyện cũ với Thúc Sinh là một thứ tình nghĩa vô cùng sâu sắc, không thể nào quên, bởi khi ấy Thúy Kiều trong cảnh gia biến lần thứ nhất bị bán vào lầu xanh, đang đớn đau tủi nhục muốn chết đi, thi may có Thúc Sinh ra tay tương cứu nàng khỏi chốn dơ bẩn, cho nàng một cuộc sống gia đình yên ấm, dẫu rằng ngắn ngủi nhưng cũng để nàng bình tâm lại sau bao nhiêu biến cố. Thế nên ứng với ơn nghĩa sâu nặng, cao cả của chàng Thúc, Kiều đã dành mấy chữ “nghĩa nặng nghìn non” để diễn tả. Câu hỏi “Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?”, Thúy Kiều đã tự nhận mình là cố nhân, để gợi nhắc về những tháng ngày ấm êm hạnh phúc, với biết bao tình cảm thiết tha, chân thành của nàng với Thúc Sinh. “Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng/Tại ai há dám phụ lòng cố nhân”, Thúy Kiều nhắc về điển cố Sâm Thương, ý chỉ hai ngôi sao Kim, mọc ở hai hướng Đông Tây không bao giờ có thể gặp nhau, nhằm diễn tả sự ly biệt mãi mãi, để khẳng định nàng và Thúc Sinh không có duyên vợ chồng, và nàng cũng chẳng có cách nào để “vẹn chữ tòng” trong xuất giá tòng phu với chàng Thúc. Thế nhưng nàng cũng hiểu rằng những nỗi đau khổ nàng phải gánh chịu, sự cách biệt của hai người không phải đến từ Thúc Sinh, cũng không phải là điều chàng mong muốn, mà chung quy lại cũng chỉ tại một chữ “ghen” của Hoạn Thư, và tại số phận thiếp thất hèn mọn của nàng. Thế nên trong lời nói với Thúc Sinh, Kiều đã nhấn mạnh “há dám phụ lòng cố nhân”, ý rằng nàng vẫn một lòng khắc sâu ơn nghĩa của chàng Thúc, không có ý quay lại oán trách gì chuyện cũ. Thế nên để trả ơn nghĩa cũ, nàng đã cảm tạ Thúc Sinh vô cùng hậu hĩnh nào là “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân”, nhưng đối với Thúy Kiều nó vẫn còn chưa xứng với những gì mà Thúc Sinh đã dành cho mình, chỉ xem là “Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là”, thể hiện sự khiêm nhường của Thúy Kiều và tấm lòng ghi nhớ sâu sắc ơn nghĩa của chàng Thúc. Có thể thấy rằng trong những lời nói của nàng Kiều đối với Thúc Sinh, Thúy Kiều đã sử dụng rất nhiều từ ngữ Hán Việt, những điển cố xa xưa, điều ấy thể hiện sự trang trọng rất phù hợp với một người có học như chàng thư sinh họ Thúc, cũng thể hiện sự trân trọng vô cùng đối với tình xưa nghĩa cũ của Thúc Sinh.

Vợ chàng quỷ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Kiến bò miệng chén chưa lâu
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”

Trong khi tạ ơn Thúc Sinh thì Thúy Kiều cũng không quên nhắc về Hoạn Thư, với những câu từ có ý báo trước về sự trả oán của nàng dành cho người phụ nữ kia, kẻ đã gây ra cho nàng biết bao nhiêu đau đớn, khốn khổ. Điều ấy chứng tỏ bên cạnh những năm tháng sống hạnh phúc bên cạnh Thúc Sinh, thì những khổ sở, những đày đọa mà nàng phải gánh chịu từ cơn ghen của Hoạn Thư vẫn mãi khắc sâu trong trái tim nàng, khiến nàng chưa thể nguôi ngoai và có ý định trả oán, bên cạnh trả nghĩa cho chàng Thúc. Ngôn ngữ của nàng ở bốn câu thơ này hết sức nôm na, bình dị, với những thành ngữ quen thuộc như “kẻ cắp bà già gặp nhau”, “kiến bò miệng chén” thể hiện thái độ xem thường, coi rẻ Hoạn Thư, khác hẳn với vẻ tôn trọng, ơn nghĩa dành cho Thúc Sinh. Tất cả những lời lẽ có phần ghê gớm ấy, điều thể hiện thái độ bất bình muốn để cho Thúc Sinh biết rằng nàng định báo oán Hoạn Thư. Trước hết là khẳng định rằng vợ chàng Thúc là một người đàn bà “quỷ quái tinh ma”, sau lại nói rằng “phen này kẻ cắp bà già gặp nhau” ý chỉ dẫu có ghê gớm tinh ranh thì vỏ quýt dày ắt có móng tay nhọn, Hoạn Thư cỡ nào rồi cũng sẽ phải nhận sự trừng phạt từ nàng.

“Thoát trông nàng đã chào thưa
“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!
Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan!
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều.”

Ngay khi vừa “thoắt trông” thấy bóng Hoạn Thư bước đến, Thúy Kiều đã lập tức có thái độ mỉa mai, sự mỉa mai của nàng rất sâu cay khi vẫn gọi Hoạn Thư là “tiểu thư” vẫn “chào thưa” đúng y như những ngày tháng nàng còn ở Lâm Tri, làm phận tôi đòi để mặc cho Hoạn Thư hành hạ. Thì ngày nay khi thế sự đổi dời chẳng ai thể ngờ được người như Hoạn Thư cũng có lúc phải quỳ gối trước Kiều, thế thì cái kiểu “chào thưa” với từ “tiểu thư” ấy lại khiến người ta thấy mỉa mai châm chích vô cùng. Cái người đã từng phải chịu khổ nhục dưới tay mình, trái lại nay đứng trước công đường hiên ngang, người ngựa gươm giáo tùy bề mà xử trí, hẳn là tiểu thư họ Hoạn chẳng thể ngờ được lại có ngày hôm nay. Nếu như ở hai câu đầu là giọng điệu mỉa mai, châm biếm, thì ở bốn câu thơ tiếp trong đoạn đối thoại của Kiều với Hoạn Thư lại nghiêng về sắc thái đay nghiến, những từ như “dễ có”, “đời xưa”, “đời nay”, “dễ dàng” đều thể hiện sự căm tức, phẫn uất trong lòng Kiều, mà khi bật thốt ra thành lời nó mang một sức nặng khiến kẻ đối diện phải sợ hãi và có tầm dự đoán trước về điều sắp xảy đến. Đặc biệt là ở câu “Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều” mà Kiều dành cho Hoạn Thư chính là lời cảnh báo sâu sắc nhất về việc Hoạn Thư sẽ phải nhận lấy những tai ương gì, để cho nàng ta nhớ lại những năm tháng cũ đã từng đối xử tệ bạc với Thúy Kiều như thế nào, thì ngày hôm nay nàng ta hẳn cũng phải nhận lại bấy nhiêu sự trừng phạt thì xem ra mới thỏa mối hận trong lòng Thúy Kiều.

Còn bản thân Hoạn Thư khi gặp lại người mà mình đã từng hành hạ, đối xử bất công, nay vật đổi sao dời lại trở thành bậc phu nhân quyền quý, trở về báo oán, cùng với cách nói năng rất mực sâu cay, ghê gớm thì cũng “hồn lạc phách siêu”, sợ hãi khôn cùng, chẳng còn đâu cái dáng vẻ đanh đá, cay nghiệt khi xưa, cũng nào thấy đâu dáng vẻ của một tiểu thư khuê các danh giá. Mà chỉ thấy một Hoạn Thư khúm núm, sợ sệt “khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca”. Thế nhưng dù sợ hãi nhưng bản thân Hoạn Thư cũng chẳng phải một người đàn bà chỉ biết ghen tuông, mà trên hết nàng ta là một kẻ quỷ quái tinh ma đúng như lời Thúy Kiều nói. Dù khấu đầu trước Kiều, dù sợ sệt nhưng nàng ta vẫn cố tìm cách để “liệu điều kêu ca”, trước thì nói rằng bản thân mình cũng chỉ là “chút phận đàn bà”, thế nên việc ghen tuông cũng chỉ là chuyện thường tình xưa nay, lý lẽ vô cùng xác đáng, đánh vào cái sự thấu hiểu của Thúy Kiều xưa nay. Sau lại nói về việc khi xưa dẫu có đối xử bất công với Thúy Kiều thế nhưng nàng ta cũng chưa từng làm việc gì quá đáng lắm, có chăng cũng chỉ là cho Thúy Kiều ra sau gác Quan m để chép kinh, rồi đến khi Kiều bỏ trốn nàng ta cũng chẳng hề đuổi theo. Như vậy có thể thấy sự thông minh ứng biến nhanh nhạy của Hoạn Thư khi lấy những việc làm khi xưa của mình biến thành những hành động thường tình, thậm chí là có phần nhân từ với Thúy Kiều, để nhằm xóa đi cái cay nghiệt, những cái đớn đau mà bản thân nàng ta đã gây ra cho Thúy Kiều. Chưa dừng ở đó, Hoạn Thư lại tiếp tục chống chế, rửa tội cho mình bằng cách khơi gợi tấm lòng đồng cảm với kiếp đàn bà của Thúy Kiều bằng câu “Lòng riêng riêng những kính yêu/Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”, ý bảo rằng dù có thương cảm cho số phận của Thúy Kiều, thế nhưng nỗi khổ chung chồng thì khó mà có thể dung thứ thêm người nào khác, vậy nên bao sự trái ngang cũng từ đó mà ra. Rồi Hoạn Thư cũng lại mềm mỏng nói rằng “Trót lòng gây việc chông gai/Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”, thể hiện sự hối lỗi, ăn năn, mong Thúy Kiều tha thứ, để dồn Thúy Kiều vào chỗ khó xử, nếu Kiều không tha thứ thì ắt bị coi là kẻ nhỏ nhen, không thấu hiểu, cho thân phận và nỗi khổ chung của phụ nữ, mà bỏ qua thì có lẽ Thúy Kiều hẳn là không cam lòng. Thế mới nói Hoạn Thư vốn cũng chẳng phải tay vừa.

Còn bản thân Thúy Kiều, dù lúc đầu thốt ra những lời đay nghiến, với sự căm phẫn uất ức, thì đến đây khi nghe những lời lươn lẹo nhưng đầy lý lẽ của Hoạn Thư, dù biết mình bị nàng ta “gài”, thế nhưng Kiều vẫn rất mực ôn hòa, bình tĩnh. Khen Hoạn Thư rằng “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”, rồi lệnh cho quân lính tha cho nàng ta. Điều đó thể hiện rằng Thúy Kiều không chỉ là người thấu hiểu lý lẽ ở đời, biết rằng những lời của Hoạn Thư hẳn cũng không phải là những lời dối gian, ngoa ngoắt gì, mà sự thật cũng có đến mấy phần như thế. Bên cạnh đó việc Thúy Kiều dễ dàng tha thứ cho Hoạn Thư cũng thể hiện rằng nàng là người phụ nữ nhân hậu, có tấm lòng vị tha, lối sống cao thượng, sẵn sàng tha thứ cho kẻ đã làm mình tổn thương sâu sắc. Bởi nàng cũng biết rằng chưa hẳn trả thù được Hoạn Thư thì nàng có thể thoải mái hay vui vẻ hơn, chi bằng tha thứ biến oán thành ân, để cho người và ta từ nay không còn gì phải vướng mắc. Thêm nữa, việc Kiều tha bổng cho Hoạn Thư có lẽ cũng xuất phát từ việc nàng áy náy chuyện khi xưa đã lỡ chen chân vào hạnh phúc gia đình của Hoạn Thư, khiến nàng ta phải nếm trải những tháng ngày bị chồng lạnh bạc. Ngoài ra, cũng còn là vì chồng Hoạn Thư là Thúc Sinh vốn là người có ân nghĩa với Kiều, thế nên nàng cũng không muốn làm mọi chuyện quá gay gắt, để Thúc Sinh phải cả đời sống trong day dứt hối hận, thay vào đó nàng mong muốn rằng ân nhân của mình sẽ có cuộc sống gia đình ấm êm, sau khi trải qua bao sóng gió vì nàng.

Đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán đã thể hiện được sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Thúy Kiều, ở nàng ta thấy được sự thông minh sắc sảo, lối sống ân tình thủy chung, oan oán phân minh. Đề cao tấm lòng thấu hiểu lý lẽ, cao thượng, biết thương cảm số phận người phụ nữ phong kiến, đặc biệt là ở nỗi đau chung chồng, từ đó có cách hành xử vô cùng tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Đoạn trích chính là hiện thân cho ước vọng về một xã hội công bằng, chính nghĩa, công lý được thực thi, con người từ chỗ đau khổ đã vùng lên để chống lại cái ác, giành lại sự công bằng cho bản thân.

——————–HẾT———————-

Thúy Kiểu báo ân báo oán là đoạn trích đặc sắc trong đại kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du, tìm hiểu về tác phẩm, bên cạnh bài Phân tích đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu đặc sắc khác như: Bình giảng cảnh Thúy Kiều báo ân báo oán, Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán, Phân tích hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán , Phân tích đoạn thơ: Cho gươm mời đến… xuống trướng tiền tha ngay trong Thúy Kiều báo ân báo oán

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-doan-thuy-kieu-bao-an-bao-oan/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp