Phân tích khổ 3 bài thơ Tràng giang của Huy Cận

0
105
Rate this post

Đề bài: Phân tích khổ 3 bài thơ Tràng giang của Huy Cận

phan tich kho 3 bai tho trang giang

Phân tích khổ 3 bài thơ Tràng giang

Bạn đang xem: Phân tích khổ 3 bài thơ Tràng giang của Huy Cận

I. Dàn ý Phân tích khổ 3 bài thơ Tràng giang (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả Huy Cận và bài thơ Tràng giang và nội dung nổi bật của khổ thơ thứ ba của bài.

2. Thân bài

– Khung cảnh đìu hiu, vắng lặng của cảnh sông nước và tâm trạng nặng nề, sầu muộn của con người:
+ Không gian sông nước mênh mông, vắng lặng: không cầu, không đò, bờ xanh, bãi vàng hiu hắt.
+ “Bèo”, “hàng nối hàng”: hình ảnh thực trên sông nước à gợi liên tưởng về nhỏ bé, sự lênh đênh, chìm nổi.
+ Không cầu, không chuyến đò ngang: sự vắng lặng tuyệt đối của sông nước.
+ Cấu trúc “không…không” phủ nhận hoàn toàn sự kết nối, kiên kết giữa con người với thế giới xung quanh.
+ “Bờ xanh tiếp bãi vàng”: thiên nhiên vắng lặng với những màu sắc đơn bạc, không có chút sự sống của con người.
=> Nỗi buồn nhân thế, nỗi cô đơn bao trùm nhân vật trữ tình, mong muốn kiếm tìm chút hơi ấm của con người nưng chỉ nhận lại sự thất vọng cùng cô đơn.

3. Kết bài

Đánh giá chung về khổ thơ

II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 3 bài thơ Tràng giang (Chuẩn)

Huy Cận là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất trong phong trào Thơ mới. Giữa rừng hoa thơ mới, ông nổi bật với bút lực dồi dào và phong cách sáng tác đa dạng. Nếu sau cách mạng tháng Tám thơ ông sôi nổi, nhiệt huyết phù hợp với không khí đổi mới của thời đại thì trước cách mạng Huy Cận được biết đến là một hồn thơ u sầu, ảo não. Tràng giang là bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác trước cách mạng và cũng chính là cái “tôi” cô đơn, ảo não của Huy Cận trước thời cuộc. Đặc biệt, trong khổ thơ thứ ba, nhà thơ đã bộc lộ rõ nét nỗi nhớ quê hương, tâm trạng cô đơn, khắc khoải trước không gian sông nước mênh mông, buồn vắng.

Tràng giang được Huy Cận sáng tác trong một buổi chiều mùa thu, khi tác giả đứng ở bến đò Chèm ngắm nhìn cảnh sông nước mênh mang. Và cũng có lẽ do được sáng tác trong một không gian đặc biệt như vậy nên nhà thơ cảm nhận thấm thía được sự nhỏ bé, đơn độc của mình giữa thời cuộc. Trong khổ thơ thứ ba của bài, từng câu thơ đều khắc khoải một nỗi buồn man mác:

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Khổ thơ không chỉ tái hiện lại không gian buồn vắng của sông nước mênh mông mà còn gửi gắm vào đó những tâm sự, nỗi lòng của mình về cuộc đời, về con người, thời cuộc. Hình ảnh đám bèo dạt trong câu thơ “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng” không chỉ là hình ảnh tả thực mà nhà thơ quan sát được khi đứng ở bến đò mà còn là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cho chính nhà thơ, cho cả một thế hệ thanh niên yêu nước lúc bấy giờ. Đám bèo trôi dạt trên sông cũng giống như thế hệ thanh niên yêu nước đang lênh đênh, trôi dạt giữa thời cuộc. Họ đang phải sống trong cảnh nô lệ, không chấp nhận sự bất công của thời cuộc nhưng cũng không thể làm gì để đổi thay. Và những con người ấy rồi sẽ ra sao, thời cuộc sẽ cuốn trôi về đâu?

Đối mặt với sự cô đơn, bất lực, nhà thơ hướng sự chú ý vào khung cảnh xung quanh như để “níu kéo” một chút hi vọng dù nhỏ bé nhưng đành phải ôm lấy thất vọng:

Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Cảnh vật xung quanh rộng lớn nhưng hoang vắng, quạnh quẽ, không có lấy một dấu hiệu của sự sống “không một chuyến đò ngang”, không chút “niềm thân mật”. Phải chăng khi con người buồn thì cảnh vật cũng thấm đượm tâm trạng con người như nhà thơ Nguyễn Du từng viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Câu phủ định “không…không” càng tô đậm thêm khung cảnh vắng vẻ quạnh hiu nơi sông nước mênh mông. Chuyến đò ngang, chiếc cầu là những vật thường xuất hiện nơi sông nước, là phương tiện gắn kết con người với dòng sông, nó gợi ra nhịp sống tấp nập của con người. Thế nhưng ở đây, dù cố gắng tìm kiếm nhưng nhà thơ lại chẳng thể tìm thấy. Dòng sông dài rộng trở nên vắng vẻ, rợn ngợp, con người cô đơn và dòng sông hay cũng chính là cuộc đời rộng lớn ngoài kia như hai đối cực, không một chút “niềm thân mật”.

Khổ thơ thứ ba khép lại với hình ảnh bờ xanh tiếp bãi vàng:

“Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

Ở câu thơ cuối, nhà thơ Huy Cận đã sử dụng những gam màu tươi sáng xanh, vàng để chấm phá cho bức tranh. Tưởng như những sắc màu này sẽ phần nào xua đi cảm giác đơn độc, u tối cho bức tranh thơ, thế nhưng từ láy “lặng lẽ” đầu câu lại làm cho dòng cảm xúc chưa kịp thăng hoa đã trầm xuống. Câu thơ làm cho cảnh sông nước càng trở nên đìu hiu, vắng lặng.

Chỉ với 4 câu thơ ngắn gọn trong khổ thơ thứ ba, nhà thơ Huy Cận đã dựng lên trước mắt người đọc bức tranh cảnh-tình thực sinh động nhưng cũng thật tâm trạng. Mỗi cảnh vật đều chan chứa cảm xúc, nỗi buồn của người thi sĩ, đây cũng chính là cái tài, cái tình của Huy Cận trong Tràng giang.

———————–HẾT———————–

Để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp sông nước và hoàn thiện bức tranh tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Tràng giang, bên cạnh Phân tích khổ 3 bài thơ Tràng giang trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích hai khổ đầu bài Tràng Giang, Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tràng giang, Bức tranh Tràng giang và nỗi niềm của Huy Cận, Bình giảng bài thơ Tràng giang.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-kho-3-bai-tho-trang-giang-cua-huy-can/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp