Đề bài: Phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia
Phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia
Bạn đang xem: Phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia
I. Dàn ý Phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Chuẩn)
– Vũ Trọng Phụng là nhà văn hiện thực của Việt Nam, ông đứng giữa phố phường để khai thác những góc khuất của thành thị, từ đó sáng tạo ra những thiên tiểu thuyết, những tác phẩm có giá trị hiện thực, phê phán đả kích vô cùng sâu cay một xã hội thực dân – nửa phong kiến thối nát, lố lăng, đồi bại.
– Một trong những nhân vật đại diện cho lớp người thượng lưu, lố bịch dối trá, đại diện cho kết tinh, sản phẩm của xã hội lúc bấy giờ chính là nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong tiểu thuyết Số đỏ, xuất hiện thoáng qua trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia.
2. Thân bài
* Tác giả, tác phẩm:
– Vũ Trọng Phụng (1912-1939), mồ côi cha từ nhỏ, từng bươn chải nhiều nghề để kiếm sống trước khi bước vào con đường viết văn. Văn học của ông là tiếng nói phê phán sâu cay một xã hội rối ren với những kẻ mang danh quý tộc, thượng lưu nhưng bản chất lại là những kẻ có lối sống và tâm hồn thối nát, đồi bại.
– Tác phẩm: Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây,…
– Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia nằm ở chương XV của tiểu thuyết Số đỏ, kể về đám ma “thượng lưu” của cụ cố tổ, người mà vô tình bị Xuân làm tức chết…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia tại đây
II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Chuẩn)
Trong dòng văn học hiện thực từ năm 1930 đến năm 1945, các nhà văn hiện thực luôn có một lối suy nghĩ rằng “các anh muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết, còn chúng tôi và những người đồng quan điểm của chúng tôi muốn tiểu thuyết phải là sự thực ở đời”. Một trong số các nhà văn có quan điểm như vậy chính là nhà văn Vũ Trọng Phụng, nếu như Nam Cao đứng giữa nông thôn Việt Nam, đi sâu vào tầng lớp nhân dân cùng khổ để tìm tòi hiện thực, để đón lấy những vang động của đời, thì Vũ Trọng Phụng lại đứng giữa thành thị để khai thác những góc khuất của đời sống thành thị, để từ đó sáng tạo ra những thiên tiểu thuyết, những tác phẩm có giá trị hiện thực, phê phán đả kích vô cùng sâu cay một xã hội thực dân – nửa phong kiến thối nát, lố lăng, đồi bại. Số đỏ là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng, mà đỉnh điểm của sự lố lăng, điên rồ của nó có lẽ nằm gọn trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia. Ở trong đoạn trích nhân vật chính của tiểu thuyết là Xuân Tóc Đỏ chỉ xuất hiện thấp thoáng thế nhưng người ta cũng đủ thấy, đủ cảm nhận được bộ mặt lố bịch, dối trá của hắn ta.
Vũ Trọng Phụng (1912-1939), mồ côi cha từ nhỏ, từng bươn chải nhiều nghề để kiếm sống trước khi bước vào con đường viết văn. Văn học của ông là tiếng nói phê phán sâu cay một xã hội rối ren với những kẻ mang danh quý tộc, thượng lưu nhưng bản chất lại là những kẻ có lối sống và tâm hồn thối nát, đồi bại. Các tác phẩm tiêu biểu phải kể đến như tiểu thuyết Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê,… mảng phóng sự có Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây. “Số đỏ” được đăng đầu tiên ở tờ Hà Nội báo từ số 40 và in thành sách vào năm 1938, nội dung kể về cuộc đời của Xuân, hay còn gọi là Xuân Tóc Đỏ về cuộc đời “bươn chải” trong xã hội thượng lưu của hắn. Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia nằm ở chương XV, kể về đám ma “thượng lưu” của cụ cố tổ, người mà vô tình bị Xuân làm tức chết.
Xuân cũng là một người có cuộc đời lắm gian truân trắc trở, hắn từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, sống với họ hàng, nhưng cũng sớm bị tống cổ, bởi họ chẳng ưa gì một đứa có tính gian, chỉ tổ nuôi ong tay áo. Thế là Xuân phải tự bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, giữa cái phố thị Hà Nội nửa Tây, nửa ta xô bồ. Vì cuộc sống, vì miếng ăn Xuân tóc đỏ buộc phải hành nghề ăn cắp ăn trộm những trái me, trái sấu ven những con đường Hà Nội, thứ mà được mấy tên cảnh sát trật tự canh như của quý. Đọc cuốn Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài mới thấy sự khổ cực, bất hạnh của những đứa trẻ như Xuân, cành me cành sấu không phải dễ trèo, lại dễ gãy, đôi lúc sáng sớm người ta sẽ thấy dưới những gốc cây ấy là những bãi máu, cùng với đám cành lá gãy lả tả, chắc hẳn rằng đứa bé xui xẻo kia cũng lắm thương tật phen này. Quay lại với Xuân, hắn may mắn sống sót, hết trèo me, trèo sấu hắn lại mon men sang cái nghề bán thuốc dạo, với những bài quảng cáo đọc vanh vách, mát lòng mát dạ kẻ nghe, tưởng như uống thứ thuốc “dởm” của hắn thì người chết có lẽ cũng sống lại ngay được. Hắn sống vật vờ, lang thang khắp Hà Nội, nhìn thấy, tiếp xúc với đủ thứ bẩn thỉu, lố lăng, khiến hắn dần bị tha hóa trong nhân cách, trở thành một kẻ lưu manh chính hiệu. Khác với Chí Phèo, vốn là một người chất phác thật thà, bị đổ oan vào tù, sau bị cả xã hội từ chối quyền làm người, khiến Chí trở nên lưu manh, tha hóa, trả thù đời, thì ở Xuân sự lưu manh của hắn xuất phát từ chính tính cách vốn gian xảo từ nhỏ, kết hợp việc phải bươn trải với cuộc sống khổ cực khiến hắn tự phát triển theo hướng lưu manh, và sự lưu manh của Xuân có phần khôn ngoan, giảo hoạt khác hẳn với cái lưu manh bế tắc của Chí Phèo. Sự lưu manh hóa của Xuân không diễn ra bằng sự bạo lực, máu me, đâm thuê chém mướn mà nó lại xuất phát từ chính tâm hồn, từ chính trong lời ăn tiếng nói, các cư xử, hắn sẵn sàng buông lời chọc ghẹo, tán tỉnh cô bán nước mía, cô đầm. Miệng thốt ra những lời lẽ thô tục như một thói quen, như một cách giải tỏa cảm xúc, có thể nói rằng những tối tăm, xấu xa trong cái xã hội phong kiến – nửa thực dân mực đồng thau lẫn lộn dường như đã kết tinh hết trong một con người như Xuân tóc đỏ, vô giáo dục, đầy xảo quyệt, dối gian, lẻo mép, quen lọc lừa và ưa hư vinh phù phiếm. Và cũng như Chí Phèo, bi kịch của Xuân cũng là bi kịch bị lưu manh hóa, tuy nhiên nhân vật này lại biết lợi dụng cái lưu manh của mình làm vốn liếng tiến thân, tự mở ra cho mình một con đường “sáng”, và cũng có lẽ Xuân sống ở thành thị, và có lẽ Xuân tóc đỏ may mắn hơn.
Những dĩ nhiên không phải chỉ với bản lĩnh lưu manh, lẻo mép, khéo nịnh và chút may mắn mà Xuân có thể tiến vào giới thượng lưu, cả một quá trình ấy cũng cần có sự giúp đỡ to lớn từ những kẻ tự xưng mình là quý phái, sang trọng như bà Phó Đoan, một me tây dâm đãng. Một kẻ bịp bợm, tự tâng bốc bản thân thành bác sĩ khi chỉ biết mấy kiến thức y lý góp nhặt từ việc bán thuốc dạo, tự xưng là vận động viên quần vợt khi mới chỉ biết nhặt bóng. Thế nhưng bằng cái miệng khéo léo, bằng sự nâng đỡ tâng bốc của bà Phó Đoan, Xuân tóc đỏ đã dễ dàng tiến thân vào làm thân với gia đình cụ cố Hồng, dùng những lời lẽ dâm đãng, tán tỉnh cô Tuyết dễ dãi lại nhẹ dạ cả tin, rồi dần nhận được sự tin yêu của cả gia đình danh giá này. Đến mức dẫu gây ra cái chết cho cụ cố tổ nhưng hắn lại được mang ơn, danh dự càng thêm to, thậm chí người ta còn bào chữa cho hắn bằng một cái lý do rất lố bịch, hài hước rằng vì giận quá nên “quên mất lương tâm nhà nghề”. Xuân tóc đỏ biến mất ba ngày trời sau cái chết của cụ cố, hắn trốn vì sợ liên lụy, sợ bị bắt lên đồn vì tội ngộ sát, thế nhưng những kẻ quý phái, sang chảnh lại cứ nghĩ hẳn rằng hắn từ chối không chữa vì giận cụ tổ, nên cũng chẳng ai dám chữa. Sau khi đám tang diễn ra người ta lại thấy Xuân xuất hiện, thực tế rằng hắn đã nghe ngóng chán chê, và chắc chắn rằng không có kẻ nào vây bắt, thậm chí danh tiếng của hắn còn tăng vọt, được mang ơn thì hắn mới thò đầu ra giả vờ mang vòng hoa đến thăm viếng, vẫn với cái bộ dáng đạo mạo của một kẻ quan to chức lớn, chu toàn cẩn thận.
Đọc hết cả cuốn tiểu thuyết người ta dễ dàng khẳng định rằng Xuân tóc đỏ là một kẻ cực kỳ nhạy bén và thức thời, chính cái lưu manh, khôn lỏi và dâm đãng vốn được coi là thối tha trong xã hội của hắn, đã bắc cầu cho hắn gặp được những kẻ cũng “cá mè một lứa” với hắn như bà Phó Đoan, cô Tuyết lẳng lơ, vợ chồng Văn Minh, ông cố Hồng ưa nịnh, ưa sĩ diện, bóng bẩy, ham mê vật chất mà xem kẻ hại chết cha như là người ban ơn. Khẳng định rằng Xuân tóc đỏ may mắn, nhưng cũng phải nhìn lại cái quãng đường đầy chông gai mà hắn đã đi qua suốt từ khi thơ ấu đến khi trưởng thành, cuộc đời đã rẽ lối cho hắn trở thành một tay lọc lõi. Khá khen cho một Xuân tóc đỏ biết thời biết thế, biết tiến biết lùi, sẵn sàng thích nghi được với hoàn cảnh, luôn chuẩn bị cho mình những kịch bản, những cái mặt nạ khác nhau để ứng phó với đủ mọi thể loại người, thậm chí là nắm bọn quyền quý ấy trong lòng bàn tay. Dĩ nhiên Xuân cũng chẳng thèm giấu diếm cái xuất thân của mình hắn vẫn luôn thẳng thắn “Tôi thì danh giá quái gì, Hạ lưu. Ma cà bông. Nhặt banh quần. Không đứng đắn”. Chí ít so với những kẻ bề ngoài bóng bẩy, đẹp đẽ nhưng bản chất lại thối tha, ti tiện thì Xuân vẫn còn thẳng thắn chán!
Cả cuộc cuộc đời Xuân và sự lưu manh của Xuân đã phơi bày ra cái bộ mặt lố bịch, đốn mạt của cái tầng lớp tự xưng là thượng lưu của cái xã hội nửa tây nửa ta lúc bấy giờ. Xuân là kết tinh là sản phẩm không phải của tạo hóa mà là của chính xã hội ấy, giữa một xã hội thật giả đúng sai lẫn lộn, một kẻ đầu đường xó chợ, lưu manh không nghề ngỗng phải tự cứu lấy mình bằng chính sự lưu manh, chính thói lẻo mép bẩn thỉu, chính những lời xảo ngôn, lọc lừa sao cho xứng với những kẻ tự xưng là quyền quý.
———————–HẾT————————
Bên cạnh nhân vật Xuân tóc đỏ, để thấy hết được bản chất giả dối cùng sự suy đồi về đạo đức của các nhân vật trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang”, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn Hạnh phúc của một tang gia, Tiếng cười trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia, Phân tích giá trị hiện thực và giá trị tố cáo của Hạnh phúc của một tang gia, Cảm nhận về tiếng khóc của Phán mọc sừng trong Hạnh phúc của một tang gia.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp