Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện thế nào khi xây dựng hình tượng người nông dân anh hùng trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

0
120
Rate this post

Đề bài: Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện thế nào khi xây dựng hình tượng người nông dân anh hùng trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

tinh than nhan dao cua nguyen dinh chieu the hien the nao khi xay dung hinh tuong nguoi nong dan anh hung trong bai van te nghia si can giuoc

Phân tích tinh thần nhân đạo của Nguyễn Đình Chiểu trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Bạn đang xem: Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện thế nào khi xây dựng hình tượng người nông dân anh hùng trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Bài làm:

Hình tượng người anh hùng nông dân xưa nay luôn là nguồn cảm hứng nhân đạo cho rất nhiều những tác gia, tác giả. Mang âm hưởng lịch sử dân tộc oai hùng, những người lính nông dân là kết tinh của sức khỏe, tinh thần quật cường, là hình mẫu lý tưởng của người dân đương thời. Trong văn học thời kì Trung đại, người anh hùng nông dân được ca ngợi là những cá nhân sẵn sàng hi sinh vì mục đích cao cả, lớn lao của tập thể. Với tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, Nguyễn Đình Chiểu đã tạo nên một tượng đài oai hùng cho người nông dân Việt Nam về cốt cách thật thà, chất phác nhưng không hề nao núng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Qua hình tượng người nông dân anh hùng, tác giả đã thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc với sự kính trọng, đề cao và biết ơn những bậc tiền bối đã nằm xuống vì sự độc lập dân tộc.

Xuất thân là một nhà nho yêu nước, phải về quê vợ ở Cần Giuộc lánh tạm sự xâm lược của giặc Pháp, Nguyễn Đình Chiểu hơn ai hết thấu hiểu được nỗi khổ đau, bất hạnh và mất mát khi nước nhà bị xâm lăng. Viết “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” trong hoàn cảnh xót thương cho hơn hai mươi người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đã hi sinh oanh liệt vì độc lập tự do, tác phẩm không đơn thuần chỉ là một bài tế tri ân mà còn là tiếng lòng xót thương đối với những chiến sĩ nhân dân dũng cảm, thể hiện tinh thần nhân đạo, tình cảm trân trọng của tác giả cũng như khắc họa hình tượng bi tráng của những người nông dân yêu nước.

Tinh thần nhân đạo qua hình tượng người nông dân anh hùng trước hết thể hiện ở cách xây dựng hình tượng người anh hùng. Người anh hùng nhân dân hiện lên với những đức tính tốt đẹp, tư thế dũng cảm, hiên ngang ngẩng cao đầu, không ngại khó khăn gian khổ. Những người nông dân quen thuộc với công việc tay chân đồng áng, nay lại mang giáp ra trận, đối mặt với quân thù được vũ trang đủ đầy. Đứng trước cảnh đất nước lâm nguy, họ sẵn sàng bỏ ruộng đất, đi theo tiếng gọi Tổ quốc:

Súng giặc đất rền
Lòng dân trời tỏ
Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao
Một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ.

Lãnh thổ Đất nước bị đe dọa cũng là lúc tinh thần quật cường của nhân dân dâng cao, như một làn sóng nhấn chìm tất cả những bè lũ âm mưu xâm lược. Đứng trước thử thách gian lao, tấm lòng thủy chung với đất nước của người dân mới được “trời tỏ”, có trời cao chứng giám cho tấm lòng của họ. Như những người lính thầm lặng, không khoa trương, nhưng sự hi sinh anh dũng của họ có trời thấu. Lâm vào cảnh bi thương, những người chiến sĩ không hề chùn bước mà nêu cao tinh thần “tuy là mất tiếng vang như mõ”, tuy hi sinh nhưng danh tiếng vẫn còn mãi lưu truyền. Nguyễn Đình Chiểu nêu cao tinh thần nhân đạo bằng chính hình tượng người lính nông dân, tượng đài cao cả về lòng yêu nước, sẵn sàng xả thân vì nước của người dân miền đất Cần Giuộc.

Tinh thần nhân đạo được tác giả thể hiện qua việc ca ngợi vẻ đẹp của người anh hùng. Dưới cách nhìn của ông, người nông dân là kết tinh của những đức tính quý báu, tốt đẹp. Họ là những người dân hiền lành, chất phác, chân phương:

Nhớ linh xưa
Cui cút làm ăn
Toan lo nghèo khó

Cuộc sống của họ gắn liền với con trâu cái cày, chỉ biết làm lụng, tích cóp, yêu chuộng hòa bình. Nỗi lo của họ chỉ là ăn no mặc ấm, không đói khát, không tranh chấp, nào biết đến binh đao. Những người dân hồn hậu luôn hướng thiện là hình tượng đẹp đẽ của người dân Việt Nam. Người nông dân Cần Giuộc cũng vậy, những lo toan vụ mùa, thời tiết thất thường đã quá đủ nặng gánh trên đôi vai họ. Tuy thế, nghĩa khí của người dân lao động giống như ngọn lửa tiềm tàng luôn sẵn sàng bùng cháy trong họ. Khi gót giày của quân thù bắt đầu giày xéo ruộng đất nước nhà, họ không còn là những người nông dân vô hại mà trở thành những người lực điền khỏe mạnh, mang mũ mang giáp ra trận đánh giặc:

Bữa thấy bòng bòng che trắng lốp; muốn tới ăn gan
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ

Giống như hình tượng Thánh Gióng năm nào, từ một cậu bé chẳng biết nói biết cười, nghe tin giặc đến xâm lược bỗng vươn vai một cái lớn nhanh như thổi. Bản chất thật thà, lương thiện của người nông dân khi gặp lũ bất lương liền trở thành đội quân lính tráng mang tinh thần bất diệt. Cái căm tức, thù hằn quân giặc biến thành khát khao muốn hành động, muốn diệt trừ “muốn tới ăn gan”, “muốn ra cắn cỏ”, muốn diệt trừ tận gốc thực dân Pháp. Khác hoàn toàn với hình tượng người nông dân quen thuộc, phải chẳng, chính vì tình yêu nước, vì lòng căm thù giặc, và vì tự do của mình và những người thân yêu, họ sẵn sàng đứng lên, biến đổi thành đội quân tinh nhuệ, không quản khó khăn gian khổ. Tính nhân văn được thể hiện rất rõ khi tác giả xây dựng những biến đổi tâm lý của những nghĩa sĩ Cần Giuộc. Đứng trước sự thờ ơ, vô trách nhiệm của quan lại triều đình, họ từ những người “chỉ biết ruộng trâu”, “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy…tay vốn quen làm” trở thành chiến binh hùng dũng, oai vệ, với “hỏa mai đốt bằng rơm con cúi”, “gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay”. Ra trận với những vũ khi tự chế thô sơ, nhưng quyết tâm cao ngùn ngụt, tinh thần quyết chiến quyết thắng, không ngại hi sinh vì độc lập tự do. Họ chiến đấu vì quê hương, chiến đấu vì tấc đất, vì miếng cơm manh áo của mình. Tính nhân văn qua hình tượng người lính nhân dân được bộc lộ qua mục đích chiến đấu cao cả cùng tinh thần quật khởi của nhân dân khi đứng trước hiểm nguy, gian khổ.

Tinh thần nhân đạo của “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là âm hưởng bi tráng như một khúc khải hoàn dành cho những chiến sĩ dũng cảm đã nằm xuống vì sự nghiệp lớn lao. Với giọng văn giàu cảm xúc, Nguyễn Đình Chiểu vừa ca ngợi, vừa thể hiện nỗi thương nhớ, tiếc nuối vì tinh thần đại nghĩa của họ.

Chi nhọc quan quản gióng trống kì; trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu đồng súng nổ

Bản hùng ca của người chiến thắng, của những anh hùng, vượt qua cả những nỗi lo sợ đơn thuần, chẳng quản ngại sự chênh lệch vũ trang. Chỉ cần có tinh thần, có ý chí quyết tâm ắt hẳn sẽ thành công. Từng câu văn đều mang âm hưởng hào hùng, tráng lệ. Những người nông dân hiền lành nay lại hoàn toàn có thể chiến đấu như những người lính được gièn giũa trong môi trường quân đội. Chính sức mạnh tinh thần, niềm tin bất diệt vào chiến thắng trong tương lai đã biến thành nguồn động lực, nguồn năng lực vô hạn. Hình tượng người anh hùng áo vải, người nghĩa sĩ nông dân giống như một bức tranh lan tỏa cảm xúc, khiến người đọc dường như được hòa mình vào cái bất diệt của đội quân ra trận. Không chỉ là riêng lẻ một cá nhân, một cái tên anh hùng cụ thể mà đây là làn sóng dân tộc, là khối sức mạnh toàn dân đoàn kết. Giống như những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Những người nông dân sống một cuộc đời giản dị, không đòi hỏi, không trang đấu, đến khi đất nước gặp khó khăn, chính họ lại là những người tiên phong đấu tranh quật cường, không ngại đánh đổi cả máu và nước mắt để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc. Còn gì đáng quý hơn người dân, người dân chính là cốt cách, là nền tảng, là nguồn sức mạnh của một quốc gia. Không có nhân dân thì làm sao có đất nước, có khí thế hào hùng nhấn chìm mọi bè lũ gian dối cướp bóc.

Đỉnh cao của tính nhân văn trong tác phẩm là những câu thơ thể hiện sự sẵn sàng hi sinh của những người chiến sĩ:

Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh
Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ

Những lời ca tụng gần như đã trở nên trọn vẹn, khi để cho chính những người lính bộc lộ ra ước vọng “thà chết vinh còn hơn sống nhục”, thà một lần đánh giặc rồi hi sinh, chết đi còn nở mày nở mặt, hơn là ở với lũ giặc ngoại xâm “man di”, mọi rợ. Xét trên hoàn cảnh thực tế, hai mươi chiến sĩ nằm xuống, hai mươi có thể là con số nhỏ so với một đại quân, nưng đây là hai mươi người nông dân hiền hậu, chân lấm tay bùn, chiến đấu vì nghĩa vụ cao cả của đất nước. Khi người ta không còn coi nặng cái chết nữa là khi con người trở nên bất tử, khi tính mạng còn được đặt dưới cả độc lập dân tộc thì những con người ấy xứng đáng được tôn làm đại trượng phu.Thân xác họ có thể đã được chôn vùi, tâm hồn họ có thể về với cát bụi, nhưng hình ảnh và công lao của họ sẽ mãi mãi bất tử trong lòng những người còn ở lại.

Qua hình tượng người nông dân anh hùng, tác giả đã thể hiện sự yêu thương, kính trọng đối với những người dân bất chấp nguy hiểm, đi theo tiếng gọi của trái tim, của tinh thần dân tộc. Vẻ đẹp tiềm ẩn của những người nông dân đã trở thành hình ảnh anh hùng, xứng đáng được người đời ca tụng. Bằng giọng văn hùng tráng cùng lối viết vừa gần gũi, vừa trang nghiêm, vừa mang tính nhạc, vừa đậm chất tình, tác giả không chỉ đẽo gọt thành công bức tượng đài người nông dân kiên cường mà qua đó, ông khéo léo nhắn nhủ tâm tư, tình cảm của mình, một sự kính trọng cho thế hệ đàn anh đi trước.

Trong thời kì văn học Trung đại, khi phần lớn các tác phẩm văn học đều ca ngợi sự trị vì của Vua chúa, để bày tỏ sự trung kính của bậc tôi tớ hoặc thơ ca của những đạo sĩ ẩn dật, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” giống như một bản hùng ca bi tráng dành cho những người nông dân. Tính nhân đạo thể hiện qua hình tượng người anh hùng không quản gian khổ, vẻ đẹp sức vọng cũng như tâm hồn cùng mục đích chiến đấu cao cả của người tráng sĩ nhân dân. Không đơn thuần chỉ là một bài văn tế, Nguyễn Đình Chiểu còn qua đó còn kêu gọi toàn dân đứng lên chống giặc, đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ tổ quốc.

—————– Hết —————–

Sau khi tham khảo bài mẫu phân tích tinh thần nhân đạo của Nguyễn Đình Chiểu trong Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, để hiểu hơn về nội dung, ý nghĩa cũng như cảm xúc sâu sắc trong bài, các em có thể tìm hiểu bài viết Vẻ đẹp của hình tượng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tóm tắt bài Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc, Hình ảnh người nông dân qua Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Phân tích bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để làm sáng tỏ bài văn là Khúc ca của những người thất thế nhưng vẫn hiên ngang…

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/tinh-than-nhan-dao-cua-nguyen-dinh-chieu-the-hien-the-nao-khi-xay-dung-hinh-tuong-nguoi-nong-dan-anh-hung-trong-bai-van-te-nghia-si-can-giuoc/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp