Đề bài: Nghị luận về câu nói: Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra
Nghị luận về câu nói: Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra
Bạn đang xem: Nghị luận về câu nói: Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra
I. Dàn ý Nghị luận về câu nói: Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề nghị luận (Trích dẫn câu nói)
2. Thân bài
a. Giải thích nội dung câu nói
– Câu nói của nhà triết gia đã làm nổi bật sự khác biệt giữa con người và các loài sinh vật khác.
– Khẳng định con người đóng vai trò then chốt và quyết định trong việc hình thành nhân cách, phẩm chất của bản thân.
b. Bàn luận, phân tích, chứng minh nội dung câu nói
– Ngay từ lúc được sinh ra, con vật đã có trong mình tất cả những yếu tố cần thiết để tồn tại.
– Con người khác biệt với các loài sinh vật khác ở quá trình biến chuyển trong các giai đoạn phát triển về nhận thức, tư duy bằng con đường học tập.
– Khẳng định ý nghĩa, vai trò của mỗi một con người trong việc hình thành nhân cách của bản thân, cái “tôi” chính là yếu tố quyết định hàng đầu về việc con người sẽ sống, sẽ tồn tại ra sao.
– Đó là những nhân tố về ý chí, nghị lực, lí tưởng sống, mục đích sống của bản thân.
c. Lật lại vấn đề
Có người cho rằng con người là sản phẩm của môi trường sống như gia đình và xã hội. Đây là một ý kiến lệch lạc và phiến diện
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị giáo dục sâu sắc mà câu nói thể hiện. Rút ra bài học nhận thức và hành động.
II. Bài văn mẫu Nghị luận về câu nói: Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra (Chuẩn)
Con người là sinh vật nhỏ bé nhưng không hề yếu đuối mà ngược lại rất mạnh mẽ trong thế giới vô cùng rộng lớn, bao la. Để làm được điều đó, chúng ta cần trải qua quá trình cố gắng, nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân. Bàn về vấn đề này, một nhà triết học từng nói: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng có gì cả. Nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”.
Trước hết, câu nói của nhà triết gia đã làm nổi bật sự khác biệt giữa con người và các loài sinh vật khác: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng có gì cả”. Ngay từ lúc được sinh ra, con vật đã có trong mình tất cả những yếu tố cần thiết để tồn tại. Điều đó là do đặc trưng loài quyết định, con vật sinh tồn nhờ tạo hóa và tồn tại nhờ những bản năng sẵn có do giống nòi truyền lại. Thời gian qua đi, loài vật chỉ thay đổi về ngoại hình, thể xác, còn những yếu tố thuộc về tư duy, nhận thức thì không hề biến chuyển.
Đối với con người, lúc cất tiếng khóc chào đời và được sinh ra trong vòng tay âu yếm của gia đình, chúng ta chỉ là một trang giấy trắng tinh khôi và không tì vết. Nhưng qua thời gian, cùng với quá trình tích lũy tri thức, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và sự nâng niu, dìu dắt của bố mẹ, những đứa trẻ bắt đầu hình thành những nhận thức đơn giản về thế giới. Hành trình này không chỉ dừng lại ở đó mà còn diễn ra xuyên suốt. Bằng con đường học tập, con người dần nắm bắt tri thức do thế hệ trước truyền lại, từ đó hình thành nên những kinh nghiệm, kĩ năng cho bản thân mình. Như vậy, con người khác biệt với các loài sinh vật khác ở quá trình biến chuyển trong các giai đoạn phát triển về nhận thức, tư duy.
Câu nói “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng có gì cả. Nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó” còn khẳng định ý nghĩa, vai trò của mỗi một con người trong việc hình thành nhân cách của bản thân: “Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”. Bên cạnh những yếu tố về môi trường sống như gia đình, xã hội thì cái “tôi” chính là yếu tố quyết định hàng đầu về việc con người sẽ sống, sẽ tồn tại ra sao. Đó là những nhân tố về ý chí, nghị lực, lí tưởng sống, mục đích sống của bản thân. Con người luôn đặt ra những mục đích rất riêng, không ai giống ai và thực hiện nó bằng những con đường, phương thức khác biệt. Hành trình và đích đến, kết quả đạt được cũng chính là sự thể hiện của thái độ sống, phẩm chất của con người.
Bàn về vấn đề này, sẽ có ý kiến cho rằng môi trường sống mới chính là nhân tố quyết định nhân cách của con người. Ông cha ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nhưng song song bên cạnh đó, trong cuộc sống vẫn tồn tại những người “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Có rất nhiều người dù sinh ra với hình hài không toàn vẹn nhưng với ý chí, nghị lực phi thường và khát vọng mạnh mẽ, họ đã vượt lên trên hoàn cảnh, vượt lên chính mình. Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí dù bị liệt hai tay nhưng vẫn kiên trì tập viết bằng hai chân. Hay như Nick Vujicic – khi sinh ra không có tay chân, nhưng rồi anh vẫn nỗ lực cố gắng vượt lên tất cả, không những sống, sinh hoạt, làm việc như một người bình thường, thậm chí còn trở thành một nhà diễn thuyết nổi tiếng, dệt nên một huyền thoại về “Cuộc sống không có tay chân” ngay giữa cuộc đời thực. Họ chính là những minh chứng điển hình khẳng định giá trị mà ý chí, nghị lực sống mang lại và thể hiện rõ vai trò của con người trong việc quyết định “Tôi là ai”.
Như vậy, thông qua việc nhấn mạnh vai trò của con người trong việc hình thành, phát triển nhân cách, câu nói trên còn là lời nhắc nhở chúng ta cần nỗ lực, rèn luyện tích cực để đạt tới những giá trị đúng đắn trong hành trình hoàn thiện bản thân.
——————–HẾT———————
Trên đây chúng tôi đã hướng dẫn các em lập dàn ý và hoàn thiện bài văn Nghị luận về câu nói: Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra, để củng cố kĩ năng viết bài, các em có thể luyện tập thêm với nhiều đề bài khác như: Nghị luận về câu nói: Ở đời không có bước đường cùng…, Nghị luận về câu nói: Tình yêu là niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc, Nghị luận về câu nói: Người hạnh phúc là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người khác, Nghị luận về câu nói: Con người sống cần phải biết ước mơ.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp