Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương là một áng văn xuôi cổ tuy có yếu tố hoang đường, nhưng có giá trị tố cáo và chứa chan tinh thần nhân đạo

0
150
Rate this post

Đề bài: Phân tích: Chuyện người con gái Nam Xương là một áng văn xuôi cổ tuy có yếu tố hoang đường, nhưng có giá trị tố cáo và chứa chan tinh thần nhân đạo

phan tich chuyen nguoi con gai nam xuong

Chuyện người con gái Nam Xương là một áng văn xuôi cổ tuy có yếu tố hoang đường….
 

Bạn đang xem: Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương là một áng văn xuôi cổ tuy có yếu tố hoang đường, nhưng có giá trị tố cáo và chứa chan tinh thần nhân đạo

Bài mẫu số 1:

Một trong những áng văn được coi là “thiên cổ kì bút” vừa đặc sắc về nội dung vừa độc đáo về nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam phải kể đến Chuyện người con gái Nam Xương (trích Truyền kì mạn lục) của nhà văn Nguyễn Dữ. Khi đọc tác phẩm này, có ý kiến cho rằng: Tuy có nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo nhưng tác phẩm vẫn có giá trị tố cáo và chứa chan tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ là tổng hợp tất cả những câu chuyện kì lạ trong thế gian đương thời với nội dung phản ánh tình hình xã hội lúc bấy giờ với những rối ren, nhiễu nhương của chế độ quan quyền khiến cho đời sống nhân dân khổ cực, điêu đứng. Bằng cách sử dụng những cốt truyện có sẵn trong dân gian và sự sáng tạo độc đáo, mới mẻ của mình, Nguyễn Dữ đã sáng tác những câu chuyện không chỉ hấp dẫn bởi nội dung mà còn thu hút bởi yếu tố hoang đường, kì ảo. Truyện ngắn Chuyện người con gái Nam Xương là một trong số câu chuyện nằm trong tập Truyền kì mạn lục, bởi vậy nó là áng văn cổ chứa những nét hoang đường, kì ảo đặc sắc.

Yếu tố hoang đường, kì ảo là những yếu tố không có thật, hư cấu và hoàn toàn do tác giả tưởng tượng nhằm giúp cho câu chuyện thêm thú vị, hấp dẫn, mang màu sắc mới lạ cho việc thể hiện nội dung tư tưởng tác phẩm. Trong phần sau của Chuyện người con gái Nam Xương, khi viết về cuộc sống của Vũ Nương ở thủy cung sau khi quyên sinh dưới dòng Hoàng Giang và sự trở lại dương gian của nàng, tác giả Nguyễn Dữ đã hoàn toàn sáng tạo ra những chi tiết kì ảo nhằm tạo nên giá trị thẩm mĩ đầy mới mẻ cho truyện kể.

Những chi tiết Phan Lang – người cùng làng với Vũ Nương nằm mộng thả rùa, khi bị chết đuối, được cứu, được Linh Phi đãi yến tiệc, tại thủy cung chàng gặp được Vũ Nương, được nghe câu chuyện đầy oan khuất của nàng; nàng được sứ giả của Linh Phi rẽ nước đưa về dương gian và hiện về khi Trương Sinh lập đàn giải oan; đặc biệt cảnh Vũ Nương trở về dương thế: “Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông lúc ẩn lúc hiện” đều là những yếu tố kì ảo, tưởng tượng mang màu sắc cổ tích vô cùng đặc sắc. Nếu như kết thúc câu chuyện chỉ dừng lại ở việc Vũ Nương trẫm mình xuống dòng sông, Trương Sinh hối hận đã quá muộn, thì truyện sẽ không còn hấp dẫn.

Việc sáng tạo thêm yếu tố cổ tích không chỉ thể hiện tài năng, trí tưởng tượng phong phú của tác giả mà còn mang giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Lời nói của Vũ Nương khi tạ từ chồng: “Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa” và khung cảnh sau khi nàng đi “bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất” đã cho thấy Nguyễn Dữ vô cùng trân trọng tài sắc, vẻ đẹp phẩm hạnh của người phụ nữ này. Vũ Nương khi sống có phẩm chất tốt đẹp và khi mất đi, lúc trở về cũng hiện diện vô cùng đẹp đẽ, điều này chứng tỏ tấm lòng của nàng luôn trinh bạch, trong sạch và dù có ở thế giới nào đi chăng nữa, nàng vẫn giữ được những giá trị cao đẹp nhất của mình. Nhưng tác giả cũng thể hiện nỗi đau xót, niềm thương cảm sâu sắc đối với nhân vật khi những yếu tố kì ảo mang lại màu sắc mới mẻ, cổ tích cho màn trở về của Vũ Nương chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi và hiện thực vẫn mãi là hiện thực, giờ đây âm dương đã cách biệt, hạnh phúc mà bấy lâu nay nàng trân trọng giữ gìn và khao khát cũng theo làn sương khói đó bay đi.

Trong lời nói của Vũ Nương, nàng không trở về là do cảm tạ tấm lòng của Linh Phi nhưng thực chất, lí do quan trọng nhất là xã hội đó đâu có xứng đáng để nàng quay lại, xã hội cường quyền đầy những hủ tục phong kiến đã khiến cho những người phụ nữ tài sắc vẹn toàn như Vũ Nương phải chịu nỗi bất hạnh, ai oán. Nàng mơ ước một cuộc sống hạnh phúc nơi trần thế nhưng không được, đành phải gửi bóng mình chốn thủy cung. Nỗi oan của nàng chỉ theo sương khói bay đi trong sự tưởng tượng, chứ nỗi oan trái của người phụ nữ ở xã hội hiện thực với những hủ tục không thể nào giải hết được, cho dù người chồng có lập đàn giải oan, có hối hận nhưng đã quá muộn màng. Lời từ biệt của Vũ Nương hay cũng chính là lời tố cáo đầy đanh thép của tác giả trước chế độ nam quyền đầy bất công, vô lí của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

Bài mẫu số 2:

Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn lỗi lạc của đất nước ta thế kỷ XVI. Ngoài thơ, ông còn để lại một tập văn xuôi “Truyền kỳ mạn lục” viết bằng chữ Hán gồm có 20 truyện ghi chép những mẩu chuyện hoang đường lưu truyền trong dân gian, cuối mỗi truyện thường có lời bình của tác giả. Nhắc đến Truyền kỳ mạn lục, người ta không thể không nhắc đến Chuyện người con gái Nam Xương là một trong những truyện ngắn hay được trích từ đây. Chuyện người con gái Nam Xương không chỉ là một áng văn xuôi cổ có yếu tố hoang đường kỳ ảo mà nó còn tố cáo chế độ phong kiến, phản ánh thực trạng của xã hội cũ và chứa chan tinh thần nhân đạo.

Chuyện người con gái Nam Xương có nguồn gốc từ truyện cổ tích Việt Nam là “Vợ chàng Trương”. Ở đây, tác giả đã thêm vào phần cuối truyện những yếu tố hoang đường kì ảo nhưng có giá trị tố cáo và chứa chan tinh thần nhân đạo. Giá trị tố cáo và giá trị nhân đạo được thể hiện xuyên suốt cả tác phẩm nhưng được khắc họa rõ nét nhất qua câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Vũ Nương.

Vũ Nương là một người con gái công – dung – ngôn – hạnh, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về vẻ đẹp của người con gái thời phong kiến, thế nhưng cuộc sống của nàng lại đầy thua thiệt và bất hạnh. Cái thua thiệt đầu tiên làm nên sự bất hạnh của Vũ Nương là thua thiệt về vị thế trong gia đình. Nói như vậy bởi Vũ Nương vốn là “con kẻ khó” còn Trương Sinh lại là nhà giàu “cửa tía”, có sự khác nhau về địa vị xã hội. Vũ Nương về làm dâu nhà họ Trương là do Trương Sinh “xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”. Đây có thể nhìn như một cuộc mua bán, một con người “thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp” được đánh đổi bằng trăm lượng vàng. Chính sự cách biệt giàu nghèo ấy mà nàng Vũ Nương luôn mặc cảm, tự “biết thân biết phận mình” và đây cũng là lí do để Trương Sinh dựa vào mà đối xử thô bạo, gia trưởng với nàng.

Nhân vật Vũ Nương còn là nạn nhân của những cuộc chiến tranh phi nghĩa, loạn lạc thế kỉ XVI. Nàng Vũ Nương lấy Trương Sinh, cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng chưa được bao lâu “sum họp chưa thỏa tình chăn gối” thì chàng đã phải đi lính để lại mẹ già và đứa con chưa ra đời. Trong suốt hơn 3 năm, nàng phải gánh vác tất cả việc gia đình, từ chăm sóc mẹ già, lo việc ma chay hiếu hỉ đến chăm sóc, nuôi dạy con thơ. Ngoài ra, nàng còn phải sống trong nỗi nhớ chồng đằng đẵng triền miên theo năm tháng. Chính chiến tranh là thứ làm cho gia đình chia cách, cũng vì xa nhà mà Trương Sinh mới có sự hiểu nhầm. Khởi nguồn của sự bất hạnh chính là chiến tranh, nó là ngòi nổ cho thói đa nghi, hay ghen của Trương Sinh và gián tiếp dẫn đến cái chết của Vũ Nương. Tuy không có một câu lên án chiến tranh phong kiến, Vũ Nương không một lời than trách số phận mình nhưng chính chiến tranh loạn lạc lúc bấy giờ đã đẩy nàng vào những bi kịch. Nếu không có chiến tranh, nàng Vũ Nương đã được hưởng hạnh phúc gia đình cùng chồng và con thơ. Nếu không có chiến tranh làm hai vợ chồng xa cách thì Trương Sinh đã không hiểu lầm vợ ghen tuông mù quáng mà dẫn đến cái chết của nàng Vũ Nương. Liên hệ với thời điểm ra đời của tác phẩm là thế kỉ XVI, khi chiến tranh phi nghĩa giữa các tập đoàn phong kiến Trịnh – Mạc, Lê – Trịnh kéo dài liên miên gây nên bao thảm cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, bao gia đình li tán, bao nàng Vũ Nương vò võ đời chồng …  Ta sẽ càng thấy ý nghĩa hiện thực và hàm ý tố cáo của tác phẩm rất sâu sắc. Và cuối cùng, để hóa giải bi kịch và kết thúc khổ đau, không còn cách nào khác, Vũ Nương phải tự kết thúc cuộc sống của mình, lấy mạng số để chứng minh cho đức hạnh của mình.

Nàng là một người vợ hết mực thủy chung và hiếu thảo nhưng lại bị chồng nghi oan và đối xử bất công. Nghe lời của đứa con ngây thơ mà Trương Sinh mắng nhiếc, đáng đuổi nàng đi mặc tất cả những lời khóc lóc van xin hay bên vực của hàng xóm. Ở trong một xã hội mà người phụ nữ không thể bảo vệ chính bản thân mình, cũng không có ai có thể bảo vệ người phụ nữ ấy, mặc họ hàng làng xóm “bênh vực và biện bạch” nhưng số phận của nàng vẫn không thay đổi. Ở trong một xã hội trọng nam kinh nữ, người đàn ông có quyền quyết định thay cho người phụ nữ, khi mà “xuất giá tòng phu”, thật đau xót thay cho số phận những người phụ nữ đó.

Tuy nhiên, không chỉ tố cáo xã hội phong kiến, lên án chiến tranh phi nghĩa mà Nguyễn Dữ còn nêu cao tinh thần nhân văn nhân đạo trong tác phẩm. Tác giả đã nhìn thấy và trân trọng vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương nói riêng, cũng là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Đó là sự thủy chung, hiếu thảo, vẻ đẹp tải tần và đức hi sinh. Tuy nhiên, Nguyễn Dữ cũng nhìn thấy  những bất công, nghịch cảnh mà nhân vật Vũ Nương phải chịu đựng. Đó là chiến tranh phong kiến làm tan nát niềm hạnh phúc gia đình của nàng, là chế độ nam quyền trọng nam khinh nữ đã trực tiếp đẩy nàng đến con đường cùng. Tác giả cũng cất tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của người phụ nữ nói riêng và con người.

Chuyện người con gái Nam Xương dựa vào câu chuyện cổ tích của Việt Nam nên cũng không thể không có những yếu tố hoang đường kì ảo. Đó là các chi tiết Phan Lang nằm mộng rồi cứu rùa mắc lưới. Phan Lang lạc vào động của Linh Phi, được đãi yến và gặp, trò chuyện với Vũ Nương sau thì được trở về lại trần gian. Và chi tiết nàng Vũ Nương hiện về thấp thoáng sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang. Những chi tiết hoàng đường này đã tăng thêm sức hấp dẫn cho câu chuyện, nó thể hiện trí tưởng tượng phong phú của tác giả. Đồng thời, những chi tiết này cũng khẳng định niềm cảm thương sâu sắc của tác giả đối với số phận những người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Tóm lại, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ là một áng văn xuôi cổ tuy có yếu tố hoang đường, nhưng có giá trị tố cáo và chứa chan tinh thần nhân đạo.

———————–HẾT————————-

Vậy là, thông qua những sáng tạo nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Dữ với những chi tiết tưởng tượng kì ảo đầy thú vị, mới mẻ, mang màu sắc cổ tích, người đọc đã hiểu hơn về giá trị tố cáo và giá trị nhân đạo cao cả của tác giả gửi gắm qua tác phẩm này. Qua màn sương kì ảo, qua bi kịch của nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ không chỉ phản ánh số phận và bày tỏ niềm thương xót của mình đối với những bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội xưa mà còn bày tỏ tấm lòng trân trọng, ngợi ca với những phẩm chất tốt đẹp của họ, bên cạnh đó còn cất lên tiếng phê phán, tố cáo xã hội đương thời đã đẩy con người vào chốn đường cùng không lối thoát. Tham khảo Cảm nhận Chuyện người con gái Nam Xương tại đây.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-la-mot-ang-van-xuoi-co-tuy-co-yeu-to-hoang-duong-nhung-co-gia-tri-to-cao-va-chua-chan-tinh-than-nhan-dao/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp