Đề bài: Bình giảng bài thơ Thương vợ của Tú Xương
3 bài văn mẫu Bình giảng bài thơ Thương vợ của Tú Xương hay, đặc sắc
Bạn đang xem: Bình giảng bài thơ Thương vợ của Tú Xương
1. Bình giảng bài thơ Thương vợ của Tú Xương, mẫu 1:
Tình thương yêu, quý trọng vợ là cảm xúc có phần mới mẻ so với những cảm xúc quen thuộc trong văn học trung đại. Cảm xúc mới mẻ đó lại được diễn đạt bằng hình ảnh và ngón ngữ quen thuộc của văn học dân gian
Thơ xưa viết về người vợ đã ít, mà viết về người vợ khi còn sống càng hiếm hoi hơn. Các thi nhân thường chỉ làm thơ khi người bạn trăm năm đã qua đời. Kể cũng là điều nghiệt ngã khi người vợ đi vào cõi thiên thu mới được bước vào địa hạt thi ca.
Bà Tú Xương có thể đã phải chịu nhiều nghiệt ngã của cuộc đời nhưng bà lại có niềm hạnh phúc mà bao kiếp người vợ xưa không có được: Ngay lúc còn sống bà đã đi vào thơ ông Tú với tất cả niềm thương yêu, trân trọng của chồng. Trong thơ Tú Xương, có một mảng lớn viết về người vợ mà bài Thương vợ là một trong những bài xuất sắc nhất.
Tình thương vợ sâu nặng của Tú Xương thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả gian lao và phẩm chất cao đẹp của người vợ.
Câu thơ mở đầu nói hoàn cảnh làm ăn buôn bán của bà Tú. Hoàn cảnh vất vả, lam lũ được gợi lên qua cách nói thời gian, cách nêu địa điểm. Quanh năm là suốt cả năm, không trừ một ngày nào dù mưa hay nắng. Quanh năm còn là năm này tiếp năm khác đến chóng mặt, đến rã rời chứ đâu phải chỉ một năm. Địa điểm bà Tú buôn bán là mom sông, cái doi đất nhô ra ngoài sông ấy chính là nơi đầu sóng ngọn gió. Câu thơ vào đề như lời giới thiệu, lại như một bối cảnh làm hiện lên hình ảnh bà Tú tần tảo, tất bật ngược xuôi:
Quanh năm buôn bán ở mom sông.
Những bài Bình giảng Thương vợ hay nhất, tuyển chọn
Thấm thìa nỗi vất vả, gian lao của vợ, Tú Xương mượn hình ảnh con cò trong ca dao để nói về bà Tú. Có điều hình ảnh con cò trong ca dao đã tội nghiệp mà hình ảnh con cò trong thơ Tú Xương còn tội nghiệp hơn. Con cò trong thơ Tú Xương không chỉ xuất hiện trong cái rợn ngợp của không gian (như con cò trong ca dao) mà còn trong cái rợn ngợp của thời gian. Chỉ bằng ba từ “khi quãng vắng” tác giả đã nói lên được cả thời gian, không gian heo hút, rợn ngợp, chứa đầy lo âu nguy hiểm. Có bản chép “nơi quãng vắng”, thay “khi” bằng “nơi” đã bỏ đi cái rợn ngợp của thời gian, đã làm hao hụt cả ý thơ. So với câu ca dao:
Con cò lặn lội bờ sông,
Câu thơ của Tú Xương:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Là cá một sự sáng tạo. Cách đảo ngữ – đưa từ “lặn lội” lên đầu câu, cách thay từ – thay từ “con cò” bằng “thân cò”, càng làm tăng nỗi vất vả gian truân của bà Tú. Từ “thân cò” gợi cả nỗi đau thân phận, so với từ “con cò” thì từ “thân cò” mang tính khái quát cao hơn và do vậy tình thương vợ của Tú Xương cũng sâu sắc, thấm thìa hơn.
Nếu câu thơ thứ ba gợi nỗi vất vả đơn chiếc thì câu thứ tư lại làm rõ sự vật lộn với cuộc sống của bà Tú:
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Câu thơ gợi cảnh chen chúc, bươn bả trên sông nước của những người buôn bán nhỏ. Sự cạnh tranh chưa đến mức sát phạt nhau nhưng cũng không thiếu lời qua tiếng lại. “Buổi đò đông” đâu phải là ít lo âu, nguy hiểm hơn “khi quãng vắng”. Trong ca dao, người mẹ từng dặn con: Con ơi nhớ lấy câu này / Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua. “Buổi đò đông” không chỉ có những lời phàn nàn, mè nheo, cáu gắt, những sự chen lấn xô đẩy mà còn chứa đầy bất trắc, hiểm nguy. Hai câu thực đối nhau về từ ngữ (“khi quãng vắng” đối với “buổi đò đông”) nhưng lại thừa tiếp nhau về ý để làm nổi bật sự vất vả gian truân của bà Tú: đã vất vả, đơn chiếc, lại thêm sự bươn bả trong hoàn cảnh chen chúc làm ăn. Hai câu thực nói thực cảnh bà Tú đồng thời cho ta thấy thực tình của Tú Xương: tấm lòng xót thương da diết.
Cuộc sống vất vả gian truân càng ngời lên phẩm chất cao đẹp của bà Tú. Bà là người đảm đang tháo vát:
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Mỗi chữ trong câu thơ Tú Xương đều chất chứa bao tình ý. Từ “đủ” trong “nuôi đủ” vừa nói số lượng, vừa nói chất lượng. Bà Tú nuôi đủ cả con, cả chồng, nuôi bảo đảm đến mức: “Cơm hai bữa: cá kho rau muống – Quà một chiều: khoai lang, lúa ngô” (Thầy đồ dạy học).
Trong hai câu luận. Tú Xương một lần nữa cảm phục sự hi sinh rất mực của vợ: Năm nắng mười mưa dám quản công, ở câu thơ này, “nắng mưa” chi sự vất vả, “năm mười” là số lượng phiếm chỉ, để nói số nhiều, được tách ra tạo nên một thành ngữ chéo (năm nắng mười mưa) vừa nói lên sự vất vả gian lao, vừa thể hiện được đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú.
Trong những bài thơ viết về vợ của Tú Xương, bao giờ ta cùng bắt gặp hình ảnh hai người: bà Tú hiện lên phía trước, ông Tú khuất lấp ở phía sau, nhìn tinh mới thấy. Khi đã thấy rồi thì ấn tượng thật sâu đậm. Ở bài thơ Thương vợ cũng vậy. Ông Tú không xuất hiện trực tiếp nhưng vẫn hiển hiện trong từng câu thơ. Đằng sau cốt cách khôi hài, trào phúng là cả một tấm lòng, không chỉ thương mà còn tri ân vợ, về câu thơ “Nuôi đủ cả năm con với một chồng”, có người cho rằng ở đây ông Tú tự coi mình là một thứ con đặc biệt để bà Tú phải nuôi. Tú Xương đã không gộp mình với con để nói mà tách mình riêng, còn riêng rất rạch ròi là để ông tự đứng riêng ra tri ân vợ.
Nhà thơ không chỉ cảm phục, biết ơn sự hi sinh rất mực của vợ mà ông còn tự trách, tự lên án bản thân, ông không dựa vào duyên số để trút bỏ trách nhiệm. Bà Tú lấy ông là do duyên nhưng duyên một mà nợ hai. Tú Xương tự coi mình là cái nợ mà bà Tú phải gánh chịu. Nợ gấp đôi duyên, duyên ít nợ nhiều. Ông chửi thói đời bạc bẽo, vì thói đời là một nguyên nhân sâu xa khiến bà Tú phái khổ. Nhưng Tú Xương cũng không đổ vấy cho thói đời. Sự hờ hững của ông đối với vợ con cũng là một biểu hiện của thói đời bạc bẽo. Câu thơ Tú Xương tự rủa mạt mình cũng là lời tự phán xét, tự lên án:
Có chồng hờ hững cũng như không.
Ở cái thời mà xà hội đã có luật không thành văn bàn đối với người phụ nữ: “xuất giá tòng phu” (lấy chồng theo chồng), đối với mối quan hệ vợ chồng thì “phu xướng, phụ tùy” (chồng nói, vợ theo), thế mà có một nhà nho dám sòng phẳng với bản thân, với cuộc đời, dám tự thừa nhận mình là quan ăn lương vợ, không những đã biết nhận ra thiếu sót, mà còn dám tự nhận khuyết điểm. Một con người như thế chẳng đẹp lắm sao.
Nhan đề Thương vợ chưa nói hết được sự sâu sắc trong tình cảm của Tú Xương đối với vợ cũng như chưa thể hiện được đầy đủ vẻ đẹp nhân bản của hồn thư Tú Xương, ở bài thơ này, tác giả không chỉ thương vợ mà còn ơn vợ, không chỉ lên án “thói đời” mà còn tự trách. Nhà thơ dám tự nhận khuyết, điểm, càng thấy mình khiếm khuyết càng thương yêu, quý trọng vợ hơn.
Tình thương yêu, quý trọng vợ là cảm xúc có phần mới mẻ so với những cảm xúc quen thuộc trong văn học trung đại. Cảm xúc mới mẻ đó lại được diễn đạt bằng hình ảnh và ngón ngữ quen thuộc của văn học dân gian, chứng tó hồn thơ Tú Xương dù mới lạ, độc đáo vẫn rất gần gũi với moi người, vẫn có gốc rễ sâu xa trong tâm thức dân tộc.
—————-HẾT BÀI 1————–
Cùng với việc tìm hiểu bài mẫu Bình giảng bài thơ Thương vợ của Tú Xương, các em có thể tham khảo thêm phần Cảm nhận về bài thơ Thương Vợ cùng với phần Soạn bài Thương vợ để có thêm kiến thức trả lời, hoàn thiện bài tập làm văn lớp 11 trên lớp.
2. Bình giảng bài thơ Thương vợ của Tú Xương, mẫu 2:
Tú Xương được xem là một trong số những nhà văn nổi bật trong nền văn học Việt Nam. Tú Xương với ngòi bút trào phúng đầy sắc nhọn như đã chĩa về xã hội thối nát thực dân phong kiến đương thời lúc ông đang sống. Và bên cạnh đó, ông cũng đã có rất nhiều bài thơ cảm động và thấm đẫm tình cảm mà tiêu biểu phải kể đến “Thương vợ”.
Và người đọc đã cảm nhận được tình cảm của nhà văn ngay từ cái nhan đề đã toát lên tình cảm thương yêu chứa chan của nhà thơ dành cho bà Tú- người vợ thân yêu của ông. Mở đầu bài thơ, bà Tú như đã được vẽ lên, hiện lên với hình ảnh của một phụ nữ tất bật với công việc, gia đình với biết bao những bận bịu với gánh nặng mưu sinh cơn áo.
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng”
“Mom sông” được nhắc đến trong bài đó chính là nơi có mỏm đất nhô ra, rất chênh vênh. Chỉ với hai từ “mom sông” thôi là đã cho ta thấy được những cái nỗi vất vả, cơ cực của bà Tú khi bà đã phải lặn lội kiếm sống từ ngày này qua ngày khác để chăm cho chồng và chăm con. Dường như người đọc cũng có thể thấy được mọi gánh nặng trong gia đình đều đổ dồn lên một vai bà Tú- một người phụ nữ. Ông Tú cũng như đã ví mình đánh đồng với những đứa con, thậm chí gánh nặng trên vai của bà Tứ như còn nặng hơn vì câu thơ như bẻ ra làm đôi vì sức nặng. “Năm con” với “một chồng” cứ như nói rằng sự vất vả lo toan cho 5 đứa con cũng bằng ngần ấy đối với một ông chồng. gánh nặng như lại càng nặng. Bà Tứ như đã vất vả lại thêm vất vả hơn. Và ta như cảm giác được Tú Xương cũng như đang tự trách bản thân không thể làm gì được, mà cũng như đi ăn bám vợ mình, cũng giống như những đứa con không hơn không kém.
“Lặn lội thân cò nơi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Từ “Eo sèo” được sử dụng rất đắt, nó như đã chỉ sự rầy rà bằng lời gọi liên tiếp dai đẳng. Và để có thể trang trải được mọi chi phí cho gia đình cho chồng cho con, bà Tú đã phải chật vật thậm chí bà đã phải giành giật từng miếng cơm, manh áo trong thời buổi cơ cực.
“Một duyên hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa dám quản công.”
Hướng dẫn làm bài Bình giảng về bài thơ Thương vợ của Tú Xương
Tú Xương thật là đã rất thành công trong việc sử dụng hai câu thành ngữ quen thuộc của ông cha ta ngày trước đó chính là câu “một duyên hai nợ” và câu ca “năm nắng mười mưa”. Và cũng chỉ chữ “Duyên” ở đây ý là dùng để chỉ đến cái duyên phận, duyên “nợ” mà bà Tú phải cam phận, và cũng đã phải chịu đựng. “Nắng”, “mưa” từ trước tới nay vốn là những hình ảnh tượng trưng cho sự vất vả. Bà Tú dường như cũng đã phải âm thầm chịu đựng mọi khó khăn để như có thể đảm bảo cuộc sống no đủ cho cả gia đình. Bà Tứ như đã mang dáng dấp tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam với những đức tính như là chịu thương, chịu khó, âm thầm hi sinh tất cả vì gia đình nhỏ bé của mình. Và có chăng cũng chính vì lẽ đó mà ông Tú như lại càng cảm thấy trách cho chính bản thân mình hơn bao giờ hết. Có lẽ bởi vậy mà ông Tú lại càng thấy trách chính bản thân mình:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không!”
Ông Tú dường như cũng đã tự thấy bản thân là một kẻ “ăn bám vợ”, và ông như cảm thấy mình là một kẻ thật vô tích sự trong gia đình. Và đáng nói ra đó là ông như thậm chí còn “hờ hững” với cả vợ, cả con. Câu thơ trên như cũng chính là lời tâm sự của nhà thơ, nó dường như đã có sức như đã khiến ta không thể giận ông, mà chỉ có thể căm ghét xã hội đã đẩy đã thật bất công vì đã đẩy con người phải sống một cuộc đời lam lũ, khó khăn.
Với một lời thơ giản dị, gần gũi, bài thơ đặc sắc “Thương vợ” dường như cũng đã đến với độc giả một cách nhẹ nhàng, nhưng đồng thời cũng như chất chứa, chứa chan tình cảm và cũng đầy sâu lắng. Người độc không thể nào quên được hình ảnh bà Tú đẹp như bao người mẹ Việt, đẹp như bao người chị trong gia đình Việt Nam, khiến ta cảm thấy quen thuộc, mến yêu người phụ nữ này hơn.
3. Bình giảng bài thơ Thương vợ của Tú Xương, mẫu 3:
Chúng ta đã từng biết đến một Khuê ai lục của Ngô Thì Sỹ khóc người vợ yêu qua đời giữa lúc đầu xanh tuổi trẻ, một Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du thương tiếc người vợ đã khuất, những câu thơ dứt ruột của Tự Đức và trước Tú Xương một chút là câu đối khóc vợ chứa chan tình người của Nguyễn Khuyến. Các nhà thơ trung đại Việt Nam viết về vợ mình không nhiều, mà chủ yếu lại là văn tế và câu đối khóc người đã khuất. Chỉ có một số nhà thơ như Cao Bá Quát, Bùi Hữu Nghĩa, Phạm Văn Nghị là có viết về vợ mình ngay lúc đang sống. Nhưng viết nhiều nhất và hay nhất, mà lại là về một người vợ đang còn hiện hữu trên đời thì có lẽ Trần Tế Xương (1870 – 1907) là tác giả tiêu biểu hơn cả. Và nếu có làm văn tế thì cũng là Văn tế sống vợ (!),không phải để tiếc thương mà để cười thương ngợi ca người bạn đời của mình.
Tú Xương có rất nhiều khác biệt với các tác giả trước ông. Nhà thơ này của làng Vị Xuyên là con người của buổi giao thời, là dấu nối đầy ấn tượng giữa nền văn học trung đại ở giai đoạn cuối chiều nhưng lại kết tinh tinh hoa của hàng nghìn năm với nền văn học cận hiện đại đang bắt đầu có dấu hiệu hình thành với bao điều mới mẻ. Trên đầu Tú Xương không còn những áp lực nặng nề của tư tưởng và quan niệm chính thống khắt khe đã quy định các tác giả trước ông, trong ông nhiều giá trị của quá khứ đang từng bước sụp đổ và cái mới thì chưa kịp tới. Quan niệm của một nhà thơ trào phúng cũng giúp ông tiếp cận cuộc đời theo một kiểu khác, gần hơn, với một kiểu tư duy nghiêng về phân tích, mổ xẻ đối tượng, đưa vào trong thơ nhiều hình ảnh sống động hơn, quan niệm thẩm mỹ cũng biến đổi hướng về thực tại. Điều đó tạo cho ông những khoảng không sáng tạo quan trọng, giúp ông khác với truyền thống.
Thơ Nôm Đường luật đến Tú Xương đã trải qua một thời gian phát triển khá dài, nó liên tục được cách tân từ thời Nguyễn Trãi, và tác giả Thương vợ chính là người đã đem đến cho thể loại văn học đã được Việt hóa cao độ này những phá cách mới mẻ giàu giá trị nghệ thuật. Đây là một bài thơ Nôm, viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, có kết cấu theo trình tự đề, thực, luận, kết, ông Tú viết để tặng người vợ tảo tần mưa nắng của mình.
Bình giảng bài Thương vợ để thấy được hình ảnh tần tảo của bà Tú và tấm lòng của Tú Xương
Trần Tế Xương chủ yếu là một nhà thơ trào phúngT, trào phúng chuyên nghiệp. Những bài thơ nghiêng về trữ tình như Sông Lấp, Áo bông che bạn, Thương vợ không nhiều, nhưng bài nào cũng xuất chúng. Thương vợ lại tiêu biểu cho sự hòa hợp giữa hai phẩm chất nghệ thuật nổi bật trong sáng tác của ông: trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là chính, là cơ bản. Bà Tú là một đề tài khá quen thuộc trong thơ Tú Xương, hình ảnh bà đã đi vào sáng tác của ông trong các bài như: Đau mắt, Văn tế sống vợ, Tự cười mình, Hỏi mình… và Thương vợ. Những bài thơ này cho chúng ta thấy, bên cạnh một Tú Xươn trào phúng sắc sảo, ngang ngạnh, tinh quái, khác đời là một Tú Xương khác rất mực đằm thắm, biết tự hạ mình để làm đẹp người khác. Không phải lúc nào con người ấy cũng chế giễu, cười người, cay độc mà nhiều lúc ông vẫn để cho lòng mình sâu lắng lại và bật ra những bài thơ chứa chan tình cảm, giàu sự suy tư, dằn vặt.
Thương vợ viết về bà Tú nhưng thực ra lại có sự song hành của cả hai hình tượng: hình tượng bà Tú được thể hiện một cách nổi bật trực tiếp và hình tượng ông Tú được khắc hoạ một cách gián tiếp nấp sau người vợ nhưng vẫn khá rõ nét. Thực chất Tú Xương viết thơ để ca ngợi vợ và muốn khắc hoạ hình qảnh một ông “chồng thừa” vô trách nhiệm chứ không hề có ý đề cao mình nhưng vô hình chung vẫn hiển hiện trong bài thơ một nhân cách cao đẹp của người chồng và từ đó là một quan niệm khác biệt về người vợ so với truyền thống.
Tú Xương đã giới thiệu vợ mình một cách thân mật, gần gũi, hóm hỉnh nhưng ẩn chứa trong đó bao tình cảm và nỗi niềm dằn vặt, xót xa:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Câu thơ ngắn gọn đã phản ánh một cách cụ thể, chi tiết không gian, địa điểm và công việc làm ăn của bà Tú. Tên thật của bà là Phạm Thị Mẫn, quê ở Lương Đường, Hải Dương, nhưng sinh tại Nam Định. Bà chuyên buôn bán gạo ở bến sông để nuôi gia đình. Hai từ “quanh năm” nói lên được nỗi vất vả, tần tảo của bà Tú triền miên hết ngày này đến ngày khác, tháng này đến tháng khác, năm này đến năm khác… Vòng quay của thời gian vô tận đã cuốn bà vào cuộc vật lộn mưu sinh đầy vất vả. Cách tính thời gian như thế vừa nói được nỗi lo toan khó nhọc của bà Tú, lại vừa là cách ông Tú tỏ lòng biết ơn công lao tần tảo sớm hôm của vợ mình. Biện pháp tăng cấp ý được sử dụng để diễn tả sự vất vả, từ thời gian (quanh năm), nghề nghiệp (buôn thúng bán mẹt), cho đến không gian, địa điểm làm ăn: “mom sông”. Mom sông là một nơi chênh vênh, ba bề là nước, nó gợi lên sự nguy hiểm, bất trắc, vốn không phải là nơi dành để buôn bán bình thường. Bởi vậy hơn ai hết, Tú Xương hiểu rõ mục đích của nỗi vất vả đó nơi người vợ:
Nuôi đủ năm con với một chồng
Đôi quang gánh cuộc đời trên vai bà Tú thật quá nặng. Một mình bà phải nuôi đến sáu miệng ăn, đó là chưa kể đến chính bản thân mình. Tú Xương không tính bà vào thành phần phải “nuôi đủ” là chính đáng, do bà là người làm ra của cải cưu mang cả gia đình, nhưng cũng là một cách đề cao bà, ngầm xếp bà ra một thứ bậc khác. Đây là cách tính công, đề cao công lao của vợ một cách chi li, rất mực ân tình của Tú Xương. Mẹ nuôi con mà không có chồng giúp sức, tuy vất vả nhưng còn là chuyện thường tình, dẫu sao cũng là thiên chức của người phụ nữ. Điều lạ là cả đến ông Tú bà cũng phải nuôi. Quả thực đây là một sự vô lý, bất công khi gánh nặng gia đình dồn hết lên vai người vợ. Tú Xương đã tách ra làm hai cái gánh nặng ấy: năm con với một chồng, để thấy rõ cái công ơn của bà với gia đình và với riêng ông. Nhưng gánh nặng dường như nghiêng lệch, trĩu nặng hơn về một bên, phía một mình ông chồng vô tích sự nhưng lại đa sự nhiều hơn năm đứa con thơ, khiến câu thơ cũng như oằn hẳn về phía cuối. Cách kể công cho vợ như vậy thật là độc đáo, thật là Tú Xương. Nhà thơ đã tự hạ mình xuống mức thấp hơn cả lũ con, đứng riêng ra một bên, vì ông là một thứ chồng đặc biệt mà bà Tú phải nuôi riêng. Liên từ “với” nghe thật buồn, thật hài hước, thật hổ thẹn và thảm hại. “Nuôi đủ” ông không chỉ là đảm bảo những nhu cầu như một người bình thường mà còn là đủ thứ cao sang tốn kém, đủ cả mọi đòi hỏi sở thích ăn chơi đàn đúm của ông:
Biết thuốc lá, biết chè tàu
Cao lâu biệt vị, hồng lâu biết mùi.
Nuôi một người ăn chơi phong lưu “ngựa xe chẳng có lúc nào ngơi”, nổi tiếng có “nòi tình”, lại còn suốt đời theo đòi thi cử công danh như vậy thật khác hẳn với việc nuôi con, và có lẽ còn tốn kém hơn cả năm đứa con thơ. Theo quan niệm truyền thống thì kẻ làm trai phải để chí ở công danh, sự nghiệp, thông qua con đường khoa cử làm quan, còn chuyện bếp núc gia đình thì phó mặc cho người phụ nữ. Đã có biết bao thầy đồ nghèo nhờ vợ tảo tần cơm áo mà thành danh. Xã hội ấy có biết bao “ông quan ăn lương vợ”, biết bao ông chồng ăm bám mà vẫn lên mặt hành hạ vợ con. Thói gia trưởng, sĩ diện khiến cho mấy ai dám hạ mình nói thẳng, nói thật cái hoàn cảnh ăn bám, vô tích sự của mình. Nhưng đã có một Tú Xương đầy dũng cảm dám vất bỏ cái nếp nghĩ cổ hủ đề cao người đàn ông, khinh rẻ người phụ nữ, dám bêu ra trước thiên hạ những kém cỏi, sĩ diện hão đó để tôn vinh công lao người vợ, để sống thật với những cảm xúc, suy nghĩ của chính mình. Sự khác đời, khác với với truyền thống của nhà thơ chính là ở chỗ đó. Những người khác cho đó là chuyện thường tình, chuyện tất yếu, còn Tú Xương nhận thức rõ ràng về sự thừa ra, vô lý của mình. Mặc cảm “con người thừa” là mặc cảm của thế hệ Tú Xương, đã rõ nét từ Nguyễn Khuyến (Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh chọe / Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi; Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ / Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng), nhưng lại càng rõ nét hơn, hiện thực hóa hơn ở nhà thơ thành Nam, ông đã đẩy “con người thừa” thành con người nhỏ bé thảm hại và không ngần ngại phủ định mình, tầm thường hóa bản thân mình ở mức thấp nhất. Trước ông chưa có một nhà thơ nào vượt qua nổi ý thức tự trọng của một nhà nho để bày ra trước mọi người những hạn chế của mình. Nhưng đó dường như không phải chủ đích của ông. Điều ông muốn thể hiện khi dám vất bỏ cái sĩ diện hão của kẻ “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” chính là xuất phát từ lòng tri ân với người vợ đã hết lòng vì ông, biết đền bù lại bằng cái tình, bằng tấm lòng trân trọng, biết ơn nỗi vất vả mệt nhọc của bà. Nói lên được điều đó đối với một người chồng trong một xã hội coi thường người phụ nữ thật không phải điều dễ dàng. Tấm lòng ấy thật đáng yêu, đáng trân trọng biết bao! Câu thơ tả thực chất chứa ý vị tự trào mà lại cay đắng, xót xa, cười ra nước mắt.
Vẻ đẹp của người vợ càng được biểu hiện một cách cụ thể qua những chật vật, bon chen trong cảnh làm ăn vất vả, tội nghiệp hàng ngày:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Các nhà nghiên cứu đã nói về việc Tú Xương đã mượn hình ảnh con cò trong ca dao xưa để nói về nỗi vất vả đơn chiếc và sự chịu thương, chịu khó, hi sinh thầm lặng của bà Tú:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non…
So với ca dao, câu thơ của Tú Xương có nhiều cái mới. Cái mới thứ nhất là việc đưa động từ “lặn lội” lên đầu câu, khiến câu thơ trở nên có sức nặng hơn khi khắc sâu nỗi vất vả đơn chiếc của bà Tú giữa cái rợn ngợp của không gian. Cái mới thứ hai, cũng là sáng tạo mang tính chất thời đại, là sự tiếp tục của chủ nghĩa nhân đạo vì con người và phát hiện ra con người của văn học thế kỷ XVIII – XIX, khi nhà thơ chuyển từ “con cò” trong ca dao thành “thân cò” để chỉ cả một kiếp người, nhấn mạnh đến thân phận người phụ nữ. Chữ “thân” luôn gợi cảm giác nhỏ bé tội nghiệp, bơ vơ chịu đựng. Nữ sĩ Xuân Hương khi xưa đã từng ngậm ngùi viết:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Ở người phụ nữ xưa, “thân” luôn gắn với “phận”, chính vì vậy mà thi hào Nguyễn Du đã bao lần phải thốt lên:
Đau đớn thay phận đàn bà
Và nàng Kiều của ông trong những tháng ngày nhơ nhuốc đã phải tạm cúi đầu chấp nhận số phận:
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Những vấn đề xã hội về thân phận con người đến Tú Xương đã trở nên gần gũi hơn khi nhà thơ nhận thấy điều đó hiện hữu ngay trong những người thân của mình và ám ảnh trong chính bản thân mình, một kẻ lỡ thời vô tích sự. Điều thứ ba là nếu trong ca dao mới chỉ có cái heo hút của không gian thì “thân cò” trong thơ Tú Xương còn ở giữa sự rợn ngợp của thời gian. “Khi quãng vắng” khác với “nơi quãng vắng”, “ở quãng vắng”, nó diễn tả được cả cảm giác đơn lẻ đầy hiểm nguy về không gian và nỗi khắc khoải côi cút về thời gian của sự vất vả, tảo tần.
Ta như thấy đằng sau mỗi câu chữ là ánh mắt lo âu đầy ăn năn tự vấn của người chồng đang dõi theo bóng dáng lẻ loi, lam lũ của người vợ trên con đường gập gềnh sương gió, giữa thời buổi của sự bon chen và tình đời bạc bẽo:
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Đó thực sự là cuộc chiến âm thầm và dai dẳng giữa kì kèo, đôi co, chen chúc, bất chấp cảnh “đò đầy” để giành giật miếng cơm manh áo cho con, để đổi lại sự thong dong nhàn nhã cho chồng. Chuyến đò đầy gian nan nguy hiểm đó giống như chính cuộc đời đầy vất vả của bà Tú vậy: biết đò đã đầy, chất chứa bao hiểm nguy, văng vẳng bên tai lời mẹ dặn “đò đầy chớ qua” mà vẫn cứ phải dấn thân, phải bước tới, phải vật lộn. Hai từ láy “lặn lội”, rồi “eo sèo” được đảo lên đầu câu càng như nhấn mạnh thêm nỗi cực nhọc, lam lũ trong bươn trải kiếm sống của người phụ nữ này.
Phải nói rằng, nghệ thuật bình đối trong hai câu thực đã góp phần quan trọng vào việc dựng lại chân dung con người cả về thể chất lẫn tinh thần và công cuộc làm ăn kiếm sống không một phút ngơi nghỉ trong mọi bối cảnh gian khó của bà Tú. Hai câu thơ cũng dựng lại không khí và khung cảnh buôn bán của thành Nam một thời. Thơ thất ngôn bát cú có kết cấu chặt chẽ nhưng nghệ thuật bình đối và việc chọn lọc từ ngữ tinh giản đã giúp cho những hình ảnh được xây dựng từ đây có sức gợi tả nổi bật. Tài năng của Tú Xương là ở chỗ đã đưa được vào trong thể thơ gò bó này rất nhiều chi tiết chân thực và sinh động từ cuộc sống một cách rất tự nhiên. Việc tận dụng một cách triệt để những thế mạnh của thể thơ đã khiến cho mỗi từ ngữ, mỗi hình ảnh đều trở nên chói sáng mà nhịp thơ vẫn phát triển hài hòa, nhịp nhàng. Tinh hoa của một thể thơ phát triển và dân tộc hóa đã gần một nghìn năm được kết tinh lại trong một con người, trong một bài thơ. Thương vợ chính là dấu nối giữa hai thế kỷ thơ Việt, nối truyền thống với hiện đại.
Nếu ở hai câu đề và hai câu thực, nhà thơ còn đứng ngoài để miêu tả, thì đến hai câu luận Tú Xương đã nhập thân vào nhân vật để diễn tả một cách chân tình nỗi niềm sâu kín của bà Tú. Người chồng đầy tình nghĩa này đã phân thân ở nhiều điểm nhìn khác nhau để nhìn cho thấu, cho hết công lao thầm lặng của người vợ:
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Ông bà lấy nhau đã có tới năm mặt con kể ra cũng là một mối lương duyên “trời” ban. Ông Tú lại lại là người có tài có tình. Bà đã từng khen thơ ông “Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài” và đôi lúc cũng được “nở mặt nở mày” với đời vì ông. Nhung duyên thì có một mà nợ lại những hai. Niềm cay cú của ông đối với việc thi cử và kéo theo đó là cái nghèo đeo đuổi đã khiến bà phải lăn lộn kiếm sống. Thêm vào đó ông lại là một kẻ khác đời, dở người và những “thói hư, tật xấu” cứ theo đuổi ông suốt cuộc đời. Nói đến “nợ” là nói đến sự đau khổ, xui xẻo phải gánh chịu. Ông Tú tự nhận mình là cái “nợ” của đời bà, ông thương cảm cho bà và tự dằn vặt mình. “Âu” là cam, “đành” cũng là cam, hai lần cam chịu. “Âu đành phận” giống như một cái gật đầu nhẫn nhục chịu đựng, cái nợ đời như một sự tất yếu không thể không chấp nhận. Điều kỳ diệu là người mẹ, người vợ đó không hề ý thức rằng đó là sự hy sinh. Như bao người phụ nữ Việt Nam khác, bà làm mọi việc một cách tự nhiên, nhi nhiên, âm thầm, không hề đòi hỏi, oán trách. Dám quản công vừa là thái độ không hề ngần ngại, lại vừa chứa đựng cả cái ý khiêm nhường, không muốn nhắc đến sự khó nhọc của mình. Cách nói cam chịu số phận là cách ông Tú cảm thương thay cho vợ chứ bà đâu có tính đếm công lao của mình. Hình tượng bà Tú như càng trở nên vị tha, nhân hậu hơn qua mỗi dòng thơ. Tú Xương cũng rất có tài dùng số từ để làm tăng giá trị của hình ảnh, câu chữ. Lúc đầu là số cộng (năm con với một chồng) nhưng số cộng này khá đặc biệt ở chỗ: cộng thêm một cách có lợi cho vợ bằng cách trừ đi (kể ra) những cái vô tích sự của chồng. Cái cộng đó tưởng như là “thừa” ra mà thực chất là thêm vào. Tiếp theo là sự nhân đôi (một duyên hai nợ, năm nắng mười mưa) cũng là những phép toán nhấn mạnh sự thiệt thòi, vất vả và công lao không thể nói hết bằng lời của bà Tú. Ngôn ngữ lời nói, thành ngữ dân gian được vận dụng linh hoạt, tự nhiên khiến cho những tính toán đó không hề gây ấn tượng là những con số thuần túy.
Ở sáu câu thơ đầu, Tú Xương đã khắc họa hình ảnh người vợ trong vất vả gian lao vẫn sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp và đức hy sinh, nhẫn nại thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam. Và thấp thoáng đằng sau đó là hình ảnh của người chồng với sự cảm thông và trân trọng ân tình của vợ. Nhưng phải đến hai câu thơ cuối, hình ảnh người chồng mới thực sự hiện ra và vẫn là để nói hộ vợ mình. Nhà thơ đã tự trách mình, tự dằn vặt mình đến nghiệt ngã:
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không.
Câu thơ buột ra tự nhiên như một tiếng chửi nhưng lại ngậm ngùi như một lời than, vẫn có sắc thái vui đùa chứa đựng ý tình sâu sắc, cảm động. Tú Xương mượn lời vợ tự trách mình và qua đó một lần nữa bộc lộ sự cảm thông với hoàn cảnh của bà. Đằng sau tiếng chửi ấy là bi kịch của một con người chất chứa bao phẫn uất, đau xót và tê tái, là nỗi hổ thẹn và tình thương yêu vô bờ… Ông tự chửi thói sĩ diện kiểu thầy đồ nghèo ăn bám vợ của mình, thói gia trưởng chỉ biết ngồi than vãn sự đời, phó mặc tất cả cho người phụ nữ, thực chất trở thành gánh nặng cho vợ cho con. Rõ ràng ở đây đã thể hiện sự thức nhận của một con người biết vượt lên khỏi cái hạn chế của tầng lớp và thời đại mình để cảm thông với những kiếp người quanh mình. Vì vậy lời chửi ấy không chỉ để dành trách mình mà còn để chửi đời, chửi cả cái xã hội lố lăng, giả dối đã sản sinh ra cái thứ chồng hờ hững… Chính cái xã hội thực dân nửa phong kiến ấy đã đẻ ra thói đời bạc bẽo, những kẻ hợm hĩnh sống trên lưng người khác, xã hội ấy đã đẩy một Trần Tế Xương tài hoa xuất chúng vào bước đường cùng, khiến người vợ vốn “ung dung, tính hạnh khoan hòa”, “con gái nhà dòng” của ông phải cực khổ, vất vả. Ý nghĩa tố cáo xã hội trở nên nổi bật ở câu kết bài thơ và man mác trong toàn bài, nóng hổi hơi thở thời đại. Lời chửi cuối bài thơ như càng khẳng định thêm tình cảm của ông Tú đối với bà Tú. Người chồng ấy tuy ăn bám vợ con nhưng thực chất không hề “ăn ở bạc”, không hề “hờ hững”, mà ngược lại dù bất lực trước hoàn cảnh nhưng vẫn luôn dõi theo, cảm thông, sẻ chia, biết ơn. Thương vợ mà cũng chính là thương hại cho chính bản thân mình. Bài thơ kết thúc thật độc đáo và bất ngờ, vừa thấm đẫm cái bi, cái bất hạnh, lại cay đắng cái hài hước, cái cười nuốt nước mắt vào trong. Bao nhiêu là cung bậc tình cảm của cuộc đời hiển hiện trong những câu thơ giản dị, khiêm nhường, tự nhiên ấy.
Dù vất vả nắng mưa nhưng bà Tú ấy vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc vì được sống giữa tình thương yêu, trìu mến, vì có một người chồng đầy nhân cách, hiểu mình, cảm thông nỗi vất vả của mình như ông Tú. Bà đã được cả nước biết đến qua bài thơ của ông, trở thành biểu tượng cho sự chắt chiu, chịu khó, hết lòng vì chồng con của người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh bà Tú vất vả, tảo tần với đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, chiếc nón cũ đội đầu, chiếc áo nâu chùng tứ thân bốn mùa không đổi, thoăn thoắt gấp gáp bước đi giữa không gian và thời gian vô định chính là hình ảnh của đất nước trong những tháng năm đói nghèo nô lệ.
——————– HẾT———————-
Trên đây là chi tiết phần bình luận bài thơ Thương vợ của Tú Xương hay, tuyển chọn trong danh sách các bài văn hay lớp 11. Ngoài ra, để có thêm nhiều kiến thức bổ ích, thú vị, các em cần tham khảo các bài mẫu khác như Phân tích bài thơ Chạy giặc, Phân tích truyện ngắn Chữ người tử tù, Phân tích Hạnh phúc của một tang gia, Phân tích bức tranh phố huyện trong Hai đứa trẻ,….
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp