Đề bài: Nghị luận về câu nói: Trước bộ óc vĩ đại tôi cúi đầu, trước trái tim vĩ đại tôi quỳ gối
Nghị luận về câu nói: Trước một trí tuệ vĩ đại, tôi cúi đầu…
Bạn đang xem: Nghị luận về câu nói: Trước một trí tuệ vĩ đại, tôi cúi đầu…
I. Dàn ý Nghị luận về câu nói: Trước một trí tuệ vĩ đại, tôi cúi đầu… (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu và đưa ra câu nói cùng tác giả, khẳng định tính đúng đắn của câu nói.
2. Thân bài
– Cắt nghĩa câu nói:
+ Giải thích: “bộ óc vĩ đại”, hình ảnh ẩn dụ cho những người có kiến thức uyên thâm, đồ sộ về một chuyên ngành.
+ “Trái tim vĩ đại”, một trái tim giàu tình yêu thương, bao dung, độ lượng.
=> Câu nói bộc lộ sự trân trọng và đề cao những trái tim nhân hậu, lòng thương người được trọng dụng hơn kiến thức…(Còn tiếp)
II. Bài văn mẫu Nghị luận về câu nói: Trước một trí tuệ vĩ đại, tôi cúi đầu…(Chuẩn)
W. Got, một nhà văn vĩ đại của Đức từng nói:” Trước bộ óc vĩ đại tôi cúi đầu, trước trái tim vĩ đại tôi quỳ gối”. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, câu nói vẫn khiến cho người nghe phải lặng mình suy ngẫm về giá trị tinh thần trong xã hội vốn đã quá nhiều cạnh tranh, đấu đá.
“Bộ óc” là biểu tượng của kiến thức, của trí tuệ con người, “bộc óc vĩ đại” muốn nói những người có kiến thức uyên thâm, đồ sộ về một chuyên ngành, lĩnh vực nào đó của cuộc sống. “Trái tim vĩ đại”, một trái tim bao dung, độ lượng, một con người sống nhân hậu, bác ái, giàu tình thương. Đối với những người chuyên sâu về kiến thức, tác giả cảm thấy nể phục, kính trọng bằng các “cúi đầu”, còn những người sống bằng tình người bao la và tấm chân tình, sự coi trọng được thể hiện bằng cấp bậc cao nhất – quỳ gối. Câu nói bộc lộ sự trân trọng và đề cao những người có tấm lòng thiện lương, một trái tim ấm áp, biết quan tâm, chia sẻ. Trong thực tế cuộc sống, một người có trái tim nhân hậu, sự đồng cảm, đối với người khác bằng tình cảm chân thành sẽ được nể trọng hơn những người chỉ có hiểu biết về kiến thức sách vở.
Với xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa như ngày nay, trí tuệ là thước đo chuẩn mực để đánh giá một con người, định hình vị trí của người đó trong xã hội. Người có học sẽ có tương lai tươi sáng, rộng mở, dễ thành công trong sự nghiệp. Kiến thức uyên bác cũng là yếu tố quyết định tư tưởng và đẳng cấp của mỗi cá nhân. Người hiểu biết thường sống ngay thẳng, đĩnh đạc, không ngừng cố gắng cải tạo bản thân và cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước lớn mạnh, vững vàng. Một doanh nhân có hiểu biết sâu rộng về thị trường kinh tế sẽ biết cách đầu tư đúng đắn, nâng tầm giá trị doanh nghiệp trong nước và chất lượng cuộc sống người lao động. Một chính trị gia kiệt xuất là cánh tay phải để cải tổ bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao đời sống người dân, bình ổn văn hóa, xã hội. Người có kiến thức bao quát, toàn diện thường sẽ có tư tưởng tiến bộ, hợp thời, là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ trẻ nói riêng và công dân toàn cầu nói chung noi theo và phấn đấu.
Tuy vậy, cái đáng giá hơn cả vẫn là trái tim, là tấm lòng của con người. Một con người biết đồng cảm, biết sẻ chia, có thể nghèo về vật chất nhưng sẽ luôn được yêu quý, luôn được sống bình yên, vui vẻ. “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”, tấm lòng nhỏ nhoi đôi khi chỉ là một ly nước mát cho bác lao công giữa trưa hè oi ả, một chút tiền lẻ cho cô gái bán hàng rong cuối phố. Những trái tim vĩ đại có thể là cậu sinh viên ngày đi học, tối đi làm nhưng sẵn sàng nhận nuôi những chú mèo con bị bỏ rơi bên vệ đường, là những bữa cơm từ thiện dành cho người nghèo trước cổng bệnh viện mỗi trưa hè oi ả, là những mái trường được cất lên bởi sự quyên góp từ những nhà hảo tâm,… Loài người khác máy móc, công cụ, robot ở hơi ấm trái tim, chỉ có con người với con người mới có sự đùm bọc, lòng trắc ẩn và tình yêu thương nồng cháy. Trí tuệ có thể đo bằng chứng chỉ, bằng cấp, của cải có thể đo bằng số dư trong tài khoản ngân hàng, nhưng tình người giữa những trái tim đang đập thì không thể nào đong đếm nổi. Những người có trái tim vị đãi xứng đáng được sống trong tình yêu thương từ mọi người xung quanh, dù có nghèo khó hay vất vả, nhưng tự trong tâm họ cảm thấy, mình là người giàu nhất thế gian.
Như vậy, bộ óc và trái tim phải đồng thời song hành bổ trợ cho nhau thì con người mới được coi là toàn diện. Người ta có thể không có tiền, nhưng nhất định phải có tình thương. Người xưa từng nói, “chữ tâm kia bằng ba chữ tài”, phải có đức thì mới làm nên chuyện lớn, phải có tình người và sống với trái tim biết yêu thương thì mới có thể trở thành người lương thiện. Tình thương là nền tảng cốt lõi của giá trị con người, là yếu tố phân biệt loài người và máy móc. Con người đối xử với nhau bằng tình cảm, bằng trái tim sẽ khiến cuộc sống thêm nhẹ nhàng, dễ chịu và tràn ngập màu hồng. Chính vì thế, dù trong thời đại nào, những người có trái tim vĩ đại vẫn luôn được coi trọng và được nhiều người kính nể.
Một sự thật đáng buồn rằng, những trái tim vĩ đại đang ngày càng ít đi trong cuộc sống vội vã, xô bồ. Hòa cùng với guồng quay bất tận của thời gian, con người ngày càng trở nên khô khan, xa lánh với chính những người thân thiết xung quanh mình. Cha mẹ bận rộn với công việc, kiếm thật nhiều tiền để bù đắp cho con nhưng không nghĩ rằng cái con cần chính là tình cảm gia đình. Ngoài ra, còn có những cá nhân cậy bản thân hơn người, có hiểu biết mà tỏ ra ngạo mạn, coi thường người khác. Chính trong những hoàn cảnh như vậy, chỉ có những trái tim vĩ đại mới có thể thay đổi, giác ngộ họ, cho họ tình yêu thương, sưởi ấm tâm hồn cằn khô và dần khiến họ nhận ra được tầm quan trọng của giá trị cảm xúc. Tiền bạc không mua được hạnh phúc, người thông minh có thể thành công nhưng không chắc sẽ được sống trong yên bình, vui vẻ. Yêu thương, vị tha, chan hòa luôn là từ khóa của nụ cười hạnh phúc dù ở bất kì thời đại nào, bất kì quốc gia nào.
Là thế hệ trẻ, là tương lai của đất nước, là thế giới ngày mai, bên cạnh việc học tập trau dồi kiến thức và luyện rèn bản thân, mỗi chúng ta không được quên bồi đắp cảm xúc tinh thần, yêu thương cha mẹ, bạn bè, thầy cô, đồng cảm với những số phận bất hạnh, góp chút công sức nhỏ bé để tô điểm thêm cho cuộc đời những màu sắc tươi sáng. Một trái tim vĩ đại không nhất thiết phải làm những điều lớn lao mà là từ những điều nhỏ nhặt nhất, trái tim vĩ đại cũng muốn làm để mang lại niềm vui cho cuộc đời.
————————HẾT———————-
Sau khi hoàn thiện bài Nghị luận về câu nói: Trước bộ óc vĩ đại tôi cúi đầu, trước trái tim vĩ đại tôi quỳ gối, các em có thể củng cố kĩ năng viết bài nghị luận của mình qua việc luyện tập với các đề bài: Nghị luận về câu nói Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị, Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào, Nghị luận về câu nói: Tình yêu là niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc, Nghị luận về câu nói: Con người sống cần phải biết ước mơ.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp