Phân tích bài thơ Thu điếu để chứng minh: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam

0
152
Rate this post

Đề bài: Phân tích bài thơ Thu điếu để chứng minh: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam

phan tich bai tho thu dieu de chung minh nguyen khuyen la nha tho cua lang canh viet nam

Phân tích bài thơ Thu điếu để chứng minh: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam

Bạn đang xem: Phân tích bài thơ Thu điếu để chứng minh: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam

 

I. Dàn ý Phân tích bài thơ Thu điếu để chứng minh: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến.

2. Thân bài

– Cảnh thu ở làng quê được tác giả nhìn nhận từ những gì gần gũi nhất:
+ Ao thu
+ Sóng biếc
+ Lá vàng
+ Tầng mây
+ Ngõ trúc

– Cảnh vật mang sắc thái dịu nhẹ và có đặc trưng riêng của mùa thu làng quê:
+ Màu sắc: Trong veo, xanh ngắt, xanh biếc
+ Đường nét: Hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, lơ lửng…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bài thơ Thu điếu để chứng minh: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Thu điếu để chứng minh: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam (Chuẩn)

Nếu mùa thu trong thơ hiện đại có mùi thơm của hương ổi “phả vào trong gió se” (Hữu Thỉnh), có “gió thổi mùa thu hương cốm mới” (Nguyễn Đình Thi) thì trong thơ trung đại có một mùa thu yên ả nhưng lại phảng phất nỗi buồn. Đó là mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến. Cùng với “Thu vịnh” và “Thu ẩm”, “Thu điếu” đã đưa Nguyễn Khuyến trở thành “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu).

Mùa thu như một người thiếu nữ dịu dàng, e ấp gõ cửa nhà thơ một cách tự nhiên và thân thuộc nhất. Nguyễn Khuyến cảm nhận mùa thu bằng con mắt thật tinh tế:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Mùa thu bắt đầu với làn gió heo may khiến con người có cảm giác se lạnh. Phải chăng vì thế mà tác giả cảm nhận được sự lạnh lẽo của ao thu ở miền quê Bắc Bộ? Ao thu “trong veo” khiến chúng ta dường như nhìn thấu được mình qua làn nước. Trong khung cảnh yên bình đó, chiếc thuyền câu trở thành điểm nhấn cho ao thu. Nhưng điểm chấm phá ấy không đủ sức mạnh để làm thay đổi sự tĩnh lặng vốn có của không gian vì chiếc thuyền câu quá nhỏ bé. Nó “bé tẻo teo”, bé đến mức không đáng kể để nhắc tới hay trông thấy. Hai câu thơ mở đầu đã sử dụng vần chân “eo” có tác dụng làm cho bức tranh mùa thu như thu hẹp, nhỏ bé lại.

Sẽ thật là thiếu sót nếu nhắc tới ao thu mà không nhắc tới làn sóng và những chú cá trú ngụ dưới mặt nước:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”.

Ở đây có sự chuyển động của sóng nhưng sóng cũng chỉ “hơi gợn tí”, có sự chuyển động của lá nhưng cũng chỉ là “khẽ đưa vèo”. Bạn đọc có thể mường tượng ra những làn sóng lăn tăn một cách quá đỗi nhẹ nhàng trên mặt ao và những chiếc lá vàng buồn bã vì phải nói lời chào tạm biệt với cành cây để theo làn gió cuốn đi về một nơi chốn khác. Bức tranh mùa thu đã yên tĩnh lại càng trở nên vắng lặng hơn khi không có một sự chuyển động nào đủ khiến cho con người cảm nhận được sự thay đổi một cách rõ rệt nhất.

Ở hai câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã hướng tầm mắt của mình lên bầu trời cao rộng để đón nhận trời thu:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Nếu nước ao thu “trong veo” thì bầu trời thu “xanh ngắt”. Tầng mây lửng lơ trôi nhẹ trên không như dùng dằng, tiếc nuối điều gì. Không gian tĩnh mịch lại càng trở nên vắng vẻ hơn khi ngõ trúc đã quanh co lại không có khách qua lại. Cảnh vật yên ả, dịu nhẹ nhưng phảng phất nỗi buồn. Bức tranh thu ở làng quê ấy chỉ có sự xuất hiện của một nhân vật duy nhất. Đó là tác giả – một ông lão đang lặng lẽ buông cần:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Việc câu cá cũng cần sự kiên nhẫn, chờ đợi như việc thay đổi thời thế. Phải chăng nhà thơ đang chờ đợi một sự đổi thay của thời thế để những con người có tài đức như ông có thể đóng góp tài năng, sức lực cho đời? Có lẽ cả bài thơ đến đây chúng ta mới nghe thấy được tiếng động rõ rệt nhất. Tiếng “đớp động” của cá dưới ao thu đã làm cho trạng thái cảnh vật chuyển từ tĩnh sang động. Đó là giây phút chợt tỉnh đầy mơ hồ vì có lẽ chủ thể còn đang phân vân tiếng động mình nghe thấy có phải là tiếng cá hay không. Phải ở trong một không gian tĩnh lặng lắm thì tác giả mới có thể nghe được âm thanh ấy. Thủ pháp lấy động tả tĩnh được ông sử dụng vô cùng triệt để. Tiếng cá đớp động dù có nghe thấy nhưng cũng không mang lại sự thay đổi to lớn cho toàn bộ không gian. Ông “tựa gối ôm cần” nhưng câu cá không phải là mục đích chính. Nguyễn Khuyến mượn hành động câu cá để bộc lộ, gửi gắm những nỗi niềm, tâm tư của mình về thời thế.

Tuy nhan đề bài thơ là “Thu điếu” nhưng mục đích chính của nhà thơ là mượn việc ngồi câu cá để cảm nhận cảnh thu một cách trọn vẹn nhất và đây cũng là cơ hội để ông bộc lộ nỗi lòng mình. Chuyện câu cá thực ra cũng chỉ là cái cớ để tác giả bày tỏ lòng yêu thiên nhiên, yêu mảnh đất Yên Đổ mà ông đã cáo quan lui về ở ẩn. Trong hoàn cảnh các phong trào yêu nước của nhân dân ta bị dập tắt, chí lớn của ông không thể thực hiện được nên ông đã cáo quan về quê dạy học. Chính tại nơi đây, Nguyễn Khuyến đã mở lòng để đón nhận phong cảnh mùa thu và gửi gắm chút tình thu của mình.

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật sử dụng cách gieo vần độc đáo đã thể hiện được một không gian thu tĩnh lặng. Đồng thời bút pháp tả cảnh ngụ tình cũng giúp nhà thơ bộc lộ lòng yêu nước thầm kín. Nguyễn Khuyến quả thực rất xứng đáng khi được mệnh danh là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” khi ông nhìn nhận mùa thu từ những gì gần gũi, thân thuộc nhất.

———————-HẾT———————–

Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ của làng cảnh, của nông thôn Việt Nam. Cùng đi chứng minh nhận định này, bên cạnh bài Phân tích bài thơ Thu điếu để chứng minh: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam được tuyển chọn trong những bài văn hay lớp 11, các em có thể tham khảo thêm một số bài viết đặc sắc khác như: Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến qua bài thơ Câu cá mùa thu, Bình bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu) của Nguyễn Khuyến, Phân tích tâm trạng Nguyễn Khuyến qua Thu điếu, Phân tích hình ảnh mùa thu trong 3 bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-bai-tho-thu-dieu-de-chung-minh-nguyen-khuyen-la-nha-tho-cua-lang-canh-viet-nam/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp