Cảm nhận về cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn

0
117
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận về cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn

cam nhan ve cuoc song va nhan cach cua nguyen binh khiem qua bai tho nhan

Cảm nhận về cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn
 

Bạn đang xem: Cảm nhận về cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn

I. Dàn ý Cảm nhận về cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

2. Thân bài

– Cuộc sống được Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện qua bài thơ là cuộc sống giản dị, đạm bạc:
+ Ông giống như một lão nông sống cuộc sống tự cung tự cấp với các dụng cụ mai, cuốc, cần câu.
+ Dù cho mọi người xung quanh có những thú vui khác thì ông vẫn kiên định với lối sống của mình.
+ Những bữa ăn đạm bạc với măng trúc, giá đỗ và nếp sinh hoạt nhịp nhàng của bốn mùa xuân – hạ – thu – đông…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận về cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn (Chuẩn)

Để “lánh đục về trong”, rời xa chốn quan trường rối ren, tham tàn, các nhà nho xưa thường chọn cho mình cuộc sống ẩn dật. Bên cạnh Nguyễn Trãi và Nguyễn Khuyến…, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một trong số những nhà nho nổi tiếng với lối sống thoát tục này. Bài thơ “Nhàn” đã thể hiện được cuộc sống đạm bạc và nhân cách cao quý của Bạch Vân Cư Sĩ.

Khác với cuộc sống lúc làm quan trong triều đình, cuộc sống khi về ở ẩn của Nguyễn Bỉnh Khiêm thật giản dị:

“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

Chỉ với hai dòng thơ trên, bạn đọc có thể hình dung ra được một lão ông đang ung dung, thảnh thơi với cuộc sống của mình. “Mai” là dụng cụ lao động được con người sử dụng vào công việc đào đất, đào giếng. “Cuốc” dùng để lật xới đất, làm tơi xốp đất. Nhờ có cuốc mà những người nông dân có thể trồng rau, lúa, ngô, khoai, sắn phục vụ cho đời sống. Cần câu dùng để câu cá, cải thiện bữa ăn hàng ngày hoặc cũng có thể đó là một thú vui tao nhã của nhà thơ nhằm mục đích thư giãn. Mai, cuốc, cần câu đều là những vật dụng không thể thiếu của nhà nông và dường như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trở thành một lão nông dân thực thụ khi có những vật dụng ấy trong tay. Tuy mỗi loại chỉ có “một” nhưng đối với nhà thơ thì bấy nhiêu đó cũng đủ khiến ông hài lòng. Từ láy “thơ thẩn” bộc lộ sự ung dung tự tại, hài lòng với cuộc sống tự cung tự cấp ở hiện tại. Dù cho biết bao con người ngoài kia có “vui thú nào” thì ông vẫn một lòng kiên định với lối sống ấy. Ông tự lao động để tạo ra thành quả, không phụ thuộc vào bất kì ai và không có ai lay chuyển được mình. Một cuộc sống như vậy chẳng phải là rất “nhàn” hay sao?

Bữa ăn hàng ngày của ông cũng rất đạm bạc, dung dị:

“Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

Mùa nào thức ấy, mùa thu có măng trúc, mùa đông có giá đỗ. Mùa xuân có hồ sen để tắm, mùa hạ thì tắm ao. Nhịp sinh hoạt của bốn mùa xuân – hạ – thu – đông cứ tiếp nối và xoay tròn như vậy. Nhịp thơ nhịp nhàng diễn tả sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Con người trở nên thanh cao hơn nhờ sự hòa hợp này. Măng, giá không phải là những món cao lương mĩ vị, nó chỉ là sản vật bình thường mà bất cứ nơi núi rừng nào cũng có. Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề cảm thấy thực tại thiếu thốn hay khổ cực mà ngược lại, ông vui thú với cuộc sống giống như một lão nông của mình.

Không chỉ thể hiện cuộc sống giản dị, đạm bạc, bài thơ “Nhàn” còn thể hiện sự thanh cao trong nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”

Sự đối lập giữa “ta”- “người”, “dại” – “khôn”, “nơi vắng vẻ” – “chốn lao xao” đã cho người đời thấy được quan niệm về cuộc sống của tác giả. “Nơi vắng vẻ” là nơi thoát tục, bình yên, không vướng bận đến chuyện triều chính chốn quan trường. “Chốn lao xao” là chốn quan trường thị phi, nơi mà con người có thể lọc lừa, chèn ép, giẫm đạp lên nhau vì lợi ích cá nhân. Nơi đó có những con người tranh giành nhau danh lợi, tranh giành nhau chức quyền. “Ta dại” ta tìm chốn yên bình để sống một cuộc đời trong sạch, không lo toan, bon chen với người đời. Tác giả tự nhận mình là kẻ ngu dại để nhường cho người đời cái “khôn” nhưng thực chất đó là cái dại của con người có bản lĩnh, tài năng, đức độ. Đó là cái dại của con người nhìn thấu được thời cuộc. Thành ngữ cổ có câu “Đại trí nhược ngu” được hiểu là “kẻ tài trí giả như ngu dốt”. Họ thường không bộc, khoe khoang sự tài giỏi của mình mà luôn khiêm nhường. Cách nói “ta dại” – “người khôn” là cách nói hóm hỉnh đồng thời cũng pha chút mỉa mai bởi “ta dại” nhưng đó là cái dại của người khôn còn cái khôn của người thực chất lại là cái dại. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm đến nơi vắng vẻ với tâm thế chủ động để tránh xa danh lợi tầm thường, tránh xa những thứ làm ảnh hưởng đến nhân cách của con người. Có ai đảm bảo được rằng chốn quan trường sẽ không có sự đua chen, giành giật hay các thủ đoạn nhẫn tâm để giành lấy lợi ích, danh tiếng về mình? Có ai đảm bảo được rằng nơi ấy sẽ không có sự đấu đá lẫn nhau giữa các thế lực? Tác giả lựa chọn nơi vắng vẻ để được nhàn tâm và nhàn thân chẳng phải là một sự lựa chọn khôn ngoan hay sao?

Ông cho rằng phú quý tựa như một giấc mơ mà chúng ta không thể chìm đắm mãi được:

“Rượu, đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.

Danh lợi, địa vị, chức quyền chỉ là những thứ phù du và con người cần phải tỉnh táo để không bị nó cám dỗ. Men say nồng của rượu có thể làm cho con người mất tỉnh táo nhưng không vì thế mà Tuyết Giang Phu Tử bị đánh lừa. Dưới tán cây mát mẻ của chốn thôn quê dân dã ông cũng thưởng thức vị ngon của rượu và ông cũng nhận ra phú quý, lợi danh chỉ là một giấc chiêm bao có thể biến mất bất cứ lúc nào. Nhân cách của ông trở nên cao đẹp hơn khi ông không chỉ nghĩ cho riêng mình mà ông còn nghĩ cho nhiều người khác. Ông cảnh tỉnh người đời bằng hai chữ “nhìn xem” rất dứt khoát. Chúng ta hãy nhìn nhận, xem xét thật kĩ càng để có một cuộc đời trong sạch, ý nghĩa vì suy cho cùng giá trị mỗi con người do nhân cách, lối sống quyết định chứ không phải do của cải hay danh lợi. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thể hiện rõ thái độ coi thường danh lợi và khẳng định sự đúng đắn trong lựa chọn của chính mình. Chẳng vậy mà trong bài “Ngụ hứng” ông đã viết:

“Cao khiết thùy vi thiên hạ sĩ?
An nhàn ngã thị điện trung tiên!”

(Cao khiết, ai là kẻ sĩ trong thiên hạ?
An nhàn, ta là tiên trong đời!)

Với cuộc sống vừa nhàn thân lại vừa nhàn tâm ấy, tác giả tự nhận mình là tiên khách. Ông tìm thấy sự thanh nhàn trong cuộc đời ẩn dật và luôn tự hào về cuộc sống mà bản thân đã chọn.

Có thể nói, bài thơ “Nhàn” đã làm nổi bật cuộc sống thoát tục, hòa hợp với thiên nhiên đất trời và nhân cách cao khiết của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có lẽ vì điều đó mà bài thơ vẫn tồn tại cùng dòng chảy của văn học suốt hơn bốn thế kỉ đến nay.

——————–HẾT———————

Cùng với bài Cảm nhận về cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn, các em có thể tham khảo thêm: Sơ đồ tư duy bài thơ Nhàn, Triết lí nhân sinh trong bài thơ Nhàn, Cái nhàn của người cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn, Bình giảng bài thơ Nhàn để có thêm những hiểu biết về tác phẩm.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-cuoc-song-va-nhan-cach-cua-nguyen-binh-khiem-qua-bai-tho-nhan/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp