Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác

0
153
Rate this post

Đề bài: Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác

binh giang bai tho vieng lang bac

Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác

Bạn đang xem: Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác

I. Dàn ý Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác

1. Mở bài

* Dẫn dắt vào bài:
– Trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả dân tộc đã không khỏi bàng hoàng, đau xót.
– Viễn Phương đã viết nên tác phẩm “Viếng lăng Bác” bằng tất cả sự trân trọng, biết ơn và thương nhớ.

2. Thân bài

* Hoàn cảnh ra đời
– Sáng tác vào năm 1976, khi nhà thơ được đại diện là một trong những người con miền Nam đầu tiên ra thăm Bác.
– Bài thơ đã được in trong tập “Như mây” và xuất bản năm 1978.
* Phân tích
– Khung cảnh lăng Bác được miêu tả qua niềm xúc động của nhà thơ:
+ Cách xưng hô “con – bác” → cảm giác gần gũi, thân quen đồng thời nó cũng giống như một lời kể, một lời tâm tình nhẹ nhàng.
+ “Hàng tre xanh xanh” → sức sống, sự tươi mát.
+ “Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng” → ý chí quật cường của dân tộc ta.

– Hòa cùng dòng người vào lăng, Viễn Phương bắt đầu hướng trái tim, sự trân trọng của mình về vị cha già kính yêu của dân tộc:
+ So sánh Bác giống như vầng mặt trời → Bác giống như ánh sáng, soi đường chỉ lối giúp cho dân tộc ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ, có một cuộc sống tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay.
+ Hình ảnh “ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ” → Dòng chảy không ngừng của thời gian và sự thương tiếc vô bờ của tác giả.
+ Hình ảnh “tràng hoa” → Đoạn thơ càng trở nên thiêng liêng, xúc động.
+ “Bảy mươi chín mùa xuân” → Bảy mươi chín năm cuộc đời Bác đã hy sinh vì đất nước, đã cống hiến cho cả dân tộc.
– Khi vào trong lăng nhà thơ đã không khỏi nghẹn ngào, xúc động:
+ “Vầng trăng sáng dịu hiền”  chính là nguồn ánh sáng nhẹ nhàng, vàng dịu phủ khắp căn phòng nơi Bác nằm → Tâm hồn cao quý, trong sáng tựa như ánh trăng của Bác.
+ Ẩn dụ “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim” → Hình ảnh Bác luôn sống mãi trong tâm trí của toàn thể nhân dân Việt Nam nhưng điều đó càng khiến ta thêm đau xót trước sự ra đi của Người.

– Cảm xúc nhớ thương, đau xót đó đã không thể kìm nén được khiến nhà thơ phải cất lên thành lời:
+ Tình thương, nỗi nhớ khiến nhà thơ muốn “làm con chim hót”, được “làm đóa hoa” tỏa ngát hương thơm, được làm rặng tre để mãi được ở bên Bác.

3. Kết bài

 Khẳng định lại giá trị của bài thơ.

 

II. Bài văn mẫu Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác

1. Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác, mẫu số 1: (Chuẩn)

Trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả dân tộc đã không khỏi bàng hoàng, đau xót. Bằng tất cả tình yêu, sự kính trọng và xót xa khôn nguôi, Viễn Phương đã viết nên bài thơ Viếng lăng Bác.

Bài thơ được sáng tác vào năm 1976, khi nhà thơ được đại diện là một trong những người con miền Nam đầu tiên ra thăm Bác. Sau này bài thơ đã được in trong tập “Như mây” và xuất bản năm 1978.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh lăng Bác được miêu tả qua niềm xúc động của nhà thơ:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.”

Cách xưng hô “con – Bác” đem đến cho người đọc cảm giác gần gũi, thân quen đồng thời nó cũng giống như một lời kể, một lời tâm tình nhẹ nhàng. Điều đáng chú ý sau đó là hình ảnh hàng tre được tác giả nhìn thấy, cảm nhận và miêu tả khi đến lăng Bác. Có phải ngẫu nhiên mà bên cạnh bao nhiêu hình ảnh khác Viễn Phương lại chỉ chọn và miêu tả hang tre xanh? Như chúng ta đều biết, từ lâu nay tre vốn là biểu tượng của dân tộc Việt Nam. “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh…”, tre tham gia vào chiến đấu, có mặt trong lao động sản xuất, tre là bóng mát những buổi trưa hè, tre kiên cường bền bỉ. Nếu “hàng tre xanh xanh” gợi sức sống, sự tươi mát thì “bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng” lại gợi lên ý chí quật cường của dân tộc ta. 

Hòa cùng dòng người vào lăng, Viễn Phương bắt đầu chuyển tâm hồn mình về vị cha già kính yêu của dân tộc:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.

bai binh giang vieng lang bac

Những bài Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất

Trong hai câu thơ đầu xuất hiện một sự sóng đôi rất thú vị. Tả thực ngày ngày mặt trời đi qua lăng Bác cùng so sánh Bác giống như vầng mặt trời ẩn chứa ngụ ý rằng Bác giống như ánh sáng, soi đường chỉ lối giúp cho dân tộc ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ, có một cuộc sống tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay. Đặc biệt hơn sự so sánh này còn thể hiện được tầm vóc lớn lao, vĩ đại của Bác. Hình ảnh của Người đã sánh ngang với những gì đẹp đẽ nhất, kỳ vĩ nhất của tạo hóa. Điều này đã thể hiện được sự kính trọng cùng tấm long biết ơn sâu sắc mà nhà thơ dành cho Bác. Tiếp đến là hình ảnh “ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ” vừa thể hiện dòng chảy không ngừng của thời gian vừa thể hiện sự thương tiếc vô bờ của tác giả. Hình ảnh này cũng khẳng định được rằng cả dân tộc Việt Nam luôn nhớ đến Người, luôn hướng về Người bằng tất cả tình yêu thương vô bờ. Hình ảnh “tràng hoa” xuất hiện cùng dòng người đã khiến cho đoạn thơ càng trở nên thiêng liêng, xúc động. “Bảy mươi chín mùa xuân” ở đây ý chỉ bảy mươi chín năm cuộc đời Bác đã hy sinh vì đất nước, đã cống hiến cho cả dân tộc và chúng ta luôn biết ơn vì điều đó. 

Với tất cả tình cảm đó, khi vào trong lăng nhà thơ đã không khỏi nghẹn ngào, xúc động:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yê
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền,
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi,
Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Khung cảnh im ắng cùng dáng vẻ thư thái của Bác trong lăng đã được Viễn Phương tái hiện một cách rất chân thực. “Vầng trăng sáng dịu hiền” mà tác giả nói đến ở đây thật ra chính là nguồn ánh sáng nhẹ nhàng, vàng dịu phủ khắp căn phòng nơi Bác nằm. Thế nhưng hình ảnh này không chỉ đơn thuần là gợi ánh đèn mà nó còn để chỉ tâm hồn cao quý, trong sáng tựa như ánh trăng của Bác. Ẩn dụ “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim” là một lời khẳng định hình ảnh Bác luôn sống mãi trong tâm trí của toàn thể nhân dân Việt Nam nhưng điều đó càng khiến ta thêm đau xót trước sự ra đi của Người. 

Cuối cùng tất cả cảm xúc nhớ thương, đau xót đó đã không thể kìm nén được khiến nhà thơ phải cất lên thành lời:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”

Thời gian bên Bác dường như là quá ngắn ngủi và nó chẳng thể nào thỏa hết nỗi nhớ mong của nhà thơ. Chính niềm xót thương ấy đã khiến nhà thơ có những ước muốn thật giản dị được “làm con chim hót”, được “làm đóa hoa” tỏa ngát hương thơm, được làm rặng tre để mãi được ở bên Bác. 

Có thể thấy, bằng những hình ảnh giản dị cùng việc kết hợp khéo léo các biện pháp tu từ ta không chỉ thấy được hình ảnh Bác hiện ra thật đẹp mà còn thấy được tất cả tình yêu thương, long biết ơn mà nhà thơ dành cho Bác. Bài thơ như một lời khẳng định rằng Bác sẽ luôn sống mãi trong trái tim của mọi người dân Việt Nam. 
 

2. Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác, mẫu số 2:

Ngày 2/9/1969, cả dân tộc Việt Nam bàng hoàng trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị cha già kính yêu, vị lãnh tụ xuất sắc, người đã hi sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc, thành lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cả nhân dân đã khóc thương cho sự mất mát quá đỗi lớn lao này, dù cho là những thế hệ sinh sau đẻ muộn nhưng mỗi lần nghe về sự kiện này lòng tôi lại cảm thấy đau xót, ước mong sao Bác được sống muôn đời với con dân Việt Nam. Và có lẽ cùng chung tâm trạng đó, nhà thơ Viễn Phương đã viết nên bài thơ Viếng lăng Bác với những cảm xúc nghẹn ngào, tiếc thương khi được đứng trước nơi Bác hiện đang yên giấc ngàn thu.

Viễn Phương là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong lực lượng giải phóng miền Nam, thơ của ông chủ yếu tập trung khai thác về đề tài những con người trong kháng chiến, ca ngợi vẻ đẹp của nhân dân, của đất nước trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và gìn giữ hòa bình cho Tổ quốc. Viễn Phương có một chất thơ giản dị, trong sáng, lời thơ như đang tâm sự, thì thầm rất lãng mạn và giàu cảm xúc.

Bài thơ Viếng lăng Bác được viết vào năm 1976, khi nhà thơ vinh dụ được là một trong những đứa con miền Nam đầu tiên ra thăm viếng Lăng Bác. Tại đây, với lòng kính yêu Bác sâu sắc cùng với sự đau xót, lòng tiếc thương khi đứng trước lăng Người, Viễn Phương đã viết nên bài thơ với sự xúc động và nghẹn ngào không nói thành lời đành gửi cả vào thơ. Bài thơ được in trong tập thơ Như mây mùa xuân xuất bản năm 1978.

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.”

Ngay từ câu thơ đầu, tác giả đã đem vào sự trầm lắng, câu thơ “Con ở miền Nam ra thăn lăng Bác”, tựa như một lời kể, một lời tâm tình ẩn ẩn nỗi buồn. Với cách xưng hô quen thuộc đậm chất miền Nam “Con-Bác”, ta nhận thấy sự gần gũi, thân thương, như những cảm xúc mà tác giả dành cho một người thân ruột thịt, một người bề trên mà nhà thơ hằng kính trọng trong nhà.

binh giang vieng lang bac cua nha tho vien phuong

Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác, văn mẫu tuyển chọn

Đáng chú ý hơn cả đó là hình ảnh đầu tiên tác giả thấy và xây dựng ấy là “hàng tre bát ngát” mờ sương, có sương có nghĩa là tác giả đã đứng đây từ sớm để đợi vào viếng Bác. Hình ảnh hàng tre đem đến cho độc giả nhiều suy nghĩ, nếu theo nghĩa tả thực thì hàng tre ấy cũng giống như những thứ cây khác tạo nên quang cảnh đẹp đẽ, xanh tươi đầy sức sống quanh lăng. Nhưng xét về góc độ sâu xa hơn thì tre là hình ảnh đại diện cho làng quê Việt Nam, vừa mộc mạc lại đơn sơ gần gũi, từ bao đời nay tre đã làm bạn với con người, tre làm nhà, làm vật dụng, tre cũng góp sức trong lao động sản xuất, măng tre cũng là thứ thức ăn ngon, rồi trong chiến đấu tre lại làm chông đánh giặc, tre bền bỉ kiên cường, mà làng quê nơi đâu ta cũng thấy những bụi tre đung đưa theo chiều gió hiu hiu thổi. Hình ảnh “hàng tre xanh xanh”, khơi gợi lên một Việt Nam tràn đầy sức sống, xanh tươi, mà dù có bao “bão táp mưa sa” vẫn “đứng thẳng hàng”, bởi tre xanh là biểu tượng cho người dân Việt Nam, hàng ngàn năm nay nhân dân ta đã biết bao lần chống giặc ngoại xâm, rồi biết bao lần chống lại thiên tai, bão lũ, nhưng có bao giờ thấy dân tộc ta chịu khuất phục. Người Việt Nam cứ như những hàng tre xanh, hiên ngang lẫm liệt, chống lại tất cả những gì ghê gớm nhất quét qua quê hương, qua đất nước, kiên cường vững vàng. Chẳng thế mà tre xanh ta vẫn mọc khắp làng quê Việt Nam tựa như từng người dân ta đang canh giữ từng mảnh đất quê hương. Hơn thế nữa, hình ảnh hàng tre bao quanh lăng Bác cũng tựa như những người con đất Việt đang quây quần, canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho Bác, thể hiện tấm lòng thương yêu với vị cha già kính yêu của dân tộc.

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

Viễn Phương đã sáng tác được một hình ảnh sóng đôi rất đặc sắc đó là hình ảnh tả thực “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng” là quy luật của tự nhiên, so sánh với “mặt trời trong lăng rất đỏ”, đó là hình ảnh ẩn dụ cho Bác Hồ. Điều này đã gợi lên nhiều ý nghĩa, trước hết hình ảnh sóng đôi này nhằm thể hiện ngụ ý của Viễn Phương rằng Bác là mặt trời chân lý đã soi sáng bước đường của dân tộc, giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, xiềng xích, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Ngoài ra, hình ảnh độc đáo này còn chứng minh tầm vóc vĩ đại của Hồ Chủ tịch, tầm vóc ấy không chỉ nằm trong khuôn khổ của loài người mà nó đã vượt ra cả vũ trụ sánh ngang với mặt trời của tạo hóa. Cả hai điều kể trên đều thể hiện một tình cảm hết sức tôn kính và biết ơn của tác giả cũng như của toàn dân tộc Việt Nam đối với Bác.

Cũng trong khổ thơ này hình ảnh “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ” lại cũng khơi gợi nhiều cảm xúc, diễn tả sự vô tận, không ngừng của thời gian, gợi nên tình cảm sâu sắc vô biên mà nhân dân dành cho Bác. Hình ảnh này còn mang giá trị tạo hình cho bài thơ, bởi gợi tả đến hình ảnh những đoàn người nối tiếp nhau không dứt vào lăng, tô đậm thêm cái tấm lòng kính yêu mà dân tộc dành cho Người, thứ tình cảm thủy chung, trước sau như một, không bao giờ đổi thay. Cụm từ “đi trong thương nhớ”, tô đậm nỗi nhớ nhung và tiếc thương sâu sắc, lớn lao của bao thế hệ con người Việt Nam trong cái giây phút vào lăng viếng Bác. Dòng người với hình ảnh “tràng hoa” là một hình ảnh thật đẹp, thật thiêng liêng, tràng hoa ấy là tràng hoa ân tình, là tràng hoa biết ơn mà nhân dân Việt Nam “dâng 79 mùa xuân”, bởi Bác đã hiến dâng cho đất nước trọn vẹn cả 79 năm cuộc đời, Bác không dành riêng cho mình thứ gì cả. Đây là một cách để nhà thơ khẳng định tình cảm của cả dân tộc dâng cho Bác và cũng cho thấy Bác sống mãi trong lòng dân tộc.

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Khi đứng trước di hài của Bác, Viễn Phương lại có những cảm xúc khác, ngoài lòng tiếc thương còn là lòng thương nhớ, là nỗi xót xa. Nhà thơ đã tái hiện rất chân thực quang cảnh im ắng và trang nghiêm bên trong lăng Bác và dáng vẻ thư thái của Người trong giấc ngủ ngàn thu. Ánh sáng vàng nhạt dịu nhẹ phủ lên di hài Bác được tác giả liên tưởng đến “vầng trăng sáng dịu hiền”, đây là một hình ảnh rất giàu sức gợi, thể hiện tâm hồn cao quý, dịu hiền, sáng trong tựa ánh trăng của Bác, để khi mất đi Bác vẫn tỏa ra vầng hào quang ấm áp, trong trẻo như một vầng trăng sáng. Câu “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/Mà sao nghe nhói ở trong tim”, Viễn Phương đã mang vào đây một ý nghĩa ẩn dụ, khẳng định rằng Bác Hồ mãi mãi sống trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, nhưng điều đó cũng không thể khiến ta quên đi sự thật rằng Bác đã ra đi mãi mãi ở cái tuổi 79, Bác sẽ mãi dừng ở đó, tất cả những gì còn lại đó là một tâm hồn, một nhân cách, một tư tưởng cao đẹp sẽ còn lưu lại ngàn thu của Bác. Đây là một nỗi đau đớn âm thầm trong trái tim toàn dân tộc Việt Nam mà không cách nào xóa bỏ hay rơi vào quên lãng, điều đó càng nhấn mạnh tấm lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị cha già dân tộc.

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”

Dù rất may mắn khi được là một trong những chiến sĩ miền Nam đầu tiên ra thăm lăng Bác, nhưng có lẽ đó vẫn là quá ngắn ngủi, chẳng thỏa được hết nỗi nhớ mong cùng tấm lòng xót thương mà Viễn Phương dành cho Bác Hồ kính yêu. Mai về miền Nam nhưng lòng tác gỉa vẫn chưa thôi niềm đau xót, thậm chí nỗi đau ấy còn trực “trào nước mắt”, xót xa lắm, buồn lắm, nhớ lắm. Viễn Phương mãi day dứt một nỗi niềm, biết đến khi nào mới có dịp lại ra thăm Bác. Chính vì những cảm xúc xót thương, day dứt và tiếc nuối ấy, nhà thơ mới có những ước muốn thật giản dị, là được làm “chú chim hót quanh lăng”, được làm “đóa hoa tỏa hương”, được làm “cây tre trung hiếu”. Đây là những khát khao xuất phát từ tấm lòng chân thành, yêu thương mà tác giả dành cho Bác, chỉ cần được ở bên cạnh Bác, canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho Bác thì có làm ngọn cây, ngọn cỏ cũng khiến Viễn Phương thỏa mãn lắm rồi.

Bài thơ Viếng lăng Bác đã được Viễn Phương viết cách đây hơn 40 năm nhưng cho đến ngày hôm nay giá trị của nó vẫn chưa từng thay đổi. Điều đó càng minh chứng cho tình cảm kính yêu, lòng biết ơn sâu sắc mà nhân dân Việt Nam ta dành cho Bác là vô hạn, không bao giờ có thể phai mờ. Bác sẽ mãi mãi sống trong tâm hồn người dân Việt như một mặt trời chân lý soi sáng bước đường tương lai của Tổ quốc, của dân tộc.

——————-HẾT——————-

Nhằm giúp các em học tốt, bên cạnh bài Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác, còn tuyển chọn và giới thiệu đến các em kho tài liệu tham khảo miễn phí chất lượng khác như: Phân tích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác, Cảm xúc bao trùm của tác giả và trình tự biểu hiện trong bài Viếng lăng Bác, Cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác, Bình luận bài thơ Viếng lăng Bác.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/binh-giang-bai-tho-vieng-lang-bac/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp