Nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế

0
100
Rate this post

Đề bài: Nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế

nghi luan ve loi ich cua viec di bo voi viec mo rong hieu biet thuc te

Nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế
 

Bạn đang xem: Nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế

I. Dàn ý nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế (Chuẩn)

a. Mở bài:

Giới thiệu vấn đề

b. Thân bài:

* Đi bộ là gì?
– Là hình thức vận động của con người để di chuyển từ nơi này đến nơi khác.
– Cách thức di chuyển là sử dụng đôi chân và không có các phương tiện hỗ trợ.

* Đi bộ giúp tăng cường sức khỏe:
– Giúp cơ thể con người linh hoạt, giảm thiểu mắc các bệnh mạn tính như thoái hoá, tiểu đường, tim mạch, … (Dẫn chứng)
–  Là một trong những phương pháp giảm căng thẳng, sảng khoái tinh thần…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế tại đây

 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế (Chuẩn)

1. Nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế, mẫu 1 (Chuẩn)

Từ thuở xa xưa, để di chuyển, con người dùng đôi chân của mình. Ngày nay, với sự ra đời của nhiều phát minh mới, hỗ trợ cho việc di chuyển, việc đi bộ càng trở nên hạn chế hơn bao giờ hết. Nhưng liệu di chuyển bằng các phương tiện có tốt hơn đi bộ hay chăng? Có ý kiến cho rằng đi bộ sẽ giúp chúng ta mở rộng vốn hiểu biết thực tế hơn việc di chuyển nhanh chóng bằng các phương tiện. Điều đó có đúng hay không?

Để hiểu rõ về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng vốn hiểu biết thực tế thì ta phải hiểu rõ, đi bộ là gì? Đi bộ là hình thức vận động của con người thông qua đôi chân. Bằng đôi chân của mình, con người di chuyển từ nơi này qua nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác mà không cần các phương tiện hiện đại hỗ trợ. Đi bộ giúp chúng ta tiêu tốn năng lượng của cơ thể, nâng cao sự dẻo dai cũng như đề kháng của cơ thể con người. 

Đầu tiên phải kể tới đó là đi bộ sẽ mang đến cho chúng ta lợi ích to lớn về sức khỏe. Sức khỏe là vốn quý báu nhất của con người và việc đi bộ thường xuyên giúp con người giảm thiểu cũng con người cải thiện sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa ung thư và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Việc đi bộ đều đặn hàng ngày giúp chúng ta tiêu hoá những năng lượng dư thừa trong cơ thể từ thức ăn, dinh dưỡng hàng ngày, tránh cho chúng ta những căn bệnh như tiểu đường, thoái hoá xương khớp, tim mạch, …Điều này được chứng minh qua nghiên cứu của trường đại học Leicester, việc đi bộ 20 phút mỗi ngày sẽ làm giảm 8% nguy cơ đau tim và đột quỵ, và 40 phút mỗi ngày sẽ giúp làm giảm đi nguy cơ bệnh tim mạch lên tới 18-20%.

Ngoài ra việc đi bộ vào buổi sáng sớm sẽ giúp lá phổi trong cơ thể của chúng ta được thanh lọc bởi bầu không khí trong lành, tăng nguồn oxy sạch lên não, cũng như vào tim, giúp chúng ta minh mẫn hơn, làm việc hiệu quả hơn. Có thể bạn chưa biết, đi bộ cũng như bơi, là một trong những cách thức làm giảm thiểu sự căng thẳng, áp lực sau giờ học cũng như sau những giờ làm việc đầy mệt mỏi. Theo một tạp chí chăm sóc sức khỏe toàn diện xuất bản năm 2006 chỉ ra rằng đi bộ mỗi ngày sẽ giúp con người thoải mái, giảm stress cũng như yêu đời hơn. Thông qua việc vận động đôi chân, chúng ta sẽ làm giảm những áp lực cuộc sống đang đè nặng lên tâm trí và có thể cân bằng lại cuộc sống của mình.

Một lợi ích khác của đi bộ đó là cảm giác tự do, tự tại, làm chủ cuộc sống của mình. Đây là lợi ích mà hiếm có người để ý, lưu tâm tới trong những lợi ích của việc đi bộ. Nhưng có lẽ đây là lợi ích to lớn nhất mà đi bộ mang lại, theo như Russo trong tác phẩm “đi bộ ngao du” đã từng nói “Đi bộ mang tới cho chúng ta cảm giác tự do, không phụ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ điều gì. Khi ta mệt, ta nghĩ, khi ta thích thì ta lại đi tiếp, không theo một quy trình hay một lời thúc giục nào cả”. Đó là lợi ích của đi bộ, nó làm ta cảm thấy được làm chủ chính cuộc đời của mình. 

Không chỉ mang tới những lợi ích về sức khỏe, đi bộ còn giúp chúng ta mở mang về vốn tri thức, hiểu biết thực tế nữa. Việc đi bộ sẽ giúp chúng ta rèn luyện thân thể, giúp chúng ta có được những quan sát kĩ càng mà khi di chuyển bằng các phương tiện khác không thể có được. Và từ những quan sát đó, chúng ta sẽ được khơi gợi trí tò mò, dẫn tới việc ham muốn được tìm hiểu sự vật hiện tượng đó một cách toàn diện nhất. Đó chính là lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng vốn hiểu biết. Ví dụ bạn đi bộ và bắt gặp một loài hoa rất đẹp, thế nhưng, bạn không biết tên loài hoa ấy, bạn vô cùng tò mò về chúng. Vậy là bạn ghi nhớ hình ảnh của loài hoa ấy và rồi khi về tới nhà, bạn tìm tòi, học hỏi trên các phương tiện thông tin, tìm hiểu để biết về loài hoa ấy. Đó là lúc bạn được mở rộng vốn hiểu biết thực tế của mình. Và hơn nữa, khi bạn cố gắng nhớ lại hình ảnh của loài hoa ấy, nó sẽ khắc sâu trong trí nhớ của bạn, để bạn ghi nhớ được những hình ảnh cũng như tri thức về loài hoa đó, để mỗi khi bắt gặp, bạn có thể kể tên nó ra cũng như những đặc tính của nó.

 Đi bộ, di chuyển chậm sẽ giúp chúng ta ghi nhớ mọi vật được dễ dàng hơn. Nhà văn Russo cũng đã nói trong tác phẩm “Đi bộ ngao du” của mình về lợi ích của việc đi bộ và mở rộng vốn hiểu biết thực tế. Ông viết “Đi bộ ngao du là đi như Ta-let, Platon và Pitago. Tôi khó lòng hiểu nổi một triết gia có thể quyết định ngao du cách khác mà không xem xét những tài nguyên mình giẫm chân lên và trái đất phô bày phong phú ra trước mắt”. Ruso cũng cho rằng chính những nhà hiền triết nổi tiếng trên thế giới cũng đi bộ và bắt gặp những “tài nguyên” trên trái đất, và qua sự mày mò tìm hiểu, họ đã tìm ra nguyên lý hoạt động của nó và trở thành những con người vĩ đại được cả thế giới tôn sùng. Đi bộ giúp con người nắm rõ được bản chất của các sự vật, các hiện tượng xung quanh, mở mang cho chúng ta những tri thức trong thực tế cần thiết trong cuộc sống. Không chỉ vậy, đi bộ còn giúp chúng ta thấy được những mảnh đời bất hạnh bên lề đường, những số phẩn cơ cực đang quanh quẩn chốn cầu thang, gầm cầu qua ngày. Để từ đó, ta thấu hiểu, cảm thông với số phận, với cuộc đời và là niềm tin để ta hạnh phúc với cuộc đời của chính mình.

Như ông bà ta đã dạy rằng “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đây cũng là một câu nói về lợi ích của việc đi bộ và mở mang tri thức. Những tri thức hàn lâm trong sách vở là cần thiết nhưng những sự việc mình được tự trải nghiệm, tự tìm hiểu sẽ thú vị và giúp chúng ta ghi nhớ lâu hơn. Thế nhưng, không phải để mở mang tri thức thực tế là cần đi bộ. Đi bộ, di chuyển chậm là ẩn dụ cho việc tích cực mở rộng vốn tri thức thực tế, đồng thời tìm hiểu những sự vật, hiện tượng, những kiến thức xung quanh một cách chậm rãi, có chiều sâu, kiên trì và chắc chắn. Dù điều đó có thể rất mất thời gian. Công sức như việc đi bộ vậy, thế nhưng nó sẽ mang tới cho chúng ta những kết quả hết sức tuyệt vời. Chúng ta hãy học hỏi với tâm thế chủ động, tự do, đánh giá mọi việc ở nhiều khía cạnh để có thể chắt lọc được những tri thức đúng đắn nhất. Ngoài ra việc tham gia các hoạt động thực tế cũng là một trong những cách học hay để bổ sung vốn hiểu biết rất tốt. đúng như câu nói của ông bà ta dạy rằng “học phải đi đôi với hành”.

Qua những tìm hiểu ở trên, ta hiểu được lợi ích cũng như mối quan hệ giữa việc đi bộ và mở rộng vốn hiểu biết thực tế. Chúng có mối quan hệ tương quan bổ sung cho nhau. Chậm rãi quan sát vấn đề, tìm tòi học hỏi để thấu hiểu vấn đề một cách chắc chắn, toàn diện. Và con người cũng nên tránh lối tư duy, lối học theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” hời hợp, thiếu thực tế, khuyến khích lối học kiều “đi bộ” để nắm rõ được sự vật hiện tượng, thấu đáo mọi vấn đề, có được những kiến thức thực tế để trở thành những con người có ích cho xã hội.
 

2. Nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế, mẫu 2 (Chuẩn)

Từ thuở xa xưa, lúc còn ở thời kỳ đồ đá, phương tiện giao thông còn chưa xuất hiện, con người cũng chưa có khả năng thuần hóa vật nuôi thì biện pháp di chuyển chính yếu nhất đó chính là đi bộ, mượn lực của đôi bàn chân để tìm kiếm thức ăn, di cư, chạy trốn kẻ thù,… Cho đến ngày hôm nay, cuộc sống con người ngày càng trở nên hiện đại, với nhiều phát minh mới mẻ, đặc biệt là các phương tiện giao thông chinh phục đủ mọi địa hình và thời tiết, con người đã ngày càng trở nên phụ thuộc vào chúng và việc đi bộ ngày càng trở nên hạn chế, có chăng con người chỉ dùng đôi chân của mình để dạo bộ trong các tòa nhà, phục vụ những cung đường ngắn ngủi. Điều đó khiến chúng ta không khỏi có nhiều suy nghĩ về việc đi bộ đóng vai trò gì trong cuộc sống của con người. Có ý kiến cho rằng đi bộ giúp con người có khả năng mở rộng hiểu biết và tầm nhìn thực tế hơn hẳn so với khi sử dụng các phương tiện giao thông tiện lợi để di chuyển một cách nhanh chóng hơn.

Trước hết việc đi bộ đã mang đến cho con người những lợi ích đáng kể về sức khỏe. Đi bộ thường xuyên với cường độ vừa phải giúp con người giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính. Khi việc đi bộ như một hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng, giúp chúng ta tiêu trừ phần năng lượng dư thừa trong cơ thể từ việc tiêu thụ các thức ăn nhiều tinh bột, chất béo, điều đó giúp chúng ta tránh khỏi căn bệnh tiểu đường và béo phì. 

Nếu chúng ta đi bộ vào buổi sáng sớm hoặc lúc trời mát mẻ, việc đi bộ còn tăng cường hô hấp cung cấp nguồn oxy trong lành cho cơ thể, tăng cường sự minh mẫn của não bộ, giúp chúng ta làm việc được hiệu quả hơn. Không chỉ thế việc đi bộ còn là một trong những phương pháp giải tỏa căng thẳng, stress sau những giờ làm việc dài, bởi lẽ đó là một cách để giải tỏa những năng lượng tiêu cực thông qua việc vận động. Khi đi bộ chúng ta có cơ hội được nhìn ngắm thế giới xung quanh, được sống chậm lại để suy nghĩ thật kỹ về những gì đã qua và trong chính khoảng thời gian ấy việc vận động đôi chân đã khiến chúng ta dễ dàng thấu tỏ mọi chuyện, cân bằng lại những áp lực từ cuộc sống nhờ việc nhìn ngắm thế giới, thoát ra khỏi mớ hỗn độn trong chính cuộc sống của mình.

Một lợi ích thứ hai nữa mà có lẽ đối với nhiều người nó không phải là cái đáng để bàn luận, ấy chính là đi bộ mang đến cho con người cảm giác tự do, được làm chủ cuộc sống và không phải phụ thuộc vào bất kỳ điều gì. Điều đó cũng thật đúng, đôi chân là của chúng ta, gắn trên thân thể ta và chẳng một kẻ nào có thể sai khiến nó trừ chính chúng ta cả. Khi ta thích đi thì đi, lúc mỏi thì nghỉ, lúc khỏe khoắn lại đi tiếp, ta có thể đi đến mọi nơi ta thích, mà không phải theo một lộ trình nào cả. Đó là điều mà khi sử dụng phương tiện giao thông chúng ta không thể có được, ví như đi xe bus, tàu điện, hay bất kỳ một phương tiện công cộng có lộ tuyến nhất định, thì chúng ta buộc phải lên và xuống đúng điểm dừng đỗ, chứ không thể vì ta thấy một bông hoa đẹp giữa đường mà đòi dừng xe để xuống ngắm. Chẳng có một chuyến xe nào có thể đợi chúng ta và thỏa mãn những yêu cầu vô lý hay cái sở thích bộc phát trong tâm hồn của mỗi con người cả. Chính lẽ đó nên chúng ta chỉ còn hai lựa chọn một là bỏ qua những thứ đang hấp dẫn ta trên đường đi và hai là buộc phải bỏ lỡ chuyến xe ấy, nói chung âu cũng đều là quyết định khó khăn cả. Chúng ta có thể tự do hơn khi sử dụng phương tiện cá nhân ấy, thế nhưng chúng ta lại bị ràng buộc về các khoản phí, đầu tiên là phí chi trả cho việc tậu một chiếc xe mới, rồi theo đó là phí bảo hành, phí sửa chữa, chi phí nhiên liệu, cùng một loạt các quy tắc tham gia giao thông,… Chính ra cũng chưa hẳn là tự do nhất. Cuối cùng đi bộ lại là cách thức di chuyển tự do và rẻ tiền nhất đối với con người, dù rằng sẽ tốn nhiều sức lực.

Cuối cùng một lợi ích quan trọng nhất và đáng nói nhất của đi bộ ấy chính là việc đi bộ khiến con người ta được mở rộng tầm hiểu biết thực tế hơn rất nhiều. Tại sao lại có điều ấy? Thực tế rằng thời nguyên thủy khi tổ tiên chúng ta di chuyển bằng chính đôi chân mình, họ không chỉ khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn con cháu ngày nay, mà họ còn có sự thích nghi và hiểu biết về môi trường sống vô cùng rõ ràng và thuần thục. Sự hiểu biết từ những trải nghiệm thực tế, những chuyến đi săn, hái lượm và di cư đã khiến họ tồn tại và phát triển khỏe mạnh trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đồng thời đủ sức để chống lại những nguy hiểm đang rình rập xung quanh. Và cho đến ngày hôm nay, việc đi bộ vẫn chưa từng mất đi lợi thế của nó trong việc xây dựng cho con người một thế giới quan vững chắc và rộng lớn thông qua đôi mắt quan sát và sự cảm nhận thực tế của con người. Lấy một ví dụ, thay vì đi xe máy 5 phút để tới chỗ làm việc vào mỗi buổi sáng, chúng ta sẽ dậy sớm hơn, dành ra 30 phút để đi bộ trên đường, trong suốt quãng đường đi ấy chúng ta có cơ hội quan sát, nhìn ngắm đường phố, con người,… Căn bản vì di chuyển chậm, thế nên chúng ta có thể dễ dàng ghi nhớ những gì mình đã nhìn thấy một cách chắc chắn và dễ dàng,… Đôi khi chúng ta có thể dễ dàng dừng lại để tìm hiểu kỹ hơn về một sự vật, sự việc mà ta thấy thú vị, để được quan sát một cách chân thực và gần gũi hơn. Điều đó khác hẳn với khi ta dùng các phương tiện giao thông có ưu điểm nổi bật là di chuyển nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, thế nhưng thường chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua nhiều điều thú vị của cuộc sống.

Đi bộ cũng là cơ hội cho chúng ta được quan sát thế giới, được nhìn thấy những cuộc đời xung quanh chúng ta, đi sâu vào cuộc sống thường nhật của nhiều mảnh đời, chứ không chỉ là quay quanh mỗi cuộc đời mình. Từ đó giúp chúng ta có sự thấu hiểu và cảm thông nhiều hơn với những số phận bất hạnh, thiếu thốn, trở thành động lực, niềm tin để chúng ta cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, đồng thời nuôi dưỡng thêm những hy vọng tốt đẹp về tương lai. 

Ông bà ta vẫn thường có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đó là một câu nói vô cùng đúng đắn, bởi lẽ so với những kiến thức hàn lâm, nặng lý thuyết trong sách vở thì có lẽ việc tự mình trải nghiệm vẫn chân thực và thú vị hơn rất nhiều. Ta vẫn thường được học về tấm lòng đồng cảm và sẻ chia với những cuộc đời bất hạnh, đau khổ từ trong sách vở, nhưng chỉ khi bạn bước ra ngoài đường, trực tiếp nhìn thấy những con người khốn khổ tật nguyền dãi nắng dầm mưa bán từng tờ vé số, gói tăm bông, và khi nói chuyện với họ ta mới thực sự hiểu được họ đã vất vả như thế nào. 

Tuy nhiên, không phải muốn học hỏi là chúng ta buộc phải đi bộ mà thực tế việc đi bộ chính là một ẩn dụ cho phương pháp học tập chủ động và đúng đắn. Chúng ta không thể chỉ thụ động tiếp thu những kiến thức được giảng dạy truyền bá từ trường lớp, sách vở mà thêm vào đó, chúng ta còn phải có tinh thần cầu tiến, chủ động tìm hiểu những kiến thức ở “trường đời”. Cũng giống như đi bộ, việc học hỏi thực tiễn cần phải chậm và chắc, cần phải có sự kiên trì, tiêu tốn nhiều thời gian, công sức thì mới mong gặt hái được trái ngọt. Đồng thời việc đi bộ mang đến cho con người tự do, thì việc học hỏi thực tiễn cũng như vậy, chúng ta cần phải học hỏi trong tâm thế chủ động, tự do về tâm thế, luôn nhìn nhận và đánh giá ở cả hai khía cạnh khách quan và chủ quan, để có cái nhìn đúng đắn, chắt lọc tri thức được tốt hơn, không bị phiến diện.

Chung quy lại giữa việc đi bộ và việc mở rộng hiểu biết thực tế, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Từ những lợi ích đáng quý của việc đi bộ, đặc biệt là việc có được những cái nhìn thực tiễn, chi tiết, mở rộng thế giới quan, chúng ta cũng rút ra được những bài học về việc mở rộng hiểu biết thực tế thông qua việc quan sát, lắng nghe, thấu hiểu, đi sâu vào bản chất của vấn đề. Khuyên con người tránh đi cái lối cưỡi ngựa xem hoa, học tập hời hợt, có học nhưng không có hành, đồng thời cũng khuyến khích lối học tập theo kiểu “đi bộ”, chậm mà chắc, vừa học vừa tiến hành trải nghiệm thực tế, suy nghĩ thấu đáo, kiên trì, không ngại mệt mỏi, biết hi sinh công sức để giành được những kiến thức quý giá mà không phải ai cũng có được.
 

3. Nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế, mẫu 3 (Chuẩn)

Trong cuộc sống hiện đại, con người thường lựa chọn cho bản thân những gì tiện ích nhất để phục vụ nhu cầu cá nhân. Về vấn đề di chuyển cũng vậy, họ thường chọn cách  di chuyển bằng các phương tiện giao thông thuận lợi, nhanh chóng như ô tô, xe máy,…để đến trường, đến công ty, cơ quan làm việc thay vì lựa chọn việc đi bộ hàng ngày. Phải chăng, con người đang chỉ chăm chăm nhìn vào hạn chế của việc đi bộ mà chưa thực sự hiểu được giá trị và những lợi ích mà đi bộ mang lại, đặc biệt là trong việc mở rộng những hiểu biết thực tế.

Đi bộ là một hình thức vận động của con người nhằm di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác, từ không gian này đến không gian khác. Đây là một hình thức di chuyển vô cùng đơn giản, con người sử dụng đôi chân của mình để bước đi mà không cần một trang thiết bị nào hỗ trợ, vì vậy đi bộ ít tốn kém và có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Đi bộ chậm hơn so với chạy, khi đi bộ con người cũng ít tiêu tốn năng lượng của cơ thể hơn.

Đi bộ mang lại rất nhiều những lợi ích vô cùng lớn cho con người. Ru Xô trong “Ê- mi hay về giáo dục” cũng từng khẳng định với người đọc 3 lợi ích mà đi bộ mang lại, điều đó cũng được chứng minh nhiều trong thực tế. Trước hết đi bộ là hình thức di chuyển mang đến sự tự do, nó không bị lệ thuộc vào bất cứ ai cũng không để bất cứ thứ gì cản trở bước chân, đó là “một cách đi ngao du thú vị hơn đi ngựa”. Nếu như đi bằng các phương tiện khác rất dễ  bị hạn chế về nơi đi, chốn đến vì không phải con đường nào cũng thuận lợi như những lối đi đã được vạch sẵn. Việc đi bộ giúp con người tùy ý lựa chọn nơi bước chân mình đặt tới, khám phá những “con đường mới” đầy kì thú: có thể đó là một con hẻm nhỏ, một dòng sông ven bờ, dưới tán một cây xanh hay những hang động lạ. 

Thứ hai, đi bộ còn là cách để trau dồi tri thức, là cơ hội để những sáng tạo bứt phá. Điều đó được chứng minh qua những tri thức tuyệt vời mà các nhà khoa học như Ta-lét, Pla-tông, Pi-ta-go đã nhận lại được khi đi bộ  “Ai là người yêu mến nông nghiệp mà lại không biết các sản vật đặc trưng…Ai là người có chút ít hứng thú với tự nhiên học mà lại có thể quyết định đi ngang một khoảnh đất mà không xem xét nó, một lèn đá mà không ghè vài mẩu”. Như vậy, việc đi bộ có thể giúp con người khám phá những vùng đất mới mà họ chưa từng đến, những lối đi riêng. Đi bộ mang đến cho mỗi người những kiến thức mới mẻ, kì thú về thế giới tự nhiên, con người, đặc biệt là với những ai ưa khám phá, ham học hỏi. Những tri thức về lịch sử, địa lý, toán học,…những lĩnh vực như nông nghiệp, khoa học nghiên cứu,…đều có thể được bồi đắp thêm nhờ đi bộ. Những kinh nghiệm về ứng xử văn hóa trong đời sống, xử lý những tình huống bất ngờ,…đều có thể có được nhờ đi bộ. Đi bộ giúp chúng ta dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh nhờ những trải nghiệm thực tế, những kiến thức đúc rút từ thực tế. 

Thứ ba, đi bộ không chỉ giúp bồi đắp tri thức, mở rộng hiểu biết mà còn là một hình thức di dưỡng tinh thần, cải thiện sức khỏe vô cùng hữu hiệu. Ru- xô viết “Những kẻ ngồi trong các cỗ xe tốt chạy rất êm nhưng mơ màng, buồn bã, cáu kỉnh hoặc đau khổ còn những người đi bộ luôn luôn vui vẻ, khoan khoái và hài lòng với tất cả”. Đi bộ giúp ta rèn luyện đôi chân của mình, cơ thể được vận động và thư giãn trở nên dẻo dai, kinh hoạt hơn. Đi bộ mang đến những năng lượng tích cực để con người hân hoan, sảng khoái, giúp bữa cơm nhà khi về đến trở nên ngon miệng, ngủ giấc ngủ ngon lành dẫu cho trên chiếc giường có tồi tàn, thiếu thốn.

Như chúng ta biết, hiểu biết của con người là có hạn, muốn trau dồi thêm cho bản thân những tri thức mới mẻ từ thực tế thì không cách nào khác ngoài việc đi, trải nghiệm bằng đôi chân của mình. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều bạn trẻ lười đi, sợ đi, họ chôn chân mình trong bốn bức tường chật hẹp với thế giới ảo của internet, với những trang mạng xã hội mà họ coi đó là thế giới toàn vẹn. Cũng có một số bạn chỉ học tập một cách thụ động trên sách vở, báo chí mà quên mất vai trò của việc trải nghiệm, việc đi. Một số khác lại thay thế việc đi bằng những phương tiện nhanh chóng hơn dù từ nhà đến trường chỉ vài ba bước chân, từ trọ đến cơ quan chỉ vài ba trăm mét. Ngẫm điều đó thật đáng để ta suy xét lại chính mình phải không?

Chúng ta không phủ nhận hạn chế của việc đi bộ là làm mất nhiều thời gian hơn, đặc biệt là trong những lúc gấp gáp thì việc chọn đi bộ không phải là lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, những lợi ích mà đi bộ mang đến cho ta thì hơn thế gấp nhiều lần. Vì vậy, trong điều kiện có thể, chúng ta hãy dành thời gian của mình cho việc đi bộ, rèn luyện nó thành một thói quen hàng ngày. Rủ những người bạn cùng đi bộ mỗi sáng, dạo chơi với người thân sau bữa tối, khám phá những cung đường mới trên đường đến trường hay tham gia những hoạt động đi bộ vì cộng đồng,…tất cả những điều ấy giúp bạn có thể duy trì động lực, thói quen đi bộ hàng ngày để mở mang và hoàn thiện chính mình hơn.

Như vậy, việc đi bộ có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Hãy tạm gác lại sự lười biếng của bản thân, bỏ đi những sở thích “giết”  thời gian vô nghĩa, hãy bước ra ngoài, đi bộ và trải nghiệm.
 

4. Nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế, mẫu 4 (Chuẩn)

Để nói về một nhà văn yêu thích tự do, ưa thích đi bộ và nâng giá trị của việc đi bộ lên một tầm cao mới phải kể đến nhà văn Ru-xô. Ông là một nhà văn cũng là nhà triết học nổi tiếng của Pháp. Trích đoạn “Đi bộ ngao du” trong tiểu thuyết “Ê-min hay về giáo dục” của Ru-xô là trích đoạn với những lí lẽ sắc bén và lập luận chặt chẽ. Những lời văn của ông đã khiến cho người đọc chúng ta phải nhìn nhận lại suy nghĩ của mình về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế.

Đi bộ là một trong những phương thức đi lại, dịch chuyển của con người bằng đôi chân. Trong thực tiễn cuộc sống, con người có thể đi lại, di chuyển bằng xe đạp, tàu hoả, xe ngựa… Tuy những loại xe đó giúp chúng ta đi nhanh hơn, đỡ mệt và đỡ mỏi chân nhưng chúng không thể đem lại những lợi ích tuyệt vời như đi bộ. Trước hết đi bộ ngao du mang đến sự tự do, tuỳ ý không lệ thuộc bất cứ ai và bất cứ thứ gì. Tác giả đã nói “một cách đi ngao du thú vị hơn đi ngựa: đó là đi bộ”. 

Đi bộ là đi bằng chính đôi chân của ta, ta thích đi lúc nào thì đi, bước ngắn bước dài, bước nhanh bước chậm là quyền của ta, “Ta quan sát khắp nơi…ta dừng lại ở tất cả mọi khía cạnh”. Chỉ có đi bộ mới có thể cho ta làm chủ, có quyền kiểm soát mọi hành vi, ý thích, ví như nhìn thấy sông thì đi men theo sông, nhìn thấy rừng rậm thì đi dưới tán lá, nhìn thấy hang động thì vào tham quan, nhìn thấy mỏm đá thì đi xem các khoáng sản. Những việc đó nếu đi bằng ngựa hay bằng bất cứ phương tiện nào khác đều chẳng thể làm được, không lệ thuộc vào bất cứ thứ gì, thậm chí là không cần đi theo những con đường có sẵn. Đi bộ ta có thể tự cho mình một lối đi riêng, khám phá những nơi, những thứ mà người khác chưa từng đặt chân đến, chưa từng nhìn thấy. Có lẽ và chắc chắn là đi bộ đã mang đến những sáng tạo bứt phá, những kiến thức tuyệt vời mà các nhà bác học đã nhận ra sau khi đi bộ “Đi bộ ngao du là đi như Ta-lét, Pla-tông, Pi-ta-go. 

Việc đi bộ mang lại cho chúng ta kiến thức rộng lớn, bao la về mọi vật, mọi việc diễn ra trên từng bước chân ta đi qua. Đó có thể là kiến thức địa lý, nông nghiệp, khí hậu, tự nhiên học, địa chất… Các nhà bác học chính là nhân chứng sống chứng minh cho việc đi bộ giúp não bộ làm việc linh hoạt, thông suốt và nhạy bén hơn. Đồng thời đi bộ là đi tiếp thu những kiến thức thực tế, trải nghiệm thực tế, những kiến thức và trải nghiệm này giá trị hơn nhiều so với việc tiếp thu một cách thụ động qua sách vở, báo, đài… “họ biết tên gọi nhưng chẳng có một ý niệm gì về tự nhiên cả”. 

Đi bộ không chỉ mang đến những hứng thú khác nhau thật thú vị mà con giúp cải thiện sức khỏe, củng cố tinh thần của chúng ta. Trong tác phẩm “Đi bộ ngao du”, nhà văn Ru-xô lấy dẫn chứng rất rõ “những kẻ ngồi trong các cỗ xe tốt chạy rất êm nhưng mơ màng, buồn bã, cáu kỉnh hoặc đau khổ”, ngược lại những người đi bộ lại có tinh thần rất tích cực “luôn luôn vui vẻ, khoan khoái và hài lòng với tất cả”. Đối với người đi bộ ngao du, khi đôi chân vận động cũng là lúc mọi bộ phận trên cơ thể đều được hoạt động, giúp tăng cường sức khỏe, cơ thể dẻo dai và tràn đầy sức sống. Đi bộ được gần gũi và hòa mình vào thiên nhiên, tìm được những điều mới lạ, lý thú, hơn hẳn việc ngồi trong các cỗ xe ngựa kín mít. Trở về sau khi đi bộ ngao du là thời điểm con người cảm thấy dễ chịu nhất, tràn đầy năng lượng tích cực, hân hoan khi về đến nhà, bữa cơm ảm đạm trở nên ngon miệng, thích thú khi được ngồi bàn ăn, và thậm chí ngủ ngon giấc ngay trên cái giường tồi tàn. Đi bộ chắc chắn sẽ đi lâu và đi chậm hơn đi ngựa nhưng muốn đi ngao du thì chắc chắn phải đi bộ.

Với những dẫn chứng từ chính trải nghiệm của cá nhân tác giả xen kẽ với các lý luận trừu tượng gắn với “ta”, tác phẩm “Đi bộ ngao du” của Ru-xô đầy sinh động chứ không khô khan. Nhờ có Ru-xô chúng ta phải thừa nhận rằng, đi bộ có nhiều hạn chế nhưng đó là hạn chế đếm được, còn những lợi ích mà đi bộ ngao du mang lại là không thể đong đếm hay đo lường được bởi nó là vô tận. Hãy cố gắng đi bộ nhiều lên, dành thời gian cho việc đi bộ như dành thời gian cho học tập, làm việc bạn sẽ thấy cuộc sống của mình được thay đổi cải thiện theo hướng tích cực.
 

5. Nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế, mẫu 5 (Chuẩn)

Một trong những yếu tố làm nên sức sống bất diệt của học nghệ thuật chính là chức năng giáo dục. Trong những tác phẩm văn học, chúng ta luôn tìm thấy những bài học sâu sắc và hữu ích đối với con người. Nằm trong quy luật đó, “Đi bộ ngao du” của Ru – xô cũng để lại ý nghĩa giáo dục về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế.

Trong tác phẩm của mình, Ru – xô đã nêu lên những tác dụng của việc đi bộ. Đó là bộ môn thể thao hữu ích, mang tính tự do và không bị lệ thuộc vào phương tiện nào. Khi đi bộ, con người có thể thoải mái “Quay sang phải, sang trái, ta xem xét tất cả những gì ta thấy hay hay. Bất cứ đâu ta thích, ta lưu lại đây, lúc nào chán, ta bỏ đi luôn”. Đồng thời, việc đi bộ còn có tác dụng cải thiện sức khỏe và giúp con người thư giãn, thoải mái về tinh thần. Nhưng đặc biệt, tác giả Ru – xô nhấn mạnh vào vai trò của việc đi bộ trong việc giúp con người con người trau dồi kiến thức ở tất cả các lĩnh vực, mở rộng hiểu biết thực tế.

Trước hết, đối với Ru – xô, đi bộ là phương thức hiệu quả để con người có thể quan sát kĩ càng mọi sự vật hiện tượng. Nhờ vào việc quan sát kĩ, các hình ảnh mà chúng ta từng bắt gặp sẽ được “chép lại, chụp lại” và khắc sâu trong trí nhớ. Đồng thời, đi bộ sẽ giúp con người tránh được lối học “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ nắm sơ sài về bản chất của sự vật, hiện tượng. Từ việc đi bộ, chúng ta sẽ có được những quan sát thực tế, trực tiếp chứng kiến “tai nghe mắt thấy”, và thậm chí là thỏa sức trải nghiệm những kiến thức mà sách vở không có. Bàn về vấn đề này, ông cha ta đã từng nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” để khẳng định tác dụng của việc trải nghiệm thực tế trong việc hình thành và trau dồi kiến thức của con người. Đi bộ còn là một trong những biểu hiện của cách học chủ động đến với tri thức, học hỏi từ “trường đời” – ngôi trường đại học lớn nhất để đặt chân khám phá đến những miền tri thức mới. Khi sáng tác những tác phẩm kiệt xuất, những nhà văn, nhà thơ phải không ngừng tìm hiểu, quan sát về những vùng đất mới để mở rộng hiểu biết, hình thành nguồn tư liệu quý báu để đưa vào những sáng tác, đồng thời việc đi nhiều, biết nhiều còn giúp họ rút ra những chiêm nghiệm sâu sắc mang tính khái quát, triết lí và quy luật của cuộc đời.

Như vậy, chúng ta cần tích cực mở rộng hiểu biết của bản thân từ con đường tìm hiểu những tri thức thực tế. Kho tàng tri thức của con người luôn là vô hạn mà không một cuốn sách hay pho sách nào có thể truyền tải hết. Có những tri thức chỉ được hình thành qua việc trải nghiệm. Bởi vậy, con người cần tăng cường các hoạt động quan sát thực tế để đúc rút những kinh nghiệm, hình thành những kỹ năng theo hướng “Học đi đôi với hành”.

Nói tóm lại, qua tác phẩm “Đi bộ ngao du” của Ru – xô cũng như thực tế đời sống, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định đi bộ không chỉ là một bộ môn thể thao mà còn mang ý nghĩa của một phương pháp giáo dục giúp con người mở rộng hiểu biết.

——————HẾT—————–

Qua tác phẩm “Đi bộ ngao du”, tác giả Ru-xô đã khẳng định được vai trò của việc đi bộ với việc mở mang kiến thức. Tìm hiểu thêm được vai trò của những trải nghiệm, khám phá đối với việc làm giàu vốn tri thức, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận xã hội Đi một ngày đàng, học một sàng khôn hay bài văn mẫu Nghị luận xã hội về vai trò của sự trải nghiệm đối với tuổi trẻ tại Thuthuat.Taimienphi.vn.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nghi-luan-ve-loi-ich-cua-viec-di-bo-voi-viec-mo-rong-hieu-biet-thuc-te/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp