Cách xây dựng hình tượng người nông dân trong hai đoạn trích Lão Hạc và Tức nước vỡ bờ

0
137
Rate this post

Đề bài: Cách xây dựng hình tượng người nông dân trong hai đoạn trích Lão Hạc và Tức nước vỡ bờ

cach xay dung hinh tuong nguoi nong dan trong hai doan trich lao hac va tuc nuoc vo bo

Cách xây dựng hình tượng người nông dân trong hai đoạn trích Lão Hạc và Tức nước vỡ bờ
 

Bạn đang xem: Cách xây dựng hình tượng người nông dân trong hai đoạn trích Lão Hạc và Tức nước vỡ bờ

I. Dàn ý Cách xây dựng hình tượng người nông dân trong hai đoạn trích Lão Hạc và Tức nước vỡ bờ (Chuẩn)

1. Mở bài

– Khái quát về đề tài người nông dân trong văn học trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
– Giới thiệu khái quát về hai đoạn trích “Lão Hạc” và “Tức nước vỡ bờ”.
– Nêu vấn đề: Cách xây dựng hình tượng người nông dân trong hai đoạn trích.

2. Thân bài

– Cả hai tác giả đều tập trung làm bật nổi số phận, cuộc đời với hoàn cảnh éo le, khó khăn của người nông dân trước cách mạng tháng Tám…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Cách xây dựng hình tượng người nông dân trong hai đoạn trích Lão Hạc và Tức nước vỡ bờ tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Cách xây dựng hình tượng người nông dân trong hai đoạn trích Lão Hạc và Tức nước vỡ bờ (Chuẩn)

Người nông dân là một trong số những đề tài lớn, là mảnh đất màu mỡ của nền văn học hiện đại Việt Nam trước cách mạng tháng Tám với nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng và trong số đó không thể không nhắc tới “Lão Hạc” của Nam Cao và “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố. Đọc truyện ngắn “Lão Hạc” người đọc sẽ cảm nhận được sâu sắc hình tượng người nông dân qua hình ảnh của lão Hạc – một người cha, một người nông dân nghèo khó. Còn với tiểu thuyết “Tắt đèn” nói chung, đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” nói riêng, hình ảnh của chị Dậu chính là hiện thân cho số phận, cuộc đời của người nông dân trước cách mạng. Vậy hình tượng người nông dân hiện lên như thế nào và được xây dựng ra sao qua hai đoạn trích “Lão Hạc” và “Tức nước vỡ bờ”?

Trước hết, cả hai tác giả đều tập trung làm bật nổi số phận, cuộc đời với hoàn cảnh éo le, khó khăn của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Đọc “Lão Hạc”, người đọc sẽ thấy hình ảnh lão Hạc với một hoàn cảnh bất hạnh và đáng thương. Có lẽ, cũng như bao người nông dân khác trước cách mạng tháng Tám, lão Hạc phải sống trong sự cơ cực, nghèo đói, vất vả với biết bao nhọc nhằn, lo toan với cuộc sống mưu sinh. Nhưng có lẽ, lão Hạc bất hạnh hơn nhiều so với những người khác bởi lẽ, vợ lão chết sớm, lão gà trống nuôi con một mình những mong hai bố con sẽ có những tháng ngày bình dị, ấm áp bên nhau. Nhưng rồi, con trai lão vì phẫn chí không có tiền cưới vợ đã bỏ đi đồn điền cao su, để lại mình lão với cậu Vàng và những tháng ngày tuổi già ốm đau, nghèo đói. Và rồi, đến một ngày, khi cái cơ cực đã tới đường cùng, lão không còn cách nào để cố gắng được nữa, lão đành bán cậu Vàng – người bạn của lão với niềm đau xót khôn nguôi “Mặt lão co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu nghẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít”, “lão hu hu khóc”… Và có lẽ, xót xa hơn cả đó là lão tự kết liễu đời mình với một cái chết đầy đau đớn và thương tâm khiến ai nấy đều bàng hoàng – lão chết bằng cách ăn bả chó. Với những chi tiết trên đây có thể giúp chúng ta cảm nhận được hoàn cảnh éo le và số phận đầy bất hạnh của lão Hạc.

Còn với chị Dậu trong “Tức nước vỡ bờ”, tác giả Ngô Tất Tố cũng đặt chị trong một hoàn cảnh với đầy những nhọc nhằn, lo toan và gánh vác. Chị Dậu là người nông dân nghèo, có người chồng đau ốm nên mọi gánh nặng, lo toan trong căn nhà đã dồn lên đôi vai của chị. Thêm vào đó, vì gánh nặng sưu thuế vô lí mà chị đã phải bán hết mọi thứ trong nhà – khoai, sắn, đàn chó,… để có tiền đóng sưu nhưng vẫn không đủ. Và để rồi, đến cuối cùng, khi không còn cách nào để cứu vãn tất cả mọi thứ, chị phải bán luôn đứa con gái của mình để lấy tiền đóng thuế. Như vậy, cũng như những người nông dân khác, gánh nặng sưu thuế đã làm cho cuộc sống của chị Dậu vốn đã nghèo túng lại càng trở nên vất vả, lam lũ và thiếu thốn nhiều hơn.

Như vậy, cả Nam Cao và Ngô Tất Tố đều xây dựng người nông dân trong những hoàn cảnh éo le, vất vả, cơ cực. Và để rồi, trong chính hoàn cảnh ấy, những phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng của người nông dân được thể hiện một cách chân thực và rõ nét.

Trước hết, lão Hạc trong tác phẩm cùng tên hiện lên với nhiều phẩm chất đáng trân quý, dẫu trong hoàn cảnh nghèo khổ, khốn cùng đến đâu đi chăng nữa lão cũng không đánh mất đi những nét nhân phẩm tốt đẹp trong con người mình. Lão Hạc hiện lên trước hơn hết là một người cha hết mực yêu thương con. Vợ lão chết sớm, lão ở vậy, một mình nuôi con. Và rồi, trong những tháng ngày ốm đau, cơ cực và tối tăm nhất của cuộc đời mình lão đã tìm đến cái chết chỉ vì lão muốn giữ trọn lại mảnh đất cho con trai của mình. Thêm vào đó, lão Hạc còn là người giàu lòng tự trọng. Dẫu cuộc sống vất vả, cơ cực song khi ông giáo muốn giúp đỡ lão thì lão lại từ chối vì không muốn làm phiền đến ông giáo. Lão chấp nhận cái chết bằng bả chó – một cái chết đau đớn và dữ dội để giữ trọn nhân phẩm của chính mình. Ở lão Hạc, ta thấy lão hiện lên nhiều phẩm chất đáng quý, tận sâu trong con người với hoàn cảnh đáng thương ấy là một con người tràn đầy những phẩm chất đáng trân trọng.

Cũng giống như lão Hạc, ở chị Dậu trong “Tức nước vỡ bờ” chúng ta cũng thấy hiện lên với nhiều phẩm chất tốt đẹp. Và có thể nói, chị Dậu là hình tượng điển hình cho những vẻ đẹp, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Trước hết, chị Dậu hiện lên là một người vợ, người mẹ hết lòng yêu thương chồng con. Vì món sưu thuế, chị phải nén nỗi đau đến tột cùng của mình để bán con. Khi bị thúc thuế, giữa lúc nước sôi lửa bỏng chị vẫn nhẹ nhàng, ân cần chăm sóc cho chồng, khẩn khoản bảo chồng ăn cháo cho đỡ mệt với biết bao yêu thương, trìu mến “Thầy em cố gắng ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột”. Không dừng lại ở đó, chị Dậu còn là người phụ nữ với sức phản kháng tiềm tàng, chị sẵn sàng đáp trả lại bọn cai lệ. Lúc đầu, chị đã nhẹ giọng van xin bọn cai lệ tha cho chồng chị nhưng về sau khi tên cai vệ “Dựt phắt dây thừng trong tay anh hậu cần lý trưởng, hắn chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu để bắt trói điệu anh ra đình” chị đã không thể nào chịu đựng được nữa và dã phản kháng lại chúng để bảo vệ chồng mình. Sự phản kháng ấy của chị thể hiện trước hết ở cách thay đổi từ ngữ xưng hô “Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem” rồi tiếp đó là hành động của chị “Tên cai vệ bị chị Dậu túm cổ ấn dúi ra cửa, ngã chỏng queo trên mặt đất. Tên hậu cận lý trưởng bị chị túm túc lăng cho một cái, ngã nhào ra thềm”.

Như vậy ở cả lão Hạc và chị Dậu, hai tác giả đã cùng làm bật nổi lên ở họ những phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng. Những nét đẹp ấy của họ là tiêu biểu cho những vẻ đẹp của người nông dân Việt Nam.

Tuy nhiên, khi xây dựng nhân vật lão Hạc và nhân vật chị Dậu, hai tác giả đã sử dụng những nghệ thuật xây dựng nhân vật khác nhau. Ở nhân vật lão Hạc nhà văn Nam Cao đi sâu tái hiện, miêu tả những dòng tình cảm, biến thái tinh vi trong cảm xúc của lão Hạc với hàng hoạt các chi tiết, câu văn đầy cảm xúc “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”, “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít”,… Còn ở đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, nhà văn Ngô Tất Tố đã tập trung xây dựng thành công nhân vật chị Dậu thông qua việc miêu tả ngôn ngữ và hành động của nhân vật. Thông qua việc miêu tả hành động của nhân vật nhất là giữa chị Dậu với tên cai vệ đã giúp bộc lộ một cách rõ nét những nét tính cách, tâm lí và phẩm chất tốt đẹp ở chị.

Tóm lại, thông qua nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao và nhân vật chị Dậu trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” của Ngô Tất Tố đã giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về hình tượng người nông dân trước cách mạng tháng Tám cũng như cách các nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật của mình.

—————-HẾT—————

Cùng viết về hình tượng người nông dân, Lão Hạc và Tức nước vỡ bờ đã mang đến chân dung chân thực nhất về tình cảnh và số phận của người nông dân xưa. Cùng với bài Cách xây dựng hình tượng người nông dân trong hai đoạn trích Lão Hạc và Tức nước vỡ bờ, các em có thể tham khảo thêm: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của mình về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 qua Lão hạc và Tức nước vỡ bờ, Phân tích nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Bộ mặt tàn ác, bất nhân của lũ tôi tớ, tay sai thực dân phong kiến trong Tức nước vỡ bờ, phân tích bi kịch của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cach-xay-dung-hinh-tuong-nguoi-nong-dan-trong-hai-doan-trich-lao-hac-va-tuc-nuoc-vo-bo/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp