Giá trị hiện thực và nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

0
125
Rate this post

Đề bài: Giá trị hiện thực và nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

gia tri hien thuc va nhan dao trong bai tho bai ca nha tranh bi gio thu pha

Giá trị hiện thực và nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
 

Bạn đang xem: Giá trị hiện thực và nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

I. Dàn ý Phân tích Giá trị hiện thực và nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Chuẩn)

1. Mở bài

– Khái quát đôi nét về tác giả, tác phẩm
– Nêu luận đề: cảm nhận giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm
– Chuyển ý

2. Thân bài

a. Giải thích về giá trị hiện thực và nhân đạo
– Tính hiện thực được hiểu là những bức tranh đời sống và con người mà các nhà nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm của mình.
– Tính nhân đạo: Là sự đồng cảm sâu sắc của người cầm bút đối với những số phận, những cảnh huống bất hạnh trong cuộc sống. Từ đó lên tiếng tố cáo cái xấu, cái ác, cái bất công và bênh vực những con người nhỏ bé, yếu đuối…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Giá trị hiện thực và nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Giá trị hiện thực và nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Chuẩn)

Thơ ca Trung Quốc thời Đường được xem là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật nhân loại. Thành tựu của nền thơ ca đó có sự đóng góp rất lớn của đại thi hào Đỗ Phủ. Ông còn được người đời gọi là Đỗ Thiếu Lăng, sống vào thời Thịnh Đường. Tuy Đỗ Phủ không thành công trên quan trường nhưng sự nghiệp thơ ca của ông là bất hủ. “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” là một tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo cao, thể hiện nổi bật nhất tư tưởng cũng như tình cảm của bậc thánh thi này.

Ngoài danh hiệu “Thi thánh”, Đỗ Phủ dược được tôn xưng là “Thi sử”. Những danh hiệu này liên quan đến tính hiện thực và nhân đạo rất nổi bật trong tác phẩm của ông. Tính hiện thực được hiểu là những bức tranh đời sống và con người mà các nhà nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm của mình. Bên cạnh giá trị hiện thực thì một tác phẩm chân chính còn cần phải có giá trị nhân đạo. Đó là sự đồng cảm sâu sắc của người cầm bút đối với những số phận, những cảnh huống bất hạnh trong cuộc sống. Từ đó lên tiếng tố cáo cái xấu, cái ác, cái bất công và bênh vực những con người nhỏ bé, yếu đuối.

Giá trị hiện thực trong “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” chính là cuộc sống khốn khổ của nhà thơ nói riêng và của nhân dân Trung Quốc nói chung dưới chế độ phong kiến nhà Đường thế kỉ thứ tám.

Tháng tám, thu cao, gió thét già,
Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta.
Tranh bay sang sông rải khắp bờ,
Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa,
Mảnh thấp quay lộn vào mương sa.

Mở đầu bài thơ với âm hưởng một lời tự sự, Đỗ Phủ đã tường thuật tỉ mỉ cảnh nhà mình vào một đêm thu gió rét. Một nhân tài, một trí thức, một con người giàu nghị lực và ý chí nhưng vẫn lâm cảnh khốn cùng phải nhờ lòng thương của bạn bè mới có được một ngôi nhà tranh ở tạm bên khe Cán Hoa. Nhưng số phận thật trớ trêu, nhà mới ở chưa được bao lâu thì mùa thu, gió bão thổi tung. Cảnh đêm khuya tăm tối, lạnh lẽo, từng mảnh tranh bị gió mang đi quăng ném khắp nơi trước con mắt bất lực của nhà thơ gợi lên trong chúng ta nỗi chua xót, ngậm ngùi. Cuộc đời Đỗ Phủ thi cử lận đận, tha hương, nghèo túng, bệnh tật…đủ cả mùi vị khổ ải của nhân sinh. Qua một cảnh đời có thể khái quát dược hoàn cảnh sống của nhân dân Trung Hoa dưới hoàn cảnh loạn lạc của đất nước.

Chưa hết, bức tranh hiện thực còn thể hiện ở cảnh cướp tranh của bọn trẻ thôn nam:

Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,
Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật.
Cắp tranh đi tuốt vào lũy tre.

Một đám trẻ con, cướp những tấm tranh xơ xác của một cụ già tội nghiệp. Bức tranh hiện thực quá đau lòng. Phải là một xã hội nghèo đói, phi nhân đến mức nào mà trẻ con lại trở thành kẻ cướp, kẻ ác một cách trơ tráo, táo tợn như thế. Thật vậy, cứ nhìn vào cách ứng xử của con người chúng ta liền có thể hiểu được bản chất của xã hội ấy.

Ngôi nhà bị tốc mái “dột chẳng chừa đâu” chính là cảnh nhà Đỗ Phủ trong đêm thu ấy: Đêm mưa lạnh lẽo, tối tăm, nhà dột nát, mền vải thì rách mướp, con đông, ngủ xấu nết… Biện pháp liệt kê được sử dụng hiệu quả đã hoàn chỉnh các nét cuối của bức tranh hiện thực đen tối, ảm đạm này. Một bức tranh nhỏ mở ra một hiện thực lớn. Dùng chính cảnh nhà mình để phản ánh tình hình đất nước, thời đại làm cho bài thơ có tính chân thực rất cao.

Giá trị hiện thực đã làm cho Bài ca nhà tranh bị gió thu phá gây được ấn tượng mạnh trong lòng độc giả. Bên cạnh đó giá trị nhân đạo sẽ làm cho tác phẩm lắng đọng sâu sắc trong lòng độc giả. Nhà thơ đã thể hiện một tình cảm lớn thật vị tha dù bản thân đang ở trong cảnh ngặt nghèo.

Ước được nhà rộng muôn ngàn gian
Che khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo hân hoan.
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn.
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt
Riêng lều ta nát chịu chết rét cũng được.

Một mơ ước thật vĩ đại vì nó dành cho mọi người chứ không phải cho bản thân người đang mơ ước. Nhà văn Nam Cao đã từng nhận ra rằng : “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu. Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa.” Đại đa số con người có lẽ là như vậy. Nhưng quy luật cảm xúc này sẽ không đúng với trường hợp những tâm hồn quảng đại, vị tha. Đỗ Phủ là một tâm hồn như thế! Ngay giữa cảnh ngộ khốn cùng của bản thân, ông vẫn nghĩ đến biết bao cảnh ngộ khác trên đời. Và còn đáng kính trọng hơn khi ông có ý nguyện hi sinh bản thân mình để cầu ước cho những kẻ sĩ khác được may mắn hơn, êm ấm hơn. Ước mơ luôn rất đẹp và ước mơ của Đỗ Phủ có thể được xem là ước mơ vĩ đại nhất của con người.

Bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá đã phản ánh được hiện thực xã hội phong kiến Trung Quốc dưới thời Đường, một thời đại có nhiều biến động gây cho nhân dân nhiều tang thương, đau khổ. Bên cạnh giá trị hiện thực sắc sảo, tác phẩm còn thể hiện chủ nghĩa nhân đạo một cách chân thành và cảm động. Bài thơ xứng đáng được xếp vào danh sách kiệt tác của nhân loại bởi những ý nghĩa và bài học nhân văn trong đó.

—————-HẾT——————

Bên cạnh bài Phân tích Giá trị hiện thực và nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Phân tích 5 câu thơ cuối bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Tấm lòng nhân ái của nhà thơ Đỗ Phủ trong Bài ca nhà tranh bị gió thu phá.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/gia-tri-hien-thuc-va-nhan-dao-trong-bai-tho-bai-ca-nha-tranh-bi-gio-thu-pha/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp