Bình giảng bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

0
123
Rate this post

Đề bài: Bình giảng bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

binh giang luu biet khi xuat duong cua phan boi chau

Văn mẫu Bình giảng bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

Bạn đang xem: Bình giảng bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

Bài làm

Sống trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, các chí sĩ và thanh niên yêu nước luôn nung nấu quyết tâm tìm ra con đường giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức. Và tiêu biểu trong số đó phải kể đến nhà cách mạng Phan Bội Châu. Ông đã thể hiện ý chí, khát vọng ra đi tìm đường cứu nước của mình qua bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương”.

Bài thơ này được ông sáng tác năm 1905 nhằm mục đích chia tay, từ giã bạn bè, đồng chí trước lúc sang Nhật Bản. Phan Bội Châu là người lãnh đạo phong trào Đông du, xuất dương sang Nhật Bản để các thanh niên Việt Nam có cơ hội được học tập và cũng là thời gian chờ đợi thời cơ để tổ chức lực lượng giành lại chủ quyền dân tộc.

Mở đầu tác phẩm, Phan Bội Châu đã đưa ra quan niệm riêng về chí làm trai của mình:

“Sinh vi nam tử yếu hi kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”.

(Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời)

Chí làm trai đã được nhắc đến trong chiều dài của lịch sử văn học từ văn học dân gian đến văn học trung đại. Ta không thể không biết đến câu thơ của Nguyễn Công Trứ:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”

Hay câu ca dao:

“Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”

Là một nam nhi ở đời thì phải có chí khí, không quản ngại khó khăn, thử thách để lập được công danh, lưu tên muôn đời trong sử sách. Đối với Phan Bội Châu, ông cho rằng để khẳng định được phận nam nhi thì phải “lạ”, phải làm được những điều phi thường, khác người. Có như vậy mới tạo ra sự riêng biệt, không trộn lẫn với bất kì ai. Việc “lạ” mà ông nhắc đến ở đây chính là việc xoay chuyển càn khôn, tạo hóa. Đó như một lời thách thức với vũ trụ, ông không muốn bậc nam nhi thụ động chịu sự chi phối của trời đất, hoàn cảnh mà bậc nam nhi phải chủ động nắm bắt, chi phối lại hoàn cảnh, không thể để “càn khôn tự chuyển dời”. Phải chăng câu thơ này ngụ ý việc thực dân Pháp xâm lược nước ta, nam nhi không thể dửng dưng với vận mệnh dân tộc, để mặc cho bước chân thực dân sang thôn tính mà phải tìm ra con đường mới để đưa đất nước thoát khỏi hiện thực đen tối, tự mình xoay chuyển cục diện thời đại?

Người nam nhi phải có trách nhiệm với thời cuộc mình đang sống, phải khẳng định được vai trò của mình đối với đất nước:

“Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”

(Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở, há không ai?)

Cuộc đời con người là hữu hạn, vậy nên trong một trăm năm ngắn ngủi ấy ta phải khắc ghi tên mình trong lịch sử, phải đánh dấu sự tồn tại của mình bằng những hành động có ích cho đất nước. Bậc nam nhi đại trượng phu không thể tồn tại như một hạt cát vô danh giữa sa mạc mà phải tạo được dấu ấn, công lao, cống hiến sức mình vào con đường cứu nước. Giọng thơ có chút ngạo nghễ nhưng đó là cái ngạo nghễ của một con người có chí hướng và quyết tâm thực hiện chí hướng ấy. Đồng thời Phan Bội Châu cũng thể hiện niềm tin vào hậu thế, họ cũng sẽ để lại tên tuổi trong sử sách muôn thuở về sau. Bởi ông tin tưởng vào thế hệ những người ông đưa sang Nhật Bản trong phong trào Đông du sẽ giúp ích được cho dân tộc.

Một triều đình vì cuộc sống của nhân dân, tương lai của dân tộc sẽ có các chính sách chiêu mộ nhân tài bằng con đường khoa cử. Đây cũng là con đường mà các bậc nam nhi theo đuổi để lập thân xưa nay nhưng khi đất nước rơi vào tay giặc, triều đình chỉ là tay sai, bù nhìn cho kẻ thù thì con đường khoa cử không còn phù hợp:

“Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”!

(Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài !)

Non sông, hiền thánh không còn nữa, vậy học hành, thi cử còn có ý nghĩa gì? Hành động thiết thực nhất trong hoàn cảnh bấy giờ là tìm ra con đường cứu nước đúng đắn để đưa đất nước thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân. Sống dưới sự thống trị của quân xâm lược, nhân dân ta nói chung và những trí thức nói riêng đều cảm thấy đó là điều nhục nhã, có đỗ đạt cũng hoài phí, uổng công bởi không được trọng dụng để xây dựng nước nhà phát triển.

Bởi vậy, trách nhiệm cao cả của người chí sĩ, bậc nam nhi là giải phóng dân tộc:

“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”.

(Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.)

Hình ảnh “trường phong”, “Đông hải”, “thiên trùng bạch lãng” là những hình ảnh mang đậm màu sắc lãng mạn, thể hiện tâm hồn bay bổng của Phan Bội Châu. Ông muốn vượt qua bể Đông, bay lên cùng ngàn đợt sóng bạc để thực hiện khát vọng lớn lao là cứu dân cứu nước. Đó không phải con đường bằng phẳng, dễ đi mà là một con đường đầy rẫy những chông gai, khó khăn và cả sự mạo hiểm bởi Phan Bội Châu là một trong những người đầu tiên nuôi ý tưởng đi tìm con đường cứu nước mới, đó là dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài mà cụ thể ở đây là Nhật Bản. Tuy rằng con đường ấy không đạt được cái đích như ông mong muốn nhưng ông đã sống và làm tròn bổn phận của một đấng nam nhi, hoàn thành được chí làm trai của mình. Khát vọng của ông là khát vọng sánh ngang với vũ trụ, càn khôn, khát vọng vượt lên bóng đêm đen tối bao trùm lên cuộc sống nô lệ để vươn tới ánh sáng.

“Lưu biệt khi xuất dương” là bài thơ viết để Phan Bội Châu từ giã bạn bè trước khi sang nước ngoài nhưng giọng điệu và lời thơ hết sức hào hùng, sục sôi khí thế, quyết tâm tìm con đường mới để cứu nước. Tác phẩm không chỉ thể hiện chí khí của ông mà còn có ý nghĩa thức tỉnh, kêu gọi các chí sĩ yêu nước đấu tranh vì nền độc lập của dân tộc.

—————— Hết —————–

Trên đây là một vài gợi ý Bình giảng bài thơ Lưu biệt khi xuất dương hay, giúp các em ôn tập kiến thức, hiểu rõ về tác giả, tác phẩm và làm tốt các đề văn yêu cầu phân tích một đoạn văn, đoạn thơ sau này. Tiếp theo, danh sách các bài văn hay lớp 11 còn rất nhiều bài mẫu hay liên quan đến bài Lưu biệt khi xuất dương mà các em cần lưu tâm như: Vẻ đẹp lãng mạn và hào hùng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương, Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương, Phân tích hình tượng người chí sĩ yêu nước trong bài Lưu biệt khi xuất dương, Phân tích chí làm trai trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu,…

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/binh-giang-bai-tho-luu-biet-khi-xuat-duong/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp