Đề bài: Suy nghĩ về câu nói: Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.
Suy nghĩ về câu nói: Điều gì phải thì cố làm cho kì được
Bạn đang xem: Suy nghĩ về câu nói: Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ…
I. Dàn ý Suy nghĩ về câu nói: Điều gì phải thì cố làm cho kì được
Giới thiệu vấn đề nghị luận
2. Thân bài
a. Giải thích vấn đề nghị luận
– Giải thích các khái niệm: “Điều phải”, “việc phải nhỏ”, “điều trái”, “điều trái nhỏ”
– Giải thích ý nghĩa câu nói: nêu lên bài học về cách sống: con người cần tích cực thực hiện những “điều hay lẽ phải”; đồng thời tránh xa những điều xấu xa gây tổn hại và ảnh hưởng tiêu cực đến người khác dù cho đó là những việc làm nhỏ nhất.
b. Bình luận, chứng minh nội dung vấn đề nghị luận
– “Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ”
+ Những hành động đúng đắn và tích cực luôn là cơ sở và nền tảng để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.
+ Điều này không chỉ giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn hoạn nạn mà còn đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Suy nghĩ về câu nói: Điều gì phải thì cố làm cho kì được tại đây
II. Bài văn mẫu Suy nghĩ về câu nói: Điều gì phải thì cố làm cho kì được
“Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động” – câu nói của nhà văn Pháp M. Xi – xê – rông đã khẳng định hành động cụ thể chính là thước đo để đánh giá phẩm giá, đạo đức của con người. Bởi vậy, trong cuộc sống chúng ta cần thường xuyên giúp đỡ người khác bằng những việc làm tốt đẹp. Bàn về vấn đề này, Bác Hồ đã từng căn dặn: “Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”.
“Điều phải” là những điều đúng đắn và tốt đẹp, phù hợp với các quy chuẩn đạo đức cũng như quy định của pháp luật, thể hiện qua việc giúp đỡ và đem lại lợi ích cho người khác; còn “điều trái” là những điều hành vi xấu mang tính tiêu cực, gây tổn hại đến người khác, “nhỏ” là những điều giản đơn, bình dị trong cuộc sống thường ngày. Như vậy, câu nói của Bác Hồ đã đề cập đến những phạm trù đối lập của hành động, từ đó nêu lên bài học về cách sống: Con người cần tích cực thực hiện những “điều hay lẽ phải”; đồng thời tránh xa những điều xấu xa gây tổn hại và ảnh hưởng tiêu cực đến người khác dù cho đó là những việc làm nhỏ nhất.
Vậy thì tại sao “Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ”? Như chúng ta đã biết, những hành động đúng đắn và tích cực luôn là cơ sở và nền tảng để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Đó chính là vẻ đẹp của tình thương, lòng nhân ái và sẵn sàng đồng cảm, sẻ chia trước những khó khăn, hoạn nạn của người khác. Điều phải được thể hiện qua rất nhiều hành động khác nhau, đó có thể là những việc làm to lớn, mang tầm vóc vĩ mô nhưng cũng có thể là những cử chỉ nhỏ bé, đời thường như giúp đỡ những cụ già qua đường, lắng nghe những khó khăn mà người khác gặp phải,….Chúng ta cần tích cực thực hiện những điều hay lẽ phải, bởi dù chỉ là những việc làm nhỏ bé nhưng chúng lại đem lại ý nghĩa vô cùng to lớn. Điều này không chỉ giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn hoạn nạn mà còn đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.
Bên cạnh việc tích cực làm những điều tốt đẹp, chúng ta còn cần phải “hết sức tránh” những điều trái, “dù là một điều trái nhỏ”. Những điều sai trái, xấu xa không chỉ gây tổn hại đến người khác mà còn thể hiện sự ích kỉ, nhỏ nhen trong đạo đức, thái độ sống của con người. Khi thực hiện những hành vi đó, dù là nhỏ nhất, con người sẽ dần hình thành những thói quen, lối sống tiêu cực và thậm chí đi ngược lại với những giá trị đạo đức, những truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc.
Tuy nhiên, trong nhịp sống bon chen, xô bồ, tấp nập, bên cạnh những người đang nỗ lực sưởi ấm, giúp đỡ người khác bằng những hành động, nghĩa cử cao đẹp thì vẫn tồn tại những người sống vụ lợi, bon chen, ích kỉ, không ngần ngại sử dụng thủ đoạn, chiêu trò xấu xa để hãm hại người khác. Đây là những việc làm gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa người với người và thể hiện sự suy thoái trong đạo đức của con người.
Như vậy, trong cuộc sống, chúng ta cần rèn luyện những phẩm chất, đức tính, hành động tốt đẹp thông qua việc giúp đỡ người khác bằng những việc làm tích cực, dù là nhỏ nhất. Đồng thời, tránh xa, lên án và phê phán những hành động gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người xung quanh.
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định lời căn dặn của Bác Hồ đã để lại một bài học mang tính giáo dục sâu sắc về lối sống tốt đẹp mà con người cần rèn luyện. Khi tích cực làm những điều tốt và tránh xa những điều xấu, chúng ta sẽ thiết lập được thái độ sống đúng đắn và góp phần tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
————————HẾT—————————
Trên đây là gợi ý của chúng tôi cho bài Suy nghĩ về câu nói: Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ…, bên cạnh bài bài văn mẫu trên các em có thể tham khảo thêm những bài viết suy nghĩ về câu nói hay trong tài liệu Những bài văn hay lớp 12 khác như: Suy nghĩ về câu nói: Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người…, Suy nghĩ về câu nói: Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi bé nhỏ đầu tiên, Suy nghĩ về ý kiến: Để đạt được điều bạn chưa bao giờ có, hãy dám làm những việc bạn chưa bao giờ làm, Suy nghĩ về câu nói: Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc;….
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp