Nghị luận tác phẩm Đại cáo bình Ngô

0
79
Rate this post

Đề bài: Nghị luận tác phẩm Đại cáo bình Ngô

nghi luan tac pham dai cao binh ngo

Bài văn Nghị luận tác phẩm Đại cáo bình Ngô

Bạn đang xem: Nghị luận tác phẩm Đại cáo bình Ngô

I. Dàn ý Nghị luận tác phẩm Đại cáo bình Ngô

1. Mở bài

Giới thiệu sơ lược về tác giả Nguyễn Trãi và tác phẩm Bình Ngô đại cáo.

2. Thân bài

a. Nêu luận đề chính nghĩa
– Đạo nhân nghĩa lấy dân làm gốc
– Việc tiên quyết: diệt trừ bạo ngược, mang đến cuộc sống yên bình, ấm no cho nhân dân.

b. Khẳng định chủ quyền dân tộc
– Đại Việt là đất nước có nền văn hiến lâu đời
– Nước ta có chủ quyền riêng, lãnh thổ riêng, đất nước được gây dựng, bảo vệ, phát triển qua bao triều đại.
– Là dân tộc có nền phong tục, tập quán riêng.
– Hào kiệt, anh tài đời nào cũng có

c. Tội ác của giặc ngoại xâm
– Mượn gió, bẻ măng, thừa cơ gây hoạ
– Đàn áp, bóc lột đời sống nhân dân
– Cướp bóc, giết người vô tội vạ
=> Tội ác vô vàn → nhân dân cực khổ → oán hận khôn cùng → đứng lên đấu tranh.

d. Cuộc chiến của quân ta
– Buổi đầu còn khó khăn: thiếu lương thực, quân sĩ chưa mạnh,….quân giặc đông, hiếu chiến.
– Chiến lược khôn khéo: lấy ít địch nhiều, chiêu dụ nhân tài, phát huy lòng đoàn kết,….
– Nhiều chiến công dồn dập, quân thù bại trận, nhục nhã ê chề

e. Lời tuyên cáo
– Đất nước không còn bóng giặc, xã tắc được độc lập, nhân dân an bình
– Trách nhiệm bảo vệ đất nước thái bình, thịnh trị ngàn năm.

3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ của bản thân về bài cáo.

II. Bài văn mẫu Nghị luận tác phẩm Đại cáo bình Ngô

Nguyễn Trãi là một nhà văn lỗi lạc của văn học Việt Nam, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, một trong những tác phẩm đặc sắc của ông phải kể đến “Bình Ngô đại cáo” ra đời vào mùa xuân năm 1482 – một áng thiên hùng cổ hùng văn của dân tộc.

Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi đã thay vua soạn “Bình Ngô đại cáo” để tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh, tuyên bố nền độc lập của dân tộc. Nhan đề tác phẩm có ý nghĩa thông cáo đến toàn dân về việc dẹp yên, quét sạch giặc Ngô trên đất Việt.

Để mở đầu cho bài cáo của mình, Nguyễn Trãi đã khẳng định tư tưởng nhân nghĩa. Theo tác giả, tư tưởng nhân nghĩa ở đây là lấy nhân dân làm gốc, việc nhân nghĩa chính là việc làm thế nào để dân được yên, được hưởng thái bình.

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Muốn “yên dân” thì điều tiên quyết là phải “trừ bạo”, diệt những kẻ hung tàn gây đến khổ sở, đớn đau cho muôn dân. Việc đề cao tư tưởng nhân nghĩa không chỉ thể hiện chiến lược, tầm nhìn đúng đắn, sâu sắc của Nguyễn Trãi mà còn đặt ra trách nhiệm trừ bạo, yên dân của quân điếu phạt.

Sau khi nêu lên luận đề chính nghĩa không ai có thể phủ định được, tác giả tiếp tục khẳng định về quốc gia và chủ quyền của nhân dân Đại Việt:

“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có”.

Tác giả khẳng định chủ quyền dân tộc mình theo một lý lẽ riêng, lý lẽ ấy thật không thể chối cãi được bởi nó được minh chứng bằng nền văn hiến lâu đời, bằng lãnh thổ quốc gia, bằng phong tục, tập quán phong phú lâu đời và lịch sử kéo dài bao triều đại,…Nguyễn Trãi cũng đã khéo léo đặt các triều đại của nước ta ngang hàng với các triều đại của Trung Quốc như Hán, Đường, Tống, Nguyên. Song hành với đó, các từ “từ trước”, “đã lâu”, “vốn xưng”, “đã chia” góp phần củng cố thêm sự tồn tại độc lập, lâu dài của Đại Việt trong lịch sử. Trong khi vua phương Bắc trước nay chỉ gọi vua ta là “Vương” thì Nguyễn Trãi khẳng khái, hùng hồn gọi là “Đế”. Chỉ một chữ thôi cũng đủ để thể hiện lòng kiêu hãnh của một nước tuy nhỏ về lãnh thổ nhưng không bao giờ là kẻ thua cuộc về lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Không chỉ vậy, đất Việt còn là nơi sinh ra bao nhân tài, hào kiệt làm nên những chiến công lịch sử vẻ vang:

“Tuy mạnh, yếu nhiều lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”.

Để minh chứng cho sức mạnh dân tộc, tác giả tiếp tục dẫn chứng những thất bại của phe phi nghĩa khi xâm chiếm nước ta:

” Thế nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại

Việc xưa xem xét, chứng cớ còn ghi”.

Đó cũng là lời cảnh cáo về kết cục thảm hại của kẻ ác chống lại chân lí: Lưu Cung thất bại, Triệu Tiết tiêu vong, Toa Đô bị bắt sống. Nỗi ô nhục của quân giặc năm xưa vẫn còn đó, vậy mà chúng vẫn ngang tàng đến xâm phạm nước ta lần nữa:

” Vừa rồi:
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thừa cơ gây loạn…”

Sự tàn nhẫn, ác độc của chúng đã gây nên bao đau khổ, lầm than cho nhân dân mình. Những lời thơ vừa xót xa, vừa căm phẫn vang lên:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời

Chân tay nào phục dịch cho vừa”

Quân giặc tàn độc, áp bức nhân dân ta khắp chốn, thì hành những thứ thuế hà khắc, bóc lột dân ta đến cùng cực. Đến cả thiên nhiên, ngọn cỏ, lá cây, côn trùng, …cũng bị chúng hủy hoại, tàn phá. Chúng còn buộc nhân dân Đại Việt phải phục dịch chúng, còn tội ác nào bất nhân hơn thế nữa? Bao nhiêu cay đắng, nhọc nhằn muôn dân phải chịu đựng, nếm trải, người goá bụa, con không cha, mẹ già mất con,….những con quỷ khát máu người ấy khiến đời sống nhân dân nào được một ngày ăn ổn, nào được một ngày ấm no. Bọn giặc ngạo mạn kia chính là những kẻ tội đồ “trời không dung, đất không tha”:

“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!”.

Sau khi vạch trần tội ác của quân thù và nỗi khổ đau của nhân dân, Nguyễn Trãi thấy lời Lê Lợi nói lên nỗi băn khoăn, trăn trở của một vị vua hết lòng vì dân:

“Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung

Chính lúc quân thù đang mạnh.”

Cuộc chiến với quân thù buổi đầu còn bao khó khăn, người tài thì hiếm, lực lượng ta còn yếu, quân lương hạn chế. Trong khi đó, kẻ địch thì đương lúc mạnh, khó khăn lại càng khó khăn. Song, sức mạnh đoàn kết, tinh thần chiến đấu của nghĩa sĩ, binh lính cùng chiến lược khôn khéo, biết người, biết ta của lĩnh tướng và sự đồng lòng của nhân dân đã giúp nghĩa quân vượt lên tất cả. Cuộc chiến chính nghĩa ngày càng quyết liệt, hăng say:

“Sĩ khí đã hăng quân thanh càng mạnh.
Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía,
Lý An, Phương Chính, nín thở cầu thoát thân.
….
Để cười cho tất cả thế gian.”

Trước sức mạnh của quân dân ta, quân giặc hoang mang, rệu rã, quân tướng nhà Minh đớn hèn mà tìm cách thoát thân. Cuối cùng, quân phi nghĩa thành kẻ thua cuộc, cường quyền của phi nghĩa không thắng được sức mạnh to lớn của chính nghĩa.

Quân giặc vắng bóng, đất nước ta được độc lập, xã tắc nay được ổn an, nhân dân được yên tâm làm ăn, tăng gia sản xuất. Lời tuyên bố lắng đọng vang lên đầy thiêng liêng trong giây phút tự hào:

“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc.”

Đại Việt bước sang một trang mới, tăm tối quân thù không còn nữa, thay vào đó là ánh sáng của tự do, của thái bình. Niềm tin vào tương lai thái bình, thịnh trị ngàn năm của quốc gia mà tác giả gửi gắm cũng chính là lời thôi thúc mỗi người dân phải có trách nhiệm với đất nước mình. Hãy góp sức vào công cuộc cuộc bảo vệ và xây dựng nền thịnh trị của Đại Việt ngàn năm.

Cuối bài cáo, tác giả không quên gửi đến người xưa, đất trời linh thương lòng biết ơn sâu sắc:

” Âu cũng nhờ trời đất tổ tông
Linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;
Than ôi! Một cỗ nhung y chiến thắng,
Nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả thanh bình,
Ban chiếu duy tân khắp chốn.”

Với Bình Ngô đại cáo, tác giả Nguyễn Trãi không chỉ tổng kết cuộc kháng chiến chống Minh nhiều gian khổ nhưng cũng không kém phần hiển hách, vinh quang của quân dân ta mà còn khẳng định được nền độc lập, chủ quyền dân tộc trong niềm tự hào. Bình Ngô đại cáo là áng thiên cổ hùng văn vô tiền khoáng hậu của nền văn học Việt Nam, là bức tượng đài chiến thắng hào hùng, hoành tráng giữa bầu trời đất Việt.

———————-HẾT—————————-

Bài nghị luận về tác phẩm Bình Ngô đại cáo trên đây phần nào giúp các em có cái nhìn sâu sắc và đa chiều hơn về tác phẩm. Ngoài ra, để mở rộng thêm vốn hiểu biết cũng như trau dồi thêm kĩ năng làm văn của mình, các em cùng tham khảo thêm các bài văn mẫu Thuyết minh Bình Ngô đại cáo, Thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi và tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo, Phân tích đoạn 1, 2 Bình Ngô Đại Cáo.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nghi-luan-tac-pham-dai-cao-binh-ngo/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp