Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành

0
71
Rate this post

Đề bài: Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành

phan tich nhung dac sac nghe thuat cua ngoi but nguyen ai quoc the hien o truyen ngan vi hanh

Văn mẫu Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành

Bạn đang xem: Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành

I. Dàn ý Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành

1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Ái Quốc: Là một nhà thơ, nhà văn, nhà cách mạng vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc…
– Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm Vi hành: Là một trong số các tác phẩn truyện ngắn hay nhất của Người viết bằng tiếng Pháp
– Nêu vấn đề cần nghị luận: Đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành.

2. Thân  bài
* Cách đặt nhan đề tác phẩm: “Vi hành”: Tên trong tiếng Pháp là “Incognito” có nghĩa bí mật, ẩn danh 
=> Tên truyện ngắn đặt trong bối cảnh truyện càng thêm hấp dẫn, cuốn hút: Hướng đối tượng độc giả là công chúng Pháp; lấy bối cảnh là chuyến Pháp du của vua Khải Định để qua đó tố cáo sự gian xảo của bộ máy thực dân cai trị đương thời.
* Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện:
– Thông thường: “vi hành” là hành động vua cải trang thành dân thường đi tìm hiểu đời sống của nhân dân nhằm nắm vững tình hình dân chúng đồng thời tiếp thu và cải tổ bộ máy cai trị,…
– Nhưng ở đây, vua đi “vi hành” tới tận nước Pháp, cốt để chứng kiến cơ sở vật chất và điều kiện sống của dân mình dưới sự cai trị của Pháp…(Còn tiếp)

>>Dàn ý Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành đầy đủ tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành

Nguyễn Ái Quốc là một nhà văn, nhà thơ, nhà Cách mạng vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Truyện kí của Người được coi là một bản ghi chép lịch sử không chỉ chính xác, bao quát mà còn có tính mỉa mai, châm biếm thời đại. “Vi hành” là một trong số những tác phẩm truyện ngắn hay nhất, được viết bằng tiếng Pháp. Trong đó, ngòi bút nghệ thuật của tác giả đã vạch trần bản chất tay sai, bù nhìn của vua Khải Định và những thủ đoạn xảo trá từ phía thực dân xâm lược.

Sau thế chiến thứ nhất năm 1918, Pháp ra sức vơ vét, bóc lột thuộc địa nhằm bù đắp cho nền kinh tế kiệt quệ hậu chiến, đồng thời rêu rao trên toàn thế giới về tư tưởng “khai sáng”, “bảo hộ” đối với những quốc gia bị chúng xâm lược. Nhan đề “Vi hành” trong tiếng Pháp là “Incognito”, nghĩa là bí mật, ẩn danh. Cái tên mang nhiều ý mỉa mai nhằm châm biếm vị trí bù nhìn của vua An Nam, xét vào bối cảnh truyện lại thêm hấp dẫn, cuốn hút. Hướng tới đối tượng độc giả là công chúng Pháp, tác phẩm sử dụng lối dùng từ mang âm hưởng châu Âu hiện đại cùng cách nói ẩn dụ nhiều tầng nghĩa, lại dễ hiểu, dễ ngấm, gây ra tiếng cười chua xót mà duyên dáng, cốt truyện dí dỏm, hài hước, lấy bối cảnh chuyến Pháp du của vua Khải Định để tố cáo sự gian xảo của bộ máy thực dân cai trị đương thời.

Câu chuyện kể về chuyến viếng thăm của vua Khải Định tới nước Pháp. “Vi hành” là hành động vua cải trang thành dân thường để đi tìm hiều đời sống thực trạng của nhân dân nhằm tiếp thu và cải tổ bộ máy cai trị. Ở đây, vua An Nam “vi hành” tới tận Pháp để chứng kiến cơ sở vật chất và điều kiện sống của dân mình dưới sự cai trị của ngài, một tình huống vừa nực cười vừa không tưởng trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của Nguyễn Ái Quốc, cốt để nói lên cái lố lăng, kệch cỡm của xã hội.

Mở đầu tác phẩm là lời chú thích: “Trích Những bức thư gửi cô em họ do tác giả tự dịch từ tiếng An Nam”, tính nghệ thuật độc đáo được sử dụng rất táo báo, khơi gợi sự tò mò từ phía độc giả. Người đọc băn khoăn không hiểu nội dung của bức thư này là gì, liệu là một bức thư thăm hỏi, hay một bức thư đặc biệt, thậm chí là một bức thư tình không đoan chính đúng theo cái tên gọi của tác phẩm: Bí mật. Thực tế như một cú lừa ngoạn mục đánh vào tâm lý tác giả bởi nội dung và cốt truyện hoàn toàn không liên quan đến tên gọi hay lời tựa, đã cho thấy một ngòi bút trí tuệ, thông thái, thu hút độc giả một cách khéo léo và duyên dáng.

Nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở thủ pháp mượn lời nhân vật để nói lên chính tư tưởng của mình. Thân là một người dân An Nam, Nguyễn Ái Quốc không được phép “phạm húy”, không được bôi nhọ, phê bình ông vua của nước mình, vì vậy, Người mượn lời một cặp đôi trai gái người Pháp trên chuyến tàu để làm cái cớ đả kích. Tạo tình huống nhầm lẫn để đôi trai gái nhầm tác giả với vua Khải Định, lấy lời bàn tán, đối thoại của họ đã dần dần mở ra một tình huống trái khoáy. Tác giả kể lại câu chuyện nhầm lẫn ấy dưới điệu bộ bình thản, đôi trai gái người Pháp tưởng vị khách phương Nam kia không hiểu tiếng Pháp nên thoải mái đánh giá, bàn tán. Họ cho rằng ông vua xứ Nam đi cùng chuyến tàu với họ, đang đi vi hành xem cuộc sống người dân như thế nào, đó là điều rất thú vị, đáng để bình luận. Mượn cách nhìn của nhân vật thứ ba vừa để tạo tính khách quan, bao quát, vừa để tấu hài, cho rằng việc một ông vua nọ sang nước họ thăm thú chẳng qua cũng chỉ là chuyện phù du, chuyện hài hước.

Chân dung vua Khải Định cũng từ lời đối thoại của hai nhân vật hiện ra rõ nét. Người Tây khó phân biệt được khuôn mặt khác nhau của người châu Á nên họ mặc sức bình phẩm từ dáng vẻ đến hành vi. Nét vẽ hết sức phóng túng, kệch cỡm với váy chẳng ra váy, quần không thành quần, trang sức đầy những vòng nhẫn thừa thãi, đội “cái chụp đèn chụp lên cái đầu quấn khăn”, khuôn mặt bủng “như vỏ chanh”, “mũi tẹt, mắt xếch”. “Hắn còn làm mình bật cười hơn nữa cơ lúc hắn đeo lên người hắn đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm”, “hôm nay chúng mình có mất tí tiền nào đâu mà được xem vua đang ngay cạnh? Nghe nói ông bầu nhà hát Múa rối có định kí giao kèo thuê đấy”. Đối với những người dân Pháp, vua An Nam chẳng qua chỉ là một trò cười, một tên “múa rối” chẳng khác gì rạp xiếc họ thường đi xem. Cách phác họa lố bịch về vẻ bề ngoài cốt để nói cái tha hóa từ trong bản chất. Khải Định tự mình trang trí cho mình những món đồ quê mùa, xấu xí, thể hiện lề thói vô độ, muốn nếm thử cuộc đời của các công tử bé, đường đường là thân vua có đầy đủ cung tần mỹ nữ, cao lương mĩ vị nhưng vẫn tập tành cách ăn chơi kiểu phương Tây. Thực chất, Khải Định chỉ là ông vua bù nhìn, một con rối trong tay thực dân, dưới mắt người Pháp chỉ là thứ đồ chơi mua vui khi vốn giải trí tại thủ đô Paris ngày càng hạn hẹp, chỉ xứng đáng đặt ngang hàng với trò nhào lộn, leo trèo, có tiền mua vé là vào xem được.

Không chỉ dừng lại ở sự nhầm lẫn của cặp đôi trai gái, tác giả còn mở rộng ra nhằm châm biếm chính sách của thực dân Pháp. Bút pháp nghệ thuật sâu cay, đặc sắc, nhẹ nhàng mà thâm sâu. Đối với dân chúng Pháp, “tất cả những ai có màu da vàng đều trở thành Hoàng đế ở Pháp”, thực tế, Pháp mời Khải Định sang thăm nhưng hoàn toàn không nhận ra ai thực sự là vua nên đối đãi với tất cả người An Nam trên đất Pháp như vua chúa, tất cả đều là thượng khách, ai ai cũng được “hộ giá tuốt”. Chuyện tưởng như đùa, như bịa đặt để gây hài nhưng lại vô cùng thực tế. Chuyến “vi hành” của Khải Định không hề công khai mà vô cùng lén lút, ám muội nên chính phủ Pháp mới lầm tưởng. Giọng nói mỉa mai không chỉ nhắm vào tên vua bù nhìn mà còn lên án cả xã hội thực dân giả tạo, xảo trá, thật giả lẫn lộn. Cái hay ở ngòi bút nghệ thuật của Nguyễn Ái Quốc là không hô hào, không bóc mẽ trực tiếp mà uyển chuyển, vừa trào phúng hài hước, vừa thâm thúy, sâu cay.

Bằng lối viết uyển chuyển, xây dựng tình huống mới lạ, độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và văn học, hệ thống ngôn từ giàu trí tuệ, súc tích, ngắn gọn và đặc biệt là tinh thần mỉa mai, châm biếm, tác giả đã vạch trần bộ mặt hèn hạ, tàn nhẫn của vua Khải Định cũng như chính sách tàn bạo của Pháp đối với các nước thuộc địa. Không chỉ tố cáo sâu cay, tác phẩm còn là một dấu mốc chói lọi trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Ái Quốc với thể loại truyện ngắn chính trị.

—————— HẾT ——————

Trên đây là chi tiết bài mẫu phân tích Nghệ thuật đặc sắc của truyện Vi hành của Nguyễn Ái Quốc. Tiếp theo, để tìm hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa châm biếm xuyên suốt trong bài, các em có thể tham khảo bài mẫu Phân tích nhân vật Khải Định trong truyện ngắn Vi hành cùng phần nghệ thuật châm biếm đả kích trong vi hành. Thường xuyên tham khảo các bài mẫu trong danh sách các bài văn hay lớp 11, các em sẽ có thể học, chuẩn bị trước nội dung bài học và làm tốt các đề văn yêu cầu phân tích truyện ngắn Vi hành trên lớp sau này.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-nhung-dac-sac-nghe-thuat-cua-ngoi-but-nguyen-ai-quoc-the-hien-o-truyen-ngan-vi-hanh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp