Đề bài: Thuyết minh về cặp kính đeo mắt
Bạn đang xem: Thuyết minh về cặp kính đeo mắt
6 bài văn mẫu Thuyết minh về cặp kính đeo mắt
I. Dàn ý Thuyết minh về cặp kính đeo mắt (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về cặp kính đeo mắt
2. Thân bài
a. Nguồn gốc
– Kính mắt xuất hiện từ bao giờ?
– Ai là người đầu tiên phát minh ra chiếc kính mắt? Mục đích?
b. Cấu tạo
– Gồm 2 phần chính: Mắt kính và gọng kính
c. Phân loại
Tùy theo mục đích sử dụng mà kính đeo mắt cũng có nhiều loại khác nhau:
+ Kính cận
+ Kính lão
+ Kính râm
+ Kính thời trang
d. Công dụng của kính đeo mắt
– Hỗ trợ thị lực của người sử dụng (Ví dụ như kính cận giúp người dùng nhìn rõ vật ở xa, kính lão giúp bảo vệ mắt, giúp nhìn rõ vật ở gần).
– Bảo vệ mắt dưới tác động của ánh nắng mặt trời, bụi bẩn ngoài môi trường
– Phụ kiện làm đẹp, giúp cho người sử dụng trở nên thời thượng, sành điệu hơn…
3. Kết bài
Khẳng định giá trị của chiếc kính mắt
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về cặp kính đeo mắt
1. Bài mẫu Thuyết minh về cặp kính đeo mắt, mẫu số 1:
Nếu nói rằng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của mỗi chúng ta thì ắt rằng những cặp kính chính là những người giúp việc tận tâm, những người bảo vệ vững chắc, những vật trang trí duyên dáng cho khung cửa mộng mơ ấy.
Quả không quá khi nói như vậy về cặp kính đeo mắt bởi kính, có rất nhiều loại và rất nhiều tác dụng, phù hợp với hầu hết nhu cầu của mọi người. Với những người bị bệnh về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị kính giúp họ khắc phục được điểm hạn chế của bản thân. Người cận thị có thể nhìn được những vật ở xa, người viễn thị thì nhờ kính mà nhìn được những vật ở gần… Đối với người làm những công việc đặc thù như bơi, trượt tuyết, đi xe máy tốc độ cao,… kính lại giúp mắt họ tránh khỏi nước, tuyết, gió, bụi,… Những người không bị bệnh về mắt, không có những hoạt động trên, khi ra đường cũng nên mang theo một cặp kính: để tránh nắng chói và gió bụi. Thậm chí, có những người sử dụng kính như một vật trang trí đơn thuần. Giá trị thẩm mĩ của kính có được bởi sự đa dạng của kiểu dáng và màu sắc.
Dù chủng loại phong phú như vậy nhưng về cơ bản, cấu tạo của các cặp kính rất giống nhau. Một chiếc kính đeo mắt gồm có hai bộ phận: Tròng kính và gọng kính. Gọng kính làm khung cho kính và là bộ phận nâng đỡ tròng kính. Gọng kính cũng gồm hai phần được nối với nhau bởi một khớp sắt nhỏ. Phần sau giúp gá kính vào vành tai. Phần trước đỡ lấy tròng kính và giúp tròng kính nằm vững trước mắt. Gọng kính có thể được làm bằng kim loại nhưng phổ biến nhất vẫn là gọng nhựa bền, nhẹ. Bộ phận quan trọng nhất của kính – tròng kính – thì không thể thay đổi cấu tạo gốc và có một tiêu chuẩn quốc tế riêng. Hình dáng tròng kính rất phong phú, nó phụ thuộc vào hình dáng gọng kính: tròn, vuông, chữ nhật… Tròng kính có thể làm bằng nhựa chống trầy hay thủy tinh nhưng đều cần tuân theo quy tắc chống tia uv và tia cực tím (hai loại tia được phát ra bởi mặt trời, rất có hại cho mắt). Ngoài ra, một chiếc kính đeo mắt còn có một số bộ phận phụ như ốc, vít… Chúng có kích thước rất nhỏ nhưng lại khá quan trọng, dùng để giữ các bộ phận của chiếc kính.
Bài văn Thuyết minh về kính đeo mắt hay nhất
Bên cạnh loại kính gọng còn có loại kính áp tròng. Đó là một loại kính đặc biệt, nhỏ, mỏng, được đặt sát vào tròng mắt. Riêng với loại kính này phải có sự hướng dẫn sử dụng tỉ mỉ của bác sĩ chuyên ngành.
Việc sử dụng kính tác động rất lớn đến sức khoẻ của mắt bởi vậy cần sử dụng kính đúng cách. Để lựa chọn 1 chiếc kính phù hợp với đôi mắt, cần phải theo tư vấn của bác sĩ. Không nên đeo loại kính có độ làm sần vì loại kính này được lắp hàng loạt theo những số đo nhất định nên chưa chắc đã phù hợp với từng người. Mỗi loại kính cũng cần có cách bảo quản riêng để tăng tuổi thọ cho kính. Khi lấy và đeo kính cần dùng cả hai tay, sau khi dùng xong cần lau chùi cẩn thận và bỏ vào hộp đậy kín. Kính dùng lâu cần lau chùi bằng dung dịch chuyên dụng. Đối với loại kính tiếp xúc trực tiếp với mắt như kính áp tròng, cần phải nhỏ mắt từ sáu lần đến tám lần trong vòng từ mười đến mười hai tiếng để bảo vệ mắt. Kính áp tròng đưa thẳng vào mắt nên phải luôn luôn ngâm trong dung dịch, nếu không sẽ rất dễ bám bụi gây đau mắt, nhiễm trùng các vết xước… Trong quá trình học tập, làm việc, đeo kính phù hợp sẽ giúp chúng ta tránh khỏi nhức mỏi mắt, đau đầu, mỏi gáy, mỏi cổ…
Đeo một chiếc kính trên mắt hẳn ai cũng tò mò muốn biết sự ra đời của kính? Đó là cả một câu chuyện dài. Vào năm 1266 ông Rodger Becon người Italia đã bắt đầu biết dùng chiếc kính lúp để có thể nhìn rõ hơn các chữ cái trên trang sách. Năm 1352, trên một bức chân dung người ta nhìn thấy một vị hồng y giáo chủ đeo một đôi kính có hai mắt kính được buộc vào một cái gọng. Như vậy chúng ta chỉ có thể biết được rằng đôi kính được làm ra trong khoảng thời gian giữa năm 1266 và 1352. Sự ra đời của những cuốn sách in trở thành động lực của việc nghiên cứu, sản xuất kính. Vào thế kỷ XV những căp kính chủ yếu được sản xuất tại miền bắc nước Ý và miền nam nước Đức – là những nơi tập trung nhiều người thợ giỏi. Năm 1629 vua Charles I của nước Anh đã ký sắc lệnh thành lập hiệp hội của các thợ làm kính mắt. Đến năm 1784, ông Bedzamin Franklin người Đức đã sáng tạo ra những đôi kính có hai tiêu điểm.
Chiếc mắt kính đeo mắt là một vật dụng quen thuộc với đời sống hằng ngày. Nếu biết cách sử dụng và bảo quản tốt, kính sẽ phát huy tối đa công dụng của mình. Hãy cùng tìm hiểu về kính để có thể biến “lăng kính” của “cửa sổ tâm hồn” trở nên phong phú và hoàn thiện hơn.
——————–HẾT BÀI 1———————–
Trên đây là phần Thuyết minh về cặp kính đeo mắt. Ngoài ra, em có thể tham khảo nội dung Thuyết minh cái phích nước hoặc em hãy Thuyết minh về chiếc nón lá để nắm rõ hơn cách thuyết minh về đồ vật.
2. Thuyết minh về kính đeo mắt lớp 8, mẫu số 2:
Trong những vật dụng mà chúng ta thường dùng thì chiếc kính đeo mắt rất cần thiết đối với mọi người thuộc các lứa tuổi khác nhau.
Cấu tạo của chiếc kính gồm hai bộ phận chính là gọng kính và mắt kính. Gọng kính được làm bằng nhựa cao cấp hoặc kim loại quý. Gọng kính chia làm hai phần: phần khung để lắp mắt kính và phần gọng để đeo vào tai, nối với nhau bởi các ốc vít nhỏ, có thể mở ra, gập lại dễ dàng. Chất liệu để làm mắt kính là nhựa hoặc thủy tinh trong suốt. Gọng kính và mắt kính có nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau.
Kính đeo mắt có nhiều loại. Loại thường như kính râm, kính trắng không số dùng che nắng, che bụi khi đi đường. Loại kính thuốc gồm kính cận, kính viễn, kính loạn thị, kính dùng sau khi mổ mắt… Muốn sử dụng, người có bệnh về mắt phải đi đo thị lực để kiểm tra, từ đó mới có thể chọn kính chính xác, không gây ra các tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn… Không nên vì lí do thẩm mĩ mà ngại đeo kính thuốc khi bị bệnh. Nếu vậy sẽ làm độ cận hoặc độ viễn của mắt tăng rất nhanh.
Bài thuyết minh về chiếc kính đeo mắt ngắn gọn
Lúc sử dụng kính, nên nhẹ nhàng mở bằng hai tay. Dùng xong nên lau sạch tròng kính bằng khăn lau mềm, mịn. Cất kính vào hộp để ở nơi cố định dễ tìm như trong ngăn tủ, ngăn bàn, mặt bàn… tránh các vật nặng đè vỡ hoặc làm trầy xước mặt kính. Thường xuyên rửa kính bằng nước, lau sạch tròng kính bằng khăn chuyên dùng. Để mặt kính không biến dạng, khi đeo và tháo kính nên dùng hai tay cầm hai gọng kính. Đối với gọng kính kim loại, nên thường xuyên kiểm tra, vặn chặt các ốc vít để giữ chặt tròng kính. Phải dùng kính đúng độ thì thị lực đỡ suy giảm.
Kính đeo mắt ngoài tác dụng giúp cho chúng ta nhìn nhận sự vật chính xác, tăng cường hiệu quả học tập và lao động thì còn là vật trang sức làm tăng thêm vẻ duyên dáng, thanh lịch cho mỗi người.
Con người có năm giác quan thì thị giác là giác quan hoàn hảo nhất và quan trọng nhất. Vì vậy, việc giữ gìn để có đôi mắt trong sáng và tinh tường đồng nghĩa với bảo vệ cuộc sống của chính mình.
3. Thuyết minh về cặp kính đeo mắt, mẫu số 3:
Con người từ khi sinh ra đã có một sự thông minh vượt bậc so với các loài động vật khác. Bởi thế mà họ đã sáng tạo ra nhiều thứ để nhằm phục vụ cho cuộc sống của mình. Một trong những phát minh có tính ứng dụng cao của con người chính là những vật dụng thiết yếu hàng ngày. Trong đó có chiếc kính đeo mắt.
Chiếc kính đầu tiên được ra đời ở Ý vào năm 1920. Chiếc kính thô sơ nhất ban đầu chỉ gồm hai mắt kính nối với nhau bằng hai sợi dây rồi đè lên sống mũi. Vào năm 1930, để việc mang kính được dễ dàng hơn, một chuyên gia quang học ở Luân Đôn đã sáng tạo ra hai gọng kính. Có nhiều loại kính khác nhau tuy nhiên về cấu tạo chung của chúng là giống nhau. Kính mắt bao gồm hai bộ phận chính là tròng kính (mắt kính) và gọng kính. Tròng kính được làm từ nhựa tổng hợp hoặc thủy tinh khúc xạ ánh sáng. Tròng kính có thể chống được các tia UV, tia cực tím của ánh sáng Mặt Trời. Tròng kính có hình tròn hoặc vuông, có kích thước sao cho phù hợp với gọng kính. Thường trước khi chọn tròng kính, người mua sẽ chọn gọng kính trước. Gọng kính chiếm 80% vẻ đẹp của chiếc kính. Gọng kính là bộ phận nâng đỡ tròng kính và làm khung cho mỗi chiếc kính. Thông thường, gọng kính được làm từ nhựa bền, nhẹ, có nhiều màu sắc hoặc có thể làm bằng kim loại. Gọng kim loại cứng cáp và chắc chắn hơn gọng nhựa, tuy nhiên do nặng hơn cũng như giá thành cao hơn nên gọng kim loại ít được ưa chuộng. Ngày nay còn có loại gọng kính được làm bằng titan nhẹ bền đẹp nhưng giá thành khá cao nên cũng chưa phổ biến. Ngoài ra, kính còn các bộ phận, chi tiết nhỏ như ốc, vít để kết nối các bộ phận với nhau.
Bài văn Thuyết minh về cặp kính đeo mắt
Từ khi ra đời, chiếc kính đã có nhiều chủng loại khác nhau, Có kính râm, kính thuốc, kính thời trang… Tùy chức năng của người dùng mà lựa chọn các loại kính khác nhau. Chẳng hạn kinh thuốc dùng cho những người có tật về mắt: cận, viễn, loạn. Đa số người dùng kính để khắc phục những bệnh về mắt của mình. Kính râm là loại kính khá khác so với kính thuốc. Nếu tròng kính của kính thuốc thường nhỏ, dày thì tròng kính của kính râm to hơn, mỏng hơn. Tròng kính của kính thuốc thường làm bằng thủy tinh thì kính râm thường là nhựa tổng hợp, có màu sắc bắt mắt. Kính râm có khả năng chống tia UV cao hơn so với các loại kính khác. Vì thế mà nó được ưa chuộng khi đi ra ngoài đường đặc biệt là những ngày nắng nóng. Kính râm có kiểu dáng, màu sắc đa dạng hơn kính thuốc rất nhiều. Chúng có màu sắc khá bắt mắt, không đơn giản như kính thuốc. Còn loại kính thời trang thì được dùng để tạo dáng cho mắt và khuôn mặt đẹp hơn, hợp thời trang hơn. Loại kính này có thể bắt gặp nhiều trên các tạp chí thời trang hay shot hình mẫu ảnh…
Mỗi loại kính đều có cách bảo quản riêng để kính được bền, đẹp, lâu hơn. Khi lấy và đeo kính cần dùng hai tay. Sau khi dùng nên lau chùi cẩn thận và cất vào hộp đựng kính để tránh rơi vỡ. Mắt kính làm bằng các chất liệu này rất dễ vỡ và trầy xước. Khi tròng kính bị trầy xước không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tầm nhìn của người dùng. Lâu ngày, kính cần được vệ sinh bằng dung dịch chuyên dụng. Ngày nay, có rất nhiều kiểu dáng mẫu mã khác nhau của kính mắt để phù hợp với thẩm mỹ cũng như nhu cầu tính thẩm mỹ cao của người tiêu dùng. Chiếc kính mắt ngày càng đa dạng hơn. Có thể thấy được sự sáng tạo của con người ngày càng phát triển. Việc sử dụng kính ngày càng cần thiết đối với con người. Với sự phát triển của giáo dục cũng như các yếu tố khác như ngành điện tử phát triển như vũ bão tỉ lệ người mắc các tật về mắt ngày càng tăng đặc biệt là trẻ nhỏ, nhu cầu về sử dụng kính thuốc vì thế cũng tăng lên. Không thể phủ định lợi ích mà chiếc kính mắt đem lại cho con người. Đây được xem là phát minh có tính ứng dụng cao trong lịch sử nhân loại.
Chiếc kính mắt là vật dụng không thể thiếu của con người ngày nay. Với những công dụng, tiện ích mà nó đem lại, chiếc kính ngày càng trở nên quen thuộc với con người. Phải nói rằng, nó là một trong những vật dụng hữu ích cho con người thời đại ngày nay.
4. Thuyết minh về cặp kính đeo mắt, mẫu số 4:
Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều thứ nhỏ bé nhưng lại có nhiều công dụng. Một cái chai nhựa bỏ đi có thể làm một lọ để cắm hoa, hay để làm thành một cái phễu rót nước cho đỡ tràn…tùy vào mục đích sử dụng mà người ta có thể sử dụng hay đơn giản là nó vẫn được để nguyên để đựng nước. Chiếc kính mắt của con người chúng ta cũng là một vật như thế, tuy nhỏ bé nhưng lại có rất nhiều công dụng.
Kính mắt còn có lịch sử hình thành, một vật nhỏ bé như thế nhưng con người chúng ta phải trải qua nhiều lần sáng tạo mới làm ra nhiều loại kính đẹp như ngày hôm nay. Cho tới nay vẫn không ai biết một cách chắc chắn mắt kính đã xuất hiện khi nào và tên của người làm ra cặp kính đầu tiên. Nhưng qua nhiều tài liệu người ta cho rằng kính mắt đã xuất hiện từ trước công nguyên ở Trung Quốc, sau đó những khách đến du lịch đã mang mắt kính về Châu Âu. Hình dạng chiếc kính đầu tiên được phát hiện trong di chỉ khảo cổ ở Nineveh – Iraq với niên đại vào năm 1002, là một thấu kính hình bầu dục bằng đá thạch anh, qua đó có thể thấy rằng người Babilon và người châu Á cổ đại đã phát hiện được một loại đá quý có tác dụng phóng đại hình ảnh để làm kính. Và cứ như thế cho đến nay thì những chiếc kính mắt hợp thời trang lại ra đời sau nhiều lần sáng tạo kiểu dáng.
Về cấu tạo thì chiếc kính mắt chia thành hai phần lớn đó là phần gọng kính và phần mắt kính. Phần gọng kính giống như một bộ xương nâng đỡ toàn bộ mắt kính và để đeo được lên mắt của chúng ta. Chiếc gọng kính gồm hai cái được thiết kế dưới dạng cái móc để có thể gài vào tai mà không bị rơi. Hiện nay trên thị trường thì có rất nhiều loại gọng màu phong phú vì thế chúng ta có thể dễ dàng lựa chọn màu mà mình yêu thích. Hai mắt kính được thiết kế theo dạng tròn hoặc là vuông nhỏ và vuông to. Những mắt kính gương to thường được gọi bằng cái tên thông dụng là mắt kính nô bi ta rất đáng yêu và dễ thương. Ở giữa hai mắt kính ấy chính là phần đệm như hai giọt nước nhỏ để đệm lên mũi cho tránh gọng kính va vào mũi gây đau.
Bài thuyết minh về cặp kính đeo mắt chi tiết, dễ hiểu
Về phân loại mắt kính thì chúng ta phân thành ba bốn loại kính chính đó là kính râm, kính thời trang, kính cận và kính viễn. Trong bốn loại kính ấy lại phân ra nhiều loại kính khác nhau nữa. Kính râm thường có màu đen hay màu đỏ hồng, kính thời trang thì gồm nhiều loại kính với nhiều hình dáng khác nhau ví dụ như là kính mắt hình tròn, hình vuông lớn và nhỏ, hình ngôi sao, hình trái tim…Kính cận dành cho những người bị cận thị còn kính viễn dành cho những người già bị viễn thị. Hai loại kính này được sáng tạo theo nguyên lý của kính hội tụ và kính phân kì. Tùy vào độ cận viễn khác nhau mà người ta có thể thiết kế những kính dày hay mỏng.
Về công dụng thì nó có nó được chia ra làm ba loại kính khác nhau: Thứ nhất là kính râm thì chúng có công dụng che ánh nắng bụi bẩn, gió khi đi xe. Nó bảo vệ mắt khỏi những ánh sáng quá lớn và những bụi bẩn trên đường. Chính vì thế mà khi đi xa hay tham gia giao thông chúng ta thường đeo kính râm. Thứ hai là kính thời trang thì nó có công dụng giống như cái tên của nó. Mang lại vẻ sành điệu hoặc trẻ trung xì teen cho con người. Không những thế những loại kính thời trang sẽ giúp cho bạn trở nên tri thức hơn. Thứ ba là kính cận và kính viễn thì hai loại kính này ngày nay cũng được thiết kế hợp thời trang với từng lứa tuổi giúp cho những người có tật ở mắt có thể nhìn hình ảnh một cách rõ nét hơn.
Tuy nhiên kính mắt cũng đem lại những “di chứng” khó chữa đó là khi đeo nhiều sẽ khiến cho sống mũi bị lõm xuống vì phải đỡ kính cho nên khi bỏ kính ra nhìn sẽ rất xấu. Riêng kính cận thì sẽ gây dại mắt khi không đeo kính.
Như vậy có thể nói kính mắt có tác dụng vai trò rất lớn trong đời sống của chúng ta. Một vật dụng hết sức nhỏ bé nhưng lại có biết bao nhiêu là tiện ích, từ một vật che gió che nắng đến thời trang và giúp cho chúng ta nhìn hình ảnh một cách rõ ràng khi mắc những bệnh ở mắt.
Ngoài chủ đề thuyết minh về chiếc kính đeo mắt, các em học sinh còn gặp các chủ đề khác như Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam, Thuyết minh về áo dài Việt Nam, Thuyết minh về cây bút bi,… Để có ý tưởng viết bài, mời các em tham khảo các bài văn thuyết minh mẫu mà chúng tôi đã chuẩn bị. Chúc các bạn học tốt.
5. Thuyết minh về cặp kính đeo mắt, mẫu số 5:
Trong cuộc sống con người hàng ngày có vô vàn vật dụng quen thuộc , trong đó phải kể đến chiếc kính đeo mắt. Nó không chỉ là công cụ hỗ trợ các bệnh về mắt mà còn mang tính thẩm mỹ cao phục vụ nhu cầu làm đẹp của con người.
Chiếc kính đeo mắt này có từ xa xưa,theo lịch sử ghi lại, kính đeo mắt được phát minh năm 1920 tại Ý. Thiết kế của kính năm ấy gồm hai mắt kính tròn và hai sợi dây nối hai mắt kính với nhau đè lên mũi. Sau những sáng chế mới , kính có gọng đè cố định ở vành tai như chiếc kính ngày nay.
Kính khá quen thuộc đối với chúng ta, nó có thiết kế cơ bản với hai bộ phận là gọng kính và mắt kính, bên cạnh đó là một số bộ phận nhỏ khác. Nói đến gọng kính , nó chiếm đến 80% chiếc kính đeo mắt, là một bộ phận khá quan trọng để nâng đỡ mắt kính, cố định vị trí của kính khi đeo vào mắt chúng ta. Gọng kính lại gồm gọng trước và gọng sau , hai phần được gắn kết với nhau bởi hai chiếc ốc vít nhỏ cơ động giúp kính có thể gập khì không dùng và mở ra khi sử dụng. Giờ đây hình dáng đa dạng, chất liệu phong phú, kính được làm từ nhiều chất liệu như: Nhựa cứng, nhựa dẻo, sắt không rỉ,… Tùy vào từng chất liệu mà độ bền khác nhau và giá cả khác nhau. Con người có thể chọn loại kính phù hợp , có giá cả phù hợp với túi tiền. Bộ phận tiếp theo của kính là mắt kính, phần quan trọng nhất quyết định giá trị sử dụng của kính đeo mắt. Mắt kính có rất nhiều hình dạng như hình tròn, vuông hoặc được mài theo hình dạng vừa khớp với gọng kính. Chất liệu chủ yếu để làm ra mắt kính thường là nhựa chống chày xước, thủy tinh… Tuy chất liệu khác nhau những chúng có công dụng là chống tia UV, tia cực tím từ mặt trời, những tia độc hại gây ảnh hưởng đến mắt con người. Và ốc vít cũng là một bộ phận không thể thiếu đóng vai trò gắn kết các bộ phận tạo nên chiếc kính đeo mắt hoàn chỉnh.
Thuyết minh về cặp kính đeo mắt lớp 8
Trong đời sống, kính đóng vai trò vô cùng quan trọng và cúng không còn mấy xa lạ đối với con người. Nó là vật dụng phổ biến hỗ trợ các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị, viễn,…. Hầu như những công dụng này đều phụ thuộc vào đối tượng sử dụng. Trẻ em đến trung niên thường sử dụng các loại kính hỗ trợ khắc phục các tật về mắt như loạn, cận,.. Còn kính Viễn thường hồ trợ cho người cao tuổi, mắt bị lão hóa, không còn nhìn rõ chữ , số. Bên cạnh đó, kính còn phụ vụ nhu cầu thẩm mỹ của con người đó là kính dâm. Có cấu tạo giống kính cận nhưng mắt kính có màu sắc: đen, nâu, xanh,… vừa làm đẹp vừa giúp bảo vệ đôi mắt con người khỏi ánh mặt trời chói chang. Đó là hai loại kính phổ biến , và còn hàng trăm lọaị kính khác nữa được ra đời nhằm phục vụ các hoạt động khác của con người.
Kính là vật dụng được sử dụng thường xuyên nên bảo quan kính là một việc không thể thiếu, cần lau chùi cẩn thận bằng dung dịch chuyên dùng và sau đó cất vào hộp đựng tránh bị tác động mạnh, rơi sẽ làm cong vênh gọng kính thậm chí là gãy. Trên thị trường Việt Nam hiện nay , kính đeo mắt rất thông dụng và cũng đem lại một nguồn lợi ích phục vụ con người cả về mặt sức khỏe và kinh tế.
Kính là một vật dụng hữu ích và đa năng đối với đời sống của con người. Chúng ta ngày càng phải phát triển , cải tạo công cụ phục vụ tốt nhất cho đôi mắt- cửa sổ tâm hồn.
6. Thuyết minh về cặp kính đeo mắt, mẫu số 6:
Kính đeo mắt là một vật dụng rất quen thuộc và phổ biến trong đời sống thường ngày, từ lâu nay, người ta thường sử dụng kính đeo mắt khi bị tật khúc xạ, bị lão thị, khi cần bảo vệ mắt hay chỉ với mục đích thời trang và thẩm mỹ.
Cấu tạo của chiếc kính đeo mắt gồm hai phần chính là phần gọng và phần tròng kính. Gọng kính có hai loại phổ biến là gọng làm bằng kim loại chống rỉ và gọng làm bằng nhựa (cứng hoặc dẻo). Hiện nay, gọng nhựa được ưa chuộng hơn cả vì đẹp và bền, lại thời trang với đủ các loại màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng,… tùy ý chọn lựa. Kiểu dáng cũng rất đa dạng, có loại kính to, kính nhỏ, kính mắt tròn, kính mắt vuông,… phù hợp cho mọi khuôn mặt ở mọi lứa tuổi và giời tính. Gọng kính cũng được chia làm hai phần, phần quai đeo và phần lắp mắt kính được nối với nhau bằng một bản lề nhỏ có ốc vặn. Quai đeo có dáng hơi cong ở đuôi để đeo vào tai, nơi lắp mắt ở phần sống mũi có hai phần nhỏ nhô ra gọi là giá đỡ để cố định kính. Khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển thì tròng kính chủ yếu làm bằng chất liệu thủy tinh, nó có ưu điểm là ít trầy xước, giữ được độ trong suốt lâu, nhưng kính thường nặng, nhất là những kính có độ cao, dễ vỡ và không an toàn cho người sử dụng. Ngày nay các loại kính bằng chất liệu thủy tinh ít được sử dụng nữa mà người ta thay thế bằng nhiều loại vật liệu tổng hợp ưu việt hơn như là: Plastic,trivex, photochromic,…
Kính đeo mắt cũng rất đa dạng trong công dụng khi đưa vào đời sống tùy vào nhu cầu sử dụng mà người ta cần có cách dùng khác nhau. Nếu là kính cận, viễn, loạn,… thì người sử dụng phải đi kiểm tra kĩ lưỡng về mắt để cắt kính cho đúng độ bởi kính thuốc có công dụng giúp những người có bệnh khúc xạ về mắt có thể nhìn thấy mọi vật rõ ràng hơn. Ngoài ra, kính đeo mắt còn có loại kính râm phù hợp cho người đi nắng để bảo vệ đôi mắt khỏi khói bụi, ánh sáng mặt trời,… khi ra đường. Có kính bơi bảo vệ mắt các vận động viên bơi lội ở trong môi trường nước; kính an toàn bảo vệ mắt chống lại các mảnh vụn bay dành cho công nhân xây dựng hoặc kỹ thuật viên phòng thí nghiệm,… Với xu hướng như ngày nay, nhiều bạn trẻ còn coi chiếc kình đeo mắt như một món đồ thời trang, thể hiện phong cách độc đáo, trẻ trung.
Thế nhưng, kính mắt cũng có một số hạn chế mà ta cần biết. Đó là không phù hợp với một số môn thể thao, đặc biệt là thể thao mạnh; dễ bị dính hơi nước do nước nóng, thức ăn nóng, bơi, mưa, thời tiết thay đổi đột ngột; khi trầy xước thì khó khôi phục, nếu khôi phục thì mất nhiều thời gian, tiền, và cần đến chuyên gia (mặc dù kính hầu như rất bền và chống xước tốt); đối với loại kính thủy tinh thì rất dễ bị vỡ và khó bảo quản.
Vậy nên chúng ta cần biết cách sử dụng, bảo quản hợp lí chiếc kính đeo mắt của mình. Khi cầm lên đeo, nên cầm bằng cả hai tay, đeo thẳng để tránh gọng bị gẫy hay biến dạng, khi tháo kính cũng cầm cả hai tay. Nên cầm vào phần gọng kính, không cầm vào phần mắt, dễ làm cho mắt bị mờ và chú ý khi sử dụng xong phải cất ở những nơi an toàn, dễ thấy như trong hộp kính, trong ngăn tủ,… Không để những vật nặng đè lên kính sẽ làm cho kính bị gãy, hỏng và tránh đánh rơi kính. Thỉnh thoảng nên vệ sinh mắt kính và gọng kính bằng vải mềm và nước để khi sử dụng cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Người dùng kính không thường xuyên có thể buộc kính vào một sợi dây để tránh bị mất. Những người sử dụng kính cận, loạn, viễn còn cần chú ý đi kiểm tra mắt định kì và điều chỉnh kính cho phù hợp với tình trạng của mắt để chiếc kính đeo mắt trở nên hữu dụng nhất có thể.
Hãy biết cách sử dụng và bảo quản chiếc kính đeo mắt của mình thật tốt đồng thời coi đó như một người bạn thân thiết, nó sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong cuộc sống.
———————–HẾT————————–
Ngoài nội dung ở trên, các em cũng có thể tìm hiểu Anh (chị) hãy viết bài thuyết minh giới thiệu khái quát về văn học dân gian Việt Nam với đoàn học sinh nước ngoài đến thăm trường, một dạng thuyết minh khác mà các em cần biết.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp