Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn Người trong bao

0
75
Rate this post

Đề bài: Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn Người trong bao

suy nghi ve cai chet cua nhan vat be li cop trong truyen ngan nguoi trong bao

 

Bạn đang xem: Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn Người trong bao

I. Dàn ý Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn Người trong bao
 

1. Mở bài

-Giới thiệu về truyện ngắn người Trong bao
– Dẫn dắt vấn đề: Cái chết của Bê-li-cốp
 

2. Thân bài

– Cái chết của Bê-li-cốp là cái chết kì lạ
+ Ngã cầu thang
+ Không chịu chạy chữa
→ Tiếng cười của Va-len-ca đã giáng một đòn nặng nề vào tâm lí sợ hãi cuộc sống, khiến hắn suy sụp nhanh chóng.
– Cái chết của Bê-li-cốp mang tính tất yếu
+ Lối sống thu mình trong bao, tách biệt với thế giới bên ngoài ắt bị xã hội đào thải
+ Con người, lối sống của Bê-li-cốp vốn chẳng thể hòa hợp với thế giới bên ngoài.
– Cái chết mang đến sự giải thoát cho chính bản thân Bê-li-cốp và cả những người dân sinh sống trong thành phố:
+ Người dân thành phố cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng
+ Bê-li-cốp được giải thoát khỏi những nỗi bất an, lo sợ vô hình.
– Cái chết chứa đựng những tư tưởng, quan niệm sâu sắc của tác giả Sê-khốp về xã hội Nga đương thời.

3. Kết bài

Khái quát vấn đề
 

II. Bài văn mẫu Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn Người trong bao

Thông qua việc xây dựng nhân vật Bê-li-cốp cùng hình tượng “chiếc bao”, nhà văn Sê-khốp trong truyện ngắn “Người trong bao” đã tái hiện đầy thành công hiện thực của xã hội Nga đương thời, đó là bầu không khí tù đọng, u ám của chế độ sa hoàng, cũng chính hiện thực đen tối ấy đã làm nảy sinh những tiêu cực trong đời sống con người Nga, nổi bật hơn cả chính là căn bệnh sợ hãi cuộc sống, một căn “bệnh dịch” có khả năng lây lan mạnh mẽ trong xã hội Nga đương thời. Bê-li-cốp chính là nhân vật đại diện cho lối sống thu mình trong bao cùng nỗi sợ cuộc sống đến cực đoan. Khi còn sống Bê-li-cốp là một hiện tượng kì dị, là đối tượng bàn tán, là trò cười đồng thời cũng là nỗi ám ảnh của người dân trong thành phố. Ngay cả khi đã chết đi thì cái chết của Bê-li-cốp cũng tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân nơi đây, đặc biệt hơn cả, thông qua cái chết ấy, nhà văn Sê-khốp đã truyền tải được những quan niệm, tư tưởng sâu sắc.

Bê-li-cốp trở nên “nổi tiếng” trong trường học và thành phố mình sinh sống bởi lối sống kì dị, khác người, hắn luôn xuất hiện một một diện mạo dị hợp: ăn mặc kín mít, chân đi ủng cao su, mắt đeo kính râm, tay cầm ô, và một chiếc bao đựng đủ mọi vật dụng lỉnh kỉnh khác. Không chỉ có diện mạo, trang phục khác người mà Bê-li-cốp còn là con người cổ hủ, cứng nhắc luôn sống theo những thông tư, giáo điều; hắn tôn sùng quá khứ, sợ hãi thực tại nên có thể nói trang phục, lối sống khép kín chính là lớp vỏ bọc, là “chiếc bao” mà hắn tự dựng lên để bảo vệ mình khỏi những tác động của cuộc sống xung quanh. Khi còn sống Bê-li-cốp chính là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với những người dân trong thành phố bởi, những người “may mắn” đến nhà và rồi dùng cái nhìn soi mói, đánh giá để “gắn kết mối quan hệ” đều không tránh được cảm giác ghét bỏ, sợ hãi; sự tồn tại của hắn khiến nhiều người phải dè chừng, e ngại.

Ấy thế mà một ngày nọ, mọi người trong thành phố bỗng kinh hoàng, sau đó cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhõm vì Bê-li-cốp đã chết đi. Sự hiện diện của Bê-li-cốp vốn đã kì lạ thế nhưng ngay cả cái chết của hắn cũng thật kì lạ, khác người. Mọi người chỉ biết hắn chết do bệnh nặng, thế nhưng không ai biết rằng nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của hắn. Bị Kô-va-len-cô đẩy ngã từ trên cầu thang vốn chỉ gây ra những vết thương ngoài da, thế nhưng chính tiếng cười lảnh lót “ha ha ha” của Va-len-ca mới là đòn trí mạng đối với hắn, tâm hồn nhu nhược cùng nỗi bất an thường trực trước cuộc sống của hắn bị đả kích đến không phục hồi được. Tiếng cười của Va-len-ca đã trở thành bóng đen ám ảnh trong tâm trí của Bê-li-cốp khiến hắn mắc tâm bệnh, kết hợp với vết thương thể xác mà chết.

Với người dân trong thành phố hay đối với chính bản thân Bê-li-cốp thì cái chết ấy cũng có rất ý nghĩa, đó chính là sự giải thoát. Đối với người dân trong thành phố, khi Bê-li-cốp chết đi họ cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái sau mười lăm năm tù đọng, u tối, tuy cảm giác ấy không kéo dài lâu nhưng trong giây phút nào đó họ cũng đã cảm thấy tự do và được thoải mái sau một thời gian dài bị tác động bởi “lối sống Bê-li-cốp”. Đối với bản thân Bê-li-cốp lại là sự giải thoát sau những bất an, tuyệt vọng cùng nỗi sợ khủng khiếp đối với cuộc sống. Khi còn sống Bê-li-cốp bị bủa vây bởi những nỗi sợ hãi, tuy đang sống nhưng hắn luôn cảnh giác, đề phòng với mọi thứ, ngay cả khi nhốt mình trong căn phòng kín mít của mình hắn vẫn chẳng thể yên tâm. Hắn sống đấy nhưng luôn phải gồng mình lên để chống chọi với những nỗi sợ không tên, sống là một niềm hạnh phúc nhưng nhìn vào hắn người ta sẽ hình dung ra rằng, đó chính là sự đầy ải khủng khiếp. Cái chết đến bất ngờ nhưng lại giải thoát cho hắn khỏi những bi kịch, bế tắc của cuộc đời.

Cái chết là kết thúc buồn, là nỗi mất mát lớn nhất trong cuộc đời mỗi người, thế nhưng đối với Bê-li-cốp đó lại là hạnh phúc bởi cuối cùng sau bao nỗi bất an, sợ hãi hắn cũng đã tìm được “chiếc bao” vững chắc và an toàn nhất cho cuộc đời mình, chính nét tươi tỉnh, hạnh phúc của hắn khi nằm trong quan tài đã khiến cho độc giả bất ngờ nhưng cũng vô tình thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng Bê-li-cốp đã có thể buông bỏ được những đề phòng, hoài nghi để sống một “cuộc sống” nhẹ nhàng hơn.

Cái chết của Bê-li-cốp tuy kì lạ, mang đến bất ngờ cho người dân trong thành phố và cả độc giả đang theo dõi câu chuyện, thế nhưng đây cũng là cái chết mang tính tất yếu. Lối sống bảo thù, hèn nhát của Bê-li-cốp hay cũng chính là của một bộ phận trí thức Nga đương thời không chỉ gây ra những bất an cho chính họ, những phiền toái, chán ghét đối với những người xung quanh mà khi nó lây lan, trở thành một căn bệnh dịch có thể kéo theo sự đi xuống của cả một xã hội; lối sống dị biệt ấy có thể tác động, kìm hãm sự phát triển của xã hội, nó khiến con người đánh mất đi ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Do đó, với kiểu người như Bê-li-cốp và lối sống trong bao đầy tiêu cực, sớm muộn cũng sẽ bị xã hội đào thải như một lẽ tất yếu. Tuy là kết thúc buồn nhưng lại là kết thúc hoàn hảo nhất cho cuộc đời của Bê-li-cốp, lựa chọn kết thúc như vậy nhà văn Sê-khốp cũng đã thể hiện được sự quyết liệt, dứt khoát trong việc loại bỏ lối sống tiêu cực, vạch ra con đường sáng để con người có thể sống tự do, hạnh phúc.

Thông qua cái chết của nhân vật Bê-li-cốp, Sê-khốp đã thể hiện quan niệm sâu sắc về sống sống của con người: Cuộc sống không chỉ là nơi con người tồn tại mà còn là nơi con người tìm kiếm hạnh phúc, phát triển và hướng đến sự tự do. Để có được tự do, hạnh phúc thì con người trước hết phải loại bỏ được những chiếc vỏ ốc vô hình để bước ra cảm nhận ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

——————–HẾT————————

Trên đây, chúng tôi đã cùng các em tìm hiểu về  cái chết của nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn Người trong bao, để có thêm những hiểu biết về truyện ngắn này, các em có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 11 khác như: Tính thời sự của hình tượng người trong bao trong xã hội hiện nay, Phân tích hình tượng Bê-li-cốp trong Người trong bao, Phân tích hình tượng cái bao trong truyện ngắn Người trong bao, Phân tích và nêu cảm nghĩ về Người trong bao của Sê-khốp.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/suy-nghi-ve-cai-chet-cua-nhan-vat-be-li-cop-trong-truyen-ngan-nguoi-trong-bao/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp