Đề bài: Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên
Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên
Bạn đang xem: Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên
I. Dàn ý Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên
1. Mở bài
– Sơ lược tác giả, tác phẩm.
– Hình tượng người mẹ trong Con cò.
2. Thân bài
a. Đoạn 1: Hình tượng người mẹ đã hiện lên thông qua những lời ru dịu dàng.
– Người mẹ không chỉ đơn thuần là hát ru con ngủ, mà còn truyền cho đứa con vẻ đẹp thanh bình của quê hương thông qua hình ảnh cánh cò trắng dập dờn.
→ Truyền cho con những nhận thức đầu đời về tình cảm với quê hương đất nước.
– Mẹ tâm tình với con “Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn/Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”, bộc lộ sự hy sinh, vất vả, cố gắng lao động từng ngày của người mẹ để cho đứa con của mình.
– Hình tượng con cò khổ cực, cô đơn, lặn lội kiếm ăn, chính là hình ảnh của người mẹ, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống dân tộc.
+ Họ đã phải chịu khổ cực, vất vả từng ngày, không quản đêm sáng, chịu nhiều nỗi đắng cay.
+ Trước đứa con thơ dại, người mẹ cũng không vì những vất vả đó mà oán trách, trái lại họ vẫn luôn thể hiện một tình yêu dịu dàng, nhân hậu, sẵn sàng bao bọc chở che.
b. Khổ thơ 2: Người mẹ gắn bó với con trong mọi sinh hoạt, trong mọi bước đi của cuộc đời.
– Người mẹ ôm ấp con, cho con giấc ngủ ấm áp, an bình, vỗ về cho con giấc ngủ đầy yêu thương trong suốt những năm tháng tuổi thơ, theo bước con tới trường.
– Những suy tư của người mẹ về tương lai xa, khi con lớn lên, khi con trưởng thành và bước vào đường đời.
c. Khổ cuối: Những suy nghĩ, những lời nhắn nhủ của mẹ dành cho đứa con còn ở trong nôi.
– Dặn dò con rằng dù đi đến bất kể đâu, mẹ vẫn một lòng sánh bước che chở cho con như thuở còn thơ bé bởi “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời/ lòng mẹ vẫn theo con”.
– Nhắc nhở con về cuộc đời của mẹ, một cuộc đời lam lũ vất vả mưa nắng dãi dầu, để che cho con cả một cuộc đời lênh đênh, tránh khỏi mưa gió. Mẹ không kể công, kể khổ thế nhưng cuộc đời này mẹ dành cho con tất cả những tình yêu to lớn vĩ đại nhất cũng là chỉ mong con lớn lên thành người có ích cho đất nước, không phụ tấm lòng mong mỏi của mẹ.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận.
II. Bài văn mẫu Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên
Chế Lan Viên (1920-1989), là một nhà thơ nổi tiếng của nền thơ ca Việt Nam thế kỷ XX. Tên tuổi của ông đã được biết đến rộng rãi khi phong trào thơ Mới giai đoạn (1932-1941) phát triển và thực sự bùng nổ với tập thơ Điêu tàn (1937), bằng một hồn thơ lạ lùng, đậm tính chất huyền bí, kinh dị. Đến sau cách mạng tháng Tám, nhiều bậc trí thức thức đương thời đã thoát khỏi tình cảnh bế tắc, và Chế Lan Viên cũng vậy, ông không còn đi tìm cái “tôi” với những vần thơ điên cuồng nữa mà rẽ hướng sang tập trung khai thác vẻ đẹp của con người, của đất nước, và vẻ đẹp của những tình cảm thiêng liêng bằng những vần thơ triết lý, trí tuệ, thấm đẫm suy tưởng với những hình ảnh thơ vừa gần gũi, vừa đa dạng, phong phú. Con cò là một trong những sáng tác hay nhất của Chế Lan Viên, tác phẩm được in trong tập Hoa ngày thường – Chim báo bão (1967). Trong đó hình ảnh người mẹ hiện lên thông qua hình ảnh bao trùm của bài thơ – hình tượng con cò một cách gần gũi, tha thiết, với lời thơ như những lời ru ngọt ngào, êm ái, đượm tình mẫu tử thiêng liêng.
Trong khổ thơ đầu tiên hình tượng người mẹ đã hiện lên thông qua những lời ru dịu dàng, vòng tay mẹ bồng con thật ấm áp, tràn đầy yêu thương, hạnh phúc, mẹ hát ru con những lời ru ngọt ngào:
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng…”
Người mẹ không chỉ đơn thuần là hát ru con ngủ, mà hơn cả tình yêu của người mẹ dành cho con ở đây còn là sự dạy dỗ đứa con khi còn tấm bé “con còn bế trên tay/con chưa biết con cò”, thế nhưng bằng tri thức, bằng tấm lòng của mình mẹ đã chỉ cho con biết đến con cò trong chính lời ru đầy yêu thương, ấm áp cả mình. Người mẹ đã truyền cho đứa con vẻ đẹp thanh bình của quê hương thông ba hình ảnh cánh cò trắng dập dờn, và cả những địa danh quen thuộc trên quê hương, truyền cho con những nhận thức đầu đời về tình cảm với quê hương đất nước.
Hình ảnh người mẹ tiếp tục hiện lên thông qua các mà mẹ tâm tình với con “Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn/Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”. Điều đó đã bộc lộ sự hy sinh, vất vả, cố gắng lao động từng ngày của người mẹ để cho đứa con của mình được giấc ngủ yên, được một tuổi thơ hạnh phúc, không phải lo âu suy nghĩ. Những câu thơ tiếp:
“Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng
Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng”.
Ở đây không chỉ là những lời người mẹ nói về hình tượng con cò khổ cực, cô đơn khi so sánh với con, mà hơn thế nữa thông qua hình ảnh con cò lặn lội kiếm ăn, ta thấy được đó chính là hình ảnh của người mẹ, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống dân tộc. Họ đã phải chịu khổ cực, vất vả từng ngày, không quản đêm sáng, chịu nhiều nỗi đắng cay, đối mặt với nhiều những khó nhọc, mệt mỏi trong cuộc đời cốt chỉ để kiếm được kế sinh nhai cho chồng cho con. Sự hy sinh ấy không phải ai cũng thấu hiểu, cũng sẻ chia được, thế nhưng trước đứa con thơ dại, người mẹ cũng không vì những vất vả đó mà oán trách, trái lại họ vẫn luôn thể hiện một tình yêu dịu dàng, nhân hậu, sẵn sàng bao bọc chở che, con cứ ngủ những giấc thật say nồng, còn ngoài kia bao nhiêu nắng mưa dãi dầu cứ để mẹ gánh. Cành mềm mẹ cũng như cò, mẹ cũng e ngại lắm, thế nhưng vì con mẹ chẳng còn sợ nữa, thậm chí mẹ sẽ vì con mà sẵn tay nâng cả cành mềm. Và trong những lời ru của mẹ luôn mang theo cả những tri thức tuyệt vời của dân tộc đem đến cho tuổi thơ con, tâm hồn con những khái niệm phong phú, tươi đẹp “thấm hơi xuân”. Và người mẹ luôn làm tất cả chỉ để dành cho con điều tốt đẹp nhất, cuộc sống tốt đẹp nhất, dòng sữa ngọt ngào nhất, cho con một tuổi thơ hạnh phúc đủ đầy.
Và không chỉ lúc thơ bé, khi con còn bế trên tay người mẹ mới gần gũi hết lòng, mà hình ảnh người mẹ, cũng như hình ảnh cánh cò vẫn luôn gắn bó và theo con suốt cả chặng đường đời.
“Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn”
Người mẹ ôm ấp con, cho con giấc ngủ ấm áp, an bình, vỗ về cho con giấc ngủ đầy yêu thương trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Khi con đến trường, mẹ dẫn con đi những bước đầu tiên mẹ đưa đón con hằng ngày, với một hy vọng cuộc đời con được thắp sáng bởi tri thức. Đặc biệt tình yêu của mẹ, sự dịu dàng, lo lắng, hy vọng cho con còn thể hiện trong những suy tư của người mẹ về tương lai xa, khi con lớn lên, khi con trưởng thành và bước vào đường đời.
“Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn”
Mẹ nghĩ về một tương lai xa, con sẽ trở thành thi sĩ, mang đến cho cuộc đời những vần thơ tốt đẹp, hay là con có trở thành ai đi chăng nữa, thì mẹ vẫn luôn sánh bước bên con, vẫn miệt mài dõi theo con cả cuộc đời, chỉ bởi con là con của mẹ.
Đến khổ thơ cuối hình ảnh của người mẹ hiện lên thông qua những suy nghĩ, những lời nhắn nhủ của mẹ dành cho đứa con còn ở trong nôi.
“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi, ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi”
Dẫu biết cho đến ngày con đi khắp phương trời, lên rừng xuống bể còn rất xa, thế nhưng người mẹ vẫn âu yếm dặn với con rằng dù đi đến bất kể đâu, mẹ vẫn một lòng sánh bước che chở cho con như thuở còn thơ bé bởi “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời/ lòng mẹ vẫn theo con”. Dẫu con 80 tuổi đời, mẹ đã một trăm thì suốt kiếp con vẫn mãi là đứa trẻ bé bỏng trong tấm lòng nhân ái bao la của mẹ không thay đổi. Mẹ cũng nhắc nhở với con rằng “Một con cò thôi/Con cò mẹ hát/Cũng là cuộc đời/Vỗ cánh qua nôi”, tức là lời dạy của mẹ về cánh cò, mẹ không chỉ hát để ru con ngủ, mà cánh cò đó cũng chính là cuộc đời của mẹ, một cuộc đời lam lũ vất vả mưa nắng dãi dầu, để che cho con cả một cuộc đời lênh đênh, tránh khỏi mưa gió. Mẹ không kể công, kể khổ thế nhưng cuộc đời này mẹ dành cho con tất cả những tình yêu to lớn vĩ đại nhất cũng là chỉ mong con lớn lên thành người có ích cho đất nước, không phụ tấm lòng mong mỏi của mẹ.
Con cò của Chế Lan Viên là một bài thơ hay và sâu sắc khi nói về tình mẫu tử thiêng liêng, vốn là đề tài rất được yêu thích trong các tác phẩm thơ ca sau cách mạng tháng tám. Sự khác biệt của Con cò so với các tác phẩm cùng đề tài chính là sự vận dụng hình ảnh cánh cò từ trong ca dao truyền thống để gây dựng nên hình tượng người mẹ, người phụ nữ Việt Nam tần tảo, chịu đựng và hy sinh điển hình. Cùng với đó là những vần thơ tự do ngắn dài linh hoạt, mang âm hưởng lời ru dịu dàng, đem đến cho người đọc những suy tưởng, triết lý sâu xa về tình mẫu tử và về cuộc đời mỗi con người cũng gói trọn trong mấy lời ru của mẹ.
“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru”.
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)
——————-HẾT———————-
Trên đây các em đã cùng phân tích Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, bên cạnh đó để hiểu chi tiết về bài thơ, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, Cảm nhận của em về bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, Bình giảng bài thơ Con cò của thi sĩ Chế Lan Viên, Chứng minh hình ảnh con cò là ý nghĩa biểu tượng cho tấm lòng người mẹ, luôn ở bên con đến hết cuộc đời
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp